Những
điểm sáng về hợp tác chính trị mà Thứ trưởng nêu trên đã đóng vai trò
thế nào trong quá trình phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 2
nước Việt Nam – Trung Quốc trong gần 2 năm qua cũng như thời gian sắp
tới?
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Trong bối cảnh khó
khăn chung của kinh tế thế giới và khu vực, thương mại song phương giữa 2
nước vẫn giữ đà tăng trưởng ổn định và không ngừng đạt mốc cao mới. Năm
2012, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt khoảng 41, 18 tỷ USD (
tăng 15,35% so với cùng kỳ 2011); 3 tháng đầu năm 2013 đã đạt 10,36 tỷ
USD tăng 21,6%.
Trong 9 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương
mại lớn nhất của Việt Nam. Về đầu tư, tính lũy kế đến hết 31//3/2013,
Trung Quốc có 899 dự án đầu tư vào Việt Nam đưa tổng vốn đăng ký của
Trung Quốc 4,71 tỷ USD đứng thứ 13/94 các quốc gia và vùng lãnh thổ có
vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tại phiên họp lần thứ 6 này, hai bên đã ký kết Bản
ghi nhớ Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm trong Quy hoạch phát triển
5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn
2012-2016, trong đó có một số dự án kết nối giao thông đường bộ, đường
sắt giữa 2 nước. Hai bên nhất trí sẽ xem xét ký mới Thỏa thuận hợp tác
giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch vệ
sinh an toàn hàng nông sản và thực phẩm xuất nhập khẩu qua biên giới;
đồng thời rà soát hợp tác, thỏa thuận hợp tác đã ký trong lĩnh vực hải
quan, nhằm tăng cường kiểm soát buôn lậu và gian lận thương mại qua biên
giới. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển kinh tế
thương mại, hai bên nhất trí giao Bộ Tài chính hai nước trao đổi, nghiên
cứu để tiến tới xây dựng chương trình hợp tác về tài chính giữa hai Bộ.
Trong thời gian qua, dư luận trong và ngoài nước
tập trung chú ý tới tình hình biên giới, lãnh thổ giữa 2 nước. Đề nghị
Thứ trưởng cho biết quan điểm và cách xử lý của Việt Nam và Trung Quốc
về vấn đề này?
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Đây là một trong những
nội dung được hai bên dành nhiều thời gian thảo luận. Về biên giới trên
bộ và vịnh Bắc Bộ, hai bên đồng ý với nhau là tình hình cơ bản ổn định.
Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác trong việc thực hiện 3 văn kiện
liên quan tới biên giới trên bộ cũng như việc phối hợp giải quyết kịp
thời những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý biên giới, tạo cơ sở
quan trọng để cùng nhau xây dựng đường hiên giới 2 nước thành đường biên
giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác. Hai bên nhất trí trong
thời gian tới sẽ cố gắng sớm xây dựng cơ chế hợp tác về quản lý cửa khẩu
biên giới và ký kết các văn kiện hợp tác liên quan, thúc đẩy việc mở,
nâng cấp cửa khẩu biên giới; tăng cường đàm phán để sớm ký kết Hiệp định
về Quy chế tàu thuyền qua lại tự do ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp
định về hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc.
Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác
nghề cá ở vịnh Bắc Bộ cũng được triển khai tương đối thuận lợi. Hai bên
đã phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra và điều tra liên hợp nguồn lợi
thủy sản trong vùng đánh bắt cá chung và việc tuần tra chung giữa hải
quân hai nước, đồng thời đang tích cực triển khai thỏa thuận khung về
hợp tác thăm dò cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định ở vịnh Bắc Bộ.
Vấn đề trên biển là vấn đề gai góc nhất tồn tại trong
quan hệ hai nước hiện nay. Hai bên không né tránh mà đã trình bày thẳng
thắn lập trường, quan điểm của mình về những diễn biến phức tạp trên
Biển Đông trong thời gian qua. Hai bên đều có nhận thức chung về tầm
quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển đối với hai nước
Việt Nam, Trung Quốc nói riêng và đối với khu vực châu Á – Thái Bình
Dương nói chung.
Hai bên nhất trí cần thực hiện nghiêm túc nhận thức
chung liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước và “Thỏa thuận về các
nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung
Quốc”, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật
pháp quốc tế và tinh thần DOC.
Hai bên quyết tâm triển khai tốt 3 dự án hợp tác
trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển là: Dự án về phối hợp tìm kiếm
cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; dự án hợp tác nghiên cứu
quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ và dự án nghiên cứu
so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu
thổ sông Trường Giang, đồng thời sẽ chỉ đạo để đàm phán vòng 3 cấp
chuyên viên hai nước về khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, dự kiến tổ chức
vào hạ tuần tháng 5/2013 đạt tiến triển thực chất cả trong vấn đề phân
định cũng như vấn đề hợp tác cùng phát triển tại khu vực này.
Bên cạnh hợp tác song phương giữa Việt Nam và
Trung Quốc đã đạt được, đề nghị Thứ trưởng cho biết thêm về những phối
hợp cụ thể trong các vấn đề quốc tế và đa phương của 2 nước?
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Với mục tiêu chung vì
hòa bình, ổn định và cùng phồn vinh của khu vực, hai bên nhất trí sẽ
cùng nhau nỗ lực góp phần đưa quan hệ ASEAN - Trung Quốc không ngừng
củng cố và phát triển; đặc biệt cần tranh thủ dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ
đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc trong năm nay, coi đó là cơ hội
để thúc đẩy thực hiện toàn diện các nhận thức chung của lãnh đạo ASEAN
và Trung Quốc; không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hợp tác ASEAN – Trung
Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, kết nối giao thông, xã hội
nhân văn… đóng góp lớn hơn nữa cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong
khu vực.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Chinhphu.vn