TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9831162
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Biển Đông Biển chung chỉ dành riêng cho người Trung Quốc (24/04/2012)

  GS. CARLYLE A. THAYER

   Đại học New South Wales

   Học viện Quốc phòng Úc, Canberra

Lời dẫn: Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS) công nhận di sản chung của các đại dương trên thế giới với một bộ các luật lệ tổ chức các khu đặc quyền cho các quốc gia với 200 hải lý từ bờ biển tương ứng của họ. Các vùng nước bên ngoài được để mở cho việc sử dụng theo những phương cách nhằm đóng góp vào hòa bình và quan hệ hữu nghị. Bằng việc tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, Trung Quốc đã chối bỏ Công ước này, theo Carlyle A. Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, lập luận những căng thẳng hiện tại đối với Biển Đông bắt đầu từ năm 2009, sau khi ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc đặt ra hạn định cho việc đệ trình các tuyên bố về thềm lục địa mở rộng ngoài vùng 200 hải lý của Công ước Luật biển. Sau khi Việt Nam và Malaysia đệ trình tuyên bố yêu sách, Trung Quốc đã nộp lên một bản đồ với đường 9 đoạn, yêu sách hầu hết vùng Biển Đông. Sáu quốc gia tiếp giáp Biển Đông, và những quốc gia khác cũng có lợi ích liên quan lớn tới kết quả của sự việc này. Yêu sách mở rộng đó nằm đằng sau những căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông.  

Khi trung tâm của nền kinh tế toàn cầu chuyển dịch về hướng đông, thể hiện qua sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, các tuyến đường thương mại phục vụ cho khu vực này đã trở nên có tầm quan trọng lớn hơn. Tình hình ấy cũng mang đến sự chú ý mới về Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) của Liên Hiệp Quốc. Chế độ pháp lý quốc tế này đã quản lý trật tự hàng hải trên toàn cầu trong một thập kỷ rưỡi qua và vùng Đông Á nay đang nổi lên như một vũ đài xung đột mới.

Trung Quốc đã gửi tín hiệu chối từ UNCLOS bằng cách khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Biển Đông. Các vụ xung đột về quan điểm qua những khẳng định của các bên giáp biển khác – Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei – tất cả đều có các khiếu nại pháp lý khác nhau về lãnh hải, điểm và đảo của mình dựa trên UNCLOS.

Những khiếu nại từ nhiều thập kỷ qua đã trở nên cấp thiết hơn với sự xuất hiện của Trung Quốc như một quốc gia thương mại lớn, phụ thuộc hơn bao giờ vào các tuyến đường vận chuyển quốc tế mở rộng từ các nước Đông Á đến vùng Trung Đông. Trung Quốc, một thời tự cung tự cấp nguồn năng lượng của mình, nay phải nhập khẩu dầu hỏa và sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên sẽ tăng lên rõ rệt trong hai thập kỷ tới. Mối lo ngại cho sự an toàn của các tuyến đường giao tiếp trên biển và nhu cầu cho các nguồn năng lượng hydrocarbon của Trung Quốc hội tụ lại trên vùng Biển Đông, nơi được cho là có chứa những mỏ dầu và khí đốt lớn.

UNCLOS bắt đầu có hiệu lực từ năm 1996 như là một chế độ pháp lý toàn cầu, quy định các quyền và trách nhiệm của những quốc gia ven biển trong lĩnh vực hàng hải. UNCLOS là một thỏa hiệp tinh tế giữa các nước có ven biển và các nước sử dụng những vùng biển quan trọng cho sự tồn vong kinh tế của mình.

Theo UNCLOS, tất cả các quốc gia ven biển được quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý từ bờ biển của mình. Họ được trao chủ quyền đối với tất cả các nguồn tài nguyên trong vùng này bao gồm cả ở vùng biển và dưới đáy biển. Những nước sử dụng hàng hải được ban cho quyền quá cảnh qua vùng đặc quyền kinh tế bằng đường biển và đường hàng không.

UNCLOS buộc cả quốc gia có vùng ven biển và quốc gia sử dụng hàng hải phải tôn trọng các quyền của phía bên kia.

Ngoài ra, UNCLOS đã xác lập một sự phân biệt giữa đảo và các đặc điểm khác, chẳng hạn như các bãi đá. Các đảo được định nghĩa là các vùng đất được bao quanh bởi nước biển, có thể giúp cư dân sống được và có chức năng kinh tế. Theo luật pháp quốc tế, các hải đảo được hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Các đặc điểm khác trên biển – bao gồm các đảo đá, bãi san hô, đảo nhỏ, bãi cát – không được hưởng quyền hạn này.

Rắc rối đối với Biển Đông phát sinh cả vì vị trí ở ngay trung tâm của tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp đứng hàng thứ nhì trên thế giới liên kết Đông Á đến Trung Đông và vì địa hình phức tạp của vùng biển này. Vùng bao gồm hai quần đảo: quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc và quần đảo Trường Sa ở trung tâm. Cả hai quần đảo, với vô số đặc điểm, được đánh dấu là vùng nguy hiểm trên bản đồ hàng hải. Những tuyến đường biển ven đi quanh các quần đảo này vì lý do an toàn hàng hải ở phía đông gần Philippine và phía Tây gần Việt Nam. Biển Đông có tính quan trọng về kinh tế vì nguồn cá và các nguồn tài nguyên hydrocarbon, đều đã được kiểm chứng và có tiềm năng.

Trung Quốc và Đài Loan đòi hỏi hầu như toàn bộ vùng Biển Đông dựa trên căn cứ phát hiện lịch sử, Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và ít nhất là bảy điểm tại quần đảo Trường Sa. Đài Loan được cho là chiếm được một hòn đảo duy nhất – trong ý nghĩa pháp lý thành lập bởi UNCLOS – trong quần đảo Trường Sa.

Phần còn lại của quần đảo Trường Sa được chia ra như sau: Việt Nam chiếm hơn 20 điểm, số lượng lớn nhất, Philippine chiếm chín và Malaysia, ít nhất là năm. Brunei không chiếm bất kỳ điểm nào và chỉ khẳng định 200 dặm hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tìm cách để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ của họ bằng cách thông qua bản Tuyên bố ứng xử của các bên ở vùng Biển Đông (DOC). Họ đã cam kết giải quyết những khác biệt một cách hòa bình không sử dụng hoặc đe dọa bằng vũ lực. Văn kiện này cũng đưa ra một số hoạt động có tính hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin nhưng chưa bao giờ được thực hiện.

Những căng thẳng hiện nay ở Biển Đông đã hình thành, một phần, từ tháng 5 năm 2009 khi ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc đưa ra thời hạn chót để nộp các khiếu nại về thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý. Việt Nam và Malaysia, cả hai nước vừa riêng rẽ vừa cùng nhau nộp đơn khiếu nại của mình. Điều này gây nên sự phản đối của Trung Quốc.

Trung Quốc xác lập vụ kiện của mình bằng cách lần đầu tiên chính thức đưa vào chương trình nghị sự một bản đồ Biển Đông chứa đựng chín đoạn gạch ngang tạo thành một hình chữ U vòng xuống bờ biển phía đông của Việt Nam đến phía bắc của Indonesia và sau đó tiếp tục vòng lên bờ biển phía tây của Philippine. Không có tài liệu nào khác cung cấp được tọa độ địa lý chính xác hoặc làm thế nào liên kết những đoạn gạch ngang này. Đòi hỏi này của Trung Quốc cắt sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế đã được xác lập bởi các quốc gia có vùng duyên hải.

Trầm trọng hơn thế, Trung Quốc còn bỏ mặc những khẳng định lãnh hải của mình không rõ ràng: Phải chăng bản đồ hình chữ U của Trung Quốc khẳng định tất cả các chủ quyền hàng hải đối với tất cả các hải đảo và các điểm? Bản đồ yêu cầu bồi thường tất cả các lĩnh vực hàng hải là vùng lãnh hải của Trung Quốc? Hay là Trung Quốc đòi hỏi rằng các đảo, bãi đá của mình thực sự là những quần đảo được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế ?

Trung Quốc đã gây sức ép để các công ty Mỹ không hỗ trợ các nước khác trong việc thăm dò dầu khí. Trung Quốc đã áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hàng năm đối với các ngư dân Việt Nam. Năm nay, Trung Quốc đã chứng minh sự gây hấn bất thường trong việc can thiệp vào hoạt động thương mại của các tàu thăm dò dầu khí hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế do Philippine và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việt Nam đã phản ứng với việc cắt cáp thăm dò trên hai con tàu của mình bằng cách đưa con tàu ra biển trở lại với đội vũ trang hộ tống và tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng lãnh hải của nước này.

Các nước tranh chấp khác trong vùng Đông Nam Á tìm các giải quyết tranh chấp của mình với Trung Quốc bằng cách kết hợp với nhau và đi theo một quan điểm chung. Sau đó, họ muốn đàm phán với Trung Quốc trên cơ sở đa phương. Trung Quốc khẳng định rằng tất cả các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết trên cơ sở song phương của các quốc gia có liên quan trực tiếp. Sự khác biệt trong cách tiếp cận này đã cản trở những nỗ lực ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc để thông qua bản hướng dẫn làm sống lại bản Tuyên bố năm 2002 đang hấp hối và nâng cấp DOC thành một bộ luật có tính ràng buộc pháp lý hơn.

Hoa Kỳ và các cường quốc hàng hải khác khẳng định họ là các bên liên quan chính đáng và nên tham gia vào tiến trình này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định rằng Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia trong việc tự do hàng hải, tiếp cận mở đến các vùng biển chung của Châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở vùng Biển Đông.

Sự quyết đoán trong cách gây hấn của Trung Quốc đã bị phản tác dụng. Nó đã thúc đẩy các quốc gia có yêu sách trong ASEAN gần nhau hơn và giúp Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2011, có cơ hội để khẳng định là tâm điểm của ASEAN về an ninh trong khu vực. Các nước Đông Nam Á muốn Hoa Kỳ tiếp tục cam kết và ủng hộ những nỗ lực đối phó với Trung Quốc của mình. Ngoài ra, các đồng minh như Philippines và Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ hơn về các vấn đề quốc phòng. Còn Việt Nam và Hoa Kỳ đang thúc đẩy các quan hệ quốc phòng còn phôi thai của mình.

Thật là quan trọng để ASEAN và những cường quốc ủng hộ khối này thành công trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông trên cơ sở của UNCLOS. Nếu không thì hiện tượng “kẻ mạnh mặc sức làm những gì mình muốn và kẻ yếu cứ phải chịu đựng”, như sử gia Hy Lạp Thucydides từ nhiều thế kỷ trước mô tả, sẽ tiếp diễn. Việc Trung Quốc hoán cải Biển Đông sang phiên bản hiện đại của loại “biển của riêng mình” (mare nostrum) sẽ xói mòn chế độ pháp lý quốc tế vốn cần thiết cho trật tự toàn cầu.




Các tin khác

Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt về tranh chấp Biển Đông (24/04/2012)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn