Bước vào
quý IV-2013, kinh tế thế giới xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, châu Âu cuối
cùng đã thoát khỏi suy thoái; Nhật Bản vượt qua giảm phát, tăng trưởng trở lại
sau 2 thập kỷ trì trệ; kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu cho thấy thoát khỏi tình
trạng tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm. Mặc dù kinh tế thế giới đã tăng trưởng trở lại nhưng còn chậm chạp, nhiều thách
thức, bất ổn vẫn phải tiếp tục giải quyết.
Đó là tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở châu Âu, người tiêu dùng và doanh nghiệp
thắt chặt chi tiêu tại Mỹ, các khoản nợ công khổng lồ ở những nền kinh tế lớn.
Bên cạnh đó là kinh tế bất ổn tại các nước mới nổi. Theo nhận định của hơn 20
nhà kinh tế, tăng trưởng toàn cầu vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn trong vòng 15
tháng tới(1).
Trong năm 2013, sự tăng trưởng chậm lại
của Trung Quốc được IMF xem là 1 trong 3 rủi ro góp thêm vào bức tranh vốn đã
đầy những nhân tố bất ổn của kinh tế thế giới(2). Tuy tăng trưởng
chậm lại, nhưng năm 2013 cũng đánh dấu việc Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước có quy mô thương mại lớn
nhất toàn cầu.
I. NHỮNG VẤN ĐỀ
NỔI BẬT CỦA KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2013
1. Tăng trưởng
kinh tế suy giảm, kết cấu về đầu tư - tiêu dùng tiếp tục mất cân đối
Theo số liệu công
bố ngày 20-1-2014 của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc(3), tính toán sơ bộ năm 2013 GDP đạt 56.884,5 tỉ NDT, tăng trưởng
7,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 14 năm qua kể từ năm 1999 (tăng
trưởng 7,6%). Trong đó, quý I là 7,7%; quý II là 7,5% ; quý III đạt 7,8% và quý IV là 7,7%.
Nếu phân theo nhóm ngành thì khu vực I
(nông nghiệp) đạt 5.695,7 tỉ NDT, tăng trưởng 4,0%; khu vực II (công nghiệp và
xây dựng) đạt 24.968,4 tỉ NDT, tăng trưởng 7,8%; khu vực III (dịch vụ) là
26.220,4 tỉ NDT, tăng trưởng 8,3%.
Đáng chú ý là
quy mô của ngành dịch vụ lần đầu tiên vượt qua ngành công nghiệp và xây dựng, với tỉ trọng
trong GDP đạt đến 46,1% so với mức 43,9% của khu vực II và 10% của khu vực I.
Điều này đánh dấu sự thay đổi mang tính lịch
sử, song cũng là quy luật thông thường khi Trung Quốc bước vào giai đoạn các
quốc gia có thu nhập trung bình(4). Tuy nhiên, nếu so với các nước
phát triển như Âu, Mỹ thì ngành dịch vụ của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất
lớn.
Như vậy, kể từ quý IV-2010 tăng trưởng kinh tế
Trung Quốc đã liên tục xuất hiện xu thế suy giảm. Trước tình hình này, việc giữ ổn định tăng trưởng rất được chú trọng, bởi lẽ nếu tăng trưởng
không ổn định thì việc làm không ổn định, xã hội cũng vì thế mà có thể trở nên
không ổn định, vì vậy Chính phủ Trung
Quốc luôn đặt "ổn định tăng
trưởng" lên hàng đầu trong phương hướng điều tiết vĩ mô năm 2013, thậm chí nhấn mạnh “đưa ổn định tăng trưởng lên vị trí
quan trọng hơn nữa”.
Ngay từ quý I -2013 nhà nước Trung Quốc đã đưa ra hàng
loạt các biện pháp chính sách "ổn định tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu,
thúc đẩy cải cách". Kể từ tháng 7, Thủ tướng Lý
Khắc Cường đã đưa ra các “gói kích thích mini” (theo cách gọi của Bank of
America) trên 3 phương diện: (1) Tạm miễn thuế GTGT và thuế thu nhâp doanh
nghiêp cho khoảng 6 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có doanh
thu hàng tháng không quá 20.000 NDT kể từ 1-8. Cũng từ ngày 1-8, Trung Quốc mở rộng phạm vi thí điểm trưng thu thuế giá trị gia tăng thay
cho thuế thu nhập doanh nghiệp, cả năm sẽ giảm thuế khoảng 120 tỉ NDT;
(2) Nghiên cứu quyết định các biện pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy sự phát
triển ổn định của xuất nhập khẩu; (3) Triển khai cải cách thể chế đầu tư, tài
chính vào đường sắt, mở cửa toàn diện thị trường xây dựng đường sắt, mở rộng
quyền sở hữu và quyền kinh doanh trong xây dựng đường sắt, đẩy nhanh xây dựng
đường sắt ở miền Trung, miền Tây và khu vực nghèo đói(5).
Nhờ vậy mà kinh tế đã phục hồi nhẹ trở
lại vào quý III, nhưng quý IV lại giảm và mức tăng trưởng 7,7% cả năm 2013 vẫn
là mức tăng trưởng thấp nhất trong 14 năm qua. Kể từ năm 2010 đến nay GDP của Trung Quốc đã liên tục suy giảm trong 4 năm liền.
Lý giải nguyên nhân khiến tăng trưởng
GDP suy giảm, ông Thịnh Lai Vận - Người phát ngôn
của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc cho
biết chủ yếu có 3
phương diện: (1). Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm thích hợp là phản ánh
khách quan quy luật năng suất cận biên giảm dần. Hiện tượng này không phải
riêng có của Trung Quốc, một số nước phát triển trên thế giới trong quá trình
phát triển khi bước vào giai đoạn điều chỉnh, nâng cấp kết cấu kinh tế cũng
xuất hiện hiện tượng suy giảm năng suất, tốc độ tăng trưởng.
(2). Bối cảnh quốc
tế vẫn hết sức phức tạp, nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc còn yếu,
việc rút lui gói QE3 cũng khiến các dòng tiền nóng rút khỏi các nền kinh tế mới
nổi (trong đó có Trung Quốc), trong nước tiền công lao động tăng cao khiến xuất
khẩu của Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn.
(3). Đảng, Chính phủ Trung Quốc chủ
động điều tiết. Thông qua các biện pháp chính sách tăng cường điều tiết, kiểm soát thị trường
bất động sản; 8 quy định đối với chi tiêu công, "hoạt động thực tiễn giáo
dục đường lối quần chúng", "chỉnh đốn tứ
phong" nên cũng ảnh hưởng nhất định đến tiêu dùng. Đặc biệt là có một số
chính sách kích cầu trước đây cũng bị hủy bỏ. Điều này trong ngắn hạn đương
nhiên khó tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định, nhưng về lâu dài sẽ có lợi(6).
*Kết cấu kinh
tế mất cân đối về đầu tư - tiêu dùng chưa được giải quyết, thậm chí còn tăng
thêm
Xét ba động lực lớn lôi kéo kinh tế
tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu ròng (cỗ xe tam mã) trong năm
2012 và 2013 (xem bảng).
|
Năm 2012
|
Năm 2013
|
Đầu tư:
Tỉ lệ đóng góp trong GDP (%)
Lôi kéo GDP (điểm phần trăm)
|
50,4%
3,88
|
54,4%
4,19
|
Tiêu dùng:
Tỉ lệ đóng góp trong GDP (%)
Lôi kéo GDP (điểm phần trăm)
|
51,8%
3,99
|
50%
3,85
|
Xuất khẩu ròng
Tỉ lệ đóng góp trong GDP (%)
Lôi kéo GDP (điểm phần trăm)
|
- 2,2%
- 0,17
|
- 4,4%
- 0,34
|
GDP
|
7,7%
|
7,7%
|
Có
thể thấy, tỉ lệ đóng góp
của đầu tư trong GDP đã tăng lên từ 50,4% (2012)
lên 54,4% trong năm 2013; tỉ lệ đóng góp của tiêu dùng lại giảm từ 51,8% (2012)
xuống còn 50%; tỉ lệ đóng góp
của xuất khẩu ròng là -2,2%(7) giảm xuống -4,4%.
Như
vậy trong năm 2013, kết cấu mất cân đối đầu tư cao (trên 50% GDP) và tiêu dùng thiếu
hụt không những không được giải quyết mà còn tăng thêm, trong khi xu hướng của
thế giới là tỉ lệ đầu tư/GDP giảm xuống thì ở Trung Quốc đầu tư đã ở mức cao
lại tiếp tục tăng lên, tiêu dùng đã thiếu hụt thì tỉ lệ tiêu dùng/GDP lại càng
giảm, tỉ lệ tiết kiệm/GDP rất cao.
Nếu như năm 2012, tiêu dùng là điểm
sáng, vượt qua cả đầu tư trở thành động lực lớn nhất lôi kéo kinh tế tăng
trưởng thì trong năm 2013 tăng trưởng tiêu dùng giảm sút do thu nhập thực tế
của người dân giảm; đầu tư vẫn là động lực lớn nhất lôi kéo kinh tế tăng
trưởng; còn xuất khẩu nếu như trước đây đóng góp đến 25% - 30% GDP, giải quyết
200 triệu việc làm, khiến Trung Quốc được mệnh danh là "công xưởng thế
giới", xuất khẩu ròng luôn là động lực lớn thứ 2 chỉ sau đầu tư lôi kéo
kinh tế tăng trưởng thì hiện nay thậm chí còn làm giảm mức tăng trưởng. Điều này cho thấy xuất khẩu vẫn gặp rất nhiều
khó khăn và mô hình hướng vào xuất khẩu của Trung Quốc rõ ràng cần có sự thay
đổi. Mặc dù vậy, nếu xét về giá trị tuyệt đối thì năm 2013, Trung Quốc đã vượt
Mỹ trở thành nước lớn nhất thế giới về mậu dịch hàng hóa(8).
Năm 2013, đầu tư tăng chủ yếu do đầu tư
vào đường sắt và bất động sản (đầu tư vào lĩnh vực bất động sản vẫn tăng do thị
trường bất động sản ấm lên, giá nhà đất liên tục tăng bất chấp các biện pháp
khống chế của chính phủ (Từ năm 2012 đến 2013, giá nhà bình quân ở 100 thành
phố của Trung Quốc liên tục tăng trong 12 tháng). Năm 2013, đầu tư bất động sản
tăng 19,8%.
Để giữ kinh tế tăng trưởng ổn định,
trong điều kiện đa số người dân có thói quen tiết kiệm ít tiêu dùng và triển
vọng xuất khẩu ảm đạm thì chỉ còn cách dựa vào đầu tư, khiến tốc độ tăng trưởng
đầu tư của Trung Quốc luôn ở mức cao, và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tiêu
dùng (xem bảng). Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dư thừa sản lượng ở
Trung Quốc.
TỐC ĐỘ TĂNG
TRƯỞNG ĐẦU TƯ VÀ TIÊU DÙNG
|
Năm 2008
|
Năm 2009
|
Năm
2010
|
Năm
2011
|
Năm 2012
|
Năm 2013
|
Tốc độ tăng trưởng đầu tư
|
25,9%
|
30,0%
|
23,8%
|
23,8%
|
20,3%
|
19,6%
|
Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng
|
22,7%
|
15,5%
|
18,3%
|
17,1%
|
14,3%
|
13,1%
|
Nguồn: Số liệu thống
kê của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc
2. Vấn đề dư
thừa sản lượng vẫn nổi cộm. Chính phủ Trung Quốc tăng cường mức độ đào thải
ngành sản xuất lạc hậu, dư thừa sản lượng
Nếu như nợ xấu, nợ của chính quyền địa
phương là cục máu đông làm tắc nghẽn huyết mạch của nền kinh tế trong lĩnh vực
tài chính tiền tệ, thì vấn đề dư thừa sản lượng, hàng tồn kho "khủng"
chính là cục máu đông trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc.
Đúng là vấn đề sản lượng dư thừa ở Trung Quốc đã thực sự đáng lo ngại, từ những
ngành công nghệ thấp đến những ngành công nghệ cao, từ nhu cầu bên trong đến
nhu cầu bên ngoài, từ những ngành nghề truyền thống đến những ngành nghề mới
đều xuất hiện dư thừa sản lượng với mức độ khác nhau. Đặc biệt là những ngành
truyền thống, tiêu hao năng lượng, gây ô nhiễm như gang thép, luyện kim màu,
hóa chất…
Năm 2012, sản lượng thép thô của Trung
Quốc là 717 triệu tấn, tăng 3,1%, sản lượng
thép là 952
triệu tấn, công suất sử dụng là 74,9%. Dự kiến năm 2013 năng lực sản xuất thép
cả nước hơn 1 tỉ tấn, trong khi nhu cầu trong nước khoảng 760 triệu tấn, dư
thừa vẫn còn nghiêm trọng. Hay như xi măng, năm 2012, sản lượng xi măng của
Trung Quốc là 2,18 tỉ tấn, tăng 7,4%, công suất sử dụng của 72,7%. Nửa đầu năm
2013, sản lượng xi măng đạt 1,09 tỉ tấn, tăng 5,5%, công suất sử dụng bằng năm
2012, dư thừa vẫn còn nghiêm trọng. Sản lượng nhôm điện phân của cả nước trong
năm 2012 là 19,88 triệu tấn, tăng 13,18%, công suất sử dụng khoảng 73,6%, có
đến 93% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ,…(9)
Nửa đầu năm 2013, công suất sử dụng ở
các doanh nghiệp công nghiệp chưa đến 79%. Ở hầu hết các sản phẩm công nghiệp
cung lớn hơn cầu, áp lực giảm giá không ngừng tăng, doanh nghiệp kinh doanh khó
khăn, hiệu quả giảm sút, tình trạng thua lỗ tăng. Năm 2012, tỉ lệ thua lỗ của
các doanh nghiệp trong ngành sắt thép, nhôm điện phân, xi măng, kính (tấm) lần
lượt là 28.2% 34.9% 27.8% 35.7%;?tỉ lệ lợi nhuận lần lượt là 1.04%-0.29%6.63%0.14%; giảm so với cùng kỳ năm trước là 1.373.644.68
và 3.82 điểm phần trăm(10). Một vấn đề
đáng chú ý nữa là thực trạng dư thừa sản lượng, làm ăn kém hiệu quả của các
doanh nghiệp lại dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ
địa phương, chia cắt thị trường; thực tế này không có lợi cho việc chuyển
đổi phương thức phát triển và điều chỉnh kết cấu kinh tế.
Trước tình hình đó, trong năm 2013 Bộ
Công nghiệp và Truyền thông Trung Quốc đã 3 lần công bố danh sách doanh nghiệp năng
lực sản xuất lạc hậu phải cắt giảm sản lượng vào các ngày 25-7, ngày 2-9 và
ngày 16-9; các ngành bị cắt giảm sản lượng bao gồm: Sắt, thép, than cốc, đất đèn, nhôm điện phân, đồng, chì, xi măng, kính tấm,
rượu, bột ngọt, da, in, nhuộm, sợi hóa học, pin chì-axit… và giấy. Những ngành
này đều có sản lượng dư thừa nghiêm trọng, năng lực sản xuất lạc hậu và hiệu
quả giảm mạnh. Bộ yêu cầu đến cuối năm 2013, công suất dư thừa phải được giải
quyết hết. Điều này đồng nghĩa với các dây chuyền sản xuất của một số nhà máy
phải đóng cửa, không cho chuyển sang các khu vực khác.
Ngày 4-11, Ủy ban cải cách và phát
triển nhà nước cùng với Bộ Công nghiệp và Truyền thông Trung Quốc phối hợp tổ
chức hội nghị trực tuyến "Quán triệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc vụ
viện về việc giải quyết mâu thuẫn sản lượng dư thừa nghiêm trọng", đưa ra
phương châm công tác tổng thể trong thời gian tới; cùng ngày cũng tổ chức hội
nghị về thực hiện "tín dụng xanh" của ngành ngân hàng, Ủy ban giám
sát ngân hàng đưa ra 6 biện pháp chính sách lớn về tín dụng khác biệt để giải
quyết sản lượng dư thừa, thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế thực.
(Nghiêm cấm cho vay thêm đối với những doanh nghiệp thuộc ngành có trong danh
mục nêu trên; tiếp tục hỗ trợ tài chính đối với các
doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả với sản phẩm có sức cạnh tranh, có thị trường; tích cực hỗ trợ đối với những doanh nghiệp có khả năng đầu tư ra nước ngoài,…)
Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Truyền
thông Miao Wei, để thích ứng với yêu cầu mới
về giải quyết mâu thuẫn sản lượng dư thừa và kiểm soát ô nhiễm không khí, năm
2013 Bộ quyết định tăng cường mức độ đào thải, hoàn thành trước 1 năm so với kế
hoạch, có nghĩa là năm 2014 sẽ hoàn thành nhiệm vụ đào thải ngành sản xuất lạc
hậu trong Quy hoạch 5 năm lần thứ XII. Bộ trưởng cũng cho biết năm 2015 sẽ đào thải nhiều
hơn nữa(11).
Tuy đào thải những ngành sản xuất lạc
hậu là con đường tất yếu điều chỉnh kết cấu công nghiệp, giải quyết sản lượng
dư thừa, nhưng khó ở chỗ sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến sắp
xếp nhân công, tài sản thiệt hại, xử lý nợ... hơn nữa trong thời gian ngắn cũng
sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các chính quyền địa phương, đến việc làm của công
nhân.
3. Thu ngân
sách giảm, vấn đề mâu thuẫn trong thu chi ngân sách địa phương càng nổi bật
Mức tăng thu ngân sách suy giảm rõ nét
trong nửa đầu năm 2013, chỉ đạt 7,5%, lần đầu tiên thấp hơn tốc độ tăng trưởng
kinh tế, giảm 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng thu ngân
sách có 4 tháng thấp hơn cùng kỳ năm 2012. Thu ngân sách của Trung ương suy
giảm mạnh nhất chỉ tăng 1,5%. Năm 2013, thu ngân sách đạt 12.914,3 tỉ NDT, tăng
trưởng 10,1%, giảm 2,7 điểm phần trăm so với năm 2012.
Nguyên nhân chủ
yếu là do tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng sản xuất công nghiệp suy giảm, xuất
khẩu ảm đạm và các doanh nghiệp làm ăn khó khăn.
Năm 2013, chi ngân sách là 13.974,4 tỉ
NDT, tăng so với năm trước 1.379,1 tỉ NDT, tăng trưởng 10,9%(12). Thâm hụt ngân sách là 1.060,1 tỉ NDT, chiếm 1,86% GDP,
cao hơn 0,26 điểm phần trăm so với con số 1,6% của năm 2012.
Cũng do thu ngân sách giảm nên mâu
thuẫn thu chi ngân sách ở địa phương cũng tăng thêm. Năm 2013, thu ngân sách
của địa phương đạt 6.896,9 tỉ NDT; chi ngân sách địa phương là 11.927,2 tỉ NDT(13). Thâm hụt là 5.030,3 tỉ NDT.
Mặc dù Bộ Tài chính và Tổng cục thuế đã
nhiều lần "kiên quyết ngăn chặn đóng thuế quá mức", nhưng ở một số
địa phương vẫn xuất hiện hiện tượng tăng thu, áp đặt "thuế quá mức",
duy trì phân mảng để thu thuế, thậm chí thu phí bất hợp pháp. Nguyên do là, sau
khi cải cách chế độ phân bổ nguồn thu từ thuế năm 1994, nguồn thu từ thuế của Chính quyền địa phương các cấp sụt giảm mạnh (Như trong năm 1994, tỉ lệ thu
ngân sách của các chính quyền địa phương trên tổng thu của Chính phủ trong 1 năm giảm từ 78% xuống còn 44%). Trong khi chính quyền địa
phương phải đối diện với quyền hạn rất lớn, công việc rất nhiều, thậm chí ổn
định xã hội hay đô thị hóa… cũng là do chính quyền địa phương, nhưng quyền lực
tài chính trong tay chính quyền địa phương còn hạn chế, vì thế để đáp ứng nhu
cầu chi phí riêng của mình, chính quyền địa phương các cấp đã thông qua nhiều cách
để kiếm thu nhập từ các nguồn thu tài chính khác ngoài thuế (nhất là nguồn thu
từ bất động sản), thậm chí là nợ. Và tốc độ tăng trưởng cũng như tỉ trọng của
nguồn thu này ngày một cao. Thu ngân sách ngoài thuế (theo quy định, chứ không
phải các khoản thu đã nêu trên) của các địa phương chiếm đến 80% tổng thu ngân
sách ngoài thuế cả nước, nhưng chỉ chiếm khoảng 20% tổng thu của chính quyền
địa phương. Trong khi thu ngân sách ngoài thuế của trung ương chỉ chiếm 5% tổng
thu ngân sách cả nước(14). Nói cách
khác, thu ngân sách của trung ương chủ yếu từ thuế, còn thu của các chính quyền
địa phương chủ yếu ngoài thuế, và các khoản thu ngoài quy định, không hợp lý
chiếm đến 30 - 40%.
Các khoản thu này rõ ràng là không có
quy phạm, không rõ ràng, không công bằng và mang tính tùy tiện của chính quyền
địa phương. Tỉ trọng các khoản thu này không ngừng tăng, làm tăng gánh nặng cho
người dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; làm giảm
hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế mở rộng tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, cũng cần nhận thấy tỉ lệ thu
ngân sách của chính phủ/GDP là một tỉ lệ quan trọng phản ảnh mối quan hệ giữa
chính phủ và thị trường. Hiện tỉ lệ này ở Trung Quốc quá cao, ảnh hưởng nhất
định đến tăng trưởng và điều chỉnh kết cấu kinh tế, ảnh hưởng đến việc mở rộng
tiêu dùng của cư dân. Về lâu dài cần giảm các khoản thu ngoài quy định của
chính quyền địa phương, giảm tỉ lệ thu ngân sách của chính phủ/GDP, điều này sẽ
có lợi cho việc thúc đẩy quản lý theo pháp luật, có thể cải thiện tính minh bạch
và tính công bằng trong quản lý của chính phủ, thiết lập trật tự bình thường của
nền kinh tế thị trường, hình thành kỳ vọng ổn định của các chủ thể kinh tế
trong xã hội đối với các hành vi của chính phủ.
4. Nhấn mạnh đô thị hóa kiểu mới
Hội nghị công tác kinh tế Trung ương (15-16/12/2012) đưa ra những điều chỉnh và định hướng kinh tế vĩ
mô năm 2013 đã lần đầu tiên đưa vấn đề “thúc
đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng đô thị hóa” thành một nhiệm
vụ chủ yếu của năm 2013.
Ngày 17-3, trả lời phóng viên Tân Hoa
xã liên quan đến vấn đề đô thị hóa trong cuộc gặp gỡ báo chí trong, ngoài nước,
tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
khẳng định đô thị hóa là xu thế tất yếu
của hiện đại hóa, cũng là nguyện vọng phổ biến của quảng đại nông dân, đô thị
hóa không chỉ đánh động nhu cầu đầu tư và tiêu dùng rất lớn, tạo ra thêm
nhiều cơ hội việc làm, mà tác dụng trực tiếp của nó còn làm cho người nông dân
trở nên giàu có, mang đến hạnh phúc cho nhân dân. Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh đô thị hóa kiểu mới là đô thị hóa lấy con người làm hạt nhân và
phải cùng bổ trợ lẫn nhau với
hiện đại hóa nông nghiệp, phải giữ được giới hạn đỏ về đất canh tác, bảo
đảm an ninh lương thực và bảo vệ lợi ích của nông dân…(15)
Một kế hoạch đô thị hóa vĩ đại được
tầng lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc đưa ra, với quy mô lớn chưa từng có trong
lịch sử nhân loại, theo đó đến trước năm 2025, 70% dân số của Trung Quốc tương
đương trên 900 triệu người sẽ là dân thành thị, có nghĩa là từ nay cho đến năm
2025, sẽ có khoảng 250 - 260 triệu nông dân tiếp tục trở thành dân thành thị.
Trên thực tế, tốc độ đô thị hóa của
Trung Quốc được thúc đẩy nhanh chóng đặc biệt là những năm gần đây. Tính đến
cuối năm 2011, lần đầu tiên dân thành thị (690,79 triệu) đã vượt qua dân số
nông thôn (656,56 triệu), với tỉ lệ là 51,3% và 48,7%. Cho đến năm 2012, tỉ lệ
này là 52,6% và 47,4%. Với một nước nông nghiệp lớn như Trung Quốc, từ xưa đến
nay thường là dân số nông thôn đông, dân thành thị ít; thực hiện chế độ nhị
nguyên kéo dài thì việc đưa ra kế hoạch đô thị hóa lớn như vậy cho thấy quyết
tâm to lớn, sự thay đổi mạnh mẽ trong chủ trương phát triển đất nước.
Tuy nhiên vấn đề đô thị hóa quá nhanh,
quá mạnh đã dẫn đến một loạt các vấn đề xã hội: Trục xuất cưỡng
bức, đền bù không công bằng, mất đất canh tác, ngày càng phụ thuộc vào thực
phẩm nhập khẩu, tỉ lệ thất nghiệp đô thị tăng vọt, người dân phản kháng… Đô thị hóa cũng có nghĩa một lực lượng lớn
lao động di chuyển ra thành phố. Vấn đề này lại đặt ra thách thức lớn cho các
nhà hoạch định đô thị và đối với hệ thống phúc lợi xã hội vốn đã bị “quá tải”.
Có thực tế là ở một số địa phương, nông dân thành dân thành thị chỉ là trên
danh nghĩa, về mặt hộ khẩu họ đã là dân thành thị nhưng họ chưa được hưởng chế
độ phúc lợi như y tế, giáo dục, dưỡng lão, nhà ở,… như người dân thành thị.
Trước đây họ ăn, mặc… đều dựa vào đất, rừng, hiện nay mất đất, mất rừng trở
thành dân thành thị, nhưng không có bất cứ kỹ năng mưu sinh nào khác, thu nhập
không đảm bảo. Đương nhiên trở thành dân thành thị họ sẽ được tham gia bảo hiểm
xã hội của dân thành thị nhưng hiện nay thể chế bảo hiểm vẫn chưa kiện toàn và
vẫn ở trình độ thấp, nên những người mới trở thành dân thành thị vẫn còn chịu
nhiều thiệt thòi. Chi phí sinh hoạt tăng, thu nhập giảm sút, mức độ bảo đảm
phúc lợi không cao, họ vẫn chỉ là rìa của thành phố. Có tình trạng nhiều cư dân
đô thị mới không có việc gì làm, suốt ngày chơi mạt chược.
Tóm lại, tiến hành đô
thị hóa, nói một cách hình tượng như làm một chiếc cầu để người nông dân có thể
vào thành phố (vấn đề là người đi qua cầu rồi sẽ như thế nào?). Hay như thí
điểm thành lập khu thương mại tự do Thượng Hải cũng vậy, chỉ là thiết lập khuôn
khổ, tạo điều kiện, tạo phương tiện, tạo "cây cầu" để hoạt động
thương mại được thuận lợi hơn, tự do hơn. Cũng như một ngôi nhà xây xong rồi,
có đủ vật dụng rồi, chúng ta vẫn thấy thiếu một điều gì đó bên trong, chúng ta
cần phải có linh hồn cho ngôi nhà - con người. Tất cả những cải cách chỉ là khuôn khổ, chỉ là cây cầu, chỉ là ngôi
nhà, chứ không phải là người trong nhà, điều cần làm chính là làm cho người
trong ngôi nhà(16).
Chính vì vậy, Thủ tướng Lý Khắc Cường
đã nhấn mạnh đô thị hóa kiểu mới là đô thị hóa lấy con người làm hạt nhân. Tức là nếu như đô thị hóa trước đây quá chú
trọng vào tạo "khuôn khổ", xây "cây cầu", xây "ngôi
nhà", thì đô thị hóa kiểu mới hiện
nay sẽ chú trọng hơn đến "người trong ngôi nhà", "người đi qua
cầu".
Mới đây ngày 22-10, ông Cao Quốc Lực, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu khai thác đất đai và kinh tế khu vực thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc cũng chỉ rõ, đô thị hóa ở Trung Quốc đã xuất hiện hiện tượng tốc độ sử dụng quỹ đất cho đô thị hóa nhanh hơn tốc độ đô thị hóa về dân số, đô thị hóa kiểu mới cần phải chú trọng đô thị hóa của con người. Đô thị hóa kiểu mới cần phải chuyển đổi từ coi trọng tốc độ, coi trọng đất đai sang coi
trọng con người, coi trọng hiệu quả, cần phải quan tâm đô thị hóa thực sự của 260 triệu lao động nông dân vào thành phố làm công, giải quyết các vấn đề y tế, giáo dục, nhà ở,… cho họ(17).
Ngày
16-3-2014, Quy hoạch quốc gia về đô thị hóa kiểu mới giai đoạn 2014-2020 được
chính thức công bố. Đây là quy hoạch mang tính vĩ mô, tính chiến lược và mang
tính cơ sở định hướng phát triển lành mạnh đô thị hóa cả nước trong giai đoạn
tới. Điểm sáng lớn nhất trong quy hoạch lần này chính là nhấn mạnh
lấy con người làm gốc, thúc đẩy đô thị hóa lấy
con người làm
trung tâm(18).
Một vấn đề đáng chú ý nữa là cũng do tốc độ sử dụng quỹ đất cho đô thi hóa nhanh hơn tốc độ đô thị hóa về dân số nên đã góp phần tạo nên rất nhiều “thành phố ma” trải khắp cả nước – những
thành phố với các công trình kiến trúc hoành tráng nhưng không có người ở
như thành phố “nhái” theo Paris Tianducheng, trung tâm thương mại South
China Mall, thành phố Kangbashi ở Ordos, Chenggong ở Vân Nam và khu đô thị mới Zhengdong ở tỉnh Hà Nam...
Thực tế này gây nên sự lãng phí nguồn vốn rất lớn, đồng thời tạo ra
"núi" nợ xấu ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, ngân hàng. Ngày 29-7-2013,
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các
chính quyền địa phương khẩn trương tổng kiểm toán nợ công trên cả nước. Hành
động này được cho là nhằm ngăn chặn việc cho vay hàng tỉ USD không được kiểm
kê. Theo IMF, nợ công của Trung Quốc chiếm khoảng 45% GDP, còn theo một tính
toán khác, con số này lớn hơn rất nhiều đến 64,5% GDP(19).
Theo kết quả kiểm toán do Kiểm toán Quốc gia
Trung Quốc công bố (tháng 6 năm 2013): 36 chính quyền địa phương, với tổng số
nợ gần 3.850 tỉ NDT, tăng 12,94% so với năm 2010; trong đó có 16 khu vực tỉ lệ
nợ hơn 100%, tỉ lệ nợ cao nhất lên đến 219%. Với tình trạng nợ nần như vậy,
nhiều chính quyền địa phương đang trên bờ vực phá sản(20).. Bong bóng nợ
- một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế của các nước, đang
dần được thổi căng, có nguy cơ vỡ nếu Chính phủ không có
các biện pháp "xì hơi".
5. Xuất hiện
hiện tượng khan hiếm tiền mặt ở các ngân hàng vào tháng 6 và tháng 12 -2013
Trong năm
2013, ngành ngân hàng
Trung Quốc đã 2 lần trải qua tình trạng khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng nhất
trong lịch sử, vào tháng 6 và tháng 12.
Thông thường theo chu kỳ vào tháng 6 và tháng 12 là thời điểm các ngân
hàng thường thiếu hụt tiền mặt bởi nhu cầu tăng cao, đặc biệt là tháng 12-
tháng đặc thù cuối năm.
Trong tháng 6, các ngân hàng cạn tiền
đã gặp rất nhiều khó khăn khi đi vay tiền từ các ngân hàng khác. Lãi suất tăng
vọt, ngày 20 - 6, lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải (Shibor) chạm mốc cao kỷ
lục 13,44%, tăng 578.40 điểm; lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng vọt lên
mức 30% (nếu tính theo năm) - mức cao nhất trong lịch sử (đầu năm lãi suất chỉ
ở mức 2,5%, đến đầu tháng 6 là 4,5%). Mức lãi suất này gấp 5 lần mức lãi suất
cơ bản cho vay kỳ hạn 1 năm, vượt quy định về mức trần lãi suất, là dạng
"cho vay nặng lãi".
Còn
trong tháng 12, thanh khoản thiếu hụt,
giá vốn liên tục tăng, ngày 19-12 thời gian giao dịch trong thị trường liên
ngân hàng kéo dài đến nửa tiếng, chỉ số Shanghai Composite giảm điểm liên tiếp
trong 8 phiên, lợi nhuận của các sản phẩm quản lý tài sản ngân hàng siêu ngắn
hạn tăng đến hơn 170%. Lãi suất bình quân của khoản vốn mua lại
trong 7 ngày đã tăng từ 4,31% (13-12) lên 7,06%
(19-12), lần đầu tiên
vượt mốc 7% trong khoảng sáu tháng nay(21). Để thu hút tiền gửi, các ngân hàng đã đua
nhau tăng lãi suất, tặng quà, "hoàn tiền"… cứ mỗi 10.000 NDT tiền gửi
là được hoàn lại 40NDT, khiến lãi suất thực tế tăng mạnh.
Tuy cùng khan
hiếm tiền mặt, nhưng bản chất hiện tượng khan tiền trong tháng 6 và tháng 12 không giống nhau.
Nếu như tình trạng khan
hiếm tiền mặt trong tháng 6 phần lớn có nguyên nhân là do một lượng tiền lớn chuyển
ra bên ngoài (trong nửa đầu năm 2013, ngoại tệ ở các ngân hàng Trung Quốc giảm
xuống từng tháng (ngoại trừ tháng 2 do yếu tố mùa vụ), từ 50,9 tỷ USD trong
tháng 12-2012 đến tháng 5 - 2013 giảm xuống còn 10,4 tỷ USD), thì nguyên nhân
khan hiếm tiền mặt trong tháng 12 được phân tích phần lớn là do các nguyên nhân
bên trong: Một mặt có thể do lượng
tiền gửi thấp xa so với dự kiến; mặt khác còn do ngân hàng Trung ương đã sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, sử dụng công cụ điều tiết
tính thanh khoản trong ngắn hạn (gọi tắt là SLO).
Ngoài ra, "khan tiền" trong
tháng 6 chủ yếu tập trung ở lượng tiền trong ngắn hạn (trong vòng 1 tuần, vay
qua đêm giữa các ngân hàng với nhau), còn "khan tiền" trong tháng 12
lại chủ yếu tập trung ở các hạng mục dài hạn hơn từ 1 tuần đến 1 tháng.
Mặc dù bản
chất khác nhau nhưng hiện tượng "khan tiền" ở các ngân hàng cũng
khiến người ta lo ngại về sự đổ vỡ của ngành ngân hàng. Đồng thời cũng gióng lên hồi chuông
cảnh báo về thể trạng của hệ thống tài chính Trung Quốc - nơi nguồn cung tín
dụng tăng trưởng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
II. CHÍNH SÁCH
KINH TẾ MỚI CỦA THỦ TƯỚNG LÝ KHẮC CƯỜNG
Mặc dù kinh tế quý III - 2013 đã phục
hồi trở lại do có các biện pháp điều tiết vĩ mô của Chính phủ, nhưng về lâu dài thì các biện pháp điều tiết vĩ mô không thể thay
thế được việc đi sâu cải cách - giải quyết những mâu thuẫn mang tính căn bản
của nền kinh tế Trung Quốc. Chính vì thế mà người ta hết sức chú ý đến những
biện pháp đi sâu cải cách được cho là mang tính thực chất của tiến sĩ kinh tế -
Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Nếu như chính sách
đầy tham vọng mà Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đang áp dụng (Abenomics) là
thông qua gói kích thích tài khóa khổng lồ để vực dậy nền kinh tế với chính
sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng thì chính sách kinh tế Lý Khắc Cường
(Likonomics) gồm 3 phần:
1. Không theo đuổi kích thích chính
sách tiền tệ hay tài khóa nới lỏng
2. Các ngân hàng phải kìm hãm sự gia
tăng nguy hiểm tài chính bằng cách giảm cung tiền và nợ xấu.
3. Nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cấu
trúc nền kinh tế, từ thả nổi lãi suất đến tăng giá cả.
Như vậy có thể thấy chính sách mới này
(trừ phần 3) dường như đi ngược lại với các chính sách kinh tế trước đây dựa
chủ yếu vào đầu tư, đặc biệt là đầu tư công thông qua thúc đẩy tăng trưởng tín
dụng... - chính sách đã kéo nền kinh tế tăng trưởng cao trong một thời gian
dài.
Một số lĩnh vực khó, "xương
xẩu" đều được Thủ tướng chú trọng: như sản lượng dư thừa, tài chính tiền
tệ,... Việc chính thức (từ 1-10) tiến trình thí điểm thành lập Khu thương mại
tự do Thượng Hải được giới quan sát coi là dấu hiệu cho thấy bước tiến mang
tính thực chất trong một loạt những cải cách mới ở Trung Quốc.
Thực tế là nếu đứng ở góc độ nhà đầu
tư, việc đầu tư không thu hồi được vốn hay chỉ cần đầu tư không sinh lời thì dù
nhà đầu tư có rất nhiều tài sản cũng vẫn phải xem xét lại có nên tiếp tục đầu
tư? Nhà nước cũng vậy. Tuy nhiên trong thời gian qua, đầu tư của Trung Quốc
luôn ở mức cao, đặc biệt là 2 năm 2009, 2010 triển khai kế hoạch kích cầu trị
giá 4.000 tỉ NDT nên đầu tư tăng mạnh, hình thành nên hàng loạt những
"thành phố ma" như Ordos, và lượng tồn kho "khủng". Như
vậy, bên cạnh tăng trưởng GDP ấn tượng thì rõ ràng là đầu tư không hiệu quả,
đầu tư ở mức cao nhưng hiệu quả sử dụng vốn thấp thể hiện qua hệ số ICOR. Chỉ số này của Trung Quốc khá cao, giai đoạn
2009-2011 hệ số ICOR là 5,0 trong khi ở Nhật giai đoạn 1961-1970 là 3,2 và ở
Đài Loan giai đoạn 1981-1990 chỉ là 2,7. Vấn đề của Trung Quốc hiện nay chính là
đưa dần tỉ lệ đầu tư về mức tối ưu đồng thời tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư
bằng cách hạ thấp hệ số ICOR.
Những khó khăn khi thực hiện
Như trên đã phân tích, nếu đầu tư không
hiệu quả thì cần thiết phải giảm dần đầu tư, điều này sẽ mang lại sự phát triển
bền vững hơn trong tương lai. Tuy nhiên, trong ngắn hạn việc thực hiện nó sẽ
gặp phải một số khó khăn.
Trước hết, với mô hình phát triển mà
tiêu dùng luôn thiếu hụt (số liệu mới nhất là khoảng 50% GDP, vẫn thấp hơn tỉ
lệ 60-70% ở các nước phát triển) hơn nữa trong thời gian ngắn không thể thực
hiện tăng trưởng mang tính đột phá; xuất khẩu lại bị ảnh hưởng nặng nề kể từ
sau khủng hoảng 2008, xuất khẩu ròng không còn là động lực lôi kéo nền kinh tế,
tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn cách dựa vào đầu tư.
Thực tế là đầu tư đã liên tục tăng, tỉ
lệ đầu tư trên GDP tăng từ 42% năm 2007 tới 48% năm 2010, 50,4% năm 2012 và lên
54,4% trong năm 2013. Nhiên liệu giúp "chiếc máy bay" phản lực Trung
Quốc là sự phát triển bùng nổ của tín dụng: cho vay đã tăng với tốc độ hàng năm
gần 30%. Tuy nhiên hệ lụy của nó quá rõ vì thế chính quyền Trung Quốc hiện nay
muốn giảm sự phụ thuộc vào đầu tư tín dụng, không theo đuổi kích thích kinh tế,
đầu tư sẽ phải giảm dần. Việc giữ ổn định tăng trưởng hết sức cần thiết
nên việc giảm đầu tư trong điều kiện bình
thường đã khó, còn hiện nay khi xuất khẩu suy giảm sẽ càng khó hơn nhiều.
Đây chính là một trong 3 rủi ro mà IMF nhận định về tình hình kinh tế quốc tế
năm 2013, đó là kinh tế Trung Quốc đang trải qua một tiến trình tái cân bằng
giữa đầu tư và tiêu dùng. Rủi ro nằm ở chỗ, đầu tư của Trung Quốc có thể giảm
mạnh trước khi tiêu dùng thực sự hồi phục.
III. TRIỂN VỌNG KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2014
1. Một số đường
hướng kinh tế mới của Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII và Hội nghị công tác
kinh tế Trung ương
1.1. Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII
Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 9 đến 12-11-2013 là sự kiện hết sức
quan trọng, được đánh giá là có những thay đổi chính sách “chưa từng thấy”, với
một kế hoạch “cải cách toàn diện” nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái
điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tăng gấp đôi mức sống của người dân Trung Quốc vào
năm 2020.
Chủ trương cải
cách của Hội nghị lần này chính là tự do hóa thị trường, khuyến khích sáng tạo
và cạnh tranh, tăng minh bạch chính phủ.
"Quyết định của Trung ương Đảng
Cộng sản Trung Quốc về những vấn đề trọng đại toàn diện đi sâu cải cách" được thông qua tại Hội nghị có nêu:
"Cải cách thể chế kinh tế là trọng điểm của toàn diện đi sâu cải cách, vấn đề cốt lõi là cần làm rõ mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, cho phép thị trường đóng
vai trò quyết định trong viêc phân
bổ các nguồn lực và cải thiện vai trò của chính phủ".
Thị
trường từ "đóng vai trò cơ sở"
đến "đóng vai trò quyết định"
trong việc phân bổ các nguồn lực cho thấy bước đột phá trong cải cách tại Hội
nghị lần này.
Thực chất, thị trường quyết định phân
bổ nguồn lực là quy tắc thông thường của kinh tế thị trường, kiện toàn thể chế
kinh tế thị trường XHCN cần tôn trọng quy luật này. Đồng thời, từ nay về sau
Chính phủ sẽ xác định vị trí hợp lý của mình, thực hiện chuyển đổi chức năng của
Chính phủ, xây dựng pháp chế, nhà nước pháp
trị và Chính phủ loại hình phục vụ. Giảm với mức độ lớn việc chính phủ trực tiếp
phân bổ các nguồn lực (điều tiết vi mô).
Chức năng và tác dụng của chính phủ chủ yếu là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô,
tăng cường và ưu hóa dịch vụ công, đảm bảo cạnh tranh công bằng, thúc đẩy phát
triển bền vững, bổ trợ đối với những thất bại của thị trường.
Trong lĩnh vực kinh tế bản "Quyết định" đề ra đi sâu cải cách trên các
mặt:
·
Kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản;
·
Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại;
·
Thúc đẩy chuyển đổi chức năng chính phủ;
·
Đi sâu cải cách chế độ thuế;
·
Kiện toàn cơ chế thể chế nhất thể hóa phát triển thành thị
nông thôn;
·
Xây dựng thể chế mới loại hình kinh tế mở cửa.
Trong đó đáng lưu ý là: Bản "Quyết định" vẫn xác định chế độ công hữu đóng vai trò chủ thể,
kinh tế công hữu đóng vai trò chủ đạo, tuy nhiên "kinh tế công hữu và phi
công hữu đều là bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế thị trường XHCN, đều
là cơ sở quan trọng phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc.
Hoàn thiện chế độ bảo vệ quyền tài sản,
quyền tài sản chính là cốt lõi của các loại hình sở hữu, "tài sản kinh tế
quốc hữu không được xâm phạm, tài sản của kinh tế phi công hữu cũng vậy, không
được xâm phạm". Như vậy, kinh tế công hữu và kinh tế phi công hữu được đối
xử bình đẳng như nhau. Hơn nữa, đây cũng là quy định mang tính pháp lý về bảo
vệ quyền tài sản của vốn tư nhân, vốn nước ngoài tại Trung Quốc, điều này khiến
họ yên tâm khi đầu tư vào Trung Quốc.
Ngoài ra, việc đi
sâu cải cách chế độ thuế và thể chế tài chính công (thông qua tái cơ cấu về tài
lực để điều chỉnh lại phân bổ quyền lực giữa Trung ương và địa phương) và cải
cách đất đai nông thôn theo hướng thiết lập thị trường đất đai xây dựng thống
nhất thành thị và nông thôn cũng được mọi người quan tâm.
1.2. Những tín
hiệu mới từ Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc
Hội nghị công tác kinh tế Trung ương của Trung Quốc diễn ra từ ngày 10 đến 13-12-2013, tổng kết công
tác kinh tế năm 2013 và đưa ra những nhiệm vụ chủ yếu, yêu cầu tổng thể về công
tác kinh tế năm 2014.
Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc được tiến hành sau khi Hội nghị Trung ương 3 khoá 18 vừa kết thúc, vì vậy, Hội nghị lần này được đánh giá là bước triển
khai quan trọng những quyết sách về cải cách mở cửa vừa được Hội nghị Trung ương 3 thông qua.
Điểm sáng lớn
nhất của Hội nghị lần này chính là cải cách sâu rộng toàn diện. Cải cách vẫn là động lực cho sự phát triển, và quan điểm
chủ đạo của công tác kinh tế năm 2014 sẽ là “tiến lên trong ổn định, cải cách
sáng tạo”. Năm 2014, hai phương diện được chú trọng (có thể khái quát thông qua
hai chữ R) là: (1) Cải cách (Reform) và (2) rủi ro (Risk).
Hội nghị đưa ra 6 nhiệm vụ lớn của công
tác kinh tế năm 2014:
(1) Thiết thực đảm bảo an ninh lương thực quốc gia;
(2) Nỗ lực điều chỉnh kết cấu ngành nghề;
(3) Tập trung phòng chống và kiểm soát rủi ro nợ;
(4) Tích cực thúc đẩy phát triển phối
hợp giữa các vùng miền;
(5) Tập trung làm tốt công tác bảo đảm và cải thiện dân sinh;
(6) Không ngừng nâng cao trình độ mở cửa đối ngoại.
Như vậy, việc đảm bảo an ninh lương
thực và phòng ngừa rủi ro nợ ở các chính quyền địa phương được coi là những
nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2014.
Một vấn đề nữa cũng đáng lưu ý là lần đầu tiên Hội nghị đưa ra
"Nhận thức toàn diện quan hệ tăng trưởng GDP và phát triển lành mạnh bền
vững", không nên đơn giản theo đuổi tăng trưởng GDP, mà cần nỗ lực nâng
cao chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế, để không mang lại tốc độ tăng
trưởng đầy "di chứng".
Như vậy, năm 2014 tốc độ tăng trưởng
GDP sẽ được duy trì hợp lý (Hội nghị đề ra là 7,5%), đồng thời thúc đẩy điều
chỉnh kết cấu kinh tế, thông qua cải cách đổi mới để giải quyết vấn đề dư thừa
sản lượng, phòng ngừa rủi ro nợ…
Theo quan điểm của các chuyên gia nước
ngoài, giải quyết vấn đề dư thừa sản lượng, phòng ngừa rủi ro nợ chính là trọng
điểm công tác kinh tế trong năm 2014 của Trung Quốc. Rõ ràng mâu thuẫn chủ yếu của Trung Quốc hiện nay
chính là sản lượng dư thừa, vì thế cải cách hay điều chỉnh kết cấu đều cần
triển khai xoay quanh trung tâm này, nếu không sẽ khó có hiệu quả.
2. Dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2014
Mặc dù
vẫn còn rủi ro về khủng hoảng ngân sách tại Hoa Kỳ, cũng như việc tiếp tục thắt
chặt tiền tệ ở khu vực châu Âu, suy giảm kinh tế tại Trung Quốc và các thị
trường mới nổi khác, nhưng kinh tế toàn cầu vẫn được dự báo sẽ phục hồi tăng
trưởng trong năm 2014. Tạp chí kinh tế EIU(22) đưa ra dự báo, GDP toàn cầu
tính theo ngang giá sức mua (PPP) sẽ tăng khoảng 3,6% trong năm 2014, cao hơn
mức 2,8% được dự báo cho năm 2013, chủ yếu là do phục hồi tăng trưởng kinh tế
tại các nước phát triển. Các nền kinh tế mới nổi cũng được dự báo sẽ có mức tăng
trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014 nhờ nhu cầu tăng lên từ các nước phát
triển. Tuy nhiên, Trung Quốc là một ngoại lệ. Tạp chí EIU dự báo kinh tế Trung
Quốc suy giảm nhẹ trong năm 2014, đạt mức 7,3%, giảm so với mức 7,5% theo dự
báo trước đó. IMF cũng dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ giảm từ 7,6% năm 2013 xuống 7,3% trong
năm 2014(23).
Mặc dù kinh tế thế giới nói chung được
dự báo sẽ khởi sắc hơn trong năm 2014, nhưng riêng Trung Quốc thì đa phần đều
dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm nhẹ, nguyên do là Trung Quốc vẫn
tiếp tục quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng cân bằng hơn và thúc đẩy
cải cách toàn diện, sâu rộng hơn. Năm 2014 được dự báo là một năm mà chính trị,
xã hội, kinh tế Trung Quốc phức tạp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Mới đây, Đại hội đại biểu nhân dân toàn
quốc và Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân (gọi tắt là Lưỡng Hội), diên ra
từ 3-12/3/2014 đã thảo luận và thông qua các
chương trình và biện pháp cải cách được Hội nghị TW 3 ĐCS Trung Quốc tháng
11/2013 đề ra nhằm duy trì nền kinh tế “tiến lên trong ổn đinh”, với các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2014: Mục tiêu tăng
trưởng kinh tế năm 2014 là 7,5%, kiềm chế lạm phát ở mức 3,5%, tạo 10 triệu
việc làm mới ở khu vực thành thị, tỉ lệ thất nghiệp giữ ở mức dưới 4,6%, tăng
thu nhập hơn nữa cho người dân, giữ thâm hụt ngân sách năm 2014 ở mức 1.350 tỷ
NDT (225 tỷ USD), cao hơn 150 tỷ NDT so với năm 2013.
Tuy
nhiên mức tăng trưởng kinh tê Trung Quốc trên thực tế thường cao hơn mục tiêu
đặt ra. Trung tuần tháng 1/2014, Ngân hàng Thế giới ra “Báo cáo Triển vọng kinh
tế toàn cầu mới nhất” dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 7,7% trong năm nay.
Trước
đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thế giới và Trung Quốc, trường đại học Thanh
Hoa ngày 20-10 công bố Báo cáo phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô Trung Quốc quý
IV-2013(24) với chủ đề "Môi trường bên ngoài rủi ro, bên trong
đi sâu cải cách", trong đó dự báo năm 2013 GDP sẽ đạt 7,7%; năm 2014 tốc
độ tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục suy giảm còn 7,4%, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng
3,2%, cả năm thặng dư thương mại sẽ là khoảng 190,2 tỉ USD chiếm 1,8% GDP, M2
tăng 13,9%, đầu tư TSCĐ tăng 19,8%; tiêu dùng tăng 13,1%.
Ngày
16-1-2014, Trung tâm Nghiên cứu khoa học dự báo, Viện Khoa học Trung Quốc công
bố "Dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2014", trong đó dự báo năm 2014 GDP tăng trưởng khoảng 7,6%; chỉ số
giá tiêu dùng CPI tăng khoảng 3,1%; cả
năm tăng trưởng xuất nhập khẩu khoảng 8,2%; 2014 tiếp tục là năm thứ 11 tăng
sản lượng lương thực; giá nhà thương mại trên cả nước tăng 7,6%, trong đó các
thành phố cấp 1 sẽ tăng đến 10,2%(25).
Nguyễn Thu Hiền
Viện Nghiên cứu Trung Quốc