Bài phát biểu của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ
niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953 -
02/12/2013)
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2/12/1953 - 2/12/2013)
Thưa các vị đại biểu,
Thưa các đồng chí,
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội
Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi thân ái gửi tới các vị
đại biểu, các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Viện Hàn
lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lời chúc mừng nồng nhiệt;
chúc toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và đạt được nhiều thành
tích mới trong công tác.
Thưa các đồng chí,
Cách đây tròn 60 năm, ngày 02-12-1953, giữa lúc cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết liệt, với
tầm nhìn xa rộng, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước
sau hoà bình, Đảng ta đã quyết định thành lập Ban nghiên cứu lịch sử,
địa lý, văn học (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
ngày nay), đặt nền móng cho sự hình thành, xây dựng và phát triển nền
khoa học xã hội nước nhà.
Trong suốt 60 năm phát triển và trưởng thành, vượt lên muôn vàn khó
khăn, thử thách, bằng trí tuệ và niềm say mê khoa học cũng như ý thức
trách nhiệm cao đối với nhân dân, đất nước, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ
khoa học, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đoàn
kết một lòng, đồng tâm hiệp lực và phát huy cao độ tinh thần lao động
sáng tạo, đưa khoa học xã hội nước nhà từng bước phát triển, bắt kịp
những vấn đề của thời đại, đóng góp tích cực vào sự nghiệp kháng chiến,
kiến quốc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc ngày nay.
Trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm, các thế hệ cán bộ, viên
chức của Viện bằng các sản phẩm và công trình khoa học của mình đã tham
gia kiến giải, làm rõ tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh giành độc
lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta; tuyên truyền thế giới
quan khoa học, làm rõ cơ sở lý luận của quan điểm chiến tranh nhân dân,
đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng ta; luận chứng khoa học về sự
thất bại tất yếu của chủ nghĩa thực dân và khẳng định tính tất thắng của
cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh
nghiên cứu cơ bản, Viện đã luôn coi trọng và đẩy mạnh nghiên cứu triển
khai và tư vấn chính sách, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực
tiễn quan trọng của đất nước. Các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, xã
hội, đối ngoại, an ninh và quốc phòng... trong bối cảnh toàn cầu hoá và
hội nhập quốc tế đã được nghiên cứu tương đối đồng bộ, toàn diện, ngày
càng có chiều sâu và chất lượng tốt hơn. Những kết quả nghiên cứu đó đã
góp phần vào việc nâng cao nhận thức ngày càng sâu sắc, sáng tỏ hơn về
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng như
nhiều vấn đề quan trọng thuộc về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước. Đồng thời, Viện có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về khoa học
xã hội và nhân văn, cả chuyên ngành và đa ngành, liên ngành với những
đề xuất giải pháp cụ thể, phù hợp đối với việc giải quyết các vấn đề xã
hội, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền,... Các nghiên cứu của Viện đã góp
phần làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc, đất nước, con
người Việt Nam, các giá trị và bản sắc văn hoá của dân tộc được kế thừa
và phát huy trong suốt hàng nghìn năm lịch sử; khẳng định chủ quyền quốc
gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước…
Kết quả những nghiên cứu khoa học nghiêm túc và công phu của Viện được
đánh dấu bằng những sản phẩm, công trình có giá trị. Đó là các bộ sách,
các tổng tập và các bài báo có chất lượng và giá trị khoa học cao, đăng
trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là 20 công
trình, cụm công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và 24 công
trình, cụm công trình được nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học - công
nghệ.
Cùng với việc nghiên cứu khoa học, Viện cũng đã có những đóng góp đáng
kể trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội có trình độ
cao, đặc biệt là từ sau khi Học viện Khoa học xã hội được thành lập. Sự
kết hợp chặt chẽ giữa chức năng nghiên cứu khoa học với chức năng đào
tạo tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã góp phần quan trọng vào
việc xây dựng và phát triển lực lượng cán bộ khoa học xã hội có trình
độ cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn chủ động, tích cực thiết lập
và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức khoa học trên thế
giới, tạo điều kiện quan trọng để Viện tiếp thu những thành tựu, tinh
hoa văn hoá của nhân loại, vươn lên trình độ khu vực và quốc tế, đồng
thời giới thiệu, quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và nền
khoa học xã hội nước ta với bạn bè quốc tế.
Trong những năm gần đây, Viện đã có nhiều đổi mới, kế thừa, phát huy
những thành tựu, kết quả đã đạt được, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục
những hạn chế, yếu kém, nhất là tình trạng chậm, muộn hoàn thành các đề
tài nghiên cứu; kỷ cương, kỷ luật lao động ở một số bộ phận chưa nghiêm.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ được quan tâm, có những kết
quả tích cực bước đầu.
Có thể khẳng định, suốt 60 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, nhà khoa học,
cán bộ và viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn nêu
cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà
nước giao phó; xây dựng Viện xứng đáng là một cơ quan nghiên cứu khoa
học xã hội đầu ngành của cả nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin
cậy, ghi nhận, đánh giá cao. Không phải ngẫu nhiên mà các đồng chí được
nhận các phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí
Minh và Huân chương Sao vàng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc
mừng và biểu dương những kết quả, thành tích và đóng góp quan trọng của
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, cho đến nay, Viện của chúng ta cũng còn
những hạn chế, bất cập. Rõ nhất là chưa có nhiều công trình có giá trị
sáng tạo cao; chưa lý giải sâu sắc và thuyết phục một số vấn đề lý luận
và thực tiễn của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây
dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Còn thiếu những bộ sách, những tổng tập trọng điểm để góp phần nâng cao
dân trí, làm rõ giá trị và phẩm cách Việt Nam trong cộng đồng thế
giới... Đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là các chuyên gia đầu ngành còn
mỏng, chưa ngang tầm về chất lượng,...
Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí,
Hiện nay, đất nước ta đang ở giai đoạn phát triển rất quan trọng. Bối
cảnh tình hình thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc,
biến động rất phức tạp, khó lường. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, hợp
tác cùng phát triển là xu thế không thể đảo ngược, nhưng cạnh tranh quốc
tế, tranh giành lợi ích và ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, văn hoá
giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo ngày càng quyết liệt; chiến tranh,
bạo loạn, lật đổ, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, xung đột tôn
giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Nhân loại đang đứng trước nhiều
nguy cơ, thách thức truyền thống cũng như phi truyền thống, đặc biệt là
vấn đề dân số, biến đổi về cơ cấu xã hội, phân hoá giàu nghèo, biến đổi
khí hậu, nước biển dâng, an ninh mạng… Ở trong nước, thành tựu to lớn có
ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới cho
việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh. Tuy nhiên, đất nước hiện gặp nhiều khó khăn gay gắt. Sự nghiệp đổi
mới, phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh kết quả, thành tựu đã đạt
được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm xuất hiện những vấn đề phức
tạp mới, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển
nhanh và bền vững đất nước.
Tất cả tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội
và nhân văn; nhiều vấn đề lý luận cơ bản về sự phát triển của đất nước
đang cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có câu trả lời chính xác, trước
hết là từ những người làm công tác khoa học xã hội. Ở đây, Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam có vai trò cực kỳ quan trọng.
Viện cần tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được trong
60 năm qua, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện tốt chức
năng là cơ quan nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội, cung
cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định
đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đất
nước, thực hiện tư vấn về chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao về khoa học xã hội, là chỗ dựa, là nòng cốt cho công tác nghiên cứu
khoa học xã hội của cả nước.
Về công tác nghiên cứu : Một mặt, cần tiếp tục đi sâu nghiên
cứu các lĩnh vực cụ thể, chuyên ngành của khoa học xã hội, kết hợp
nghiên cứu cơ bản, hàn lâm với nghiên cứu triển khai, ứng dụng; nghiên
cứu đa ngành và nghiên cứu liên ngành; nghiên cứu định tính và nghiên
cứu định lượng. Từ kinh tế, chính trị, triết học, lịch sử, văn hoá đến
đất nước, con người, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học,... làm sáng
tỏ những vấn đề chưa rõ hoặc do thực tiễn mới đặt ra, làm cơ sở cho việc
giáo dục, nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm
đúng đắn cho toàn dân. Mặt khác, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận chính
trị, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ các vấn đề về chủ nghĩa xã hội và
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phù hợp với thực tiễn Việt
Nam, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chiến
lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Chú trọng
nghiên cứu dự báo xu hướng phát triển, thể hiện tầm nhìn xa; kết hợp
nghiên cứu các vấn đề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến năm 2030, năm
2050. Trước mắt, cần tham gia tổng kết một số vấn đề lý luận và thực
tiễn 30 năm đổi mới do Bộ Chính trị giao. Tập trung vào các vấn đề :
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá; phát triển văn hoá, xây dựng con người; giải quyết
các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xây dựng
hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... Đặc biệt,
tập trung làm rõ và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn được nêu trong
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
(bổ sung, phát triển năm 2011) : Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát
triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị
trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản
xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng
trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã
hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa;
giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý, nhân dân làm chủ,... Khẳng định và bảo vệ những quan điểm đúng
đắn; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; phê phán, bác bỏ những quan điểm
sai trái, thù địch. Đây không chỉ là nhiệm vụ khoa học mà còn là nhiệm
vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam.
Về công tác xuất bản, thông tin, truyền thông khoa học xã hội :
Đây là khâu rất quan trọng, không chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu
khoa học của Viện và cả nước mà còn là kênh để Viện trực tiếp đóng góp
thường xuyên, lâu dài cho sự nghiệp phát triển ngành khoa học xã hội
quốc gia, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc. Thời gian qua, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng số lượng các ấn phẩm
có giá trị, được xã hội và bạn đọc đánh giá cao chưa nhiều. Hoạt động
của các nhà xuất bản, tạp chí khoa học, thư viện, trung tâm thông tin -
tư liệu còn gặp nhiều khó khăn; thậm chí uy tín, thương hiệu của một số
ấn phẩm, tạp chí còn bị mai một. Vì vậy, thời gian tới, cần phải đổi mới
tổ chức và xây dựng cơ chế hoạt động cho phù hợp hơn với điều kiện kinh
tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của công
nghệ thông tin, kỹ thuật số. Củng cố, nâng cao thương hiệu của các nhà
xuất bản, các tạp chí khoa học chuyên ngành bằng các tác phẩm, công
trình có giá trị, chất lượng cao…; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu
quả phục vụ của các Thư viện, Trung tâm thông tin tư liệu… Tiếp tục tăng
cường và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm quảng bá những thành
tựu phát triển, các giá trị văn hoá của đất nước, con người và dân tộc
Việt Nam với cộng đồng thế giới; chọn lọc và tiếp thu những thành tựu,
tinh hoa của khoa học xã hội thế giới để phát triển hơn nữa nền khoa học
xã hội nước nhà.
Về công tác đào tạo : Mới đây, Hội nghị Trung ương 8 khoá XI
đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào
tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Là cơ
quan nghiên cứu khoa học xã hội hàng đầu của đất nước, có đội ngũ đông
đảo các nhà khoa học đã nhiều năm làm nhiệm vụ đào tạo sau đại học, Viện
Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục
-Đào tạo và các bộ, ngành hữu quan triển khai có kết quả Nghị quyết về
phát triển lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu này, trước hết là
trong việc đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
đào tạo của Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện. Phải chú trọng đào
tạo cả về phẩm chất, đạo đức và trình độ, năng lực; xây dựng, phát
triển một đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội vừa
hồng, vừa chuyên; vừa có hiểu biết rộng, sâu, vừa có tính nhân văn, óc
thực tiễn, đủ sức giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra. Đặc
biệt quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực
của khoa học xã hội; đội ngũ những người làm công tác quản lý giỏi về
chuyên môn, thạo về quản lý, tạo tiềm lực mạnh cho sự phát triển của
khoa học xã hội. Dành ưu tiên cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức của Viện. Cán bộ nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học xã
hội Việt Nam phải là những nhà khoa học có tài năng, đồng thời có ý
thức trách nhiệm công dân cao, và hơn thế, là người chiến sĩ trên mặt
trận chính trị, tư tưởng, văn hoá.
Điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Viện
là phải tạo ra một môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, kỷ
cương; thật sự phát huy tự do sáng tạo trên cơ sở phương pháp luận biện
chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan
điểm cơ bản của Đảng, đồng thời phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
Nghiên cứu khoa học xã hội là công việc rất khó và nhạy cảm, đòi hỏi mỗi
người phải hết sức tâm huyết, say mê, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe,
học hỏi và tôn trọng lẫn nhau. Lãnh đạo Viện phải có kế hoạch đổi mới
mạnh mẽ tổ chức và cơ chế hoạt động của Viện, thường xuyên chăm lo xây
dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc; chăm lo bảo đảm đời
sống của cán bộ, công chức, viên chức; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế,
có chính sách, biện pháp thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở
trong và ngoài nước, trọng dụng nhân tài, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa
nền khoa học xã hội Việt Nam tiến lên một bước mới theo tinh thần Nghị
quyết Trung ương 6 khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ
sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí,
Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là
một dịp để chúng ta ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp và truyền thống vẻ vang
của Viện; đồng thời cùng nhau hướng tới tương lai, tiếp tục phấn đấu,
hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, nhân dân
mong đợi.
Chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.