Nằm trong kế hoạch tăng cường mối liên kết giữa chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại thuộc các nước ASEAN, nhận lời mời của Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã cử đoàn cán bộ sang thăm và làm việc tại Singapore từ ngày 6 đến ngày 10/8/2008. Đoàn công tác gồm 3 người: PGS.TS. Đỗ Tiến Sâm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, TS. Nguyễn Thu Phương – Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa – Lịch sử và Th.s Chử Bích Thu – Nghiên cứu viên phòng Nghiên cứu Văn hóa – Lịch sử.
Ngày 7/8/2008 đoàn đã đến thăm và trao đổi khoa học tại Viện Nghiên cứu Đông Á (EAI). Là viện nghiên cứu trực thuộc Đại học Quốc gia Singapore, thành lập vào năm 1983, EAI có chức năng phát triển học thuật, đi sâu nghiên cứu các nền kinh tế Đông Á. Bên cạnh đó, EAI cũng tiến hành nghiên cứu nhiều mặt về Trung Quốc hiện đại, sự biến đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, … của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay, sự phát triển của Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao và mối quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…
Hợp tác nghiên cứu là nội dung quan trọng trong chiến lược dài hạn của EAI nhằm nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu các vấn đề khu vực cũng như sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Hoạt động khoa học nổi bật của EAI là thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm khoa học và hội thảo quốc tế, qua đó mời các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước trình bày về những vấn đề quan tâm chung của khu vực. Nhân chuyến sang thăm và làm việc của đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc lần này, EAI cũng đã tổ chức một buổi tọa đàm khoa học mời PGS.TS. Đỗ Tiến Sâm phát biểu về: “Thực trạng và triển vọng trong quan hệ Việt – Trung từ sau khi bình thường hóa năm 1991 đến nay” [Ảnh 2]. Bài phát biểu đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các học giả Singpore. Qua đó đã giúp phía bạn hiểu rõ hơn tình hình nghiên cứu về Trung Quốc ở Việt Nam. Về phía Việt Nam cũng nhận thấy EAI là một viện nghiên cứu đầy đủ tiềm năng cả về nhân lực lẫn tài lực, có thể xem là một trong những đối tác chiến lược của chúng ta trong nghiên cứu Trung Quốc hiện đại.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, nhận lời mời của PGS.TS Yeoh Kok Kheng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc (ICS) thuộc Đại học Malaya (Malayxia), đoàn đã dành chọn vẹn 1 ngày đến làm việc và trao đổi khoa học tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Malayxia) [Ảnh 3]. Đây là một Viện nghiên cứu mới được thành lập vào tháng 2/2004 theo đề xuất của Thủ Tướng Malayxia Abdulah Ahmad Badawi sau chuyến viếng thăm Trung Quốc tháng 9/2003. ICS là viện chuyên nghiên cứu về Trung Quốc đầu tiên ở Malayxia, có chức năng nghiên cứu cơ bản về Trung Quốc, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách của Chính phủ. Hiện nay, Viện đang tập trung nghiên cứu sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… của cộng đồng Hoa kiều tại Đông Nam Á và Malayxia. Với đặc thù là viện nghiên cứu trẻ, ICS đang đẩy mạnh chương trình trao đổi hàn lâm, phối hợp nghiên cứu với các viện khoa học và trường đại học ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và các nước khác trong nghiên cứu về Trung Quốc. Buổi trao đổi khoa học giữa ICS với đoàn công tác đã đem lại sự hiểu biết rõ hơn về tình hình nghiên cứu Trung Quốc ở mỗi nước, hai bên đều thống nhất sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong tương lai để đạt hiệu quả cao nhất trong nghiên cứu về Trung Quốc.
Có thể thấy rằng, chuyến công tác tại Singapore và Malayxia lần này đã thu được kết quả to lớn, mở ra triển vọng hợp tác với các nước ASEAN để cùng nhau hướng tới việc nghiên cứu một cách có hệ thống và hiệu quả về Trung Quốc hiện đại, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc vì mục tiêu hoà bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.
Chử Bích Thu