TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9916178
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Phát biểu của đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội, ngày 26-01-2015)

Thưa các đồng chí lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,

Thưa các đồng chí đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất phấn khởi đến dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt và lời thăm hỏi ân cần tới các đồng chí lãnh đạo Viện, các nhà khoa học, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện; chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều sáng tạo và thành công.

Thưa các đồng chí, các nhà khoa học,

Năm 2014 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với nước ta. Những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đã ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của đất nước; tình hình trong nước cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Nhưng có thể nói, năm 2014 chúng ta đã giành được nhiều kết quả tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp hơn dự kiến, tăng trưởng kinh tế ở mức khá và có chiều hướng tốt hơn; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị, xã hội ổn định; vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên. Đó là nhờ ở sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp xứng đáng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Thưa các đồng chí, các nhà khoa học,

Trong năm 2014, với phương châm “chủ động, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả tích cực trên các phương diện : nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tư vấn chính sách, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước. Thể hiện trên một số mặt cụ thể sau đây :

Thứ nhất, Viện đã triển khai thực hiện một khối lượng lớn các chương trình, đề tài, dự án về khoa học xã hội trọng điểm cấp Quốc gia và cấp Viện Hàn lâm. Đã có những đóng góp ban đầu trong Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3) và triển khai đồng bộ, tích cực các chương trình Tây Nam Bộ; Chỉ số hạnh phúc người Việt Nam; Nghiên cứu về gia đình, các đề án Bách khoa thư Việt Nam; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; Nghiên cứu về điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc, các dự án Hoàng thành Thăng Long; Trưng bày tầng hầm Nhà Quốc hội, v.v...

Thứ hai, Viện đã tổ chức và kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng với công tác tham mưu tư vấn, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã tập trung nghiên cứu, luận giải, cụ thể hóa và làm sâu sắc thêm nhận thức về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong các Văn kiện Đại hội XI. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần đưa Văn kiện, Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Vlĩnh vực chính trị, Viện đã tập trung nghiên cứu những vấn đề hết sức quan trọng như: thực hành dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền, tác hại của nhóm lợi ích đối với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Về lĩnh vực kinh tế, đã tập trung lý giải những vấn đề thực tiễn đất nước đặt ra : tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền trong hội nhập quốc tế; các giải pháp đột phá phát triển hạ tầng giao thông; chiến lược thu hút có hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trong điều kiện hiện nay… Về lĩnh vực xã hội, đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề thực hiện công bằng xã hội, chiến lược và sách lược xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, chính sách đối với phân tầng xã hội, chính sách về vùng - miền, các vấn đề về đạo đức, gia đình… Về lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học, đã đề xuất những giải pháp về cải cách giáo dục, hội nhập quốc tế về tri thức và thông tin, xây dựng xã hội học tập, giữ gìn bản sắc truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng hệ giá trị Việt Nam; lý giải văn hóa với tính cách là sức mạnh mềm, sự cần thiết phải xây dựng các trung tâm giáo dục - nghiên cứu khoa học chất lượng cao, đào tạo và sử dụng nhân tài, tham gia các liên kết quốc tế về giáo dục, khoa học và văn hóa… Về quốc phòng và an ninh, đã tập trung nghiên cứu những vấn đề về chiến tranh và hòa bình; giải pháp xây dựng quân đội và các lực lượng bán vũ trang; mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế và sức mạnh vũ khí; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; các vấn đề về biên giới cứng và biên giới mềm; chủ quyền pháp lý và chủ quyền lịch sử; các vấn đề về nhân tố con người và nhân tố dân tộc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia…

Kết quả nghiên cứu những vấn đề đó đã được phản ánh trong những sản phẩm có giá trị của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam : các bộ sách công cụ và chuyên khảo, các bài báo khoa học đăng trong các tạp chí trong và ngoài nước, những giải pháp và kiến nghị có giá trị thực tiễn và khoa học…

Đặc biệt, Viện đã hoàn thành kịp thời, có chất lượng các nhiệm vụ nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. Được phân công thực hiện nghiên cứu 7 vấn đề lớn thuộc nhiệm vụ Tổng kết 30 năm đổi mới, mặc dù thời gian gấp, song với trách nhiệm chính trị cao, phương thức tổ chức hợp lý, Viện đã quy tụ được các chuyên gia đầu ngành, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sản phẩm của hệ đề tài này đã được đánh giá cao về tính nghiêm túc, sâu sắc, giá trị khoa học và thực tiễn của các kết luận cũng như những ý tưởng khoa học mới được đề xuất.

Viện đã tích cực hợp tác với các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước cùng nghiên cứu những vấn đề lý luận ở tầm vĩ mô và tư vấn chính sách, giúp các địa phương trong việc xây dựng hoặc tư vấn, phản biện quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phục vụ xây dựng văn kiện cho đại hội Đảng của các địa phương. Những ý kiến đóng góp của Viện được các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao.

Thứ ba, một nỗ lực đáng hoan nghênh của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong năm 2014, là các hoạt động khoa học góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ góc độ khoa học, đặc biệt là từ góc độ lịch sử và pháp lý, Viện đã chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động thiết thực, như hội thảo khoa học về Biển Đông, về Khảo cổ học biển, triển lãm tư liệu về Hoàng Sa – Trường Sa, xuất bản sách về tư liệu Hán Nôm, công bố nhiều bài báo khoa học, nhiều tư liệu quý, trong đó có những tư liệu được công bố lần đầu tiên. Sự lý giải và những tư liệu của khoa học xã hội đã làm vững chắc thêm những chứng cứ lịch sử không thể phủ nhận và những lẽ phải pháp lý không thể xuyên tạc, chứng minh chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, góp phần định hướng dư luận trong nước và thuyết phục cộng đồng quốc tế. Những nghiên cứu sâu và những dự báo sớm của Viện, không chỉ có giá trị về mặt khoa học, mà còn có ý nghĩa chính trị sắc bén, trực tiếp phục vụ lợi ích của đất nước.

Thứ , trong quá trình hiện thực hóa quan điểm của Đảng coi phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, trong năm 2014, Viện đã chủ động phát huy ngoại giao kênh II, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, nắm bắt tình hình khu vực và thế giới, phát triển quan hệ song phương và đa phương với các đối tác chiến lược; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Viện đã tiến hành đàm phán, xây dựng và ký kết các thoả thuận hợp tác mới, gia hạn một số thoả thuận hợp tác với các đối tác truyền thống.

Thứ năm, công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học xã hội đã được Viện quan tâm, chú trọng. Sau 5 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Khoa học xã hội đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Tôi vui mừng được biết, hiện Học viện có hơn 4.500 học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học. Một số chuyên gia của Viện đã tham gia giảng dạy cho các lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Đảng, đào tạo cán bộ dự nguồn cho một số địa phương. Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nguồn trong Viện đã được Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm và các cơ quan trực thuộc đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ trẻ đã và đang có sự trưởng thành.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao những kết quả mà các đồng chí đã đạt được trong năm 2014.

Tôi nhất trí với nội dung Báo cáo tổng kết của các đồng chí về những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ năm 2014. Tôi đề nghị tại Hội nghị này các đồng chí cần tiếp tục thảo luận nghiêm túc và sau Hội nghị, đề nghị lãnh đạo Viện, các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện, các đơn vị nghiên cứu khoa học và các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Viện, cùng với Đảng uỷ, Chi uỷ đánh giá sâu sắc, phân tích nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại của đơn vị mình và đề ra biện pháp khắc phục một cách cụ thể và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí, các nhà khoa học,

Trong thời gian tới và trong năm 2015, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao đối với nền khoa học xã hội Việt Nam nói chung và với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nói riêng. Viện phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để đáp ứng được sự trông đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Với phương châm hành động “Dân chủ, sáng tạo, chuyên nghiệp và hiệu quả”, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần nâng chất lượng nghiên cứu khoa học lên một tầm cao mới, sớm trở thành một trung tâm nghiên cứu tầm khu vực vào năm 2020 như mục tiêu đã xác định. Tôi cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Báo cáo Tổng kết của các đồng chí đã nêu ra; đồng thời yêu cầu trong năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau :

1- Từ chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện tích cực tham gia đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Các đồng chí cần phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm, tích cực góp ý, nhất là ở những vấn đề mới và khó, đòi hỏi phải được luận giải sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Đây là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng kỳ vọng ở các đồng chí.  

2- Tiếp tục nghiên cứu, giải đáp có căn cứ khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Yêu cầu này đòi hỏi các đồng chí phải quán triệt thật sâu sắc cả trong công tác nghiên cứu, công tác đào tạo và trong các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách cho Đảng và Nhà nước.

Tiếp tục sưu tầm và nghiên cứu những tư liệu lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, giải đáp những vấn đề vừa mang tính thời sự, cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài của sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Nghiên cứu chính sách, chiến lược của các nước và các khu vực, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng để xây dựng căn cứ khoa học, dự báo chính xác tình hình, tư vấn có chất lượng, thiết thực và hiệu quả cho Đảng và Chính phủ trong việc đề ra đối sách hợp lý.

3- Nghiên cứu cơ bản, sâu sắc và có hệ thống tất cả các lĩnh vực của khoa học xã hội, từ kinh tế đến văn hoá, từ chính trị đến xã hội, từ giáo dục - đào tạo đến quốc phòng - an ninh, từ khoa học đến tôn giáo… nhằm đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của sự phát triển toàn diện đất nước. Trong đó, đặc biệt chú ý nghiên cứu nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI)  về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

4- Tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế; trên cơ sở hợp tác nghiên cứu và liên kết đào tạo, làm cho cộng đồng thế giới hiểu biết sâu hơn giá trị của văn hóa, con người và dân tộc Việt Nam; chọn lọc và tiếp thu những tinh hoa của văn hóa, văn minh nhân loại, thành tựu của khoa học xã hội thế giới, để phát triển nền văn hóa, nền khoa học xã hội nước nhà.

5- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học xã hội cả về số lượng lẫn về chất lượng, có trình độ cao, đủ sức lý giải những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra; đồng thời, hướng tới việc sáng tạo những công trình khoa học đạt chuẩn quốc gia, khu vực và thế giới. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể; chú trọng công tác phát triển Đảng, nhất là trong đội ngũ các nhà khoa học trẻ.

Về kiến nghị của các đồng chí, giao Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Thưa các đồng chí, các nhà khoa học,

Nói đến khoa học xã hội là nói đến văn hóa và con người. Và sức mạnh của dân tộc ta trước hết cũng là sức mạnh của văn hóa và con người. Tôi nghĩ rằng, đất nước ta muốn giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, thì nền khoa học xã hội nước nhà phải ngày càng lớn mạnh.

Với truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển, tôi tin tưởng rằng tập thể lãnh đạo Viện, các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đoàn kết nhất trí vượt qua khó khăn, khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm, các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015 và những năm tiếp theo.

Xin chúc các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, công chức, viên chức, người lao động Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và gia đình bước sang Năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong lao động, công tác và trong cuộc sống.

Xin cảm ơn các đồng chí.




Các tin khác

Hội đàm cấp cao hai Tổng Bí thư Việt Nam - Trung Quốc
Toàn văn Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc họp lần 8
Phó Thủ tướng Việt Nam, Trung Quốc hội đàm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc
Việt-Trung trao đổi thẳng thắn vấn đề Biển Đông
Các bộ trưởng ASEAN đạt sự nhất trí cao về vấn đề Biển Đông
Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn