TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9915059
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Những nét lớn về quan hệ hợp tác Việt – Trung


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Ảnh: VGP/Từ Lương

Đề nghị Thứ trưởng cho biết những nét lớn trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc kể từ Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc đến nay?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Kể từ sau phiên họp lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội (tháng 9/2011) đến nay, có thể rút ra một số điểm chính sau:

Thứ nhất về quan hệ chính trị, hai  bên tiếp tục duy trì các chuyến thăm cấp cao dưới nhiều hình thức như chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2011 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2011 của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa; cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC tháng 9/2012; cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN tại Nam Ninh (tháng 9/2012). Đặc biệt là ngay sau khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới, ngày 21/3/2013 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm qua đường dây nóng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại các cuộc gặp cấp cao, 2 bên đã đạt được những nhận thức chung quan trọng trong việc không ngừng tăng cường và củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.

Tại phiên họp lần này, hai bên đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm và cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao 2 nước trong năm 2013; sớm thống nhất về Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc để có thể ký kết nhân dịp các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm nay.

Giao lưu, hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát trong Đảng cũng như đổi mới, nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền trong tình hình mới tiếp tục được duy trì và đi vào chiều sâu. Tháng 6/2012, hai bên đã tổ chức thành công Hội thảo lý luận lần thứ 8 giữa hai Đảng với chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển ở Trung Quốc”,  đồng thời tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động trao đổi đoàn giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước.

Các bộ, ngành tiếp tục hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao.

Bộ Quốc phòng hai nước đã duy trì các chuyến thăm cấp cao của hai quân đội, đã tổ chức 3 vòng đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng cấp Thứ trưởng, tiến hành 14 lần tuần tra chung tại vịnh Bắc Bộ và thí điểm 10 chuyến tuần tra chung biên giới trên bộ đạt kết quả tốt. Bộ Công an, An ninh hai nước đã duy trì thường xuyên nhiều chuyến thăm cấp lãnh đạo Bộ; tổ chức thành công hội nghị phòng chống tội phạm lần thứ 3, phối hợp hiệu quả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới hai nước. Bộ Ngoại giao hai nước tăng cường phối hợp với nhau trong việc điều phối quan hệ và giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, thực hiện nghiêm túc Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ và đã thiết lập đường dây nóng với nhau.

Cơ chế hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học kỹ thuật đạt nhiều tiến triển thực chất. Hai bên đang gấp rút chuẩn bị để sớm khởi công xây dựng Cung Hữu nghị Việt – Trung tại Hà Nội.

Quan hệ giữa các địa phương 2 nước tiếp tục được thúc đẩy. Lãnh đạo các địa phương 2 bên, nhất là các địa phương biên giới duy trì thường xuyên những chuyến thăm và làm việc.

Hai bên đã tiến hành Hội nghị lần thứ 4 Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị lần thứ 5 của Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và Hội nghị lần thứ 3 về kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).


Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc. Ảnh: VGP/Từ Lương

    Những điểm sáng về hợp tác chính trị mà Thứ trưởng nêu trên đã đóng vai trò thế nào trong quá trình phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc trong gần 2 năm qua cũng như thời gian sắp tới?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và khu vực, thương mại song phương giữa 2 nước vẫn giữ đà tăng trưởng ổn định và không ngừng đạt mốc cao mới. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt khoảng 41, 18 tỷ USD ( tăng 15,35% so với cùng kỳ 2011); 3 tháng đầu năm 2013 đã đạt 10,36  tỷ USD tăng 21,6%.

Trong 9 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Về đầu tư, tính lũy kế đến hết 31//3/2013, Trung Quốc có 899 dự án đầu tư vào Việt Nam đưa tổng vốn đăng ký của Trung Quốc 4,71 tỷ USD đứng thứ 13/94 các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tại phiên họp lần thứ 6 này, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm trong Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 2012-2016, trong đó có một số dự án kết nối giao thông đường bộ, đường sắt giữa 2 nước. Hai bên nhất trí sẽ xem xét ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch vệ sinh an toàn hàng nông sản và thực phẩm xuất nhập khẩu qua biên giới; đồng thời rà soát hợp tác, thỏa thuận hợp tác đã ký trong lĩnh vực hải quan, nhằm tăng cường kiểm soát buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển kinh tế thương mại, hai bên nhất trí giao Bộ Tài chính hai nước trao đổi, nghiên cứu để tiến tới xây dựng chương trình hợp tác về tài chính giữa hai Bộ.

Trong thời gian qua, dư luận trong và ngoài nước tập trung chú ý tới tình hình biên giới, lãnh thổ giữa 2 nước. Đề nghị Thứ trưởng cho biết quan điểm và cách xử lý của Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề này?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Đây là một trong những nội dung được hai bên dành nhiều thời gian thảo luận. Về biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ, hai bên đồng ý với nhau là tình hình cơ bản ổn định. Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác trong việc thực hiện 3 văn kiện liên quan tới biên giới trên bộ cũng như việc phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý biên giới, tạo cơ sở quan trọng để cùng nhau xây dựng đường hiên giới 2 nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác. Hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ cố gắng sớm xây dựng cơ chế hợp tác về quản lý cửa khẩu biên giới và ký kết các văn kiện hợp tác liên quan, thúc đẩy việc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới; tăng cường đàm phán để sớm ký kết Hiệp định về Quy chế tàu thuyền qua lại tự do ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định về hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc.

Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ cũng được triển khai tương đối thuận lợi. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra và điều tra liên hợp nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh bắt cá chung và việc tuần tra chung giữa hải quân hai nước, đồng thời đang tích cực triển khai thỏa thuận khung về hợp tác thăm dò cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định ở vịnh Bắc Bộ.

Vấn đề trên biển là vấn đề gai góc nhất tồn tại trong quan hệ hai nước hiện nay. Hai bên không né tránh mà đã trình bày thẳng thắn lập trường, quan điểm của mình về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông trong thời gian qua. Hai bên đều có nhận thức chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển đối với hai nước Việt Nam, Trung Quốc nói riêng và đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Hai bên nhất trí cần thực hiện nghiêm túc nhận thức chung liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước và “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và tinh thần DOC.

Hai bên quyết tâm triển khai tốt 3 dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển là: Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ và dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang, đồng thời sẽ chỉ đạo để đàm phán vòng 3 cấp chuyên viên hai nước về khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, dự kiến tổ chức vào hạ tuần tháng 5/2013 đạt tiến triển thực chất cả trong vấn đề phân định cũng như vấn đề hợp tác cùng phát triển tại khu vực này.

Bên cạnh hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được, đề nghị Thứ trưởng cho biết thêm về những phối hợp cụ thể trong các vấn đề quốc tế và đa phương của 2 nước?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Với mục tiêu chung vì hòa bình, ổn định và cùng phồn vinh của khu vực, hai bên nhất trí sẽ cùng nhau nỗ lực góp phần đưa quan hệ ASEAN - Trung Quốc không ngừng củng cố và phát triển; đặc biệt cần tranh thủ dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc trong năm nay, coi đó là cơ hội để thúc đẩy thực hiện toàn diện các nhận thức chung của lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc; không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hợp tác ASEAN – Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, kết nối giao thông, xã hội nhân văn… đóng góp lớn hơn nữa cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Chinhphu.vn





Các tin khác

Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á
Tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung vô cùng quý giá của nhân dân hai nước
Đại sứ TQ: Duy nhất còn tồn tại vấn đề trên biển
Thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, lâu dài
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc
Tình hình kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2013
Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt-Trung thăm Trung Quốc
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn