TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9836300
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa của nhà địa lý học Trung Hoa cuối thế ky XIX trong tác phẩm Việt Nam Địa dư đồ thuyết
                   

Chúng ta đã từng biết về sách Hải ngoại kỷ sự do nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán viết vào năm 1695 (Thanh, Khang Hi năm thứ 35), vài đoạn trong đó, tác giả đã mô tả về Vạn Lý Trường Sa (cách gọi quần đảo Hoàng Sa theo ghi chép thời ấy), và nêu rõ thực trạng quản lý, khai thác của chúa Nguyễn đối với nơi này. Đây là loại sử liệu nằm trong nhóm sách địa lý - du ký, vốn là một thể tài xuất hiện khá sớm trong thư tịch Trung Hoa, số lượng khá nhiều, nội dung rất phong phú. Về thời điểm ghi chép, Hải ngoại kỷ sự  thuộc giai đoạn đầu nhà Thanh.[1]

Từ giữa đến cuối thời Thanh, những trứ tác địa lý - du ký chuyên đề về địa dư Việt Nam xuất hiện khá nhiều, đồng thời những bút ký có liên quan đến vùng biển Đông Nam Á cũng ngày một nhiều hơn với nội dung chi tiết hơn. Những khảo cứu hoặc biên chép nêu trên đã cho thấy khá rõ nhãn quan của các tác giả về quần đảo Hoàng Sa. Họ đã hiển nhiên xem các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, trùng hợp với cách ghi nhận trong các sách địa dư Việt Nam trước đó của Lê Quý Đôn (黎貴敦) và Phan Huy Chú (潘輝注) v.v.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu trứ tác địa lý có liên quan trực tiếp đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, được in trong bộ tùng thư “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao”.

 1. Khái quát về “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao” 

 “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao/ Xiaofanghu zhai yudi congchao/小方壺齋輿地叢鈔” do nhà địa lý học Vương Tích Kỳ (Wang Xiqi / 王錫祺) tuyển chọn biên tập, Thượng Hải Trứ Dịch Đường (Shanghai Zhu Yi Tang/上海著易堂) xuất bản từ năm 1877 đến 1897 [2]. “Tiểu Phương Hồ Trai” là tên thư trai (Studyroom) của Vương Tích Kỳ, “dư địa tùng sao” có nghĩa là “bộ sách thu thập các sách địa dư, địa lý”. Toàn bộ tùng thư gồm một bộ “chính biên” 12 hộp in năm 1877, một bộ “bổ biên” 12 hộp in năm 1891, một bộ “tái bổ biên” 12 hộp in năm 1897, tổng cộng ba bộ gồm 1.438 tựa sách của hơn 600 tác giả, trong đó có khoảng 40 tác giả nước ngoài có tác phẩm được dịch sang Hán văn.

Tiêu chí tập họp của tùng thư gắn với tiêu đề của nó là “dư địa”, bao quát các lĩnh vực: tổng luận về địa lý Trung Hoa, địa lý hành chính các tỉnh/ khu vực, địa lý tự nhiên, địa lý giao thông, ghi chép cảnh vật núi sông,  ghi chép về phong thổ vật sản, ghi chép về phong tục các dân tộc ít người, địa lý giao thông Trung Hoa- Hải ngoại, kiến văn về địa lý năm châu. Có sách được in toàn vẹn, có sách chỉ trích in phần quan trọng. Hầu hết các trứ tác đều được viết từ đầu nhà Thanh (1644) đến khoảng năm 1890.

Trong 1.438 sách thấy có 1055 sách về địa lý Trung Quốc và 383 sách về địa lý các nơi trên thế giới. Trong các sách về địa lý năm châu, châu Á chiếm số lượng nhiều nhất với 173 sách. Các ghi chép, nghiên cứu riêng biệt về Việt Nam gồm 17 sách, trong đó 15 sách in trong phần chính biên, hộp thứ 10 và 2 sách in trong phần tái bổ biên, hộp thứ 10. Tác giả của 17 sách này gồm 8 học giả, quan chức người Trung Hoa: Diêu Văn Đống (dịch giả), Củng Sài, Từ Diên Húc, Ngụy Nguyên, Thịnh Khánh Phất, Lý Tiên Căn, Phan Đỉnh Khuê, Sư Phạm; 1 người Hoa kiều Singapore là Trần Cung Tam (Tan Keong Sum);  2 tác giả người châu Âu khuyết danh, 1 tác giả người Anh là Lý Đề Ma Thái (Timothy Richard).[3] 

Ngoài 17 sách liên quan trực tiếp đến địa lý Việt Nam nêu trên, nhiều biên chép khác mang tính địa lý khu vực hoặc miêu tả lộ trình đường biển từ Trung Hoa đến các nước khác ngang qua Biển Đông Việt Nam lại cũng ít nhiều liên quan đến địa lý Việt Nam, liên quan đến quần đảo Trường Sa thuộc vùng biển Đông Nam Á, riêng đối với mảng sách mang tính khu vực này, chúng tôi sẽ khảo cứu và trình bày trong dịp khác.[4]

Ngoài giá trị tham khảo về kiến thức địa lý, có thể xem “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao” như một công trình với chủ trương phục vụ nghiên cứu địa- chính trị. Nhận xét về tùng thư này, trong một hội thảo về lịch sử tư tưởng cận đại, học giả đương đại Phan Quang Triết (Pan Kuang-che/ 潘光哲) cho rằng Vương Tích Kỳ - qua công trình tập họp- đã phản ánh toàn mạo về phần tử trí thức cuối thời Thanh, biểu hiện xu thế nhìn ra bên ngoài, khẩn trương tiếp thu và chấp nhận các quan điểm khác truyền thống Trung Hoa,  tùng thư này là nền tảng tri thức để hiểu về sự nhận thức thế giới của họ.[5] Trung Quốc lịch sử đại từ điển thì nhận định rằng, tùng thư được biên soạn với ý đồ học tập, phổ biến tri thức địa lý ngoại quốc, nhằm kiện toàn tri thức cho giới sĩ phu Trung Hoa đang đứng trước nguy cơ đất nước bị các cường quốc xâm chiếm.[6]

Vương Tích Kỳ (1855-1913), tự Thọ Huyên 壽萱, người huyện Thanh Hà phủ Hoài An (nay là Khu Thanh Hà/ 清河區, thành phố Hoài An/ 淮安巿, tỉnh Giang Tô), 18 tuổi đỗ Tú Tài, dự bị nhậm Hình bộ lang trung, nhưng rồi không nhận chức, về lập thư trai chuyên tâm nghiên cứu địa lý Trung Quốc và thế giới, sang Nhật Bản tìm hiểu về tình hình chính trị nước này sau cuộc Minh Trị duy tân. Vương đã dùng 20 năm để soạn tập tùng thư, bắt đầu thực hiện từ năm 22 tuổi (1877) đến năm 42 tuổi (1897) hoàn thành. Trong tùng thư Vương viết 17 sách, nhiều sách liên quan đến địa-chính trị, như: Nghị luận về việc thiết lập tỉnh Tây Tạng, Ghi chép về biên giới Trung-Nga, Nghị luận về tình hình Đài Loan gần đây, Nghị luận về tình hình Xiêm La gần đây, cùng vài ghi chép về địa lý một số nước khác.[7]

Tóm lại, đây là bộ tùng thư chuyên đề có quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử địa lý học Trung Hoa, ở lĩnh vực học thuật chuyên môn, “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao” được xem là thành tựu tập đại thành chứa đựng tinh hoa của những tác gia địa lý học đời Thanh. Với khối lượng tư liệu phong phú, tùng thư cũng được xem là có giá trị tham khảo đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung Quốc với bên ngoài thông qua địa lý học.

 “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao” đầu tiên được xuất bản vào các năm 1877, 1891, 1897 bằng hình thức sắp chữ chì. Bản in đầu hiện còn được nhiều thư viện lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu lưu giữ. Năm 1962, bộ tùng thư này được Quảng Văn thư cục (Đài Bắc, Đài Loan) tái bản theo hình thức chụp ảnh, tức giữ nguyên hiện trạng văn bản của lần in đầu, chỉ đánh thêm số trang bằng ký tự Arab liên tục cho toàn bộ. Năm 1985, lại được Hàng Châu cổ tịch thư điếm (Chiết Giang, Trung Quốc) chụp ảnh in lại.[2] Văn bản khảo sát trong bài viết này dựa vào bản in Quảng Văn thư cục 1962.

 2. Vit Nam đa dư đ thuyết

Việt Nam địa dư đồ thuyết (越南地輿圖說) do Thịnh Khánh Phất (盛慶紱) biên soạn, tác giả người huyện Vĩnh Tân tỉnh Giang Tây, ngoài Việt Nam địa dư đồ thuyết thấy còn soạn Chỉ Giang huyện chí (芷江縣志), khắc in năm 1870. Sách Việt Nam địa dư đồ thuyết ngoài bản in chung trong “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao” còn được in riêng vào những năm 1883, 1893, lại có bản in năm 1888 đề tên 2 tác giả Thịnh Khánh Phất- Lữ Điều Dương. Do “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao” thực hiện trong khoảng thời gian 20 năm (1877-1897) và trong phần in Việt Nam địa dư đồ thuyết không có lời giới thiệu của Vương Tích Kỳ về tác giả Thịnh Khánh Phất, về năm thành sách, nên chúng tôi căn cứ vào bản in rời có ghi niên đại sớm nhất là 1883 để định năm ra đời trứ tác này.[8]

Trong Việt Nam địa dư đồ thuyết, phần viết về tỉnh Quảng Ngãi, đoạn văn nói về quần đảo Hoàng Sa được ghi nhận với nguyên văn như sau:

越南地輿圖說 (1883)

平山縣安永社村居近海東北有島嶼群山重叠一百三十餘嶺山間又有海約隔一日許或數更山下間有甘泉中有黃沙渚長約三十里平坦廣大水清底諸商舶多依於此

黃沙渚島內群燕無數常集於此出燕窩

島內眾鳥以千萬計見人旋集不避

文螺名惡聰㺔(音威,象也) [9]大如席腹有粒如指大色濁不及蚌其殻可削成碑又可作灰泥塗

 𤥭璖飾器物最華又名沃香

 諸蚌肉醃而煮之頗適日

 玳瑁甚大有名海巴可飾器皿

 海參俗曰突突浮游諸渚旁以石炭擦之去腸曬乾當食時以蟹水浸之味最佳

 [小方壺齋輿地叢鈔- 第十帙-越南地輿圖說 -第九十三頁]

 Dịch nghĩa:

 “Xã thôn Vĩnh An huyện Bình Sơn ở gần biển, phía đông bắc có đảo, trùng điệp hơn 130 hòn, giữa các hòn lại là biển, khoảng cách các hòn này  độ một ngày đường hoặc vài canh [10]. Ở hòn đảo chính có suối nước ngọt, trong là Bãi Cát Vàng, dài độ 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi, nước trong tận đáy, thương thuyền thường nhờ vào nơi này.

Trong hòn, bãi  Hoàng Sa có rất nhiều chim yến tụ tập làm tổ.

Chim ở đây có đến hàng ngàn hàng vạn, thấy người vẫn quây quần không tránh.

Ốc vằn tên là ác tai voi (âm đọc là Uy/ Wei, nghĩa là Tượng)[9] to như chiếc chiếu, trên bụng có hạt cườm bằng đầu ngón tay, màu đục, không sánh bằng ngọc trai, có thể mài cắt làm thẻ bài, lại có thể đốt thành tro than để sơn vẽ.

Ốc xà cừ dùng [khảm] trang trí cho vật dụng rất đẹp, còn có tên là ốc hương.[11]

Thịt các loại ốc này phơi sấy hoặc nấu chín có thể dùng qua ngày.

Đồi mồi khá lớn, có tên hải ba, có thể dùng trang trí vật dụng.

Hải sâm tục gọi là đột đột, bơi lội bên cạnh các bãi, đánh bắt được đem xát qua bằng vôi, bỏ ruột, phơi khô, lúc ăn ướp với nước cua, vị cực ngon”

Đoạn văn này cho thấy nó khá giống với những mô tả về Hoàng Sa trong nhiều tư liệu lịch sử địa dư Việt Nam, điển hình như trong Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn, trong Lịch triều hiến chương loại chí - Dư địa chí (1820) của Phan Huy Chú, trong Đại Nam nhất thống chí- Tỉnh Quảng Ngãi (1875-1909) của Quốc sử quán triều Nguyễn v.v. Để thấy rõ và cụ thể hơn,  có thể so sánh  đoạn văn này trong Việt Nam địa dư đồ thuyết với  Hoàng Việt địa dư chí (1833, Phan Huy Chú), qua đối chiếu chúng ta thấy đoạn văn trong Việt Nam địa dư đồ thuyết hầu như  chỉ là sự chép lại, với văn phong khác và giản lược hơn.

Tham khảo

Hoàng Việt địa dư chí:

皇越地輿誌 (1833)

 “平山縣安永社村居近海,海外之東北有島嶼焉,群山重叠一百三十餘嶺,山間出海約隔一日或數更,山下間有甘泉. 島之中有黃沙渚,長約三十里平坦廣大,水清徹底,島傍有燕無數,眾鳥以千萬計,見人旋集不避.渚邊異物甚多,其文螺有名惡(作沃) [12] ,大如席腹有粒如指,大色濁不及蚌蛛,其壳可削成碑,又可作灰泥塗.有名沃𤥭璖飾諸器物甚為好麗,又名沃香.諸蚌肉皆可醃煮.玳瑁甚大有名海巴,甲薄可飾器皿,卵如巨指頭.又名海參俗曰突突,游泳諸渚旁採取以石炭擦過,去腸乾,食時田蟹水浸浸同蝦豬肉亦好.諸商舶多遘依於此島”

[潘輝注,皇越地輿誌 -明命十四年(1833)-提岸和源盛壬申年(1872)新鐫][13]

Xã thôn An Vĩnh huyện Bình Sơn ở gần biển, phía Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo. Đảo hòn  trùng điệp, có đến hơn 130 [hòn]; khoảng cách các đảo theo đường biển hoặc một ngày đường hoặc vài canh, dưới núi có suối nước ngọt. Trong các đảo này có bãi Hoàng Sa, dài khoảng 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi, nước trong tận đáy, bên đảo yến nhiều vô số, chim có đến hàng ngàn hàng vạn, thấy người vẫn quây quần không tránh. Bên bờ các vật lạ rất nhiều, có loại ốc vằn tên là ác (như chữ: ốc) [12] tai voi to như chiếc chiếu, trên bụng có hạt cườm bằng đầu ngón tay, màu đục, không sánh bằng ngọc trai, vỏ có thể mài làm thẻ bài, có thể đốt thành tro than để sơn vẽ; có loại ốc xà cừ dùng [khảm] trang trí cho nhiều loại vật dụng rất đẹp, có loại ốc hương, thịt các loại ốc này đều có thể phơi sấy hoặc nấu chín. Đồi mồi khá lớn, có tên hải ba, vỏ mỏng, có thể dùng trang trí cho nhiều loại vật dụng, trứng bằng đầu ngón tay lớn; lại có loại hải sâm tục gọi là đột đột, bơi lội bên cạnh các bãi, đánh bắt được đem xát qua bằng vôi, bỏ ruột, phơi khô, lúc ăn ướp với nước mắm cua đồng cho thấm từ từ, ăn cùng với tôm, thịt heo thì rất ngon. Các thuyền buôn gặp (gió) thường tựa ở đảo này” [14] [gõ lại văn bản và dịch theo bản in Hòa Nguyên Thạnh ở Chợ Lớn năm Nhâm Thân  (1872)]

Nhìn qua thời điểm biên soạn, và so sánh hai đoạn văn trong Việt Nam địa dư đồ thuyết (1883) và Hoàng Việt địa dư chí (1833), thấy rằng Thịnh Khánh Phất đã đọc được các thông tin từ một hoặc vài sách của các tác giả Việt Nam, đặc biệt là từ  Phan Huy Chú. Qua so sánh, thấy rõ Thịnh Khánh Phất đã dựa vào Hoàng Việt địa dư chí để trình bày một cách súc tích hơn phần nội dung về quần đảo Hoàng Sa. Hoàng Việt địa dư chí vốn đã từng được khắc in năm Minh Mạng thứ 14 (1833) và đến năm Nhâm Thân (1872) lại được cơ sở Hòa Nguyên Thạnh ở Chợ Lớn tái khắc bản, với mức phổ biến rộng rãi như vậy, chắc chắn nó được nhiều học giả Trung Hoa đương thời tham khảo.

Khi nghiên cứu về nước ngoài, đối với các nhà địa lý học Trung Hoa, việc tham khảo tài liệu của những tác giả bản xứ để bổ sung kiến thức là điều bình thường. Trong việc mô tả về quần đảo Hoàng Sa, tình hình tư liệu địa dư Trung Hoa chưa có biên chép điều gì rõ ràng cụ thể, Thịnh Khánh Phất đã ghi nhận nó trên cơ sở tiếp thu và đồng quan điểm với các trứ tác địa dư chính thống của tác giả Việt Nam.

3.Cách ứng dụng “Việt Nam địa dư đồ thuyết” hiện nay của học giới Trung Quốc

Lý Kim Minh (Li Jinming/李金明), một học giả khá nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Nam Hải (Biển Đông), trong bài viết “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam không phải là Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc” đăng trên tạp chí Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu (kỳ 2, năm 1997) [15] đã dẫn Việt Nam địa dư đồ thuyết, trích dẫn một đoạn trong phần viết nêu trên, tuy nhiên, Lý Kim Minh đã chen vào chính văn những lời chú giải, khiến nó khác với nguyên tác, đoạn văn được trích có thêm thắt như sau:

 “平山縣安永社村居近海東,北有島嶼,群山重叠一百三十餘嶺(原注:案即外羅山),山間又有海,約隔一日許或數更,山下間有甘泉,中有黃沙渚(原注:案即椰子塘),長約三十里,平坦廣大水清底.諸商舶多依於此”

Dịch nghĩa:

 “Xã Vĩnh An huyện Bình Sơn gần biển, phía đông bắc có đảo, trùng điệp hơn 130 hòn (nguyên chú: xét thấy là Ngoại La sơn), giữa các hòn lại là biển, khoảng cách các hòn này  độ một ngày đường hoặc vài canh. Ở hòn đảo chính có suối nước ngọt, trong là Hoàng Sa chử (nguyên chú: xét thấy là Da Tử đường), dài độ 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi, nước trong tận đáy, thương thuyền thường nhờ vào nơi này”[16]

Trong đoạn văn này, những chỗ “nguyên chú: xét thấy là Ngoại La sơn (Lý Sơn)”, “nguyên chú: xét thấy là Da Tử đường (đảo Cây Dừa)” thật sự không có trong nguyên tác của Thịnh Khánh Phất. Điều đặc biệt đáng lưu ý là Lý Kim Minh ghi rằng các chú giải trên là “nguyên chú”, tức là gán những lời chú giải ấy cho Thịnh Khánh Phất. Có thể qua văn bản ở Hình 3 để thấy toàn văn không có những chú giải này.

4. Kết luận

Vương Tích Kỳ, Thịnh Khánh Phất và những người trợ giúp biên tập “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao” đều là những nhà địa lý học, mức độ ảnh hưởng của từng người đối với mặt bằng học thuật đương thời có khác nhau, kẻ nhiều người ít, nhìn chung, họ có thể đại diện cho ngành địa lý học Trung Hoa trong một giai đoạn. Đặc biệt là Vương Tích Kỳ, người chủ trương (viết, tập họp và biên tập) bộ tùng thư đồ sộ được đánh giá là phong phú bậc nhất trong các tùng thư chuyên ngành địa lý từ Tống đến Thanh. Cách biên soạn, việc thể hiện quan điểm học thuật cũng như nhãn quan  của họ đối với một không gian địa lý không thể không có giá trị.

Qua sách Việt Nam địa dư đồ thuyết, chúng ta cũng thấy rằng, thông tin từ những ghi nhận mang tính lịch sử về sự xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa từ thời Nguyễn đã không giới hạn trong phạm vi nội bộ hay nội địa mà chúng từng được giới trí thức chuyên ngành địa lý học Trung Hoa tiếp nhận, và xem đó như là tài liệu xác thực.

Việt Nam địa dư đồ thuyết tuy là sử liệu Trung Hoa nhưng đã cho chúng ta có thêm chứng cứ bổ túc quan trọng cho một số sử liệu trong nước, góp phần củng cố hệ thống tư liệu về sự xác lập chủ quyền của nhà nước quân chủ Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Chú thích:

1.         Hải ngoại kỷ sự, 6 quyển, (1695), Thanh, Thích Đại Sán soạn. [Haiwai Jishi-Qing/1695- Shi Da Shan/ 海外紀事-清康煕三十五年-釋大汕 著 (Record of events of Overseas)].

2.          Wang Xiqi  (王錫祺), Xiaofanghu zhai yudi congchao (小方壺齋輿地叢鈔) [Collected Texts on Geography from the Xiaofanghu Studyroom], Shanghai: Zhu Yi Tang. 1877.

Xiaofanghu zhai yudi congchao zaibubian (小方壺齋輿地叢鈔再補編) [Second Supplements to the Collected Texts on Geography from the Xiaofanghu Studyroom], Shanghai: Zhu Yi Tang. 1891, 1897.

Các lần tái bản: 

“Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao”, (Đài Loan) Quảng Văn Thư Cục ảnh ấn  bản (chụp ảnh in lại), Đài Bắc, 1962.

“Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao”, (Chiết Giang) Hàng Châu Cổ Tịch Thư Điếm ảnh ấn bản, Hàng Châu ,1985.

3.         Mục lục các sách viết về Việt Nam trong chính biên, bộ thứ 10 “Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao” :

Việt Nam chí (越南志), tác giả Tây phương khuyết danh, dịch giả khuyết danh.

An Nam tiểu chí (越南小志), tác giả Tây phương khuyết danh, Diêu Văn Đống (姚文棟) dịch

Việt Nam khảo lược (越南考略), Củng Sài (龔柴)

Việt Nam thế hệ diên cách lược (越南世系沿革略), Từ Diên Húc (徐延旭)

Việt Nam cương vực khảo (越南疆域考), Ngụy Nguyên (魏源)

Việt Nam địa dư đồ thuyết, Thịnh Khánh Phất

An Nam tạp ký (安南雜記), Lý Tiên Căn (李仙根)

An Nam kỷ du (安南紀遊), Phan Đỉnh Khuê (潘鼎珪)

Việt Nam du ký (越南遊記), Trần Cung Tam (Tan Keong Sum/ 陳恭三)

Chinh phủ An Nam ký (征撫安南記), Ngụy Nguyên

Chinh An Nam kỷ lược (征安南紀略), Sư Phạm (師範)

Tòng chinh An Nam ký (從征安南記), khuyết danh

Việt Nam sơn xuyên lược (越南山川略), Từ Diên Húc

Việt Nam đạo lộ lược (越南道路略), Từ Diên Húc

Trung-Việt giao giới các ải tạp lược (中越交界各隘卡略), Từ Diên Húc

Trong “Tái bổ biên”, bộ thứ 10:

An Nam luận (安南), Anh Quốc Lý Đề Ma Thái (李提摩泰) [Timothy Richard]

Du Việt Nam ký (遊越南記), Khuyết danh.

4.         Các ghi chép về địa lý- du ký, địa lý giao thông mang tính khu vực mà có liên quan đến địa lý Việt Nam như trường hợp Nam Dương ký, Nam Dương lãi trắc, Sứ Tây kỷ trình v.v. có đến hàng trăm sách, chúng tôi sẽ khảo sát và trình bày trong dịp khác.

5.         Theo tinh thần tham luận: “ <<Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao>>,  nền tảng tri thức về sự nhận thức thế giới của sĩ phu Trung Quốc cuối thời Thanh” của Phan Quang Triết, trình bày ngày 4-11-2001 tại Hội thảo do Sở nghiên cứu lịch sử cận đại thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương (Đài Loan) tổ chức tại Đài Bắc. [潘光哲, <<小方壺齋輿地叢鈔>> 與晚清中國士人認識世界的知識基礎, 中央研究院近代史研究所學術討論會論文,4-11-2001]

6.         Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển, Trịnh Thiên Đĩnh - Ngô Trạch - Dương Chí Cửu chủ biên, Thượng Hải Từ thư xuất bản xã, 2000.[ 中國歷史大辭典, 鄭天挺-吳澤-楊志玖 主編, 上海辭書出版社-2000], Cuốn 1, tr.225.

7.         Tham khảo <<Tiểu Phương Hồ Trai dư địa tùng sao>> Thiên danh cập trứ giả tính danh sách dẫn, Lưu Dược Lệnh, Hà Nam Đại học xuất bản xã, 1991.[ <<小方壺齋輿地叢鈔>>篇名及著者姓名索引,劉跃令,河南大學出版社 , 1991]

8.         Về mặt văn bản (bản bản), Việt Nam địa dư đồ thuyết ngoài bản in chung trong Tùng thư, hiện có khoảng 5 bản in riêng, nội dung tương đồng, bản in sớm nhất là vào năm Quang Tự thứ 9 (1883) do gia tộc họ Thịnh ở huyện Vĩnh Tân khắc bản (Vĩnh Tân Thịnh thị Cầu Trung Đường/ 永新盛氏求中堂), bản in muộn vào năm 1888. Gần đây, Tân Văn Phong xuất bản công ty tại Đài Bắc in chụp lại bản 1888. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin lược phần khảo sát văn bản.

9.         Nguyên văn: 文螺名惡聰㺔(音威象也), Văn loa danh ác tai voi (âm Uy, Tượng dã), câu này nghĩa là: Ốc vằn tên ác tai voi (Voi: âm Uy/ Wei, nghĩa là Tượng), Đây là điểm đáng lưu ý trong văn bản này, Thịnh Khánh Phất đã dùng chữ Nôm “ác tai voi” giống như cách viết trong Hoàng Việt địa dư chí bản in Chợ Lớn, mượn chữ  ÁC để chỉ ỐC, lại vì cần giải thích âm nghĩa chữ Nôm “Voi” cho người Trung Hoa hiểu nên đã chú : đọc như UY (wei), nghĩa là Tượng (Voi).

10.     Canh, đơn vị tính khoảng cách đường biển xưa, khoảng 60 lý, tương đương 30 km

11.      Nguyên văn viết: “Ốc xa cừ ….còn có tên ốc hương”, đây là sơ suất về cách ngắt câu của Thịnh Khánh Phất trong lúc rút gọn văn bản gốc.

12.      Nguyên văn viết chữ Nôm “ÁC” , là cách mượn âm, bên cạnh chú thêm cho rõ nghĩa “như chữ ỐC”, sau đó các câu bên dưới đều dùng chữ Nôm “ỐC / 沃”.  Bản Hoàng Việt địa dư chí in năm 1833 không thấy đặc điểm này, nên đây cũng là dấu hiệu đặc biệt trùng hợp để nhận thấy Thịnh Khánh Phất đã tham khảo và sao lục văn bản Hoàng Việt địa dư chí bản in Chợ Lớn 1872.

13.      Khi so sánh Việt Nam địa dư đồ thuyết với Hoàng Việt địa dư chí, tôi dựa vào bản văn bản Hoàng Việt địa dư chí bản in Chợ Lớn 1872 [潘輝注,皇越地輿誌 - 明命十四年(1833)-提岸和源盛壬申年(1872)新鐫], vì thấy có nhiều điểm trùng hợp như các chú thích trên đã nêu.

14.      Trong nguyên văn, hai bản in năm 1833 và năm 1872 đều khuyết chữ / Phong, tham khảo các sách khác thêm vào để rõ ý của bản dịch.

15.      Li Jinming / 李金明, “越南黄沙長沙非 中國西沙南沙考”, 中國邊疆史地研究, 1997 年 , 第2期.

16.      Những chữ do chúng tôi bôi đậm là những chữ không có trong nguyên văn, cũng tương đồng ở bản dịch. Nhằm nhấn mạnh để đọc giả tiện theo dõi.

Phạm Hồng Quân




Các tin khác

Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam
Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả, chính khách Mỹ và phương Tây
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều thế kỷ
Cả thế giới bác bỏ cái gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc
Sự hình thành cục diện địa chính trị mới tại Đông Á và vai trò của nước Nga
Quân sự hóa các đảo - Mưu đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
"Một vành đai một con đường" - Nấc thang mới trong cạnh tranh chiến lược Trung Mỹ
Trung Quốc và Việt Nam phát huy ưu thế của hệ thống chính trị trong phòng chống COVID-19
Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc ra sao
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn