TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9830490
 
THƯỜNG THỨC TQ HỌC
Phật đạo Việt Nam (Đạo phật với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam) (31/08/2015)

I. ĐẠO PHẬT – GIAO LƯU TÍCH HỢP VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM

Nếu ta thừa nhận tôn giáo là một gia tài văn hóa thì ta đồng thời cũng phải thừa nhận tôn giáo đến các vùng đất cư dân qua giao lưu tiếp nhận tôn giáo nhờ đạo lý đã cùng tâm lý dân tộc đó tạo nên niềm tin, tích hợp thành tư tưởng dân tộc, cách tư duy, cách sống; chính vì vậy tôn giáo từng vùng cũng có bản sắc riêng.

Bản chất văn hóa là giao lưu, một quá trình tích hợp tự thân luôn diễn ra trong quá trình du nhập phát triển. Điều đó cho ta thấy Phật giáo các quốc gia mang tính phổ quát mà khi đến các quốc gia khác nhau đạo Phật lại có bộ mặt niềm tin, sắc thái riêng biệt. Trong nhiều dịp đến Trung Quốc đi thăm các di tích chùa chiền, đến Campuchia sau ngày giải phóng, tôi nhìn thấy nhiều  “mơ - đai” ôm lấy tượng Phật trên ban khóc lóc than thở, kể lể về cuộc sống những ngày dưới chế độ bạo tàn Pôn–pốt. Tôi đã đến thăm các chùa ở Nhật, Hàn Quốc, đâu đâu cũng thấy Phật giáo trong cách biểu hiện niềm tin thờ kính Phật của nhân dân rất khác Việt Nam.Đó là quy luật giao lưu tiếp biến văn hóa.Tôn giáo đạo Phật đi đến dân tộc nào cũng phải hòa quyện vào văn hóa dân tộc đó, trở thành máu thịt của văn hóa dân tộc đó mới có chỗ đứng.

Lịch sử Phật giáo đến Việt Nam từ hai phía Ấn Độ và Trung Quốc. Có nhiều lý do cho ta thấy đạo Phật Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam khá lớn. Văn hóa và đặc biệt chữ Hán đã được Việt Nam, cùng các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc vay mượn và sử dụng một cách nhuần nhuyễn để chuyển tải, biểu hiện tư tưởng, tâm lý, lẽ sống của dân tộc mình. Tuy nhiên, giống mà rất khác, nhận thấy nhưng không dễ minh giải. Tâm lý nhận xétchung của các nhà nghiên cứu nước ngoài đến các vùng đất này đều cho rằng giống Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Pháp Léon Vandermeersch đặt cho các vùng đất chịu ảnh hưởng văn hóa Hán là “Thế giới Hán hóa” (Le monde sinisé). Tôi không thích cách dịch gọi là “Thế giới Hán hóa”, vì rõ ràng các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Hán khá lớn nhưng không “hóa Hán” mà tuân thủ theo quy luật của sự phát triển đầy sức sống của dân tộc, học cái hay cái cần thiết của nước khác cho mình phát triển, không sao chép mà ngày nay ta hay nói đến sự hội nhập (integration) mà không hòa tan (dissolution).Người Trung Quốc gọi hiện tượng có nhiều nét tương tự Trung Quốc như ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc đó là “Vùng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa” hay“Vòng cung văn hóa Trung Hoa”.

Phật giáo Việt Nam có quyền tự hào vì tư tưởng triết thuyết của mình đã cùng dân tộc Việt đồng hành, cùng chia sẻ gánh nghĩa vụ đấu tranh cho độc lập tự cường của dân tộc Việt Nam. Diễn biến lịch sử thời tự chủ như phản ánh bao nhiêu trí tuệ, hành động góp sức cho sự tạo dựng hồn dân tộc kiên cường, cộng sinh cùng trí tuệ văn hóa Việt,để dân tộc vùng lên giành quyền sống tự chủ.

Năm 2010 chúng ta vừa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, biết bao công trình nghiên cứu về văn hóa vật thể, phi vật thể, nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt đều tiếp cận khía cạnh đóng góp lớn lao của một triều đại mà vị vua vốn là người được nuôi dưỡng lớn lên ở chùa, được sự giáo dục từ trong nhà chùa. Vị vua ấy, triều đại ấy, với bao vị đại sư tăng trí tuệ siêu phàm đã có công lớn gây dựng bảo vệ đất nước.Dân tộc Việt đã trưởng thành có nền văn hiến riêng, có cương vực rạch ròi và tư tưởng Việt khẳng định trưởng thành. Sự chọn lựa các đóng góp của văn hóa Phật, Nho (Việt), Đạo (Việt) tất cả đều trên cơ sở xuất phát điểm là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, để rồi khẳng định một cách hùng hồn: “Nam quốc sơn hà nam đế cư”.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đệ tử Phật giáo có quyền tự hào đã cùng dân tộc xây dựng đất nước và bảo vệ dân tộc.Những tài liệu cả văn hiến và cả truyền thuyết dân gian và văn hóa vật thể,dù không còn nhiều nhưng cũng đủ có thể chứng minh. Ngay từ thời tự chủ Đinh, Tiền Lê, Lý đều có những áng thơ văn quý giá còn lưu giữ phản ánh ý chí kiên cường của dân tộc. Gia tài văn thơ Lý – Trần ta có thể tìm đọc những vần thơ văn đầy trí tuệ sáng tạo mang sắc thái Việt Nam.

Thời kỳ này có thể thấy nhiều đại sư tăng còn để lại nhiều tác phẩm gia tài trí tuệ cho dân tộc như ba đại sư cùng triều đại đã gắn bó, đồng hành cùng dân tộc,mọi người đều biết và ngưỡng mộ:

- Pháp Thuận (915 – 990)

- Khuông Việt (933 – 1011)

- Vạn Hạnh (? – 1018)

Cả ba đại sư này đều là những trí giả trí tuệ dân tộc,đầy tính sáng tạo độc lập.Họ đều ý thức lớn về dân tộc, góp công xây dựng tư tưởng chính trị, quản lý xã hội có biện pháp hiệu quả.

Một ngàn năm nô lệ đã dạy dân tộc Việt Nam,con người Việt Nam bao điều phải suy ngẫm để mình là mình, làm chủ đất nước nhân dân. Phải là dân tộc Việt với văn hóa dân tộc có con đường riêng mang bản sắc dân tộc. Nhận thức học, thu nạp cái hay cái cần gia tăng thêm sức mạnh dân tộc, nhưng không phải là phiên bản sao chép.

II. PHẬT ĐẠO VIỆT NAM – ĐẠO PHẬT VỚI CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC

1. Pháp Thuận với “Quốc tộ” - Tư tưởng xây dựng với con đường hòa bình độc lập dân tộc - Phật đạo Việt Nam.

Pháp Thuận (915 - 990) thuộc dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, đây là dòng thiền được mệnh danh là dòng thiền các thiền sư là đại trí thức, hiểu sâu ngôn ngữ Phạn, Hán và đặc biệt sâu sắc cả tam giáo Phật, Lão, Nho.

Ông được Lê Đại Hành - vị vua lập chiến công chống Tống thắng lợi, ổn định được nền độc lập tự chủ; tuy vậy nguy cơ bị phong kiến nhà Tống vẫn còn như thường trực - vời đến để hỏi về vận nước và con đường trị nước an bình. Vận nước là thế nào? Bài thơ “Quốc tộ” (Vận nước) đã như lời đáp tham mưu đầy trí tuệ của một thời:

Nguyên văn chữ Hán:

國祚

國祚如藤絡,

南天裏太平。

無為居殿閣,

處處息刀兵。

Phiên âm:

Quốc tộ

Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh.

Dịch thơ:

Vận nước

Vận nước như dây cuốn,

Trời Nam muốn thái bình.

“Vô vi”nơi cung điện,

Sẽ tắt lửa chiến tranh. Bài thơ viết bằng ngôn ngữ Hán.Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam có một thời kỳ dài sử dụng chữ Hán để lưu giữ,chuyển tải văn hóa dân tộc nên không lạ gì các nhà sư học chữ Hán để có thể đọc kinh thuyết đạo Phật,học để ghi chép chuyển tải cách nghĩ suy riêng của dân tộc Việt. Học chữ Hán đến tinh thông để lưu giữ chuyển tải văn hóa tư tưởng mà nội dung chuyển tải tư tưởng lại rất Việt riêng biệt. Chỉ riêng điều này ta cũng có thể lý giải quy luật văn hóa là giao lưu, học cái hay của văn hóa dân tộc khác mà phản ánh khát vọng, tư tưởng tâm lý của dân tộc mình, tạo thêm năng lực nuôi dưỡng bổ sung sức sống dân tộc.

Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh lịch sử Lê Đại Hành lên ngôi cầm quân vừa đánh thắng quân Tống bảo vệ đất nước.Ý thức độc lập tự chủ đã đủ sức khẳng định, nhưng nguy cơ lòng tham của kẻ thù vẫn thường trực. Mối đe dọa của phong kiến Trung Quốc còn đó. Lịch sử khẳng định cùng chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đã đánh dấu thời kỳ dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ 1000 năm của phong kiến Trung Quốc.Đó là mốc lịch sử dân tộc Việt Nam qua quá trình đấu tranh lớn dậy ý thức về mình, về dân tộc, về quyền lợi địa vực quốc gia, về sức mạnh và chiến thắng.

Có thể nói sông Bạch Đằng như dòng sông mang hồn và khí phách dân tộc, gắn liền với những chiến công hiển hách của lịch sử dân tộc và nó đã trở thành biểu tượng lịch sử hồn máu bất khuất của dân tộc, khí phách của dân tộc.

Từ chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 đến thế kỷ XI khi triều Lý định đô ở Thăng Long và sau đó là thời kỳ đất nước dân tộc phát triển đáng tự hào. Thời Trần thế kỷ XIII – XIV, ta lại có những chiến thắng mang tầm lịch sử thế giới khu vực – chiến thắng quân Nguyên Mông 3 lần.

Lịch sử dân tộc hình thành tự chủ độc lập lớn lên khẳng định Việt Nam. Cả hai thời kỳ Lý – Trần phát triển rực rỡ đều có công lớn của Phật giáo với trí tuệ cộng sinh dân tộc đã tạo nên sức mạnh phi thường chiến thắng cả kẻ thù mà nhiều dân tộc trên thế giới đã phải khiếp đảm khắp từ Á sang Âu.Gót ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu máu chảy thành sông, xương trắng phơi đầy đồng đến đó.Thế mà đến Việt Nam thì vó ngựa Nguyên Mông phải gục quỵ chết chìm giữa những dòng sông bất khuất của một dân tộc kiên cường đang lớn dậy. Đó là một dân tộc với tư tưởng yêu nước, tư tưởng Phật giáo yêu hòa bình, ghét chiến tranh, sẵn sàng chấp nhận cuộc chiến đấu sống còn vì đất nước.

Phật giáo là một tôn giáo hòa bình không tạo nên chiến tranh tôn giáo, có khả năng thâu nạp cái hay của những thuyết lý khác, đứng trên mảnh đất thiêng của dân tộc nên có thể thích ứng tích hợp tạo nên hiệu suất đấu tranh xây dựng dân tộc và chấp nhận cả những biện pháp chiến tranh quyết liệt của dân tộc trong đấu tranh tự vệ. Các nhà sư thời Lý – Trần đã tham gia chiến đấu thực thụ và có công lớn cứu dân tộc tạo dựng nền độc lập tự chủ.

“Quốc tộ” – “Vận nước” vốn là câu hỏi khó.Nguy cơ kẻ thù xâm lược vẫn tiềm ẩn, quản lý đất nước như thế nào cho yên ổn, phải làm thế nào để có thể triệt hạ tất cả những hiểm họa lúc nào cũng có thể đến.Muôn mối tơ vò.Đó là câu hỏi mà muốn trả lời đúng được không dễ.Nó giống như dây quấn có muôn mối.Muôn mối phức tạp phải tìm mối chính để gỡ cho đất nước thái bình – nhân dân yên ổn, trời Nam thái bình không có chiến tranh.

Vận nước như dây quấn.

Nam thiên lý thái bình…để tắt hết lửa chiến tranh: “Xứ xứ tức đao binh”, đầu não – “điện các” phải có chính sách đúng, đừng hành động trái qui luật ngược lòng dân; phải “vô vi” – “vô vi cư điện các”.

Bí quyết quan trọng là người đứng đầu trong hành dinh “điện các” đừng có tham lam áp bức bóc lột vì xây dựng xa hoa,tăng thuế phu, dịch làm cuộc sống dân hết đường sinh nhai, bị bóc lột lao dịch đến nghẹt thở. Cái cách giải quyết theo đại sư Pháp Thuận là: Nơi tổng hành dinh “điện các” đừng vì hưởng lạc đẻ ra chính sách chính trị thuế má nặng nề, pháp luật hà khắc. Phải có một chính quyền thương dân, đừng tham lam hà khắc thô bạo.Phải là “điện các”tuân theo qui luật “vô vi”.

Cái triết lý cai trị là bộ máy thống trị đừng trở thành bộ máy tạo nên gánh nặng, gông cùm nhân dân, để đời sống nhân dân đỡ đói khổ. Ta cũng hiểu thường thì sau chiến tranh các chính quyền phong kiến muốn an dân phát triển đều xóa thuế cho dân, có chính sách thư sức dân. Đó là kế sách ổn định chính quyền, và phát triển xã hội theo quy luật. Có vậy mới an bình và mới hết chiến tranh; mới có cuộc sống hòa bình yên ổn.

Chỉ bốn câu thơ mà đại sư Pháp Thuận đã phản ánh tâm hồn Việt.Chính sách và kế sách hiệu quả các nhà quản lý phải là nhà chỉ đạo điều hành đất nước với tư tưởng tâm lý dân tộc phù hợp.

Bài thơ từ ngôn ngữ mang một ý tưởng, một hàm ý triết học sâu xa ảnh chiếu tính độc lập trong tư tưởng hành động chính sách thực thi. Hình thức là thơ bằng chữ Hán đã chuyển tải tư tưởng Việt, tiếp nhận phát sáng tư tưởng Phật, Nho, Đạo tích hợp văn hóa tư duy Việt.

Nhà sư Pháp Thuận qua bài thơ như phản ánh cái cao siêu tư tưởng Việt Nam trong quá trình tích hợp văn hóa tìm ra con đường nhận thức trí tuệ Việt. Nho Đạo Phật như đang trong quá trình pha trộn đến tích hợp. Khả năng trí tuệ nhận thức tích hợp tiếp biến văn hóa để phát triển độc lập, tìm con đường.Thời nay ta biết các thiền sư đều là quân sư chính trị ngoại giao của chính quyền.

2. Pháp Thuận và Khuông Việt với hoạt động ngoại giao, văn hóa chính trị Việt Nam.

Ta biết hai nhà sư Pháp Thuận và Khuông Việt đại sư là những nhà ngoại giao xuất sắc ở thời kỳ nước ta vừa giành được quyền tự chủ.Pháp Thuận được nhà vua tin dùng tiếp sứ giả nhà Tống là Lý Giác sang ta năm 986.Sách “Thiền Uyển tập anh” ghi: “Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), sứ Tống là Lý Giác sang ta. Vua thấy pháp sư Đỗ Thuận có tiếng giỏi, vua Lê Đại Hành sai cải trang làm người lái đò chèo thuyền đi đón Lý Giác ở Giang Khúc. Lý Giác thấy Đỗ Thuận giỏi thơ văn, bèn tặng bài thơ trong đó có câu “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”, nghĩa là “Ngoài trời lại có trời, nên soi chiếu xa hơn”. Vua đưa cho Khuông Việt xem bài thơ ấy.Khuông Việt xem, sư tâu “Câu thơ ấy sứ Tàu có ý tôn trọng bệ hạ cũng như vua của họ vậy”.

Bài thơ của Lý Giác sứ Tống tặng Pháp Thuận12:

Nguyên văn chữ Hán:

幸遇明时赞盛犹,

一身二度使交州。

东都两别心尤恋,

南越千重望未休。

马踏烟云穿浪石,

车辞青嶂泛长流。

天外有天应远照,

溪潭波静见蟾秋。

Dịch thơ:

May mắn gặp thời được giúp vua

Giao châu hai bận sứ Đông đô

Hai lần giã biệt lòng lưu luyến

Nam Việt trời Nam vạn dặm xa

Ngựa đạp khói mây băng đá sắc

Sóng xanh núi biếc gió ngàn đưa

Ngoài trời còn có trời cao chiếu

Suối đầm sóng lặng ánh trăng ngà.

Cuộc ngoại giao chính trị văn hóa đã diễn ra thật văn hóa trí tuệ và để lại bài học lịch sử cho dân tộc về văn hóa ngoại giao.

Lúc tiễn Lý Giác ra về, Khuông Việt còn được vua sai làm bài ca tiễn biệt theo điệu “Vương Lang quy”. Bài ca là một tác phẩm văn học về ngoại giao đầy tư tưởng trí tuệ, cách ứng xử văn hóa ngoại giao chính trị của Việt Nam.

Qua những tư liệu và văn thơ còn lại dù ít ỏi, cha ông ta cũng để lại bao bài học về giao tiếp với sứ thần một nước lớn, luôn ý thức về sức mạnh vẫn giữ niềm tin trí tuệ dân tộc, khí phách ung dung ứng đối giao tiếp đầy bản lĩnh

Nguyên văn từ khúc13:

祥光風好錦帆張

遙望神仙复帝鄉

萬重山水涉滄浪

九天歸路長

情慘切對離觴

攀戀使星郎

願將深意為邊疆

奏我皇

Phiên âm:

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương

Giao vọng thần tiên phục đế hương

Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang

Cửu thiên qui lộ trường

Tình thắm thiết

Đói ly trường

Phan luyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị biên cương

Tâu ngã hoàng.

Dịch nghĩa:

Trời trong  gió mát cánh buồm giương

Trông ngóng đường xa về cố hương

Qua ngàn sông suối vượt sóng xanh

Xa xôi dặm đường về

Tình lưu luyến

Bịn rịn tay cầm tay nhắn gửi

Người nhớ đem thâm ý về biên cương

Tâu lên vua tỏ tường.

Rõ ràng từ khúc như hàm chứa ý tứ ngoại giao đẹp và tình lý đầy sức cảm ngộ. Có nhà nghiên cứu coi đây là văn chương chức năng chính trị thể hiện trí tuệ nghệ thuật.Nhà sư Khuông Việt với tấm lòng yêu nước tuyệt vời trong giao tiếp ngoại giao. Tài năng từ khúc văn chương vận dụng đến độ nghệ thuật tinh tế của kiến thức văn hóa trong giao tiếp đấu tranh.Với tài năng lớn vì nghĩa nước ta thấy thật đầy sức gợi cảm thuyết phục đối tác.

Đạo Phật vào Việt Nam và phát triển nhận thức tạo nên con đường của Phật đạo Việt Nam. Những thiền sư Việt đáng kính để lại cho ta một gia tài tư tưởng và hành động trí tuệ.

Các nhà sư giỏi cả chữ Phạn và giỏi chữ Hán, những dòng thơ viết bằng chữ Hán đã chứng minh sáng rõ.

Các thiền sư trí tuệ đã nhập thế đứng vững trên mảnh đất thiêng của ông cha.Với hành xử nhận thức yêu nước vì một nền độc lập tự chủ.Phải vì độc lập dân tộc, tự do dân tộc, phải bảo vệ bầu trời non sông đất Việt. Đất nước phải tự do,nhân dân phải tự do nhận thức tạo dựng niềm tin của mình. Các Thiền sư yêu cái giáo lý đạo Phật nhưng giáo lý phải có chỗ đứng, tín đồ đến nghe rao giảng phải tự do nhận thức, phải có quyền sống. Cái chân lý “có thực mới vực được đạo” như một chân lý bất biến để có thể truyền đạo, tạo nên một niềm tin con đường.

Ta thấy rõ cả một thời kỳ giành quyền tự chủ, độc lập tìm đường phát triển để ta thấy văn hóa Việt có bao điều khác, đạo Phật có những riêng biệt, các nguồn văn hóa như món ăn tinh thần giúp cơ thể Việt Nam tạo nên ý thức vững bền, đứng kiên cường sẵn sàng hy sinh vì dân tộc. Đạo Phật Việt Nam đứng vững đầy sức mạnh vì đã góp phần lớn kết hợp đạo lý Phật với chủ nghĩa yêu nước vào văn hóa Việt tích hợp.Phật – Nho – Đạo như thấm vào từng dòng nhận thức rao giảng của các vị thiền sư bác học đáng kính thời Đinh, Tiền Lê, Lý.

Đạo Phật vào Việt Nam trên mảnh đất đời người của cư dân Việt cần cù, trí tuệ, yêu tự do, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc từ đa nguồn tri thức văn hóa, tư tưởng, kinh nghiệm cuộc sống. Phật giáo vào Việt Nam có cả nguồn Ấn Độ, cả nguồn từ Trung Quốc và thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước Việt tạo nên Phật đạo Việt Nam yêu nước kính Phật. Những nhà sư, những tín đồ Phật giáo Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu đã với tư chất bản sắc dân tộc Việt tạo nên một dáng vẻ Việt Nam đáng tự hào PHẬT ĐẠO VIỆT NAM. 

PGS.NGND. Nguyễn Văn Hồng




Các tin khác

Bàn về dịch Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra Trung văn (31/08/2015)
Pháo: nguồn gốc pháo và tập tục đốt pháo trong ngày tết của nhân dân Trung Quốc (23/03/2015)
Tết, pháo, câu đối và mười hai con giáp trong văn hóa Trung Hoa, nguồn gốc và truyền thuyết (23/03/2015)
Nguồn gốc câu đối tết và tập tục dán ngược chữ "Phúc" trong dịp tết của người Trung Quốc (27/01/2014)
Tập tục "tảo trần" trong dịp tết của Trung Quốc: truyền thuyết và ý nghĩa (21/03/2013)
Nguồn gốc tết nguyên đán cổ truyền của Trung Quốc (05/03/2012)
Về bốn loại sách sử lớn trong nền sử học Trung Quốc: chính sử, biệt sử, tạp sử và dã sử (05/03/2012)
Tác phẩm sử học xuân thu và xuân thu tam truyện (05/03/2012)
Quan điểm Dĩ nhân vi bản (03/03/2012)
Hoà nhi bất đồng gia tài tinh hoá văn hoá Trung Quốc (03/03/2012)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn