TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9830461
 
THƯỜNG THỨC TQ HỌC
Bàn về dịch Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra Trung văn (31/08/2015)

Khi dịch thì vấn đề trước tiên gặp phải là người dịch cần hiểu chính xác nguyên văn và chuyển đạt chính xác sang văn dịch như thế nào. Vì thế người dịch phải thông hiểu cả hai thứ ngôn ngữ văn tự mới gọi là có đủ điều kiện cơ bản để dịch. Còn nếu muốn cho tác phẩm dịch đạt được mức lý tưởng là “tín, đạt, nhã” thì phải hiểu thấu triệt mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ văn tự nguyên văn và văn hóa rồi biểu đạt sát sao xác đáng sang văn dịch. Dịch sang Trung văn một tác phẩm nổi tiếng với nghệ thuật ngôn ngữ tinh thâm, lại có ngàn vạn mối liên hệ với văn hóa Trung Quốc như Truyện Kiều thì không nghi ngờ gì nữa, yêu cầu đối với người dịch càng cao hơn.

1. Thông hiểu hai loại ngôn ngữ Trung Việt

Nhiều nhà lý luận dịch đều đưa ra những giới định của mình về khái niệm “dịch”. Quy kết đơn giản thì họ đều cho rằng dịch là dùng một loại ngôn ngữ văn tự khác để biểu đạt ý nghĩa của một loại ngôn ngữ văn tự. Vì thế năng lực vận dụng thành thạo hai loại ngôn ngữ là yêu cầu cơ bản đối với người làm công việc dịch. Trong cuốn Bàn về dịch văn học, ông Vương Hướng Viễn đã phân loại cho dịch văn học, trong đó bao gồm “dịch trực tiếp” là trực tiếp căn cứ vào nguyên văn để dịch (cũng gọi là dịch nguyên ngữ) và dịch dựa vào bản dịch phi nguyên ngữ, tức chuyển dịch. Nói chung, trong tình huống người dịch không thông hiểu hoặc không thông hiểu mấy văn bản nguyên ngữ, cần phải dựa vào bản dịch ra ngôn ngữ khác để hoàn thành việc dịch, như vậy, văn dịch của bản chuyển dịch có tốt hay không, ở mức độ nhất định có quan hệ rất mật thiết với chất lượng dịch của văn bản mà người dịch dựa vào vì người dịch không thể đối chiếu với nguyên tác để xác định văn dịch của văn bản mà mình căn cứ có chuẩn xác hay không.

Hiện nay, hai bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn mà chúng ta được thấy, công bằng mà nói, bản dịch của ông Hoàng Dật Cầu bất kể về văn thể hay về phong cách ngôn ngữ đều gần hơn với nguyên thi, ngôn ngữ văn dịch cũng khá nhuần nhuyễn, đẹp nhã. Nhưng điều không thể phủ nhận được là trong bản dịch ấy quả thật tồn tại một số chỗ dịch lầm hoặc dịch sai khiến người ta lấy làm tiếc. Ví như trong Truyện Kiều có hai câu (câu 327-328) miêu tả nỗi nhớ nhung Thúy Kiều của Kim Trọng :

Tháng tròn như gửi cung mây,

Trần trần một phận ấp cây đã liều

Ấp cây đã liều trong nguyên thi, nếu trực dịch sang Hán ngữ thì có nghĩa là “liều ôm lấy cột”. Nguyễn Du đã mượn điển Trung Quốc “ôm cột giữ niềm tin” (xuất xứ : Đạo Chích. Trang Tử). Đại ý điển này nói thời Chiến quốc  có người tên là Vĩ Sinh hẹn gặp một cô gái ở dưới cầu. Nước sông không ngừng dâng lên mà cô gái thì không tới. Để giữ lời hẹn ước, Vĩ Sinh không chịu bỏ đi, cứ ôm cột cầu rồi bị chết đuối. Về sau “ôm cột giữ niềm tin” được dùng làm điển ngâm vịnh người giữ vững lời hẹn ước. Nguyễn Du mượn điển này để miêu tả lòng thành và quyết tâm gặp mặt Thúy Kiều của Kim Trọng. Vậy mà hai câu này lại được bản của ông Hoàng dịch thành :

Cảnh cảnh thử tâm,

Thủ chu đãi thố cảm từ si tưởng (1).

(Lòng này chăm chăm,

Đâu dám từ bỏ ý nghĩ si ngây ôm cây đợi thỏ).

Nguyên văn tiếng Trung :

耿耿此心

守株待兔,敢辞痴想?

Dịch như thế rõ ràng hoàn toàn trái với nguyên ý của tác giả, vì văn dịch không dùng điển trên mà lại dùng ngụ ngôn kể một người ngu si hy vọng không hề mất công sức mà vớ được con thỏ đâm sầm phải cây để ví với Kim Trọng khổ sở chờ đợi Thúy Kiều.

Lại như khi miêu tả nhà họ Vương bỗng gặp biến cố, Thúy Kiều buộc phải đau khổ lựa chọn giữa tình và hiếu là hai điều không thể trọn vẹn được cả hai, Nguyễn Du đã dùng hai câu để thể hiện :

Sự đâu sóng gió bất kỳ,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Chữ “khôn” trong câu sau có nghĩa là “thông minh”, “cơ trí” và cũng có nghĩa là “khó mà” hoặc “bó tay”. Ở đây, rõ ràng Nguyễn Du dùng nghĩa sau, cả câu thơ tương đương với câu chữ Hán “tình và hiếu thật khó vẹn toàn cả hai”. Còn trong bản Hoàng, câu này lại được dịch thành “kim nhật tu kiêm cố : tận tình tận hiếu” (ngày nay phải kiêm cả hai : tận tình tận hiếu). Hiển nhiên người dịch vì hiểu sai chữ “khôn” mà dẫn đến sai một trời một vực với nguyên thi. Dựa vào sự hiểu biết về năng lực quốc học thâm hậu và  văn phong nghiêm nhặt của người dịch, tôi bạo dạn suy đoán rằng, nếu Hoàng Dật Cầu tiên sinh thông hiểu tiếng Việt, căn cứ vào một bản Truyện Kiều bằng tiếng Việt thì hẳn là những sai lầm như thế có thể tránh được.

Mặt khác, trong quá trình đọc bản dịch cùng tên do La Trường Sơn dịch và do Nhà xuất bản Văn nghệ Việt Nam xuất bản tháng 9 năm 2006, tôi đã phát hiện bản dịch chẳng những có  nhiều lỗi dịch sai “chết người” mà ngôn ngữ trong văn dịch cũng không ít chỗ do biểu đạt không chuẩn, hoặc do dịch quá tùy ý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng văn dịch.

Lại như câu 689-690 :

Trong tay đã sẵn đồng tiền,

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì !

La Trường Sơn dịch là :

Bất quá, thủ trung hữu liễu mãi thân tiền,

Yếu tưởng suy phiên giá khởi oan án tịnh bất nan !

 (Chẳng qua trong tay đã có tiền bán mình,

Nếu muốn lật lại vụ án oan này chẳng hề khó)

Nguyên văn tiếng Trung :

不过,手中有了卖身钱

要想推翻这起冤案并不难

Câu dịch này càng khác xa ý của nguyên thi. Thúy Kiều bán mình vì gia đình gặp phải biến cố đột ngột, trong tình huống không làm sao được, cô bất đắc dĩ phải hy sinh tình yêu với Kim Trọng. Mục đích của cô  rất đơn giản là để cứu cha, về cơ bản không hề  có chuyện muốn “lật lại” bản án. Huống hồ, đã là “tiền bán mình” thì có được là bao ! Làm sao có thể “lật lại vụ án oan này”, hơn nữa còn “không khó” nữa ? Nguyên ý câu thơ là Nguyễn Du tỏ niềm phẫn khái và lên án thói hủ bại có tiền là có thể sai khiến quỉ thần, đổi trắng thay đen trong xã hội.

Sai lầm còn có thể do văn dịch của La Trường Sơn thiếu điển nhã và hàm súc mà ngôn ngữ thơ ca lẽ ra phải có, thậm chí rất không phù hợp với thân phận của người nói. Ví như một thư sinh đọc làu thi, thư như Kim Trọng mà lại nói những lời như sau :

Câu 330 : Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng được dịch thành : “Một kẻ thân thế hàn vi phiêu dạt dấu bèo như tôi, phải chăng nàng ưng ý ?”.

Câu 340-341 : Thiệt đây mà có ích gì đến ai, Chút chi gắn bó một hai được dịch thành : “Bỏ lỡ có hội tốt đẹp này,có ích gì với nàng và với tôi

Trước hết vẫn nên tặng một chút chi đó để tỏ tình ý yêu mến nhau.”

Câu 523-524 : Thấy lời đoan chính dễ nghe, Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân được dịch thành : “Nghe lời Thúy Kiều nói, lý do chính đáng, Kim Trọng càng để lại đủ nể vì cho  nàng”

Còn một tài nữ khuê các như  Thúy Kiều cũng “ngữ xuất kinh nhân” như vậy :

Câu 349-350 : Rằng trong buổi mới lạ lùng, Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang được dịch thành : “Nàng rằng : Lần đầu tiếp xúc, cảm thấy rất lạ lùng, Có lẽ cả hai đều nể mặt, ai nấy kìm nén thì càng thích hợp”.

Câu 493-494: Rằng : Quen mất nết đi rồi, Tẻ, vui thôi cũng tính trời biết sao được dịch thành : “Thúy Kiều nói : Quen mất rồi, cái tật cũ này hôm nay lại phạm, Nhưng buồn vui cũng là tính trời, thiếp chẳng biết làm thế nào !”

Câu 753-754 : Phận sao phận bạc như vôi, Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng được dịch thành: “Lỡ làng này tình ái của đôi ta nhất định sẽ tiêu tan như nước chảy hoa rơi”.

Câu 851-852 : Nỗi riêng tầm tã tuôn mưa, Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình được dịch thành : “Nàng căm giận Mã sinh thô bạo, buông thả, Lại oán bản thân điêm nhiên không biết xấu hổ, nhục nhã”

Lại còn những chỗ ngôn ngữ văn dịch dùng từ không thích đáng, hoặc lôgích bất thông, ví như :

Câu 577-578: Người nách thước, kẻ tay đao, Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi được dịch thành: “Chúng có kẻ cầm mã đao, có kẻ cặp nách thước, Đúng là một lũ đầu trâu mặt ngựa, khiến cho trong nhà khói đen chướng khi (có nghĩa là hỗn loạn. P.T.C)

Câu 633-634 : Nỗi mình thêm tức nỗi nhà, Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng được dịch thành: “Nhà gặp nạn và bản thân không may khiến Thúy Kiều tức đầy bụng, Mỗi bước di chuyển, mắt lại tuôn mấy hàng giọt lệ”, v.v...

Tôi tin rằng, bạn đọc Trung Quốc không hiểu tiếng Việt mà đọc văn dịch như thế này, hẳn rất khó liên hệ chúng với một trước tác văn học nổi tiếng.

2. Hiểu sâu văn hóa hai nước Trung Việt

- Nắm vững đặc trưng ngôn ngữ thơ ca hai nước Trung - Việt, hiểu chính xác hàm nghĩa của nguyên thi.

Trong cuốn Nghiên cứu nghệ thuật thơ ca Trung Quốc, ông Viên Hành Bái có nói : “Nếu từ góc độ ngôn ngữ học để định nghĩa cho thơ ca thì tôi không ngại nói rằng thơ ca là biến hình của ngôn ngữ. Thơ ca tách khỏi ngôn ngữ  và ngôn ngữ thông thường trên mặt giấy, trở thành một hình thức ngôn ngữ khác thường(1). Hiện tượng biến hình ấy cũng tồn tại trong ngôn ngữ Truyện Kiều. Vì thế, trước khi bắt tay vào dịch thơ, người dịch nhất thiết phải nghiêm túc đọc kỹ nguyên văn, hiểu thấu triệt mỗi một câu thơ trong nguyên văn, nhấm nháp từng ý trong câu chữ của thơ, hiểu rõ mối quan hệ ngữ pháp giữa các từ với nhau, nếu không người dịch ắt hiểu lầm nguyên văn, theo đó khi dịch cũng phạm sai lầm chủ quan, tùy ý. Thử dẫn mấy thí dụ như sau :

 Câu 597-598 :    

Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Hàm nghĩa của “một ngày” trong câu thơ trên tương đương với ý trong Hán ngữ “Đâu phải một, hai ngày” hoặc “xưa nay như thế”. Đào Duy Anh giải nghĩa : “Có phải một ngày đâu (từ xưa đến giờ vẫn thế), còn ai lạ gì cái thói của bọn sai nha” (Từ điển Truyện Kiều, tr.252). Nhưng do người dịch không hiểu hàm nghĩa ấy của “một ngày” trong câu thơ mà hiểu thành “ 1 ngày” hoặc “có 1 ngày”, như thế thì khi dịch nhất định sẽ xảy chuyện. Xin đọc hai cách dịch sau đây :

Bản dịch của Hoàng Dật Cầu:

Sực tỉnh ngộ, nha dịch quen thói

Lạm thi hành hình phạt thảm độc, chí không phải không ở kim tiền.

Nguyên văn tiếng Trung :

猛醒悟,衙役惯态,

滥施毒刑,无非志在金钱。

Bản dịch của La Trường Sơn:

Nhưng có một hôm, bọn nha dịch đột nhiên nới tay,

Kỳ thực, trước đó bọn chúng hạ độc thủ cũng là vì tiền!

Nguyên văn tiếng Trung :

不过有一天,衙役门突然收敛,

其实他们先前狠下毒手,也是为了钱!

Trong cả hai bản dịch, hai câu thơ trên đều dịch không chính xác, còn một số từ vựng quan trọng khác như “đột nhiên”, “nới tay”, “trước đó” ở bản dịch của La Trường Sơn lại càng vô căn cứ, trong nguyên thi không hề có ý nào như thế, toàn do người dịch tùy ý thêm vào. Như thế là trái với một nguyên tắc dịch quan trọng là “tín” mà lẽ ra người dịch trước hết phải tuân theo.

Câu 2175-2176 :

Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,

Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.

Bản dịch của Hoàng Dật Cầu:

Chàng nghe nói Thúy Kiều tài sắc xuất chúng,

Tấm lòng nhi nữ cũng khuynh mộ anh hùng.

Bản dịch của La Trường Sơn:

Chàng nghe nói Thúy Kiều tài sắc xuất chúng, mộ danh đến thăm,

Tấm lòng nhi nữ cũng từ lâu đã khuynh mộ người anh hùng.

Cả hai người đều dịch Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng thành “Tấm lòng nhi nữ cũng khuynh mộ anh hùng” và  “Tấm lòng nhi nữ cũng từ lâu đã khuynh mộ người anh hùng”. Đây rõ ràng là sai lầm đảo lộn gốc với ngọnvì từ “xiêu” (khuynh mộ) trong nguyên thi đã từ cách dùng thông thường chuyển thành động từ trí sử, tức là “xiêu anh hùng”không phải "khuynh mộ anh hùng" mà là "khiến anh hùng khuynh mộ". Đó là vì người dịch không nắm vững một số đặc điểm của ngôn ngữ thơ ca là thường thay đổi tính năng của từ, đảo ngược thứ tự của từ cho nên đã hiểu sai nguyên văn “anh hùng xiêu lòng” thành “nhi nữ xiêu lòng”.

- Hiểu thấu triệt và chuyển đạt chính xác nội hàm văn hóa của ngôn ngữ nguyên thi.

 “Phiên dịch là một hiện tượng văn hóa”, quan niệm này ngày càng được nhiều nhà dịch thuật tán đồng. Giới nghiên cứu phiên dịch cũng càng ngày càng phổ biến coi trọng tác dụng của nhân tố văn hóa trong phiên dịch.

Trước hết và cũng là một điểm hết sức quan trọng là người dịch  phải nghiêm túc đọc thật kỹ nguyên văn, lý giải và phán định toàn diện nội hàm văn hóa ẩn chứa trong câu, chữ của nguyên văn cùng truyền thống văn hóa và những tri thức  khác về bối cảnh, nếu không ắt dịch sai hoặc dịch lầm trong văn dịch do không biết hoặc không hiểu nội hàm văn hóa của nguyên tác. Khi phân tích những chỗ dịch sai hoặc dịch lầm trong bản dịch của La Trường Sơn, tôi phát hiện có khá nhiều chỗ chính là do người dịch thiếu hiểu biết về nội hàm văn hóa của nguyên văn, thậm chí của cả văn dịch mà gây nên. Xin xem thí dụ dưới đây :

Câu 463-464:

Rằng  nghe nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.

Ở đây Nguyễn Du đã mượn điển cố lịch sử đời xưa rất nổi tiếng của Trung Quốc là “cao sơn lưu thủy”. Truyền rằng thời Xuân Thu, Bá Nha người nước Sở giỏi gảy đàn, tiếng đàn của ông được Chung Tử Kỳ hiểu rất rành. Sau khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha dứt đứt dây, đập vỡ đàn, không còn gảy đàn nữa. Nhà thơ Lý Bạch từng cảm thán: “Chung Tử Kỳ đã chết, Trên đời hết tri âm” (Lý Bạch: Đêm trăng nghe Lư Kỳ Thuận gảy đàn). Nguyễn Du mượn điển này để miêu tả tâm tình Kim Trọng tự ví mình với tri âm của Thúy Kiều và mong mỏi được nghe Thúy Kiều gảy đàn. Bản Trung văn như sau:

Bản La Trường Sơn:

Kim Trọng thuyết : Thính thuyết nhĩ tại cầm đài cửu dĩ văn danh,

Cao sơn lưu thủy, tựu chỉ đẳng linh thính Chung Tử Kỳ đích cầm thanh .

Nguyên văn tiếng Trung:      

金重说:听说你在琴台久已闻名,

高山流水,就只等聆听钟子期的琴声。                                                                                                          

 (Kim Trọng nói: Nghe nói nàng nổi tiếng chốn cầm đài đã lâu,

Như non cao nước chảy, chỉ đợi lắng nghe tiếng đàn của Chung Tử Kỳ)  

Bản Hoàng Dật Cầu:

Kim sinh đạo: Tố ngưỡng đàn cầm tinh diệu,

Chung Kỳ lưu dự, khả dung tục nhân linh thưởng?

Nguyên văn tiếng Trung :

金生道:素迎弹琴精妙,

钟期流誉,可容俗人聆赏?

 (Kim sinh nói: Vốn ngưỡng mộ nàng gảy đàn tinh diệu,

Chung Kỳ danh tiếng vang xa, khá để cho kẻ tục này thưởng thức ?)

Ở bản dịch của ông La, tuy người dịch đã nhắc đến điển cố “non cao nước chảy” hình dung tiếng đàn cao diệu cực hay, song đáng tiếc là người dịch lại không hiểu rõ quan hệ giữa hai nhân vật trong điển cố cho nên mới dịch thành “chỉ đợi lắng nghe tiếng đàn của Chung Tử Kỳ”, đảo lộn vai trò của người gảy đàn là Bá Nha với tri âm của ông là Chung Tử Kỳ, làm cho văn dịch mắc phải sai lầm là đảo lộn chủ khách. Còn trong bản dịch của ông Hoàng, tuy không lầm lẫn về vai trò chủ khách, nhưng người dịch đã dịch lầm điển cố “non cao nước chảy” thành “Chung Kỳ danh tiếng vang xa”.

Câu 619-620:

Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,

Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba sinh.

Câu trên là tác giả lấy từ Thân em như hạt mưa rào, Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa. Câu này là ca dao lưu truyền trong dân gian Việt Nam, trực dịch là “số phận phụ nữ như hạt mưa từ trên trời rơi xuống, hạt rơi xuống giếng, hạt rơi xuống vườn hoa” để ví với thân phận người phụ nữ hoàn toàn không thể nắm vững số mệnh của mình. Câu dưới là Nguyễn Du vay mượn câu thơ nổi tiếng, khoái chá miệng người của nhà thơ Mạnh Giao đời Đường trong bài Du tử ngâm : “Thùy ngôn thốn tâm thảo, Báo đắc tam xuân huy”(Ai bảo tấm lòng non yếu như cỏ của con cái, Báo đáp được tình thương yêu ấm áp như ánh nắng mùa xuân của mẹ hiền). Nguyễn Du chỉ điều chỉnh đôi chút là biến thành một dòng thơ lục bát đủ cả vần lẫn vị bằng tiếng Việt ngụ ý sâu xa. Đó chính là điểm độc đáo về điều khiển nghệ thuật ngôn ngữ của Nguyễn Du. Nhưng trong quá trình dịch, nếu người dịch không nhận ra âm thanh ngoài dây đàn ở câu ca dao Việt Nam và câu thơ Đường nổi tiếng mà Nguyễn Du đã mượn thì khi dịch sẽ nảy sinh câu văn dịch chẳng ăn nhập gì với bản ý của tác giả :

Bản Hoàng Dật Cầu:

Vũ ti tùy phong phiêu lạc,

Báo thân ân, cảm tích thanh xuân tự cẩm.

Nguyên văn tiếng Trung :  

 雨丝随风飘落,

报亲恩,敢惜青春似锦。

(Tơ mưa theo gió bay dạt,

Báo ơn người thân, đâu dám tiếc tuổi xuân tựa gấm)

Bản La Trường Sơn:

Phiêu linh đích vũ điểm ná cố đắc thượng vi tiện đích tính mệnh,

Tha yếu thệ tương thốn thảo tâm, báo đáp tam xuân đích dương quang .

Nguyên văn tiếng Trung:

 瓢零的雨点,哪顾得上微贱的性命, 

她要誓将寸草心,报答三春的阳光。

 (Hạt mưa phiêu dạt, đâu còn để ý đến tính mệnh yếu hèn,

Nàng thề đem tấm lòng tấc cỏ báo đáp ánh dương ba xuân) 

Vấn đề ở câu dưới bản Hoàng Dật Cầu rất có thể nảy sinh do bản dịch (bản dịch ra tiếng Pháp. P.T.C) mà người dịch dựa vào để dịch chưa làm rõ được mối quan hệ giữa câu thơ này của Nguyễn Du với câu thơ của Mạnh Giao, từ đó dẫn đến văn dịch không truyền đạt được sít sao hàm nghĩa sâu sắc của nguyên thi; ở bản dịch của La Trường Sơn, có lẽ người dịch đã ý thức được dụng tâm công phu của Nguyễn Du, chỉ đáng tiếc là về mặt xử lý văn dịch chưa được thỏa đáng cho lắm, bởi thế e rằng bạn đọc Trung Quốc rất khó có đủ nhạy bén để  liên hệ “tam xuân đích dương quang” với tình yêu rộng lớn của mẹ hiền. Còn nếu dịch ba xuân thành “tam xuân huy”thì “thanh âm ngoài dây đàn” ở đấy, bạn đọc tự nhiên có thể lĩnh hội rất rõ ràng.

Thực sự cầu thị mà nói, Truyện Kiều dịch ra Trung văn, nhất là bản dịch Trung văn lý tưởng, đối với bất cứ người dịch nào cũng đều là một thách thức ngặt nghèo. Gánh nặng ấy sẽ đặt lên vai học giả  thông hiểu hai thứ ngôn ngữ Trung Việt và hiểu biết văn hóa hai nước Trung Việt, không thể có ai khác thay thế được.

Phạm Tú Châu  dịch

(Trích dịch từ GS.Triệu Ngọc Lan*: Dịch và nghiên cứu Truyện Kim Vân Kiều, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 2013, tr.129 - 139)

 

* Giáo sư Khoa văn học phương Đông, chuyên giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Bà đã dịch lại Truyện Kiều ra Trung văn sau nhiều năm cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng từng câu, chữ một và đã được “Kế hoạch xây dựng trường đại học bậc nhất trên thế giới của Trường đại học Bắc Kinh” tài trợ kinh phí để xuất bản.



Các tin khác

Pháo: nguồn gốc pháo và tập tục đốt pháo trong ngày tết của nhân dân Trung Quốc (23/03/2015)
Tết, pháo, câu đối và mười hai con giáp trong văn hóa Trung Hoa, nguồn gốc và truyền thuyết (23/03/2015)
Nguồn gốc câu đối tết và tập tục dán ngược chữ "Phúc" trong dịp tết của người Trung Quốc (27/01/2014)
Tập tục "tảo trần" trong dịp tết của Trung Quốc: truyền thuyết và ý nghĩa (21/03/2013)
Nguồn gốc tết nguyên đán cổ truyền của Trung Quốc (05/03/2012)
Về bốn loại sách sử lớn trong nền sử học Trung Quốc: chính sử, biệt sử, tạp sử và dã sử (05/03/2012)
Tác phẩm sử học xuân thu và xuân thu tam truyện (05/03/2012)
Quan điểm Dĩ nhân vi bản (03/03/2012)
Hoà nhi bất đồng gia tài tinh hoá văn hoá Trung Quốc (03/03/2012)
Học thuyết Âm dương Ngũ hành với Y học cổ truyền phương Đông (03/03/2012)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn