TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9836687
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La (15/06/2011)

Đại tướng Phùng Quang Thanh tại diễn đàn an ninh châu Á. Ảnh: AFP.

Thưa Ngài Chủ tịch!

Thưa các quí vị!

Tôi chân thành cảm ơn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nước Chủ nhà Xinh-ga-po đã mời tôi tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 và chia sẻ cùng các quí vị tại phiên họp này.

Tôi đồng tình với đánh giá của các quí vị về vai trò của Đối thoại Shangri-La trong 10 năm qua với những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thưa các quí vị!

Chủ đề mà Ban tổ chức dành cho tôi “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” là một vấn đề rất thời sự, rất hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Nói đến biển trong thế kỷ 21, chúng ta đều có nhận thức chung đó là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có tuyên bố chủ quyền, hay không tuyên bố chủ quyền.

Đặc điểm nổi lên của không gian biển thời gian gần đây là sự can dự của các nước được tăng cường trong mọi lĩnh vực để có được lợi ích trước mắt và lâu dài của các quốc gia, các lợi ích đó đều mang tính chiến lược, sống còn.

Trong bối cảnh hiện nay, các mối quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích lớn cho từng quốc gia, cho khu vực và cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Chúng ta không nên né tránh và hãy nhìn nhận nó, những sự hợp tác và khác biệt đó là một thực tế khách quan, là hai mặt của một vấn đề trong quá trình phát triển và khai thác biển. Vấn đề là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển trong thế giới hiện đại- không có thách thức nào là của riêng ai, mà đó là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để tăng cường hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột.

Vậy, chúng ta sẽ làm gì với cái nhìn rộng rãi, trên góc độ đa phương để ngày càng cải thiện tình hình, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, môi trường không gian biển, đem lại lợi ích cho từng quốc gia, cho khu vực, cũng như cho toàn thế giới?

Trước hết, chúng ta cần có nhận thức chung đúng về giá trị, về những đặc điểm mới, những lợi ích và thách thức mà tất cả các quốc gia đều gặp phải. Sự xuất hiện hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống là vấn đề tất yếu nảy sinh trong quá trình phát triển của thế giới, từ đó càng cần hơn sự hợp tác rộng rãi, cả song phương và đa phương để cùng giải quyết là một ví dụ cho thấy tính đa dạng, sự đan xen giữa phát triển và thách thức, giữa lợi ích và xung đột… trong tình hình hiện nay.

Thứ hai, chúng ta cần củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ… Trước hết, cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về luật biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc cùng nhau xây dựng Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, việc tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và xuất hiện các cấu trúc an ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay ADMM+ cũng cho thấy nhu cầu và triển vọng hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác có chung lợi ích trong khu vực, nó sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác.

Thứ ba, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm đem lại sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển. Trong đó, hợp tác quốc phòng có vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển.

Vùng biển Ma-lắc-ca vừa qua đã có sự ổn định, góp phần cho sự tăng trưởng của khu vực. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác hải quân giữa các nước trực tiếp có liên quan như Malaysia, Indonesia, Singapore và sự ủng hộ của những quốc gia trong và ngoài khu vực. Tương tự như vậy, việc tăng cường hợp tác hải quân như tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và tiến tới tuần tra chung với Malaysia và Indonesia cũng góp phần tăng cường an ninh, trật tự trên Biển Đông.

Thứ tư, đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, chúng ta cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, trên tầm cao chiến lược và nhận thức quan trọng về tính chất của thời đại, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch; Và những diễn đàn như Shangri-La hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng minh bạch quan điểm về lợi ích, về những thách thức và những quan ngại, đồng thời bày tỏ chính sách quốc phòng của các quốc gia. Trong hợp tác, chúng ta cần bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời phải giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực - đó là giá trị chung trong quan hệ lợi ích của tất cả các nước, đồng thời cũng là giá trị to lớn đối với mỗi quốc gia trong một môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển.

Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển, gần đây nhất là vụ ngày 26/05/2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn.

Thưa các quí vị!

Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển. Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong Cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Cuối cùng, chúc các quí vị mạnh khỏe!

Chúc Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 thành công tốt đẹp!

Xin cảm ơn!

                                                                          Nguồn: QĐND




Các tin khác

Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (06/06/2011)
Thông báo tại cuộc họp báo ngày 29/05/2011 của Bộ Ngoại giao về việc tàu Hải giám Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (06/06/2011)
10 sự kiện nổi bật ở Trung Quốc năm 2010 (04/03/2011)
Viện Nghiên cứu Trung Quốc thăm và tặng quà xã Tân Thanh - Văn Lãng (Lạng Sơn) (04/03/2011)
Bổ nhiệm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (27/01/2011)
Tổng Biên tập Đỗ Tiến Sâm được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư Sử học năm 2010 (13/12/2010)
Hợp tác phát triển và mở cửa vùng biên gới Đông Hưng - Quảng tây (13/12/2010)
Quan hệ Trung - Việt phát triển toàn diện và sâu rộng mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước (25/11/2010)
Không ngừng củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt - Trung (11/11/2010)
Liên hoan thanh niên Việt -Trung năm 2010 (09/09/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn