Báo cáo cho biết, năm 2012,
CBNV Tòa soạn đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được
giao. Tạp chí đã thực hiện nghiêm túc tôn chỉ mục đích, hoàn thành đúng kỳ hạn
12 số. Nội dung phong phú, chất lượng được nâng cao, qua đó đóng góp tích cực
vào việc làm tăng sự hiểu biết một cách khách quan về sự phát triển của Trung
Quốc và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Về mặt số lượng, năm 2012 Tạp chí đã đăng tải được 117 bài,
trong đó mục Những vấn đề chung 05 bài, Chuyên mục Kinh tế - chính trị - xã hội
28 bài, Quan hệ đối ngoại 18 bài, Lịch sử - Văn hóa 20 bài, Hồng Kông – Ma Cao
– Đài Loan 4 bài, Diễn đàn - trao đổi 11 bài, Dành cho nhà nghiên cứu trẻ 11
bài. Thưởng thức Trung Quốc học 6 bài, Thông tin – Tư liệu 13 bài, Nhịp cầu
Doanh nghiệp 01 bài. Trong 117 bài nêu
trên có 96 bài nghiên cứu. Cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc
đóng góp 35 bài, chiếm gần 40%. Các thành viên Hội đồng Biên tập đóng góp 14
bài và có 9 tác giả là người nước ngoài
(Trung Quốc, Nga, Nhật).
Về mặt nội dung, trong
năm 2012 Tạp chí tiếp tục đăng tải những bài viết phản ánh mọi mặt của đời sống
kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của Trung Quốc, chính sách đối ngoại của
Trung Quốc và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Mục Kinh tế - chính trị - xã hội với 28 bài viết tập trung phản ánh
tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Trung Quốc trong năm 2012. Về kinh tế, tập trung phản ánh quá trình
điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ,
điều hành tỷ giá, đầu tư ra nước ngoài, phát triển kinh tế biển, khai phát miền
Tây,.. Về chính trị, tập trung vào vấn
đề xây dựng Đảng cầm quyền, Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, chống tham nhũng, xây
dựng chính quyền đô thị, các vấn đề dân tộc tôn giáo,.. Về xã hội, chủ yếu là các bài về phát triển xã hội, chính sách xã hội,..
Quan hệ đối ngoại 18 bài, tập trung
phán ánh về quan hệ của Trung Quốc với các nước và khu vực như Mỹ, Nhật, Đông
Á, ASEAN,.. Về quan hệ Việt-Trung, chủ
yếu là các bài viết về quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc,
vấn đề nhập siêu,.. Mục Lịch sử-Văn hóa
có 20 bài viết nói về các lĩnh vực, đặc điểm, phương pháp nghiên cứu văn hóa
Trung Quốc, thơ Trần Nhân Tông, sức mạnh mềm văn hóa, công nghiệp văn hóa,
nghiên cứu về Lỗ Tấn, về Mạc Ngôn, Đỗ Phủ,..
Các bài lịch sử khảo cứu về quan hệ tư tưởng Hồ Chí Minh với tư tưởng
Tam Dân, về nguồn gốc pháp luật Trung Quốc, về giáo dục thời cận đại,.. Tạp chí cũng tập trung vào một số chủ đề như: Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thập niên đầu thế kỷ 21, dự
báo tình hình và những bước chuyển của Trung Quốc trong thập niên thứ 2 thế kỷ
21. Từ đó, có những đánh giá về tác động, gợi mở cho Việt Nam. Tạp chí cũng đã tập trung phản ánh những vấn đề
lý luận và thực tiễn xoay quanh Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc-sự
kiện nổi bật của Trung Quốc năm 2012. Mục
Đài Loan-Hồng Công-Ma Cao với 4 bài, chủ yếu phân tích về quan hệ kinh tế hai
bờ eo biển, Hiệp định ECFTA, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại học
tư thục ở Đài Loan,.. Mục Dành cho các nhà nghiên cứu trẻ với
11 bài viết, đăng tải kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà nghiên cứu trẻ
trong tìm hiểu về Trung Quốc trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, chuyên mục Diễn đàn với 11 bài viết, đăng tải các
ý kiến của các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau về vai trò địa chính
trị, địa chiến lược của Biển Đông, phản ánh những động thái của Trung Quốc trên
Biển Đông, những tranh luận về vấn đề Biển Đông, phê phán cách hành xử hung
hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là phê phán chủ trương “đường lưỡi bò”
phi lý của Trung Quốc.
Tại cuộc họp các thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí,
thành viên Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, các nhà nghiên cứu
và chuyên gia đã góp ý cho công tác Tạp chí năm 2012 và phương hướng hoạt động
năm 2013.
Định hướng công tác Tạp chí năm
2013, GS.TS. Đỗ Tiến Sâm-Tổng Biên tập Tạp chí nhấn mạnh, năm 2013 là bản
lề trong thực hiện những văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI và các Nghị quyết của
BCH Trung ương ĐCS Việt Nam. Đặc biệt là các vấn đề như tái cấu trúc nền kinh tế,
sửa đổi Hiến pháp, phòng chống tham nhũng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng,..
Năm 2013 ở Trung Quốc
(đối tượng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Tạp chí Nghiên cứu
Trung Quốc) đã và sẽ diễn ra quá trình chuyển giao thế hệ sau đại hội 18 ĐCS
Trung Quốc. Quá trình điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại sẽ tác động tới
thế giới và khu vực trong đó có Việt Nam.
Năm 2013, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc sẽ tập
trung phán ánh những điều chỉnh của Trung Quốc sau Đại hội 18 về chính sách đối
nội và đối ngoại; tập trung luận giải các vấn đề về chuyển đổi phương thức phát
triển, phát triển và quản lý xã hội, cải cách thể chế văn hóa, văn minh sinh
thái, xây dựng Đảng, chính sách đối ngoại, quan hệ Trung-Việt trong giai đoạn mới.
Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc sẽ khuyến khích đăng tải các bài về Trung Quốc
sau Đại hội 18 với thế hệ lãnh đạo mới đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn
mạnh vâấn đề “phục hưng Trung Hoa”,.. Tạp
chí Nghiên cứu Trung Quốc ưu tiên đăng tải các bài góp phần đấu tranh bảo vệ chủ
quyền biển đảo của Việt Nam, phản bác các quan điểm phi lý của Trung Quốc về Biển
Đông,..Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò là Diễn đàn của
các nhà nghiên cứu, chuyên gia của Trung Quốc học ở trong và ngoài nước. Tạp
chí Nghiên cứu Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ được
thể hiện các kết quả nghiên cứu, qua đó góp phần vào công tác đào tạo. Tạp chí
Nghiên cứu Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò là nhịp cầu, góp phần thúc đẩy
giao lưu giữa nhân dân hai nước. Tạp chí cũng góp phần phản ánh tiếng nói của
các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại
giữa hai nước.
Nhân dịp này GS Tổng Biên tập đã cảm ơn sự cộng tác nhiệt
tình và giúp đỡ quý báu của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các cộng tác
viên, mong muốn trong năm 2013, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc tiếp tục nhận được
sự quan tâm và giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các cộng tác
viên và độc giả.