Ngày 30-12-2008, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập (1993-2008). Đến dự Lễ kỷ niệm có GS.TS Đỗ Hoài Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam; GS Văn Trọng, nguyên Trưởng ban Trung Quốc học, nguyên Viện trưởng Viện Châu Á - Thái Bình Dương; GS Nguyễn Huy Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc; nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc; đại diện các tổ chức nghiên cứu về Trung Quốc ở các trường đại học; các bậc lão thành; các nhà khoa học và đồng nghiệp có quan hệ gắn bó với Viện Nghiên cứu Trung Quốc; đại diện các cơ quan chức năng của Viện KHXH Việt Nam; đại diện các viện nghiên cứu khối quốc tế và trong nước thuộc Viện KHXH Việt Nam và đông đủ cán bộ, công chức của Viện Nghiên cứu Trung Quốc qua các thời kỳ.
Tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã đọc Báo cáo “Viện Nghiên cứu Trung Quốc - nhìn lại 15 năm và phương hướng hoạt động trong thời gian tới”. Bản Báo cáo đã nhìn lại và đánh giá những thành tựu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc trong chặng đường phát triển 15 năm qua, đồng thời chỉ ra những khó khăn, những vấn đề đang đặt ra, phân tích những bài học kinh nghiệm và đề ra một số phương hướng hoạt động của Viện trong thời gian tới.
GS.TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam trao Bằng khen
GS.TS Đỗ Hoài Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội
Là một trong 36 đơn vị hợp thành của Viện KHXH Việt Nam, trong 15 năm qua, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học; tổ chức và đào tạo cán bộ; công tác thông tin - tư liệu - thư viện; hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở vật chất… Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - lĩnh vực được coi là nhiệm vụ chính trị của Viện - 15 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm KHXH & NVQG, nay là Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu và sự tham gia tích cực của đội ngũ cộng tác viên, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã triển khai được 33 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, hơn 300 đề tài nghiên cứu cấp Viện, hiện đang triển khai 2 đề tài cấp Nhà nước, đồng thời tiến hành 5 đề tài hợp tác quốc tế. Riêng Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc do Viện chủ trì, từ số ra đầu tiên vào tháng 6-1995 đến tháng 12-2008 đã ra mắt bạn đọc được 88 kỳ, đăng tải hơn 800 công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, trong đó có khoảng hơn một nửa là của cán bộ khoa học của Viện. Các sản phẩm khoa học của Viện được công bố đã góp phần cung cấp thông tin cơ bản, toàn diện và tương đối có hệ thống về Trung Quốc trên các lĩnh vực: lịch sử, văn hoá, chính trị, kinh tế, xã hội, chính sách đối ngoại…
Bản báo cáo cũng đề cập tới những vấn đề còn tồn tại cùng những khó khăn đang đặt ra như: Việc nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo của Trung Quốc chưa được tiến hành; các đề tài nghiên cứu về Trung Quốc truyền thống, nhất là ở cấp Bộ chưa được chú ý, quan tâm đúng mức; tỉ lệ cán bộ được đào tạo trong các chuyên ngành về kinh tế học, xã hội học, chính trị học và quan hệ quốc tế còn ít; phương pháp nghiên cứu và tiếp cận trong nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa có tính liên ngành và chủ yếu dựa vào định tính, không có điều kiện đi khảo sát thực tiễn…
Trong quá trình 15 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn những mặt hạn chế, nhưng với những thành tựu đã đạt được, trong nhiều năm liền, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã được Hội đồng thi đua khen thưởng Viện KHXH Việt Nam bình xét là đơn vị xuất sắc. Đặc biệt, năm 2003, Viện đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.
Để tiếp tục quá trình phát triển vững mạnh trong tương lai, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã xác định phương hướng hoạt động từ nay tới năm 2020 như sau:
Phương hướng hoạt động chung là: Tuyển chọn người giỏi, tôn vinh người tài, nghiên cứu có định hướng, đào tạo theo quy hoạch và làm việc theo quy chế.
- Về nghiên cứu khoa học: Tập trung vào 3 chương trình nghiên cứu lớn: Trung Quốc truyền thống; Trung Quốc hiện đại; Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Từ nay đến năm 2010, tập trung hoàn thành tốt 2 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 1 chương trình nghiên cứu cấp Bộ, 1 đề tài nghiên cứu cấp Bộ độc lập và một số đề tài hợp tác quốc tế.
- Về công tác tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ: Xem xét lại cơ cấu tổ chức và đánh giá lại đội ngũ cán bộ để sắp xếp lại sao cho vừa có thể tạo điều kiện cho cán bộ ngày càng chuyên sâu, vừa có thể phối hợp tốt với nhau, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu cơ bản.
- Về công tác thông tin- tư liệu và xuất bản: Tiếp tục bổ sung những tài liệu có chất lượng nghiên cứu và tham khảo cho kho dữ liệu của Viện; xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành Trung Quốc học về kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại…; tiến tới thành lập thư viện điện tử và phòng đọc mở để phcuj vụ có hiệu quả cho công tác phục vụ bạn đọc; từ năm 2009, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc sẽ tăng số kỳ lên 12 kỳ/năm, vì thế bên cạnh việc đảm bảo nâng cao chất lượng, Tạp chí sẽ chú trọng hơn khâu phát hành, tăng nguồn thu để tái đầu tư; đầu tư cho hai trang web - một của Viện, một của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và ASEAN, sao cho các website này hoạt động hiệu quả hơn.
- Về đảm bảo cơ sở vật chất: Một mặt quản lý tốt cơ sở vật chất của Viện hiện có, mặt khác sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được cấp để cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức.
- Về phối hợp giữa lãnh đạo chính quyền với các tổ chức chính trị khác trong đơn vị: Công khai các hoạt động của chính quyền và các đoàn thể, công khai tài chính, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở…
Tiếp sau phần báo cáo của PGS.TS Đỗ Tiến Sâm, GS.TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam đã trao Bằng khen cho tập thể cán bộ, công chức Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội cho 10 cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc. GS.TS Đỗ Hoài Nam đã đánh giá cao Viện Nghiên cứu Trung Quốc trong việc góp phần phát triển và thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Trong 15 năm qua, những công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc thực sự rất có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách và những ai quan tâm đến những vấn đề về Trung Quốc”. GS.TS Đỗ Hoài Nam cũng bày tỏ sự khen ngợi trước những thành tựu của Viện trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ và cho rằng chính công tác này là điều kiện để tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự phát triển lâu dài của Viện Nghiên cứu Trung Quốc.
Tại Lễ kỷ niệm, các cán bộ lão thành, các nhà khoa học có nhiều năm gắn bó và gây dựng nền tảng ban đầu cho Viện Nghiên cứu Trung Quốc như GS Văn Trọng, GS Nguyễn Huy Quý… cũng đã phát biểu ý kiến nhằm động viên và cổ vũ thế hệ cán bộ trẻ tiếp tục phấn đấu, xây dựng Viện Nghiên cứu Trung Quốc thành một Viện nghiên cứu vững mạnh và có những bước đột phá trong tương lai.
Trong lời Bế mạc Lễ kỷ niệm, PGS. TS Đỗ Tiến Sâm đã thay mặt toàn thể cán bộ, công chức của Viện cám ơn những đóng góp của các nhà khoa học, các đồng nghiệp trong và ngoài nước đối với sự phát triển của Viện Nghiên cứu Trung Quốc.
Lưu Hương