Ngày 5/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc
thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt
đẹp tới Thủ tướng Lý Khắc Cường và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và
Nhà nước Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian qua, quan hệ
Việt-Trung có bước phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai bên thường
xuyên gặp nhau và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về việc thúc đẩy
quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, bền vững và không ngừng
đi vào chiều sâu. Giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và
giữa các tầng lớp nhân dân hai nước ngày càng mật thiết; hai bên tổ chức
nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại
giao. Hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục có tiến triển với nhiều kết
quả rất đáng khích lệ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như những nhận thức
chung quan trọng mà Tổng Bí thư hai Đảng đạt được trong cuộc hội đàm
chiều nay về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc và trao đổi
cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau; thúc đẩy
các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai bên;
tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ và đẩy mạnh tuyên
truyền về truyền thống hữu nghị Việt-Trung.
Về các lĩnh vực hợp tác, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy các lĩnh vực
hợp tác thực chất đạt tiến triển mới phù hợp với tiềm năng, trình độ
của hai nước, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; phát huy hơn
nữa vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc
trong việc chỉ đạo, điều phối, đưa những thỏa thuận và nhận thức chung
của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đi vào thực tế; thúc đẩy thương
mại hai nước tăng trưởng bền vững, từng bước giảm nhanh nhập siêu của
Việt Nam, tăng cường thương mại chính ngạch, quy phạm hóa và quản lý
hiệu quả thương mại biên giới.
Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa
Việt Nam, nhất là nông, lâm, thủy sản, trong đó có mặt hàng gạo nhập
khẩu nhiều hơn vào Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp
tục mở thêm các Văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh việc Chính phủ Trung Quốc nhất trí
chuyển khoản vay ưu đãi bên mua trị giá 300 triệu USD cho dự án đường
cao tốc Móng Cái-Vân Đồn và bổ sung khoản vay ưu đãi Chính phủ cho dự án
đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; mong rằng đầu tư của Trung Quốc vào
Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng mạnh, nhất là những dự án có quy mô
lớn, công nghệ hiện đại, gắn với hình ảnh về trình độ phát triển tiên
tiến của Trung Quốc; thúc đẩy các dự án triển khai thuận lợi, theo đúng
thỏa thuận của hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên khuyến khích việc tăng cường
giao lưu, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương; tích cực nghiên cứu
các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho giao lưu, hợp tác và
phát triển kinh tế ở khu vực biên giới như sớm hoàn thành thủ tục nâng
cấp và mở mới các cặp cửa khẩu đã đủ điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi
cho việc thông quan người, hàng hóa, phương tiện giao thông tại các cửa
khẩu của hai nước; phối hợp chặt chẽ ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng
kém chất lượng xâm nhập vào thị trường của nhau.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hai bên cần
nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao về vấn đề trên
biển; nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết
vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” bằng các hành động thực tế, nhất
quán; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ
Việt-Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm
kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Duy trì hòa bình, ổn định và kiểm soát bất đồng trên biển; chân thành và
thẳng thắn trao đổi, nghiên cứu vấn đề phi quân sự hóa ở Biển Đông; bảo
đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm an
toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân; tích cực
đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài
cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm đạt kết quả thực chất; nghiêm túc thực hiện đầy đủ,
hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc
đẩy đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển
Đông (COC).
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng thăm Việt
Nam cũng như những thành tựu nổi bật mà nhân dân Việt Nam đã đạt được,
cho biết mục đích chuyến thăm là nhằm tăng cường trao đổi chiến lược,
trao đổi các phương hướng mở rộng hợp tác toàn diện giữa hai nước
Trung-Việt.
Với nhận thức chung rộng rãi, từ độ cao và tầm nhìn chiến lược, hai bên
đều đặt quan hệ hai nước ở vị trí đặc biệt; đồng thời cho rằng, quan hệ
Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh là phù hợp với lợi ích của hai
nước và nhân dân hai nước.
Với tinh thần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đưa ra 4 phương hướng lớn hợp tác Trung-Việt trong thời gian tới.
Theo đó về chính trị hai bên cần tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi
chiến lược. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hoan nghênh Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Trung Quốc vào thời điểm thích
hợp.
Về hợp tác kinh tế, hai bên cần thúc đẩy hợp tác thiết thực, kết nối
chiến lược phát triển; hợp tác về năng lực sản xuất giữa hai nước trong
các lĩnh vực; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng điểm và các dự án có
tính chất tiêu biểu, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả của
một số dự án hợp tác như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm
Ninh Bình...; tăng cường hợp tác biên giới; tích cực giải quyết mất cân
đối thương mại giữa hai bên; đi sâu hợp tác tiền tệ, đẩy mạnh tự do hóa
thương mại, đầu tư song phương.
Về vấn đề trên biển, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng
hai bên cần kiểm soát tốt các bất đồng; thông qua hiệp thương để duy
trì, giữ gìn ổn định trên biển.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc
ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò lớn hơn trong các tiến trình khu vực
và quốc tế; đề nghị tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng với nhận thức
chung quan trọng đạt được, với nỗ lực của hai bên, quan hệ song phương
Trung Quốc-Việt Nam sẽ phát triển tốt đẹp, đem lại lợi ích cho nhân dân
hai nước, đưa quan hệ hai nước tiếp tục tiến lên vững chắc./.
Theo TTXVN
|