TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9836181
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Tình hình kinh tế Trung Quốc 8 tháng năm 2013

1. Một số chỉ báo kinh tế chủ yếu trong tháng 8 cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tiếp tục có những dấu hiệu cải thiện

Theo số liệu công bố ngày 10-9-2013 của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, sản xuất công nghiệp trong tháng 8-2013 tăng trưởng thực tế 10,4%, tăng nhanh hơn 0,7 điểm phần trăm so với tháng trước. Tính chung cả 8 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp đạt 9,5%. Như vậy sau 2 tháng suy giảm, sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại trong tháng 7-2013 đạt 9,7%, và tiếp tục tăng lên 10,4% trong tháng 8. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong 17 tháng qua và vượt dự báo của các chuyên gia.

Bảy tháng đầu năm 2013, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước đạt 3003,22 tỉ NDT, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này bằng với mức tăng của 6 tháng đầu năm.

Từ tháng 1-7/2013, trong 41 ngành công nghiệp lớn thì có 27 ngành có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước, 11 ngành có lợi nhuận giảm, 2 ngành từ làm ăn thua  lỗ trong năm trước chuyển sang làm ăn có lãi, 1 ngành có mức thua lỗ giảm.

Tháng 8, chỉ số giá sản xuất ngành công nghiệp (PPI) giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu so với tháng trước mức độ giảm thu hẹp 0,7 điểm phần trăm. Theo phân tích, những thay đổi trong xu hướng kinh tế liên quan chặt chẽ với PPI. Thời gian này, nền kinh tế đã có dấu hiệu cải thiện nên PPI cũng có thay đổi tích cực. Tháng 8, PPI tăng 0,1% so với tháng trước; trong khi tháng 7 giảm 0,3%, đây là lần đầu tiên kể từ tháng Tư năm nay chỉ số PPI tháng này so với tháng trước đã chuyển từ âm sang dương.

Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 8 tăng 51%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với con số 50,3% trong tháng 7. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.

(Tuy nhiên, Bloomberg mới đưa tin Cục Thống kê  nhà nước Trung Quốc sẽ ngừng công bố các số liệu cụ thể của chỉ số PMI bắt đầu từ tháng 9. Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến tranh luận, trong đó có nghi ngờ về tính chính xác, minh bạch về số liệu thống kê, rằng Trung Quốc thổi phồng chỉ số PMI để trấn an giới đầu tư. Sự việc này khiến người ta liên tưởng đến con số thống kê thiếu minh bạch về thực trạng nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc.)

Theo số liệu thống kê, doanh số bán lẻ chỉ số quan trọng về chi tiêu tiêu dùng – trong 8 tháng đầu năm 2013 đã tăng 12,8%, trong đó tháng 8 đạt mức tăng trưởng 13,4%, tăng nhanh hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước.

Đầu tư cũng có mức tăng nhẹ. Tám tháng đầu năm 2013, đầu tư TSCĐ (không bao hàm các hộ nông dân) là 26.257,8 tỉ NDT, tăng trưởng danh nghĩa 20,3%, tăng nhanh hơn 0,2 điểm phần trăm so với bảy tháng đầu năm. Riêng trong tháng 8 đầu tư tăng so với tháng trước là 1,61%.

Xuất khẩu tháng 8-2013 của Trung Quốc tăng mạnh 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo 6% của các nhà kinh tế và mức tăng trưởng trong tháng 7-2013 là 5,1%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố ngày 8-9-2013, tháng 8 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 352,85 tỉ USD, tăng trưởng 7,1%; trong đó, xuất khẩu đạt 190,73 tỉ USD, tăng trưởng 7,2%; nhập khẩu đạt 162,12 tỉ USD, tăng trưởng 7%. Thặng dư thương mại là 28,61 tỉ USD, mở rộng 8,3%. (Trong khi tháng 6-2013, kim ngạch xuất khẩu giảm 3,1%, nhập khẩu giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước).

Trong các đối tác thương mại chủ yếu của Trung Quốc,  ngoại trừ thương mại hai chiều với Nhật giảm, còn với các đối tác khác đều tăng. Tháng 8, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - EU đạt 50,97 tỉ USD, tăng 3,2%; Trung - Mỹ đạt 45,39 tỉ USD, tăng 9,2%; Trung Quốc - ASEAN đạt 36,58 tỉ USD, tăng 13,2%...  Còn kim ngạch thương mại hai chiều Trung - Nhật đạt 26,23 tỉ USD, giảm 5,7%.

Riêng FDI trong tháng 8 lại có mức tăng trưởng chỉ là 0,62%. Theo số liệu công bố ngày 17-9-2013 của Bộ Thương mại, tháng 8 FDI thực tế sử dụng là 8,377 tỉ USD, tăng 0,62%; trong khi con số này của tháng 7 là 24.13%. Tính chung 8 tháng đầu năm, thu hút FDI đạt  79,77 tỉ USD, tăng trưởng 6,37%.

Tám tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp FDI mới được phê duyệt14.480, giảm 8,22% so với cùng kỳ năm trước.

