TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9836196
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cần được xây dựng trên cơ sở nào?


    Trên "Thời báo Hoàn Cầu" (Trung Quốc) và trang mạng của báo này gần đây xuất hiện những bài bình luận tương đối tích cực về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 11/11/2013, mạng Hoàn Cầu đăng bài của Giáo sư Cốc Nguyên Dương dưới tiêu đề: Bàn cờ Đông Nam Á và nước cờ đột phá Việt Nam; ngày 26-11, “Thời báo Hoàn Cầu” lại có bài Trung - Việt chung ý thức hệ và quan hệ thương mại sâu sắc hơn.Hai bài này cơ bản cùng một nội dung.  Các tác giả nhận định Đông Nam Á là trọng điểm bố trí chiến lược của Trung Quốc cũng đồng thời là nơi được các nước lớn bên ngoài khu vực chen chúc quan tâm "chăm sóc" vì lợi ích của chính họ khiến tình hình nơi này thiếu ổn định. Với tư cách là nước láng giềng, Trung Quốc có thuận lợi và cần phải nắm lấy thuận lợi ấy để xác lập mối quan hệ bền chặt với khu vực. Nên bắt đầu từ đâu? Các tác giả đề xuất nên lấy Việt Nam làm điểm đột phá. Tuy là một nước "ASEAN mới" (trình độ phát triển còn thấp) nhưng Việt Nam có dân số đáng kể, có vị trí địa lý trung tâm, đã đạt nhiều thành tựu trong đổi mới, mở cửa, từng được dư luận quốc tế xếp vào nhóm VISTA (Việt Nam, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina), nhóm những nước mới nổi sau BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Đặc biệt, các tác giả muốn nhấn mạnh điểm đồng là Việt Nam và Trung Quốc cùng chung ý thức hệ, cùng xây dựng CNXH. Đó là điều kiện và cơ sở thuận lợi nhất để đặt Việt Nam vào vị trí đột phá cho quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.

Như là một sự tranh luận về cách đặt vấn đề, liền sau đó tác giả Khả Tiểu Trại có bài: Đánh giá quan hệ hai nước Trung - Việt cần có thái độ tích cực, bày tỏ quan điểm khác biệt, không đồng tình với luận điểm trên. Tác giả này cho rằng tìm một sự "đột phá Việt Nam" là không có cơ sở. Thứ nhất, giữa các nước Đông Nam Á/ASEAN đang còn rất khác biệt về chính trị và chênh lệch về kinh tế, không sự đột phá riêng biệt nào có thể gánh nổi chiến lược (của Trung Quốc đối với) toàn khu vực. Thứ hai, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đang không mấy tốt đẹp, chỉ có thể xếp trên quan hệ của Trung Quốc với Philippines, "nghĩa là chưa phải xấu nhất" mà thôi; một sự đột phá (với đối tượng này) thực sự là khó khăn! Thứ ba, và đây có lẽ là khác biệt chủ yếu trong ý kiến của Khả Tiểu Trại: Chủ nghĩa lý tưởng, sự tương đồng ý thức hệ càng không phải là cơ sở cho "sự đột phá", như thực tiễn đang diễn ra cũng như lịch sử quan hệ Trung - Việt hàng ngàn năm nay đã chứng minh. Cuối cùng, tác giả cho rằng cần phải nhìn vào thực tế khách quan, nhìn vào sự thật không mấy tích cực trong quan hệ giữa hai nước sau khi đã được bình thường hóa dể làm điều cần phải làm trước hết hiện nay là “tái bình thường hóa” mối quan hệ này.

Dẫn ra những bài viết ấy, vậy thì quan điểm, cách nhìn nhận của người viết những dòng này?

Xin nói ngay: Chúng tôi không bàn đến việc Trung Quốc có thể và nên mở đột phá với quốc gia nào trong khu vực vì đó là công việc của họ. Đương nhiên như vậy chúng tôi càng không có ý kiến gì về những điều kiện cần và đủ cho sự đột phá ấy. Tôi chỉ xin đề cập đến một vấn đề mà các tác giả trên đã cùng đề cập, đó là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cần được xây dựng trên cơ sở nào trong bối cảnh thời đại? Ở khía cạnh này tôi đánh giá cao thiện chí của Cốc Nguyên Dương nhưng nghiêng về quan điểm của Khả Tiểu Trại.

Có thể thấy đây không phải là một câu chuyện nhỏ. Nếu Trung Quốc coi trọng vai trò của Việt Nam bởi vị trí địa lý thì Việt Nam càng coi trọng vai trò của Trung Quốc, trong tư cách người láng giềng khổng lồ. Chỉ với một cách nhìn “địa lý” như vậy cũng đã khiến cả hai nước thấy cần thiết phải cùng nhau xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào sự thật khách quan một cách bình tĩnh, cầu thị để tìm đến một nền tảng hiện đại, khả thi cho việc xây dựng mối quan hệ này.

Hai nước Việt Nam, Trung Quốc có sự tương đồng về chế độ chính trị - xã hội (cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng xây dựng CNXH) đã gần  65 năm nay, kể từ khi nước CHND Trung Hoa được thành lập. Nhưng quan hệ tích cực thật sự tin cậy lẫn nhau có thể thấy được giữa hai quốc gia này chỉ chiếm 1/3 khoảng thời gian ấy. Còn lại giữa họ là bất đồng, chỉ trích và thậm chí, chiến tranh. Trái với lý thuyết giai cấp của học thuyết Mác, chiến tranh đã xảy ra giữa các nước này vì lợi ích dân tộc. Hơn thế, một cách cụ thể, nó có nguồn gốc từ sự tranh biện, sự giải thích khác nhau về học thuyết Mác, như chiến tranh biên giới Trung - Xô (3/1969) xảy ra mười năm trước chiến tranh biên giới Trung - Việt (2/1979) chứng tỏ. Nếu coi các nhà nước Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam là những nhà nước cùng chung ý thức hệ thì thực tế cay đắng đã chứng tỏ điều đó không đảm bảo cho một quan hệ bền vững giữa họ.

Hơn nữa, chế độ chính trị đâu phải là một cái gì bất biến. Nó khả biến, dù có muốn hay không. Nếu xảy ra sự thay đổi chính trị ở một trong hai nước thì nền tảng của mối quan hệ giữa họ cũng đổ vỡ chăng? Sau cùng, bức tường chiến tranh lạnh đã sụp đổ, không còn phe phái mang ý thức hệ giữa các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã tuyên bố làm bạn với cả thế giới và Trung Quốc chẳng cần tuyên bố gì thì người ta vẫn cho thấy người bạn tốt nhất của mình là Pakistan, một nước chống cộng sản. Và cũng nên nhớ là một số nước trong ASEAN vẫn duy trì "luật chống cộng", nhấn mạnh nền tảng này trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể lại khiến họ thêm dị nghị cũng nên? Trong bất cứ trường hợp nào, sự chân chính là cần xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước, vì lợi ích của mỗi nước. Nhiều người chúng ta, cả phía Việt Nam và Trung Quốc, tiếc nuối thời kỳ quan hệ tốt đẹp những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng hãy nên coi đấy như là dấu ấn Thuấn - Nghiêu của quan hệ Việt - Trung, nó đã đi qua và không bao giờ trở lại. Mọi sự kiện đều được quy định bởi điều kiện lịch sử cụ thể, mà điều kiện lịch sử cụ thể không lặp lại.

Cách đặt vấn đề của chúng tôi là như vậy: Mỗi quốc gia có quyền theo đuổi chế độ chính trị mà mình lựa chọn nhưng nền tảng cho quan hệ giữa hai dân tộc, hai quốc gia - cụ thể là Việt Nam và Trung Quốc - là ở những gì trường tồn, bất biến, đã được thử thách qua thời gian: Sự tương đồng văn hóa, lịch sử, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, sự không có hiềm khích giữa nhân dân với nhân dân và tất nhiên là cả việc láng giềng liền sông, liền núi không thể di rời. Nền tảng ấy mới là cơ sở để hai nước cùng nhau xây dựng và duy trì mối quan hệ hiểu biết, hữu nghị, ủng hộ lẫn nhau một cách căn bản và lâu dài.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi đồng ý với ông Khả Tiểu Trại là trước hết cần nhìn vào thực tế, đánh giá đúng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay để bình thường hóa lại cái đã được coi là bình thường hóa, “chú trọng ổn định”, “quản lý nguy cơ” (chữ của ông Khả Tiểu Trại). Mọi ngôn từ to tát, đẹp đẽ, mọi vận động hình thức ồn ảo, bỏ qua thực tế “bằng mặt không bằng lòng” đều chỉ là những cơn gió thoảng, khó để lại được gì./.

TS. Vũ Cao Phan




Các tin khác

Quản lý nhà nước về Biển Đảo ở Trung Quốc và một số gợi mở đối sách cho Việt Nam
Lập luận kỳ lạ
Mệnh danh là nhà khoa học sao lại hành động “phản khoa học” như vậy?
Từ sự kiện giàn khoan nhìn lại Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung
Quốc tế công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ lâu.
Ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa của nhà địa lý học Trung Hoa cuối thế ky XIX trong tác phẩm Việt Nam Địa dư đồ thuyết
Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam
Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả, chính khách Mỹ và phương Tây
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều thế kỷ
Cả thế giới bác bỏ cái gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn