TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9836190
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Lập luận kỳ lạ

Đêm 2/6 vừa qua, Đài Bắc kinh có phát đi một bài của tác giả Lạc Vĩnh Côn từ Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc về mối quan hệ giữa các nước ASEAN xung quanh vấn đề biển Đông. Khi nghe bài này bỗng giật mình lo cho ngành nghiên cứu khoa học xã hội ở Trung Quốc vì một học giả từ một cơ quan nghiên cứu khoa học tầm cỡ như vậy mà ăn nói hồ đồ, đổi trắng thay đen, lập luận chủ quan, thái độ ngạo mạn đến mức ấy thì thật nguy. Với những “quân sư” như vậy há gì Trung Quốc không gặp nhiều rắc rối trong quan hệ quốc tế nói chung và với các nước láng giềng Đông Nam Á nói riêng.

            Xin nói có sách, mách có chứng. Vừa vào đầu ông Lạc đã “đổ” chứ không phải “rót” vào tai thính giả một mớ những câu, những chữ vu cáo trắng trợn Việt Nam và Phi-líp-pin, trong đó bịa ra rằng Việt Nam “huy động hàng loạt tàu, trong đó có tàu vũ trang tiến hành quấy nhiễu phi pháp và hung hăng chống hoạt động thăm dò dầu khí bình thường của doanh nghiệp Trung Quốc tại vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), dung túng hoạt động bạo lực…nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc…, nhiều lần ráo riết thúc đẩy ASEAN thông qua nghị quyết về vấn đề biển Đông nhằm lôi kéo ASEAN vô tội vào tranh chấp biển Đông…, phá hoại tiến trình nhất thể hóa ASEAN, trở thành nhân tố tiêu cực nổi cộm nhất đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực hiện nay…”.

            Tôi thành thực xin lỗi bạn đọc vì đã trích dẫn dài dòng những điều khó nghe như vậy. Tôi buộc phải làm thế chỉ vì không muốn bị Đài phát thanh Bắc kinh gán tội bịa đặt. Mặt khác, tôi cũng chẳng muốn mất công bác bỏ những lập luận xằng bậy như vậy làm gì vì cho tới nay nền y học thế giới vẫn chưa phát minh ra được pháp đồ nào có thể uốn lưng kẻ gù thành người ngay; vả lại dư luận thế giới đã thấy rõ mười mươi ai gây rối trên biển Đông, ai phá hoại hòa bình, ổn định và sự hợp tác trong khu vực.

            Tôi chỉ xin có đôi điều bình luận về những điều ông Lạc bịa đặt về mối quan hệ trong nội bộ ASEAN của chúng ta.

            Một là, ai cho phép ông Lạc xúc phạm các quốc gia thành viên ASEAN khi nói rằng họ bị Việt Nam và Phi-líp-pin “lôi kéo” vào tranh chấp trên biển Đông? Các nước thành viên đều là các quốc gia có chủ quyền, đủ trí tuệ để phân biệt phải trái chứ cần gì phải ai lôi kéo? Một bằng chứng hiển nhiên là năm 1992, khi Việt Nam mới chỉ là quan sát viên, ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về biển Đông chứ đâu cần Việt Nam “lôi kéo”. Bản chất câu chuyện ở chỗ 6 nước thành viên ASEAN chưa mở rộng đã sớm cảm nhận được mối hiểm họa từ những yêu sách và hành động của Trung Quốc trên biển Đông chứ không phải Phi-líp-pin và Việt Nam là “nhân tố tiêu cực nổi cộm đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực” theo cách nói của ông Lạc. Nước “lôi kéo” mạnh nhất ASEAN vào tranh chấp trên biển Đông chính là Trung Quốc đó ông Lạc ạ.

            Hai là, ông Lạc dành thời lượng đáng kể để phô diễn kiến thức của mình về thể chế hoạt động của ASEAN, trong đó có nguyên tắc “hiệp thương nhất trí” được gọi là “phương cách ASEAN”. Tiếc thay ông Lạc lại bóp méo hoàn toàn những lần ASEAN thông qua các nghị quyết về biển Đông khi nói bừa rằng, “Phi-líp-pin và Việt Nam nhiều lần thúc đẩy nghị quyết về biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị cấp cao ASEAN hoàn toàn là sự chà đạp đối với quyền lợi hiệp thương nhất trí của các nước ASEAN không đề ra yêu sách về biển Đông”.

            Ông Lạc nói hớ mất rồi! Nếu không hiệp thương nhất trí thì làm sao đưa ra được nghị quyết và đã ra nghị quyết tức là đã có sự hiệp thương nhất trí. Việc ở Phnôm Pênh năm 2012 không ra được nghị quyết là một bằng chứng nữa về sự tôn trọng nguyên tắc hiệp thương nhất trí của ASEAN (còn do đâu nên nông nỗi ấy thì ông Lạc chỉ cần nắm lại thông tin về những hoạt động sau sân khấu của các quan chức Trung Quốc thì sẽ rõ). Thế rồi chẳng bao lâu sau, cả 10 nước thành viên ASEAN lại “hiệp thương nhất trí” thông qua Tuyên bố 6 điểm về biển Đông cho thấy tinh thần đoàn kết, nhất trí của ASEAN bền vững tới mức nào trước hiểm họa chung vì họ hiểu rằng, hòa bình không thể chia cắt, chính nghĩa không thể bẻ cong.

             Ba là, ông Lạc đã tìm cách chia rẽ ASEAN bằng cách tách các nước Myanma, Thái Lan, Căm-pu-chia, Lào, Singapore, Indonesia ra, liệt họ vào hàng các nước bị Phi-líp-pin và Việt Nam lôi kéo vào tranh chấp chủ quyền trên biển  Đông mà ông coi là  “điều hoang đường”. Có lẽ ông Lạc không theo dõi thông tin, bỏ quên những tuyên bố không thể rõ hơn của các nhà lãnh đạo Indonesia về cái “đường lưỡi bò” vô lối liếm cả vào vùng biển của họ ở khu vực Naptuna Bắc tít ở phía Nam biển Đông. Với Myanma gánh vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, Hội nghị Ngoại trưởng và Cấp cao Nay Pyi Taw vừa qua đã nhất trí thông qua cả tuyên bố riêng lẫn tuyên bố Chủ tịch về vấn đề biển Đông cho thấy đây không phải là điều hoang đường mà chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của nước chủ nhà trước vận mệnh chung…

            Ngày xưa các nước Đông Nam Á, nay là thành viên ASEAN, đã từng là nạn nhân của chính sách “chia để trị” của các nước thực dân. Nào ngờ 60 – 70 chục năm sau khi các nước này đều đã trở thành các quốc gia độc lập, gắn kết với nhau vì lợi ích hòa bình, hợp tác và phát triển thì chính sách này lại được lôi ra áp dụng. Ngày xưa mỗi nước ngồi trên một chiếc thuyền thúng nên rất dễ bị lật nhào, ngày nay cả 10 nước cùng ngồi trên một chiếc tàu vỏ thép thì không dễ gì lật đổ, khi bị đâm va họ cùng nhau chống đỡ chứ ai dại gì bỏ bạn nhảy xuống biển khơi bơi một mình vì như vậy dễ bị cá mập nuốt lắm.

            Bốn là, ông Lạc đã chịu khó đọc lại nghị quyết của Hội nghị Ngoại trưởng và Quốc phòng ASEAN năm 2014, trong đó kêu gọi các bên liên quan hãy công nhận những nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, kiềm chế, tránh áp dụng hành động ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định khu vực, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực, giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải trên biển và  tự do hàng không trên biển Đông, thực thi đầy đủ và hữu hiệu DOC, sớm đạt được COC…

       Thế rồi ông Lạc kết luận rằng “những quan ngại của ASEAN hoàn toàn nhất trí với quan ngại lợi ích của Trung Quốc”; chỉ có Phi-líp-pin và Việt Nam phá hoại, gây rối. Câu chữ bề ngoài thì có thể như vậy, chỉ khác nhau chút xíu là phía Trung Quốc “nói dzậy mà không phải là dzậy” như bà con miền Nam Việt Nam thường nói về những người làm không đi đôi với nói, đúng hơn là nói một đằng làm một nẻo mà thôi.

            Chỉ cần nói thế nào làm nguyên thế ấy thì mọi chuyện sẽ êm đẹp cả, chẳng cần gì phải đổ tội cho ai, chia rẽ ai làm chi.

            Năm là, ông Lạc đã tiết lộ một phương cách hành xử đặc trưng nữa của Trung Quốc với ASEAN khi ông nói “nếu biến tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước thành viên thành tranh chấp giữa Trung Quốc với tổ chức ASEAN sẽ không phù hợp với thông lệ quốc tế”. Thế rồi, để củng cố lập luận, ông viện dẫn một ví dụ là: nếu bắt Argentina đàm phán với các nước Liên minh châu Âu để giải quyết tranh chấp đảo Malvinas giữa Argentina với Anh sẽ có một kết quả thế nào?

            Sự so sánh ấy quả thật quá khập khiễng. Malvinas nằm mãi cực Nam châu Mỹ, chẳng liên quan tới nước châu Âu nào; còn biển Đông liên quan trực tiếp tới hầu hết các nước thành viên ASEAN nếu tính rằng, vịnh Thái Lan cũng là một phần của biển Đông nên là vấn đề chung của cả Hiệp hội chứ đâu chỉ liên quan tới vài ba nước? Vả lại Trung Quốc đã từng thỏa thuận với cả khối ASEAN về DOC và nay đang bàn với cả khối này về COC; như vậy trên thực tế Trung Quốc đã đàm phán với cả khối ASEAN về vấn đề biển Đông rồi còn đâu nữa! Vậy xin ông Lạc cứ nói toạc móng heo ra là ông muốn chia bó đũa ra thành những chiếc đũa riêng lẻ để dễ bề bẻ gẫy chứ vòng vo Tam Quốc làm chi cho tù lù mù./.

Tác giả: Diệu Cầm




Các tin khác

Mệnh danh là nhà khoa học sao lại hành động “phản khoa học” như vậy?
Từ sự kiện giàn khoan nhìn lại Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung
Quốc tế công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ lâu.
Ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa của nhà địa lý học Trung Hoa cuối thế ky XIX trong tác phẩm Việt Nam Địa dư đồ thuyết
Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam
Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả, chính khách Mỹ và phương Tây
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều thế kỷ
Cả thế giới bác bỏ cái gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc
Sự hình thành cục diện địa chính trị mới tại Đông Á và vai trò của nước Nga
Quân sự hóa các đảo - Mưu đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn