Ngày 21 – 1 – 2009, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị cộng tác viên năm 2008 nhằm tổng kết và đánh giá công tác hoạt động năm 2008 và đưa ra những định hướng cho năm 2009. Tham dự gồm đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện, cộng tác viên... PGS. TS Đỗ Tiến Sâm, Tổng Biên tập đã tổng kết và đánh giá những hoạt động của Tạp chí trong năm, nêu rõ: năm 2008, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã ra được 9 kỳ, các chuyên mục ổn định, số lượng và chất lượng được nâng cao. Về hình thức, Tạp chí vẫn duy trì được hình thức trình bày đẹp, trang nhã, mang đặc sắc Trung Quốc.
Trong hơn 70 bài nghiên cứu đã tập trung vào một số chủ đề quan trọng và thời sự về Trung Quốc như: đánh giá 30 năm cải cách mở cửa, vấn đề “Tam nông”, quan hệ Trung Quốc – ASEAN và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, năng lượng, môi trường, công bằng xã hội, đối phó với khủng hoảng tài chính và tiền tệ…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, Tạp chí vẫn còn một số mặt hạn chế như: bài viết chưa đồng đều trong các chương mục…
PGS.TS Đỗ Tiến Sâm, Tổng biên tập nhấn mạnh, năm 2009 Tạp chí sẽ tăng lên 12 kỳ/năm. Các bài viết sẽ tập trung xoay quanh các chủ đề:
- CHND Trung Hoa 60 năm xây dựng và phát triển; những kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong công cuộc cải cách mở cửa; những vấn đề nổi bật ở Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI và định hướng đến năm 2020; quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
- Tiếp tục đăng tải những nội dung đột phá về mặt lý luận và sáng tạo trong thực tiễn như: xây dựng các “đặc khu mới”; việc chuyển đổi mô hình phát triển và phương thức tăng trưởng kinh tế; những thí điểm trong cải cách chính trị như vấn đề dân chủ cơ sở, việc giải quyết vấn đề dân sinh và quản lý xã hội; những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại như quan hệ Trung Quốc – Mỹ, Trung Quốc – Nhật bản – Hàn Quốc, Trung Quốc – Nga – ấn Độ…
Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu và các cộng tác viên đã nhiệt tình đóng góp những ý kiến tâm huyết cho sự phát triển của Tạp chí. Các ý kiến tập trung chủ yếu thảo luận vấn đề đưa Tạp chí trở thành diễn đàn tranh luận học thuật của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; phản ánh những vấn đề nổi bật của Trung Quốc, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam./.
Nguyễn Vượng