QĐND - Hơn 50 đại biểu là các học giả
quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường
đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Ca-na-đa, Thụy Điển,
Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Hàn Quốc, Phi-líp-pin, Việt Nam và đại diện một số
bộ, ban, ngành và địa phương trong nước đã tham dự Hội thảo quốc tế với
chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - khía cạnh
lịch sử và pháp lý” do Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tại Quảng
Ngãi ngày 27-4. Nhiều báo cáo, tham luận trong Hội thảo đã đưa ra các
bằng chứng, căn cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý của Việt Nam mang tính thuyết phục
Phát biểu tại hội thảo, nhấn mạnh vị trí
chiến lược quan trọng, nguồn tài nguyên phong phú cùng tình hình diễn
biến phức tạp của khu vực Biển Đông, PGS, TS Phạm Đăng Phước, Hiệu
trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng khẳng định, việc Trung Quốc thành
lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của
Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo PGS, TS Phạm
Đăng Phước, từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã
xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
một cách hòa bình, liên tục, từ khi hai quần đảo này còn là vùng đất vô
chủ.
Hội thảo “Chủ quyền trên
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Những khía cạnh lịch sử và pháp
lý” được tổ chức tại Quảng Ngãi là địa phương có nhiều di tích gắn liền
với việc các Nhà nước Việt Nam tiến hành quản lý khai thác hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa và hiện có nhiều ngư dân đánh cá trên Biển Đông,
nhất là tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Tại hội thảo, các nhà
nghiên cứu và học giả tập trung thảo luận các vấn đề như quy định của
luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền lịch sử; các phương thức thụ đắc
lãnh thổ; các bằng chứng lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt
Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phương thức giải quyết
hòa bình những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa và các vấn đề liên quan ở Biển Đông hiện nay. |
Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp chủ
quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác
lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà
nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các
nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ
tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc này
trong tranh chấp tại Biển Đông, GS C.Thay-ơ (Carlyle A. Thayer) từ Học
viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a cho rằng, những chứng cứ lịch sử của Việt
Nam, chỉ cần tính từ thời nhà Nguyễn đến nay cũng đã mang tính thuyết
phục, như việc nhà Nguyễn có nhiều hành động liên tục cử người ra cai
quản, khai thác các đảo trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thực
dân Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử
tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu sau khi đô hộ
Đông Dương; hay việc Pháp chuyển giao cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa
tiếp quản khi rút đi…
“Khi Việt Nam được thống nhất, những gì
thuộc về Pháp hay Việt Nam Cộng hòa trước đây đều thuộc về Nhà nước Việt
Nam xã hội chủ nghĩa. Chỉ tính từ thời Nguyễn, những bằng chứng lịch sử
được công bố đã cho thấy, Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa chiếm hữu
thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và
hòa bình đối với Hoàng Sa và Trường Sa”, GS C.Thay-ơ nhấn mạnh. Ngoài
góc độ lịch sử, xét về khía cạnh pháp lý, GS C.Thay-ơ cũng cho rằng,
tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) liên quan tới Hoàng Sa, Trường
Sa là phù hợp. "Nhìn chung, tôi hoàn toàn ủng hộ những bằng chứng lịch
sử và cơ sở pháp lý mà Việt Nam đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế đối
với Hoàng Sa và Trường Sa ”, vị GS người Ô-xtrây-li-a khẳng định.
Giải quyết tranh chấp hòa bình vì lợi ích chung
Đánh giá các diễn biến xảy ra trên Biển
Đông trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, tranh chấp
trên Biển Đông hiện không còn là giữa Trung Quốc và các nước ASEAN láng
giềng mà mang tầm quốc tế, không phải là vấn đề chủ quyền của các bên
yêu sách mà là khái niệm “bảo vệ những vấn đề chung toàn cầu” hay “tự do
đi lại trên biển”, hay “việc sử dụng không hạn chế các tuyến hàng hải”.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hòa bình ổn định, bảo đảm tự do,
an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước
trong và ngoài khu vực. Các quốc gia ven Biển Đông cần tuân thủ luật
pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực
hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các tranh
chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở
luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; không
sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
GS, TS Tạ Văn Tài, Luật sư tại bang
Ma-sa-chu-xét (Mỹ) cho rằng, nghĩa vụ của mọi quốc gia, theo Hiến chương
Liên hợp quốc là phải tìm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.
Theo GS, TS Tạ Văn Tài, để thực thi nguyên tắc căn bản giải quyết tranh
chấp hòa bình, có thể sử dụng các phương tiện thủ tục khác nhau, từ đàm
phán ngoại giao song phương, đa phương; trung gian hòa giải cho đến thủ
tục trọng tài hay cơ quan tài phán, xét xử. “Việt Nam dùng luật quốc tế
để bảo vệ quyền lợi biển đảo của mình, tức là dùng khí giới của kẻ yếu
chống kẻ mạnh, nhưng là khí giới đầy chính nghĩa”, GS, TS Tạ Văn Tài
nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia R.Tô-pha-ni
(Roberto Tofani) từ I-ta-li-a lại đề cập đến nỗ lực của ASEAN trong việc
giải quyết các tranh chấp, quản lý xung đột trên Biển Đông. ASEAN đóng
vai trò chủ chốt đối với an ninh khu vực trong những năm tiếp theo, ông
R.Tô-pha-ni nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm này, ông X.Ca-pi-la
(Subhas Kapila), Cố vấn các vấn đề chiến lược và quan hệ quốc tế cho
Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) khẳng định, tiến trình giải quyết tranh chấp
ở Biển Đông xoay quanh 3 vấn đề là giảm các hành động gây căng thẳng;
thay đổi thái độ, cách tiếp cận đối với tranh chấp và thay đổi mối liên
quan giữa các lợi ích tranh chấp, trong đó các nước ASEAN phải thể hiện
sự đoàn kết khu vực.
Ngài Mơ-rây Hi-bớt (Murray Hiebert), Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á.
|
ASEAN đã có bước đi tích
cực: Mỗi quốc gia thành viên ASEAN có những ưu tiên và lợi ích khác
nhau tại Biển Đông. Trong khi đó, cùng với Trung Quốc, có 4 quốc gia
thành viên ASEAN là Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Việt Nam và Phi-líp-pin có
tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông. Xét trong bối cảnh ấy cùng
với việc Trung Quốc luôn muốn đàm phán song phương, thay vì đa phương
với các bên liên quan trong tranh chấp tại Biển Đông, việc Hội nghị cấp
cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra vừa qua tại Bru-nây ra thông cáo khẳng
định, ASEAN sẽ tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông với
tư cách một khối là một dấu hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực của khối
trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
|
Rô-đô-phô Xê-vơ-ri-nô (Rodofo Severino), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Xin-ga-po).
|
Yêu sách “Đường lưỡi bò”
là mơ hồ: Yêu sách “Đường đứt khúc 9 đoạn” (hay còn gọi là Đường lưỡi
bò, Đường chữ U) của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và mơ hồ, ngay
bản thân Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa đưa ra được một giải thích hợp
lý, nhất quán. Sự tồn tại của yêu sách chiếm hơn 80% diện tích của Biển
Đông không được các quốc gia liên quan thừa nhận, chồng lấn vào vùng
đặc quyền kinh tế của các nước ven biển là trái với quy định của luật
pháp quốc tế.
|
PGS Giô-na-than Đ.Lân-đơn (Jonathan D. London), Đại học Hồng Công.
|
Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế: Những
quan điểm mà phía Việt Nam đưa ra đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa là có cơ sở pháp lý. Điều quan trọng là trong thời gian tới,
Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hơn nữa, tranh thủ sự ủng hộ của cộng
đồng quốc tế, theo đuổi giải quyết tranh chấp đến cùng trong các hệ
thống luật pháp của Liên hợp quốc. |
Theo QĐND