1. Chính sử, sách điển chế, sách địa lý ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa:
Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do các sử thần thời Lê -
Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, có đoạn viết: "Ngoài
biển xã An Vĩnh có nhiều đảo lớn gồm hơn 130 đảo, cách nhau một ngày đi
thuyền, hoặc vài canh giờ. Trên đảo có chỗ có suối nước ngọt. Ở bãi cát
lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng,
hải sâm, đồi mồi... Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh
xung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm
cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày
ba đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu,
đến kỳ tháng tám thuyền cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy
cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, nồi đồng, súng, khí giới,
ngà voi, bát bằng đá...".
Nội dung trên không có gì mới so với nội dung của Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn, song có giá trị lịch sử được ghi vào chính sử thời Lê - Trịnh. Phủ Biên tạp lục
quyển 2 của Lê Quý Đôn mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, đoạn văn đề cập
đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng
hoạt động của đội dân binh Hoàng Sa và đội Bắc Hải, như: "Ở ngoài núi Cù
Lao Ré có đảo Đại Trường Sa ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều
hải vật chở đi bán các nơi, nên Nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa
để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi ba ngày đêm mới đến được đảo
Đại Trường Sa ấy..." (tờ 78b - 79a) hoặc: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng
Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng
hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc
thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt
chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm ngựa, hoa bạc,
tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp
ong, đồ sứ, đồ chiên, cũng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm,
hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú
Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc
vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không
nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là
Thuyên đức hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp
Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu
đến năm Quý Tỵ, 5 năm ấy, mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng
có năm được khối thiếc, bát sứ, và hai khẩu súng đồng mà thôi...
Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người
thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi
thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi
thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên,
tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng
sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn
vàng bạc của quý ít khi lấy được...
Sang triều Nguyễn từ năm 1802 đến 1909, năm bắt đầu bị tranh chấp,
có rất nhiều tài liệu chính sử, sách điển chế, sách địa lý minh chứng
chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
- Dư địa chí (1821) của Phan Huy Chú - Nhà nghiên cứu bách khoa của Việt Nam đã viết cuốn này trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Lịch triều hiến chương loại chí là một công trình biên khảo bách khoa lịch sử lớn gồm 49 quyển, ghi chép đủ mọi phép tắc của các triều đại Việt Nam. Chính Dư địa chí
quyển 5, ở phần Quảng Nam, có nói đến phủ Tư Nghĩa. Hầu hết nội dung
nói về phủ Tư Nghĩa là nói đến Hoàng Sa. Chứng tỏ Hoàng Sa rất quan yếu
đối với phủ Tư Nghĩa hồi bấy giờ. Qua nội dung Phan Huy Chú đã viết,
thấy rất rõ ông đã sử dụng sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn,
đã tóm gọn nhiều nội dung của sách này. Ngoài tả cảnh vật của Hoàng Sa,
ông cho biết: "Tiền Vương lịch triều (các chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa
70 tên cũng lấy dân An Vĩnh luân phiên sung vào". Song có dị bản đã chép
nhầm tháng giêng thay vì tháng ba, như Phủ biên tạp lục cho biết
hằng năm "từ tháng ba đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ cũng ba ngày ba đêm
bằng năm chiếc tiểu điếu thuyền đến Hoàng Sa rồi cũng tháng tám về đến
cửa Eo tới thành Phú Xuân và cũng mang theo lương thực cho sáu tháng".
- Hoàng Việt dư địa chí (1833) không đề tên tác giả, thường gọi là cuốn Địa dư Minh Mạng được khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), sau đó được tái khắc in nhiều lần. Người ta thấy nội dung có nhiều điều giống Dư địa chí, song đôi chỗ có khác nhau về từ hoặc thêm, bớt và nhất là cách trình bày. Thay vì Dư địa chí gồm năm quyển, thì Hoàng Việt địa dư chí chỉ có hai quyển với cấu trúc khác nhau.
- Đại Nam thực lục phần tiền biên quyển 10, soạn năm 1821 khắc
in năm 1844 của Quốc sử quán triều Nguyễn tiếp tục khẳng định việc xác
lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội quân Hoàng Sa và
đội Bắc Hải.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ khắc in năm
1848, đệ nhị kỷ khắc in xong năm 1864, đệ tam kỷ khắc in xong năm 1879)
của Quốc sử quán triều Nguyễn có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp
tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này.
- Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1851) có đoạn văn đề cập đến việc dựng miếu ở Hoàng Sa trong quyển 207, và đoạn văn trong bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ
quyển 221 của Nội các triều Nguyễn có chép: "Bộ Công tâu rằng: Hoàng Sa
ngoài biển rất là hiểm yếu. Hàng năm cần phải đi khám dò khắp chỗ thuộc
đường bể. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi hạ tuần tháng giêng, chiếu
theo lệ ấy mà làm".
- Trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí (soạn xong năm
1882, năm 1910 soạn lần hai và khắc in) cũng của Quốc sử quán triều
Nguyễn đã xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng
định hoạt động đội quân Hoàng Sa và đội quân Bắc Hải do đội Hoàng Sa
kiêm quản.
- Trong quyển III Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, đời Vua Minh Mạng, có ba đoạn văn liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Ngoài ra trong các bản đồ của Việt Nam như Đại Nam thống nhất toàn đồ có vẽ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam...
2. Qua châu bản, văn bản chính quyền từ Trung ương đến địa
phương ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường
Sa:
Tài liệu rất quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), là các
văn bản của triều đình nhà Nguyễn hiện đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ
Trung ương 1 ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu
của các đình thần các bộ như bộ Công, và các cơ quan khác hay những Dụ
của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo
Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng
Sa, cắm cột mốc... Chẳng hạn như Dụ ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng
thứ 16 (1835) trong Châu bản tập Minh Mạng số 54, trang 92 có đoạn viết
Vua Minh Mạng ra chỉ dụ giao cho Bộ Công phạt cai đội Hoàng Sa Phạm Văn
Nguyên 80 trượng vì tội trì hoãn thời gian công tác hay phạt 80 trượng
giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiệm, Nguyễn Văn Hoằng chưa chu tất
việc vẽ bản đồ Hoàng Sa. Trong khi đó lại thưởng dân binh đội Hoàng Sa
Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, mỗi người một quan tiền vì đã có công hướng
dẫn hải trình của thủy quân đi Hoàng Sa. Hoặc như Dụ ngày 13
tháng 7 Minh Mạng 18 (1837) trong tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 245
có đoạn cho biết trước có phái thủy sư, giám thành, binh dân hai tỉnh
Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ họa đồ, trừ bọn
Phạm Văn Biện gồm bốn tên can tội đã có chỉ phạt trượng, còn binh dân đi
theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh đinh một tháng lương
dân phu mỗi tên hai quan tiền.
Cùng với đó còn có Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm
Minh Mạng thứ 17 (1836 ) trong tập Châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi
lời châu phê của Vua Minh Mạng: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem
theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng
chữ: "Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng
mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu". Vua cũng phê rằng thuyền
đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu. Phúc tấu cũng còn ghi chánh
đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi
công tác Hoàng Sa. Hoặc Tấu của tỉnh Quảng Ngãi ngày 19 tháng 7
Minh Mạng 19 (1838) xin miễn thuế cho hai chiếc "bổn chinh thuyền".
Trong tập Châu bản Minh Mạng số 64 trang 146 có đoạn viết rằng ngày 19
tháng 7 Minh Mạng thứ 19 (1838): "Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho hai
chiếc "bổn chinh thuyền" đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng
từ hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở
về".
Một đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa
Gần đây, một gia đình ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn
đã trao tặng Bộ Ngoại giao một văn bản là giấy lệnh viết trên hai tờ
(bốn trang), đây là tờ tư và tờ lệnh công tác Hoàng Sa của quan Bố
chánh, Án sát tỉnh Quảng Ngãi (triều vua Minh Mạng vào năm 1834), ghi rõ
ông Võ Văn Hùng đã tuyển chọn một bọn gồm 10 người, đứng đầu là Đặng
Văn Siểm, người thôn Hoa Diêm, phường An Hải huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi
có thể đảm nhận công việc lái thuyền. Nhân đấy mà cấp cho bằng này để đi
một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo quân của phái viên và Võ
Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công.
Tại Huế cũng mới phát hiện tờ Tâu số 664 ngày 27 tháng 12 năm
Bảo Đại thứ 13 (15-2-1939) của Phạm Quỳnh, Tổng lý Ngự tiền Văn phòng
Nội các thời Minh Mạng, tâu xin Vua Bảo Đại phê chuẩn thưởng tặng cho
người có công phòng thủ Hoàng Sa, thể hiện sự thực thi chủ quyền liên
tục tại Hoàng Sa (Paracel) suốt triều Nguyễn từ vua đầu tiên Gia Long
đến vua cuối cùng Bảo Đại. Đây là tờ Châu bản thời Bảo Đại, đánh máy
bằng chữ quốc ngữ, với lời phê: "Chuẩn y" và chữ ký tắt BĐ (Bảo Đại) đều
bằng bút chì mầu đỏ, khổ giấy cỡ 21,5x31,0cm.
3. Nhiều tư liệu phương Tây ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa:
Có thể nêu ra đây một số tài liệu chính như:
- Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
- Hồi ức về Nam Kỳ của Jean Baptiste Chaigneau
(1769-1825) viết vào các năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã
khẳng định năm 1816 Vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần
đảo Paracel.
- Thế giới, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc cùng tôn giáo, cách cư xử và tập quán của họ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng Hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên đảo Hoàng Sa năm 1816.
- Tạp chí Hiệp hội châu Á Bengal quyển VI (The Journal
of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI) đăng bài của Giám mục Taberd
xác nhận Vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracel.
- Tạp chí Hiệp hội Địa lý Luân Đôn năm 1849 (The
Journal of Geographycal Society of London) đăng bài của GutzLaff ghi
nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ
để thu thuế ở Paracel...
Ngoài ra, gần đây người ta còn phát hiện gần trăm đầu sách địa lý,
bản đồ của phương Tây ghi rõ Paracel thuộc "Vương quốc An Nam", được
viết bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà
Lan... Có thể kể các cuốn tiêu biểu như: Biagio Soria với Vũ trụ học lịch sử, thiên văn học và vật lý quyển VI (La cosmografia istorica, astronomica e fisica, tomeVI - Napoli, 1828), Adriano Balbi & Malta Brun... với Bản tóm tắt mới về địa lý (Nuovo Compendio di geografia - Milano, 1865); Wilhelm Hoffmann với Mô tả về Trái đất (Beschreibung der erde - Stuttgart, 1832); Carl Ritter với Tên và quyền sở hữu, sách Địa lý châu Á của Carl Ritter (Namen und Sach Derzeichnik zu Carl Ritter's Erdkunde von usien - Berlin, 1841); Thomas Keith với Hệ thống địa lý (A system of geographia - London, 1826); cùng các cuốn sách khác như: Từ điển địa lý mô tả tất cả các khu vực trên thế giới (Dictionnaire géographique universel contenant la description de tous les lieux du globe quyển VII - Paris 1830); Những lá thư khai trí về châu Á, châu Phi và châu Mỹ quyển 3 (Lettres édifiantes et curieuses concernant l'Asie, l'Afrique etl'Amérique, Tome 3 - Paris, 1843); Phần hiện đại của lịch sử thế giới quyển 7 (The modern part of an universal history Vol 7 - London 1759)...
Đó là chưa kể chính những tài liệu của Trung Quốc như các bản đồ cổ
Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều
minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về Trung Quốc. Tất cả các bản đồ
cổ của Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các
quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả các bản đồ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1 năm 1974,
nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là
"phát hiện" nhằm nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên
các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền
Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu Hoàng Sa tự ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boiée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.
4. Người phương Tây đã vẽ bản đồ xác định rất rõ "Paracel tức Hoàng Sa" và ghi chú Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong của Vương quốc An Nam tức Việt Nam:
Ngoài bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd, người ta còn
thấy rất nhiều bản đồ do phương Tây vẽ từ thế kỷ 18, có ghi chú rõ
Paracel thuộc Vương quốc An Nam hay Đàng Trong (Cochinchine).
An Nam Đại quốc họa đồ (bản đồ 1) dài 80,5 cm rộng 44 cm của
Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định "Paracel seu Cát Vàng"
(seu, trong tiếng La tinh có nghĩa "hoặc" hay "là") Paracel hay là Cát
Vàng tức Hoàng Sa, nằm trong cuốn từ điển Latinh - Annam ghi rõ ở tọa độ địa lý hiện nay và nằm trong vùng biển của Việt Nam.
(Bản đồ 1) An Nam Đại quốc họa đồ (Bản đồ 2) Carte des Costes de Cochinchine
Tunquin et Partie de celles de la Chine
(Harreveld, E. Van Changuion, Amsterdam, 1749)
có vẽ tọa độ, quần đảo Paracels
trải dài từ vĩ tuyến 17 xuống vĩ tuyến 12.
Tôi là người học sử, nghiên cứu sử, thấy rất rõ
truyền thống ngàn năm bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam, và hơn
35 năm nay không ít lần tôi đã rơi nước mắt vì Hoàng Sa khi bị Trung
Quốc, từ việc vốn coi Hoàng Sa là đất vô chủ rồi lại cho là đất của
mình, để năm 1974 đã dùng võ lực đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa - một hành
động trái ngược với sự thật lịch sử và lẽ phải thông thường. Hoàng Sa là
cổ họng, yết hầu của Việt Nam. Sau một đêm trằn trọc khó ngủ, tôi viết
bài này và mong những người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng nhau
dịch ra tất cả các thứ tiếng, quảng bá cho mọi người kể cả người dân
Trung Quốc biết sự thật lịch sử và mỗi người phải có một kế hoạch nhỏ,
cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường bảo vệ chủ quyền đất nước
yêu dấu.
Tác giả: TS Sử học Nguyễn Nhã