Ngày 10 tháng 1 năm 2009, tại Viện Sử học-Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Cường đã bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước chuyên ngành lịch sử thế giới cận đại và hiện đại với đề tài: “Quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1978-2003)” do PGS.TS. Đỗ Tiến Sâm và TS. Nguyễn Ngọc Mão hướng dẫn.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục, luận án được chia làm 3 chương. Chương I: Quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn Trung Quốc (1978-1991); chương II: Quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn Trung Quốc (1991-2003); chương III: Nhận xét quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn Trung Quốc và bài học kinh nghiệm.
Luận án trình bày khái quát và phân tích quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn của Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 2003. Luận án khẳng định, Trung Quốc đã giải phóng và phát triển tốt sức sản xuất xã hội qua từng giai đoạn như xây dựng thể chế kinh tế mới nông thôn qua việc thực hiện chế độ khoán, giải thể công xã nhân dân, tách chính quyền khởi hợp tác xã, cải tiến chế độ thu mua lương thực và giá nông sản (1978-1991), phát triển xí nghiệp hương trấn (1984-1991), đa dạng hóa ngành nghề nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác nông thôn,.. Tiếp đó, Trung Quốc bước sang giai đoạn “công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, thành thị lôi kéo nông thôn”, đẩy mạnh xây dựng nông thôn XHCN giai đoạn mới. Luận án khẳng định, phát triển kinh tế-xã hội nông thôn (1978-2003) đạt được thành tựu to lớn và toàn diện. Đạt được thành tựu đó chính là nhờ Trung Quốc không ngừng nâng cao nhận thức, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách (10 Văn kiện số 1), kết hợp tốt các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn như: chưa xử lí tốt quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, lợi ích của người nông dân chưa được coi trọng, một số vấn đề xã hội nông thôn chưa được giải quyết tốt. Bài học kinh nghiệm: Không ngừng nâng cao nhận thức về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân; không ngừng tổng kết thực tiễn và hoàn thiện hệ thống các quan điểm lí luận chỉ đạo và tổ chức giải quyết vấn đề “tam nông”; Giải phóng và phát triển hơn nữa sức sản xuất xã hội; Đặc biệt, phải phối hợp giữa công nghiệp-nông nghiệp, thành thị và nông thôn, phối hợp các nguồn lực xã hội, phối hợp giữa thị trường-Nhà nước và xã hội. Coi trọng giải quyết những bức xúc của nông dân, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp xã hội nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.
Lễ bảo vệ tiến hành đúng theo qui định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Cường đã bảo vệ thành công luận án và được Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cấp bằng học vị tiến sĩ lịch sử.
Bảo Khánh