Tóm lại, theo số liệu thống kê công bố chính thức, sản xuất công nghiệp liên tục hai tháng liền tăng trở lại, cỗ xe tam mã là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu ròng cũng là quý đầu tiên cùng tăng nhẹ kể từ nửa đầu năm. Điều này cho thấy nền  kinh tế  có dấu hiệu cải thiện. Cũng như nhận định của nhà kinh tế Stephen Green của Ngân hàng Standard Chartered: Mặc dù không phục hồi mạnh mẽ nhưng nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng có dấu hiệu cải thiện.

Thực tế là thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra các biện pháp, chính sách nhằm duy trì ổn định tăng trưởng bao gồm: Giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ cho các ngành xuất khẩu yếu kém, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, cải tạo những khu nhà ổ chuột và tăng nhanh xây dựng đường sắt ở miền Trung, miền Tây và khu vực nghèo đói. Kể từ 1-8, đối với các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ có mức doanh thu hàng tháng không quá 20.000 NDT sẽ tạm miễn thuế giá trị gia tăng thuế kinh doanh, điều này đã mang lại lợi ích thực tế cho hơn 6 triệu doanh nghiệp. Còn trong lĩnh vực đầu tư tài chính, nhà nước mở cửa toàn diện thị trường xây dựng đường sắt, mở rộng quyền sở hữu và quyền kinh doanh trong xây dựng đường sắt quốc tế; đường sắt liên tỉnh, liên khu vực;...

Mặc dù số liệu kinh tế tháng 8 có dấu hiệu khởi sắc, tăng cường lòng tin của thị trường, nhưng triển vọng kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới vẫn chưa thể lạc quan. Đặc biệt là động lực bên trong nền kinh tế vẫn cần tăng cường, mâu thuẫn nổi bật về dư thừa sản lượng vẫn cần hóa giải, hơn nữa tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới chưa thuận lợi... vẫn sẽ là những rủi ro trong thời gian tới.

Như vậy, sau nửa đầu năm 2013 tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã liên tục giảm quý I tăng 7,7%; quý II là 7,5%, bước sang quý III đã có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia cho rằng, xu thế bình ổn đi lên của nền kinh tế trước mắt chỉ kéo dài trong 2 tháng, vẫn cần tiếp tục củng cố hơn nữa, cũng không thể loại trừ khả năng tái xuất hiện sự suy giảm nhẹ trong tăng trưởng. Các chính sách ổn định tăng trưởng vừa không cần thiết phải tăng cường hơn nữa, nhưng cũng không thể buông tay, mà cần duy trì và quan sát trong một khoảng thời gian, căn cứ vào những thay đổi của tình hình mà liên tục điều chỉnh.

2. Thị trường nhà đất vẫn tiếp tục nóng lên, có đến trên 2/3 người dân cho rằng hiện giá nhà "cao, khó chấp nhận"

Theo số liệu công bố ngày 18-9-2013 của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, tháng 8 trong 70 thành phố lớn và vừa trên cả nước có tới  66 thành phố có giá nhà mới xây tăng so với tháng 6, mức độ tăng cao nhất là 1,7%. (Hai thành phố có giá nhà giảm, 2 thành phố có giá nhà giữ nguyên)

Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, thì có đến 69/70 thành phố có nhà xây mới tăng, mức tăng cao nhất lên đến 19,3%. Trong đó, mức độ tăng cao chủ yếu tập trung ở các thành phố cấp 1, cá biệt cũng có ở thành phố cấp 2 và 3.

Đối với phân khúc nhà đã qua sử dụng, trong tháng 8 cũng có tới 58/70 thành phố có giá nhà tăng so với tháng trước, mức độ tăng lớn nhất là 1,6%; nếu so với cùng kỳ năm trước thì có đến 68/70 thành phố có giá nhà tăng, mức độ tăng lớn nhất là 16,4%.

Theo số liệu khác từ Viện Nghiên cứu chỉ số Trung Quốc công bố ngày 2-9 về giá nhà ở 100 thành phố trong tháng 8-2013, giá nhà bình quân là 10.442 NDT/m2, tăng 0,92% so với tháng 7. Như vậy giá nhà tháng sau tăng so với tháng trước liên tiếp trong 15 tháng, và trong 10 thành phố lớn thì Bắc Kinh có mức độ tăng giá nhà cao nhất.

Đáng chú ý là, ngày 18-9 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố báo cáo điều tra khảo sát người gửi tiền quý III cho thấy, 67,6% người dân cho rằng hiện giá nhà "cao, khó chấp nhận", tăng 0,9 điểm phần trăm so với quý trước; trong đó những người dân ở các thành phố cấp 1 có đến 77% cho rằng "giá nhà quá cao".

Thu Hiền





Các tin khác

Tình hình kinh tế Trung Quốc 10 tháng năm 2013
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 2 năm 2014
Trung - Việt đã giải quyết 2/3 tranh chấp lãnh thổ lên tăng cường quan hệ với Việt Nam
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cần được xây dựng trên cơ sở nào?
Quản lý nhà nước về Biển Đảo ở Trung Quốc và một số gợi mở đối sách cho Việt Nam
Lập luận kỳ lạ
Mệnh danh là nhà khoa học sao lại hành động “phản khoa học” như vậy?
Từ sự kiện giàn khoan nhìn lại Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung
Quốc tế công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ lâu.
Ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa của nhà địa lý học Trung Hoa cuối thế ky XIX trong tác phẩm Việt Nam Địa dư đồ thuyết
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn