Đông Á được biết đến là khu vực tăng
trưởng nhanh nhất thế giới và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu
trong năm 2020 (Theo WESP – 2020 của Liên hợp Quốc). Tuy nhiên đây cũng
là khu vực có nhiều nguy cơ tiềm ẩn xung đột, đặc biệt là giữa các nước
lớn như Mỹ và Trung Quốc, chính những nguy cơ này tạo ra những thay đổi
lớn đối với an ninh khu vực. Đặc biệt kể từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng
sản Trung Quốc và sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm
2017, cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia này ngày càng gay gắt trên
nhiều lĩnh vực ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Á
nói riêng. Có thể nói, với những sáng kiến “Vành đai và Con đường” của
Trung Quốc và chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ trong
thời gian qua cho thấy hình thái chính của sự cạnh tranh về vai trò của
Mỹ và Trung Quốc đối với an ninh khu vực đã và đang tạo ra những tác
động không nhỏ đối với những vấn đề an ninh của các quốc gia trong khu
vực Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Trước những diễn biến phức tạp trên, để nhận diện rõ hơn vài trò của Mỹ
và Trung Quốc đối với những vấn đề nóng của an ninh khu vực Đông Á hiện
nay cũng như những tác động trực tiếp và gián tiếp đối với an ninh
trong khu vực trong đó có Việt Nam, năm 2020, Nhà xuất bản Khoa học xã
hội xuất bản cuốn sách tham khảo với tựa đề: “Trung Quốc và Mỹ với an ninh Đông Á từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Tác động và dự báo”
do TS. Lê Văn Mỹ làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề
tài: “Vai trò của Trung Quốc và Mỹ đối với an ninh Đông Á từ sau Đại hội
XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Tác động và dự báo”.
Ngoài Lời nói đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1. Đông Á với lợi ích chiến lược của Trung Quốc và của Mỹ
Nội dung chính của chương này tập trung làm sáng tỏ 2 vấn đề sau: Thứ nhất,
lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Mỹ tại khu vực Đông Á. Trong đó,
mục tiêu chiến lược thiên niên kỷ của Trung Quốc liên quan đến Đông Á là
thể thiện tham vọng bá chủ khu vực và vươn ra thế giới. Chính vì vậy,
Bắc Kinh đang trở thành “ông chủ mới” trong khu vực, đặt ra nhiều thách
thức về an ninh và kinh tế cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt
Nam, nước nằm trong điểm rốn của vòng xoáy căng thẳng hiện nay. Với Mỹ,
nhóm nghiên cứu khẳng định, kể từ sau chiến tranh lạnh, Mỹ có nhiều lợi
ích tại khu vực này trên nhiều phương diện về địa chiến lược, kinh tế và
an ninh quốc phòng. Đặc biệt, Mỹ luôn coi Biển Đông nằm trong lợi ích
quốc gia của mình. Ngoài ra, khu vực này giúp Mỹ duy trì sức mạnh và vai
trò bá quyền của mình trong khu vực và trên phạm vi toàn thế giới. Do
đó, về dài hạn, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn hơn sẽ trở
thành khu vực địa chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Dưới thời của Tổng
thống Mỹ Donald Trump, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng hơn sẽ trở
thành địa bàn chiến lược mới của Mỹ trong việc duy trì vị thế lãnh đạo
và cạnh tranh giành ảnh hưởng đối với Trung Quốc
Thứ hai, bàn về cấu trúc an ninh khu vực Đông Á hiện nay, bên
cạnh hệ cấu trúc an ninh kép và cấu trúc an ninh đa phương nhóm tác giả
đề cập tới việc nỗ lực thúc đẩy một cấu trúc an ninh mới dưới tầm nhìn
của cả Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, một cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương đang có sự chuyển biến, định hình với sự tham
gia của nhiều thực thể mới. Trong kiến trúc mới này, nghiên cứu chỉ ra
rằng, Mỹ và Trung Quốc vẫn đóng vai trò chi phối chính đối với cấu trúc
an ninh khu vực Đông Á hiện nay và tương lai
Chương 2. Trung Quốc và Mỹ đối với những vấn đề an ninh Đông Á hiện nay
Tập trung phân tích một số vấn đề an ninh nổi bật nhất khu vực Đông Á
hiện nay: (i) Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo
Triều Tiên; (ii) Vấn đề tranh chấp chủ quyền và tình trạng căng thẳng
tại Biển Đông và biển Hoa Đông; (iii) Vấn đề Đài Loan; (iv) Những vấn đề
an ninh phi truyền thống trong khu vực. Bằng việc đưa ra những tài liệu
thuyết phục cùng với những dẫn chứng cụ thể trong từng chính sách của
Trung Quốc và Mỹ, nghiên cứu cho người đọc thấy rõ hơn về sự can dự của
Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề an ninh Đông Á. Nhóm tác giả khẳng định,
vai trò của Trung Quốc là nhân tố quan trọng góp phần tạo ra và làm gia
tăng những căng thẳng thách thức đối với những vấn đề an ninh trong khu
vực. Vai trò của Mỹ là chủ đạo trong việc cung cấp những bảo đảm về an
ninh, duy trì ổn định và thúc đẩy các quan hệ đối tác tại khu vực Đông Á
trong những năm vừa qua
Chương 3. Nhân tố một số nước lớn khác đối với an ninh Đông Á
Nhân tố một số nước lớn khác đối với an ninh Đông Á góp phần tạo nên sự
chuyển biến cục diện anh ninh Đông Á được đề cập trong chương này bao
gồm: Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và ASEAN. Trên cơ sở phân tích, diễn giải
trong đó tập trung vào những lĩnh vực quan trọng nhất mà các nước và tổ
chức này can dự, nhóm tác giả khẳng định, sự can dự của các cường quốc
vào tình hình an ninh khu vực góp phần quan trọng làm thay đổi cán cân
quyền lực tại đây, tạo nên việc định hình cục diện an ninh mới. Tuy
nhiên, do các điều kiện nội tại và khách quan, do quan điểm và thực lực
của mình, cả ASEAN lẫn ba cường quốc kể trên, trong các hoạt động can dự
thực tế vào tình hình an ninh Đông Á cho thấy họ mới chỉ là các đấu thủ
hạng hai (secondary player) trong “ván cờ lớn” tại Đông Á nói chung và
Biển Đông nói riêng. Trong định hình cục diện an ninh Đông Á, họ cũng
chỉ đứng ở tầng thứ hai (secondary layer) sau hai siêu cường là Hoa Kỳ
và Trung Quốc.
Chương 4. Tác động và dự báo về sự can dự của Trung Quốc, Mỹ đối với an ninh Đông Á
Tập trung phân tích những tác động cả tiêu lẫn tích cực về sự can dự
của Trung Quốc và Mỹ đối với an ninh Đông Á. Trong đó, những vấn đề an
ninh nóng bỏng tại Đông Á có ảnh hưởng và tác động đa chiều trên nhiều
lĩnh vực đối với Việt Nam. Từ những kết quả nghiên cứu này, nhóm nghiên
cứu đưa ra những dự báo về sự cạnh tranh chiến lược của hai siêu cường
Mỹ và Trung Quốc và những ảnh hưởng của chúng đến tình trạng của cấu
trúc an ninh Đông Á trong thời gian tới. Xuất phát từ tình hình thực tế
cũng như những dữ liệu nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới
và Việt Nam về triển vọng của thế giới và khu vực trong tương lại, riêng
về lĩnh vực an ninh, nhóm tác giả đã hình dung tới tới ba kịch bản cơ
bản nhất: Thứ nhất, kịch bản lý tưởng – kịch bản hòa bình, ổn định; Thứ hai, kịch bản cực đoan – chiến tranh; Thứ ba,
kịch bản thực tế - xung đột cường độ thấp. Cuối cùng nhóm tác giả nhận
định, trong tương lai gần, Đông Á chưa thể trở thành khu vực ổn định về
an ninh. Biển Đông chưa thể là vùng biển hòa bình ổn định. Hai siêu
cường, với sự can dự của mình vào an ninh Đông Á, vẫn là những nguyên
nhân đồng thời là những lực lượng chính sinh ra và giải quyết những bất
ổn tại Đông Á, bao gồm các vấn đề nóng bỏng nổi trội như vấn đề Đài
Loan, tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, quân sự hóa và bất đồng, tranh
chấp tại Biển Đông…
Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách là nguồn tài liệu hữu ích
cho những độc giả quan tâm tới vấn đề an ninh ở Biển Đông, đặc biệt là
sự can dự của Mỹ và Trung Quốc đối với an ninh ở Đông Á.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội