TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9833935
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Hợp tác Việt - Trung nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội (14/06/2010)

    Hợp tác nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội là một phần quan trọng, rất có ý nghĩa trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt - Trung những năm đầu thế kỷ XXI. Thực ra, quá trình giao lưu, trao đổi về lý luận, đường lối cách mạng giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra từ lâu, ngay cả trong giai đoạn cách mạng dân chủ ở Trung Quốc, cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam. Chuyển sang giai đoạn xây dựng CNXH, nhất là sau khi hai nước tiến hành cải cách, đổi mới, việc giao lưu, trao đổi, tham khảo lẫn nhau càng diễn ra sôi nổi. Nhưng trong khoảng 10 năm qua, hợp tác Việt - Trung nghiên cứu lý luận về CNXH mới thực sự đi vào nền nếp, tiến hành một cách có hệ thống, có sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo hai Đảng, nhằm vào những vấn đề cốt yếu về lý luận và đường lối xây dựng CNXH của mỗi nước, và đem lại kết quả thiết thực rất có ý nghĩa đối với mỗi bên, cũng như trong việc đóng góp vào kho tàng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho phong trào XHCN thế giới.

Hợp tác Việt - Trung trong nghiên cứu lý luận về CNXH thập niên đầu thế kỷ XXI thể hiện mấy nét nổi bật  sau đây:

1. Tiến hành một cách có hệ thống, có sự chỉ đạo của lãnh đạo hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam

Giao lưu trao đổi lý luận trước đây chỉ tiến hành giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ năm 2000, lãnh đạo hai Đảng mới có thoả thuận về cơ chế hợp tác nghiên cứu lý luận thông qua hình thức Hội thảo khoa học ở cấp Trung ương. Đến nay, các cuộc hội thảo đã được tiến hành hàng năm một cách có hệ thống theo sự sắp xếp đồng thuận giữa hai bên, lần lượt được tổ chức ở Trung Quốc và ở Việt Nam. Chủ đề các cuộc hội thảo, cũng là nội dung hợp tác nghiên cứu, đã được bố trí sắp xếp một cách khoa học nhằm vào những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với cả hai bên trong từng thời gian.

Cho tới nay, hai bên đã phối hợp tổ chức được bảy cuộc Hội thảo khoa học về CNXH.  Hai hội thảo đầu đi vào những vấn đề chung:

- Hội thảo khoa học Trung - Việt: "Chủ nghĩa xã hội, cái phổ biến và cái đặc thù", tổ chức tại Bắc Kinh, tháng 6-2000.

- Hội thảo khoa học Việt - Trung: "Chủ nghĩa xã hội - kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam", tổ chức tại Hà Nội, tháng 11-2000.

Năm hội thảo tiếp theo có tính chất chuyên đề:

- Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam: "Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường - kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam", tổ chức tại Bắc Kinh, tháng 10-2003.

- Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam: "Xây dựng Đảng cầm quyền - kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc, tổ chức tại Hà Nội tháng 2-2004.

- Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc: "Phát triển một cách khoa học, hài hoà trong xây dựng kinh tế - xã hội XHCN - lý luận và thực tiễn", tổ chức tại thành phố Quý Dương (Trung Quốc) tháng 7-2007.

- Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - kinh nghiệm của Việt Nam,  kinh nghiệm của Trung Quốc", tổ chức tại thành phố Nha Trang (Việt Nam), tháng 11-2008.

- Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam: "Lý luận và thực tiễn về ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam", tổ chức tại thành phố Hạ Môn (Trung Quốc) tháng 12-2009.

Có thể thấy rất rõ, những chủ đề hội thảo nói trên đều là các vấn đề lý luận mang tính thời sự quan trọng và cấp thiết đối với Trung Quốc và Việt Nam trong từng thời điểm của công cuộc cải cách, đổi mới và phát triển theo con đường của CNXH.

2. Những luận điểm cơ bản của hai bên về các vấn đề lý luận nói trên là tương đồng hoặc tương tự, trên cơ sở thực tiễn phong phú, đa dạng của hai nước

Quan điểm về "chủ nghĩa xã hội - cái phổ biến và cái đặc thù": như phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCS Việt Nam đã nói rõ: Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương "chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc", Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương "chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH phù hợp với điều kiện và những đặc điểm Việt Nam. Như vậy,… hai Đảng chúng ta đều lấy sự kết hợp thống nhất cái phổ biến với cái đặc thù của CNXH làm luận cứ xuất phát"(1). Chúng ta biết rằng sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác đối với công cuộc xây dựng CNXH chủ yếu là trên lĩnh vực tư tưởng và phương pháp luận, những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác phải được vận dụng và phát triển theo những điều kiện cụ thể của từng quốc gia dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử. Căn cứ vào điều kiện lịch sử của đất nước trong quá trình đi lên CNXH, Trung Quốc đề xuất lý luận về "giai đoạn đầu của CNXH", Việt Nam xác định chúng ta đang ở trong "thời kỳ quá độ lên CNXH". Hai lý luận đó khác nhau về hình thức, nhưng giống nhau về nội dung, đều cho rằng từ một xã hội kinh tế văn hoá lạc hậu, chưa trải qua giai đoạn phát triển TBCN, trên con đường tiến lên CNXH, tất yếu phải trải qua một giai đoạn hoàn thành nhiệm vụ lịch sử là hiện đại hoá.

Một sáng tạo lý luận quan trọng mang tính đột phá của Đảng Cộng sản Trung Quốc là lý luận về "kinh tế thị trường XHCN". Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã xác định đường lối xây dựng nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN". Về vấn đề này, Việt Nam đã tham khảo được nhiều kinh nghiệm của Trung Quốc. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương của  Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát biểu trong Hội thảo rằng: "Đây là một vấn đề cơ bản quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Các đồng chí Trung Quốc đã có rất nhiều công phu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong việc nghiên cứu vấn đề kinh tế thị trường và CNXH, có lúc đã trải qua nhiều cuộc "đại luận chiến" mới có thể đi đến những thành tựu lý luận như hiện nay. Đối với Việt Nam chúng tôi, chủ đề này còn quá mới mẻ, rất khó và phức tạp, thời gian thực hiện còn ngắn, trình độ nghiên cứu và tổng kết có hạn, vì vậy kết quả thu được chưa nhiều…"(2) (Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định chuyển sang kinh tế thị trường từ Đại hội XIV năm 1992, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN từ Đại hội IX năm 2001).

Vấn đề xây dựng Đảng với tính chất là Đảng cầm quyền trong quá trình xây dựng CNXH có tầm quan trọng đặc biệt đối với Trung Quốc cũng như đối với Việt Nam. Cả hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đều coi sự lãnh đạo của Đảng là then chốt đối với sự nghiệp xây dựng CNXH và đều nhận thức sâu sắc sự cần thiết phải xây dựng Đảng vững mạnh, tăng cường năng lực cầm quyền và trình độ lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc thực thi chế độ hợp tác đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. ở Việt Nam hiện nay chỉ tồn tại một Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam  (sau khi Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tự giải tán). Điểm thống nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam là một Đảng lãnh đạo.

Những năm vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đều có sự tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng CNXH, đặc biệt là thực tiễn cải cách đổi mới, đề ra những lý luận và chủ trương chính sách mới nhằm "phát triển một cách khoa học", giải quyết những vấn đề xã hội cố hữu hoặc mới nẩy sinh trong quá trình cải cách phát triển. "Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề: "Phát triển một cách khoa học, hài hoà trong xây dựng kinh tế - xã hội XHCN - lý luận và thực tiễn" (tháng 7-2007), và hai bản báo cáo của đồng chí Lưu Vân Sơn, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiêu đề "Không ngừng thúc đẩy phát triển một cách khoa học trên con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc", và của đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, với tiêu đề "Phát triển hài hoà giữa kinh tế xã hội ở Việt Nam qua 20 năm đổi mới" cho thấy Việt Nam và Trung Quốc đang đứng trước những vấn đề tương tự trong công cuộc cải cách, đổi mới, và đang có những giải pháp lớn tương tự để thúc đẩy công cuộc xây dựng CNXH.

Vấn đề "tam nông" ở Trung Quốc, và vấn đề "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã được quan tâm đặc biệt do tầm quan trọng đặc biệt của nó. Tháng 7-2008 Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp Hội nghị Trung ương và ra Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có rất nhiều văn kiện về "tam nông", tháng 10-2008 cũng đã họp Hội nghị Trung ương về vấn đề "tam nông". Hội thảo giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc" tổ chức vào cuối tháng 10 đầu tháng 11-2008 là dịp tốt để lãnh đạo và giới nghiên cứu lý luận hai Đảng trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Đối với Việt Nam, đây là dịp tốt để "tìm hiểu, tham khảo những kinh nghiệm quý của các đồng chí Trung Quốc trong vấn đề tam nông"(3). Về phía Trung Quốc, đồng chí Chu Vĩnh Khang, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát biểu tại cuộc Hội thảo rằng: "Trong giai đoạn then chốt của quá trình phát triển đất nước và sự nghiệp XHCN của mỗi nước, hai Đảng Trung - Việt không hẹn mà cùng hướng, tập trung vào vấn đề tam nông, điều này cho thấy rõ ràng việc tổ chức Hội thảo lý luận giữa hai Đảng Trung - Việt lần này là hết sức đúng lúc, hai bên Trung - Việt sẽ có nhiều điều để trao đổi thảo luận về vấn đề tam nông"(4).

Từ cuối năm 2008 và sang năm 2009, Trung Quốc, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã chịu tác động tiêu cực nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát từ Mỹ. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, phức tạp, khó hiểu về lý luận và khó đoán định diễn biến thực tế. Việt Nam và Trung Quốc đều có nền kinh tế phụ thuộc nhiều về xuất khẩu, chịu tác động lớn của sự suy giảm kinh tế, hạn chế nhập khẩu của các nước Âu - Mỹ. Nhưng Việt Nam và Trung Quốc cũng có những lợi thế trong quá trình ứng phó với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Do vậy Việt Nam cùng Trung Quốc đã sớm ra khỏi khủng hoảng, bắt đầu hồi phục với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 đáng phấn khởi. Tuy vậy quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn phức tạp. Trong bối cảnh đó, Hội thảo với chủ đề "Lý luận và thực tiễn về ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam" tổ chức tại Hạ Môn tháng 12-2009 có ý nghĩa thiết thực và kịp thời để lãnh đạo hai Đảng và giới nghiên cứu lý luận cùng giới quản lý kinh tế hai nước tham khảo kinh nghiệm của nhau. Báo cáo của đồng chí Lưu Vân Sơn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trình bày tại Hội thảo, dưới tiêu đề "Suy nghĩ và thực tiễn của Trung Quốc trong ứng phó với khủng hoảng tài chính quốc tế", báo cáo của đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, với tiêu đề "Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam", cùng các tham luận của các đại biểu tham gia hội thảo đã chứng tỏ Việt Nam và Trung Quốc đứng trước những vấn đề chung, có cách suy nghĩ chung, và có những kinh nghiệm cần cùng nhau trao đổi tham khảo.

3. Hợp tác nghiên cứu lý luận về CNXH đã góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước Việt - Trung đang đứng trước những vấn đề phức tạp do lịch sử để lại hoặc mới nẩy sinh, hợp tác nghiên cứu lý luận về CNXH giữa hai Đảng đã tạo những cơ hội gặp gỡ giao lưu giữa lãnh đạo và giới nghiên cứu lý luận, góp phần củng cố và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, độ tin cậy chính trị trên tinh thần đồng chí. Điều đó rất quan trọng đối với mỗi bên và quan hệ hữu nghị giữa hai bên.

Ngay trong hội thảo đầu tiên ("Chủ nghĩa xã hội - cái phổ biến và cái đặc thù", tổ chức tại Bắc Kinh tháng 6-2000) đồng chí Lý Thiết ánh, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng những tình cảm chân thành của mình đối với các đồng chí Việt Nam: "Mỗi khi gặp gỡ các đồng chí Việt Nam trong lòng tôi lại rạo rực một tình cảm đặc biệt. Là một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc thuộc thế hệ tiền bối, cha tôi - đồng chí Lý Duy Hán và đồng chí Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam đã sớm biết nhau từ thời vừa học vừa làm ở Pháp trong những năm 20 của thế kỷ XX. Qua cha tôi, ngay từ thuở nhỏ, tôi đã biết được về đồng chí Hồ Chí Minh qua nhiều câu chuyện xúc động lòng người. Tôi luôn luôn ấp ủ tình cảm kính phục đồng chí Hồ Chí Minh và thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng CNXH của Việt Nam. Hôm nay được cùng các nhà nghiên cứu lý luận Việt Nam gặp nhau tại đây, tôi cảm thấy vui mừng vô hạn. Vào lúc giao thừa giữa hai thế kỷ, giới nghiên cứu lý luận hai nước Trung - Việt chúng ta cùng nhau trao đổi về lý luận và thực tiễn của CNXH, tích cực tìm tòi con đường phát triển XHCN phù hợp với tình hình của mỗi nước và điều chắc chắc sẽ có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng"(5). Tại hội thảo Việt - Trung về "vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn - kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc", đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong phát biểu khai mạc, cũng đã nhấn mạnh: "Cùng với sự phát triển không ngừng và ngày càng sâu rộng của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước Việt - Trung, các cuộc trao đổi ý kiến, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau giữa chúng ta đã trở thành truyền thống tốt đẹp. Hai Đảng chúng ta đã tiến hành thành công ba cuộc hội thảo lý luận, đi sâu trao đổi những vấn đề quan trọng cả về lý luận và thực tiễn liên quan tới công cuộc xây dựng CNXH ở mỗi nước. Nội dung và những kinh nghiệm quý rút ra từ các cuộc Hội thảo này đã được lãnh đạo hai Đảng, hai nước đánh giá cao, được nhiều Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới quan tâm, và cũng là những đóng góp mới, tích cực của chúng ta, làm phong phú thêm kho tàng lý luận về CNXH"(6). Cũng tại hội thảo này, đồng chí Chu Vĩnh Khang, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong phát biểu khai mạc, đã cho rằng: "Cơ chế hội thảo lý luận hai Đảng Trung - Việt đã trở thành một điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai Đảng, hai nước Trung - Việt"(7).

4. Hợp tác nghiên cứu lý luận về CNXH giữa Việt Nam và Trung Quốc đang trong xu thế tiếp tục phát triển, mở rộng

Với đà hợp tác nghiên cứu lý luận về CNXH vừa qua, giao lưu trao đổi giữa các nhà lãnh đạo và giới nghiên cứu lý luận của hai Đảng, hai nước chắc chắn sẽ được duy trì, phát triển, và mở rộng. Những cuộc hội thảo vừa qua đã đề cập những đề tài lớn, cũng là những đề tài quan trọng hàng đầu trong lý luận về CNXH mà trải qua mấy chục năm sáng tạo lý luận, tổng kết thực tiễn hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc mới đi tới kết luận được. Những vấn đề đó cần được tiếp tục nghiên cứu và trao đổi trong suốt quá trình tiếp theo của công cuộc xây dựng CNXH ở hai nước. Đồng thời, nhiều vấn đề cụ thể về đường lối, chính sách thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, ngoại giao v.v… cũng cần được triển khai hợp tác nghiên cứu từ góc độ lý luận cũng như trong kinh nghiệm thực tiễn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước mắt, Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục hợp tác nghiên cứu lý luận trong vấn đề ứng phó với hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu, làm cơ sở cho quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của hai nước trong bối cảnh tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và khó lường. Trong cuộc hội thảo về "Lý luận và thực tiễn về ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam" tháng 12/2009 vừa qua, đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tại cuộc Hội thảo cũng đã đưa ra đề nghị giới lý luận hai nước tiếp tục nghiên cứu, trao đổi về những hậu quả tiếp theo của khủng hoảng tài chính toàn cầu như nguy cơ lạm phát, suy giảm kinh tế, thâm hụt ngân sách, khuynh hướng bảo hộ mậu dịch, bong bóng bất động sản và chứng khoán, mất ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như nghiên cứu trao đổi về các vấn đề tái cấu trúc kinh tế trên quan điểm tư duy mới về phát triển.

Về phương thức hợp tác nghiên cứu lý luận xây dựng CNXH giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng cần được tiếp tục đổi mới. Các cuộc hội thảo giữa giới nghiên cứu lý luận cấp cao của hai Đảng cần được triển khai hiệu quả hơn về chiều rộng cũng như chiều sâu. Trước hội thảo, có thể tiến hành hợp tác nghiên cứu. Trong hội thảo, không chỉ trình bày quan điểm, kinh nghiệm của mỗi bên, mà cần tiến hành trao đổi, thảo luận giữa hai bên với tinh thần khách quan và thái độ cởi mở để đạt tới nhận thức sâu sắc hơn. Hội thảo giữa giới nghiên cứu lý luận cấp cao của hai Đảng vẫn là cơ chế hợp tác nghiên cứu lý luận quan trọng hàng đầu cần được duy trì và phát huy, đồng thời cuộc thảo luận cần được mở rộng với sự tham gia của đông đảo giới lý luận học thuật thuộc nhiều lĩnh vực ở hai nước, vừa làm cho phạm vi hợp tác được mở rộng, vừa làm cho quan hệ hợp tác hữu nghị được mật thiết hơn.

Xây dựng CNXH là một sự nghiệp mới mẻ đòi hỏi không ngừng sáng tạo, trước hết trong lĩnh vực lý luận. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, hợp tác nghiên cứu lý luận về xây dựng CNXH giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc không những can hệ tới triển vọng của công cuộc xây dựng CNXH ở hai nước, mà còn can hệ tới tương lai của lý luận Mác- xít về CNXH, can hệ tới tiền đề của phong trào XHCN trên thế giới.

                            PGS. Nguyễn Huy Quý

                                 Viện Nghiên cứu Trung Quốc




Các tin khác

Bàn về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (14/06/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn