Năm 2015 là
năm thứ 3 thế hệ lãnh đạo thứ 5 do ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước lên cầm quyền ở Trung Quốc và là năm cuối của “Quy hoạch 5 năm phát triển
kinh tế - xã hội lần thứ XII (2011 – 2015)” của Trung Quốc.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đầy biến động, tình hình Trung Quốc
trong năm qua cũng diễn biến phức tạp về nội trị và ngoại giao.
Năm 2015 kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, chủ trương “thúc đẩy
toàn diện cải cách theo chiều sâu…” được đưa ra và triển khai từ năm 2013, 2014, “đấu
tranh chống tham nhũng” tiếp tục quyết liệt, đan xen với đấu tranh quyền lực.
Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu về cải cách và phát triển kinh tế - xã
hội, nhưng đồng thời vấn đề và khó khăn trong tầng sâu của nền kinh tế, những
mâu thuẫn trong đời sống xã hội cũng đã bộc lộ.
Trong lĩnh vực đối ngoại, năm 2015 Trung Quốc đã triển khai dồn dập các
hoạt động “ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc”, đặc biệt là ngoại giao kinh
tế với chiến lược “một vành đai, một con đường”, nhằm nâng cao vị thế, mở rộng
phạm vi ảnh hưởng trên thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quân sự, đặc biệt
là quân sự hoá các quần đảo đã xâm chiếm của Việt Nam nhằm chuẩn bị cho các bước tiếp
theo thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Sau đây là những phân tích, đánh giá tình hình
Trung Quốc trong năm 2015, tập trung vào những diễn biến chủ yếu của tình hình
trong nước và quan hệ đối ngoại.
I. TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC
1. Kinh tế tiếp tục đà suy giảm
và những nỗ lực nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng “trung bình cao”; triển khai cải
cách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả
kinh tế:
Từ khi Trung Quốc chuyển sang cải cách mở cửa (1978) tới năm 2010, kinh
tế Trung Quốc tăng bình quân hàng năm 9,8%, riêng 10 năm đầu thế kỷ XXI tăng bình
quân hàng năm trên 10%, nhưng từ 2011 kinh tế Trung Quốc bắt đầu quá trình giảm
tốc: 2011: 9,3%; 2012: 7,7%; 2013: 7,7%; 2014:7,3%. “Quy hoạch 5 năm phát triển
kinh tế - xã hội lần thứ XII (2011-2015) quy định tốc độ tăng trưởng bình quân
hàng năm là 7%. Trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước đầu năm 2015
Trung Quốc đã quy định chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 là: GDP
tăng khoảng 7%, giá tiêu dùng tăng khoảng 3%, tạo việc làm mới cho trên 10 triệu
người ở thành phố, tỷ lệ thất nghiệp (có đăng ký) ở thành phố không quá 4,5%;
xuất nhập khẩu tăng khoảng 6%; thanh toán quốc tế cơ bản cân bằng, thu nhập quốc
dân tăng đồng bộ với phát triển kinh tế; tỷ lệ tiêu lao năng lượng giảm trên
3,1%, chất thải ô nhiễm tiếp tục giảm v.v…(1) Điểm đáng chú ý là ngày
nay Trung Quốc không dùng từ “kế hoạch’’ mà dùng từ “quy hoạch’’ để thể hiện
tính linh hoạt trong quá trình triển khai, và dùng từ “khoảng’’ (hay “trên dưới”)
để thể hiện tính co giãn, không quá câu nệ một cách cứng nhắc mức độ tăng trưởng,
mà quan tâm hơn mức độ chất lượng và hiệu quả xã hội của tăng trưởng kinh tế.
“Báo cáo công tác của Chính phủ năm 2015- 2016” do Thủ tướng Lý Khắc Cường
trình bày trước kỳ họp thứ tư Quốc hội Trung Quốc khoá XI vừa qua đã công bố
các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc đạt được trong năm vừa qua
như sau:
“Kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt
67.700 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,9%... sản lượng lương thực tăng 12 năm liên tục;
chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp…., tạo thêm 13,12 triệu việc làm mới ở
thành phố.
-
Điều
chỉnh kết cấu đạt được tiến triển tích cực: Chiến lược phát triển kinh tế dựa
vào sáng tạo tiếp tục đẩy mạnh, tỷ trọng của ngành dịch vụ lần đầu tiên chiếm
50,5% GDP. Tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng cho tăng trưởng kinh tế đạt 66,4%. Tiêu
thụ năng lượng cho một đơn vị GDP giảm 5,6% v.v…
-
Đời
sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân của cư dân trên cả nước
thực tế tăng 7,4% nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế… Số người nghèo ở nông thôn
giảm 14,42 triệu người”. Trong năm 2015 Trung Quốc cũng đã có những thành tựu
đáng kể trong kinh tế đối ngoại, như thành lập “Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng
châu Á (AIIB), đồng nhân dân tệ được tổ chức tiền tệ quốc tế đưa vào “giỏ tiền
tệ quyền rút vốn đặc biệt” (SDR) v.v… Chính phủ Trung Quốc cũng đã thừa nhận
“nhìn lại một năm qua, những thành tựu có được không dễ dàng’’ và “trong sự
phát triển của đất nước vẫn tồn tại không ít khó khăn và vấn đề… tổng kim ngạch
xuất nhập khẩu giảm…, mâu thuẫn giữa thu và chi ngân sách nổi cộm, các lĩnh vực
như tài chính tồn tại hiểm hoạ rủi ro; các lĩnh vực quần chúng nhân dân quan
tâm như y tế, giáo dục, dưỡng lão, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, phân
phối thu nhập, quản lý đô thị vẫn tồn tại nhiều vấn đề, thời tiết sương mù ô
nhiễm nghiêm trọng vẫn thỉnh thoảng xảy ra tại một số khu vực…’’(2).
-
Đã
có nhiều bình luận của giới nghiên cứu về thực trạng của kinh tế Trung Quốc qua
các con số do chính phủ Trung Quốc công bố. Một số nhà kinh tế Trung Quốc có
tranh luận về tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2015, nhưng mức độ bất đồng chỉ từ khoảng 6,5%-6,9%. Trong khi đó,
nhiều nhà nghiên cứu ở phương Tây không tin vào con số
6,9%, cho rằng năm 2015 kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 4-5%, thậm
chí còn thấp hơn (3). Tuy nhiên, đó là một vấn đề khó xác định, và
chúng ta chỉ có thể bình luận trên cơ sở những số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc.
Trước hết, có thể thấy rằng Trung Quốc điều chỉnh tốc độ
tăng trưởng kinh tế trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015)” là cần thiết,
và tăng trưởng 6,9% trong năm 2015 vẫn có thể coi là đạt mức “trung bình cao” đối
với Trung Quốc cũng như so với các nền
kinh tế lớn trên thế giới trong năm vừa qua. Một số tiến bộ trong cải cách thể
chế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện dân sinh của Trung Quốc trong năm
qua cũng cần được ghi nhận.
Điều lo ngại hiện nay là trước những vấn đề trong tầng sâu
của nền kinh tế, trước những khó khăn lớn trong lĩnh vực tài chính, nợ công,
bong bóng bất động sản, xuất nhập khẩu tụt giảm v.v… Trung Quốc sẽ tìm cách vượt
qua thử thách như thế nào để nền kinh tế không tiếp tục lao dốc nghiêm trọng
hơn. Trung Quốc đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trong
“Quy hoạch 5 năm’’ lần thứ XIII là 6,5%. Tăng trưởng bình quân hàng năm 6,5% là
“vạch đỏ”, bởi nếu sụt giảm dưới mức đó thì Trung Quốc không đạt kế hoạch GDP
và thu nhập quốc dân năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2010(4) có
nghĩa là Trung Quốc không hoàn thành được nhiệm vụ chiến lược đã đề ra cho 20
năm đầu thế kỷ XXI là “xây dựng toàn diện xã hội khá giả’’. Một loạt các giải
pháp đã được lãnh đạo Trung Quốc đề xuất trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ XIII”
(thông qua Hội nghị Trung ương 5 khoá XVIII ĐCS Trung Quốc). Năm 2016 là năm đầu
tiên thực hiện “Quy hoạch 5 năm” lần thứ XIII. Năm nay Trung Quốc sẽ tập trung
vào cải cách kết cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến hạ xuống khoảng
6,5%-7%, các chỉ tiêu khác tương tự như năm 2015(5).
Tổng thống Mỹ B.Obama miêu tả kinh tế Trung Quốc hiện nay
là “những luồng gió ngược về kinh tế thổi từ một nền kinh tế Trung Quốc đang
trong quá trình chuyển đổi’’(6).
Cách miêu tả đó không khác cách đặt vấn đề của Trung Quốc trong mấy năm qua là
“chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế’’. Nhưng hàm ý của “luồng gió ngược’’
thì có thể là những bình luận khác nhau về triển vọng của kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc là nước đang phát triển có tổng lượng kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong tương lai, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá của một quốc gia có hơn
1,3 tỷ dân, có lượng dự trữ ngoại tệ lớn, sẽ mở rộng không gian phát triển kinh
tế của Trung Quốc. Nhưng trong khi tổng lượng kinh tế đứng thứ 2 thế giới thì
thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc mới đứng ở vị trí 77 trên thế giới.
Những vấn đề trong tầng sâu của nền kinh tế và những rào cản về thể chế là hai
khó khăn chủ yếu mà Trung Quốc phải vượt qua trên quá trình “chuyển đổi phương
thức phát triển kinh tế’’.
2. “Thúc đẩy toàn diện xây dựng nhà nước pháp trị”, đấu
tranh chống tham nhũng
Năm 2015 là năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khoá XVIII (2014)
ĐCS Trung Quốc về thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật’’(7).
Trong năm 2015 Trung Quốc đã có những hoạt động theo hướng hoàn thiện pháp chế,
cải cách hành chính, xây dựng chính quyền trong sạch và hiệu quả. Đồng thời tiếp
tục đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đối
phó với “4 nguy cơ’’, “tinh thần buông thả, năng lực yếu kém, thoát ly quần
chúng, tham nhũng tiêu cực’’ đã được cảnh báo trong Văn kiện Đại hội XVIII.
“Báo cáo công tác của Chính phủ năm 2016” đã đề cập những công việc đã
tiến hành trong năm 2015 trong lĩnh vực xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách
hành chính. Trong năm 2015, Chính phủ đã trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
xem xét để thông qua 11 dự án luật, xây dựng và sửa đổi văn bản pháp quy hành chính. Công việc của
Chính phủ được minh bạch hơn, việc xây dựng “chính phủ điện tử” được thúc đẩy,
phương thức làm việc trực tuyến được áp dụng. Công tác thanh tra, đôn đốc, phản
biện được triển khai theo chủ trương cơ chế hoá. Trong năm 2015, lãnh đạo Trung
Quốc cũng đã tổ chức những đợt giáo dục chính trị đối với cán bộ, đảng viên với
nội dung “3 nghiêm 3 thực” (“3 nghiêm”: rèn luyện bản thân nghiêm túc; thực thi
quyền lực nghiêm túc; chấp hành kỷ luật nghiêm túc; “3 thực”: làm việc xuất phát từ thực tế; công việc có kết quả thực sự;
làm người phải trung thực). Đồng thời phải chống “4 tác phong” xấu là hình thức,
quan liêu, hưởng thụ và xa hoa lãng phí.
Trong năm 2015 Chính phủ Trung Quốc cũng đã có những cố gắng trong phát
triển và quản lý xã hội, cải thiện dân sinh, nhằm hạn chế tình trạng bức xúc
trong cư dân đối với những vấn đề thiết thân trong cuộc sống của họ như y tế,
giáo dục, nhà ở, phân phối thu nhập, an toàn thực phẩm, dược phẩm, an toàn lao
động, ô nhiễm môi trường sinh thái v.v… Tuy nhiên, trên thực thế, đời sống xã hội
trong năm qua như “Báo cáo công tác của Chính phủ” đã thừa nhận “vẫn tồn tại
nhiều vấn đề”.
Nổi bật nhất trong đời sống chính trị - xã hội Trung Quốc trong năm
2015 là cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiếp tục diễn biến quyết liệt và phức tạp.
Đấu tranh chống tham nhũng trong năm 2015 được đẩy mạnh về cường độ và phạm vi,
tất nhiên có tác dụng răn đe ở mức độ nhất định, nhưng hiệu quả thực sự đối với
việc làm trong sạch bộ máy công quyền, xây dựng chính quyền liêm khiết còn rất
hạn chế. Sự kiện được báo chí Trung Quốc nói tới nhiều là phán quyết của Toà án
Thiên Tân (ngày 11-6-2015)
kết án Chu Vĩnh Khang tù chung thân (kết thúc quá trình thẩm tra lập chuyên án
từ ngày 24-7-2014).
Tiếp đó là ngày 20-7-2015 Lệnh Kế Hoạch, Phó Chủ tịch Chính hiệp, từng là Chủ
nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng nhiều năm trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Hồ Cẩm
Đào (được mệnh danh là “Đại nội tổng quản”) đã bị khai trừ Đảng và giao cho cơ
quan tư pháp xử lý. Tháng 8-2015, Phó Chủ tịch quân uỷ Trung ương Quách Bá Hùng
bị quy tội vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng”, dính líu đến nhận hối lộ, chuyển
cho cơ quan tư pháp xử lý. Trong năm 2015 đã có hàng nghìn cán bộ đảng viên từ
Trung ương đến địa phương bị quy tội và bắt giữ. Tất cả 31 tỉnh thành (trực thuộc
Trung ương) đều có ít nhất một nhân vật lãnh đạo cấp phó trở lên bị xử lý. Tính
đến cuối năm 2015, thông qua chiến dịch “săn cáo”, Trung Quốc cũng đã dẫn độ được
khoảng 500 tội phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài về nước, thu về khoảng 500 triệu
USD. Những kết quả trên thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc về chống
tham nhũng. Nhưng trên thực tế, vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc còn lâu mới có
thể giải quyết, đấu tranh chống tham nhũng vẫn cam go. Trong mấy năm qua, các vụ
chống tham nhũng thường đan xen với đấu tranh quyền lực nên diễn biến phức tạp,
khó công khai minh bạch. Còn việc ngăn chặn từ gốc nạn tham nhũng thì phải chờ
kết quả thực tế của việc cải cách toàn diện “theo chiều sâu” thể chế chính trị
- xã hội. Tham nhũng ở Trung Quốc cũng như ở các nước khác, chủ yếu xuất phát từ
tình trạng quyền lực tập trung mà không có cơ chế chế tài hữu hiệu. Từ sau Đại
hội XVIII ĐCS Trung Quốc chủ trương thúc đẩy việc xây dựng “nhà nước pháp trị”,
trong đó việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Ông Tập Cận Bình đã từng nhấn mạnh: “Sử dụng quyền lực phải chịu sự giám sát”(8),
và ông cũng đã dẫn lời tiền nhân: “Người giỏi cấm đoán, trước hết phải tự cấm
mình, sau đó mới cấm người khác” (“Thiên cấm giả, tiến cầm kỳ thân, nhi hậu
nhân”)(9). Kết quả thực sự của chống tham nhũng không phải là bắt được
bao nhiêu “con hổ”, diệt được bao nhiêu “con ruồi”, săn được bao nhiêu “con
cáo” mà là xây dựng được nhà nước pháp quyền, đảng trong sạch, chính quyền liêm
khiết, người dân thực sự làm chủ đất nước. Đối với Trung Quốc, có lẽ đó còn là
một chặng đường rất dài.
II. QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI
Sau khi lên cầm quyền, chính quyền Trung Quốc hiện nay đã có những hoạt
động ngoại giao ráo riết trong hai năm 2013 và 2014 nhằm bố trí chiến lược đối
ngoại trên phạm vi toàn cầu. Năm 2015 là “năm thúc đẩy toàn diện ngoại giao nước
lớn đặc sắc Trung Quốc’’.
Mục tiêu hoạt động đối ngoại của Trung Quốc trong năm qua tập trung chủ
yếu vào ba lĩnh vực: Kinh tế, chính trị và quân sự, phục vụ cho công cuộc xây dựng
trong nước, tìm kiếm lợi ích kinh tế, nâng cao vị thế và mở rộng ảnh hưởng
chính trị, tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực và trên thế giới, hướng tới
mục tiêu lâu dài “thực hiện giấc mộng Trung Quốc, phục hung vĩ đại dân tộc
Trung Hoa”.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới trì trệ do hậu quả của khủng hoảng tài
chính toàn cầu và kinh tế Trung Quốc chuyển sang xu thế giảm tốc, ngoại giao
kinh tế được nhà cầm quyền Trung Quốc đặt vào vị trí hàng đầu trong hoạt động đối
ngoại. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế đối ngoại cũng không chỉ nhằm mục tiêu kinh
tế, mà còn là phương tiện để nhằm đạt tới những mục tiêu chính trị, quân sự.
Trong năm 2015 Trung Quốc đã tiến được một bước trong việc biến ý tưởng “một
vành đai, một con đường” thành hiện thực(10). Sự thành lập Ngân hàng
đầu tư cơ ở hạ tầng châu Á (AIIB) với 57 quốc gia thành viên sáng lập cùng với
“Ngân hàng phát triển của các nước BRICS… thể hiện ý đồ chiến lược của Trung Quốc
tiến tới những tổ chức kinh tế quốc tế mới do Trung Quốc chủ đạo, từng bước
thoát khỏi sự chi phối của các tổ chức tài chính quốc tế truyền thống do Mỹ và
phương Tây chủ đạo như Ngân hàng thể giới (WB), Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF)…
Trong năm 2015 Trung Quốc cũng đã có bước tiến quan trọng trên lộ trình quốc tế hoá đồng nhân dân tệ bằng việc
đưa đồng tiền này vào “giỏ tiền tệ quyền rút vốn đặc biệt” của Quỹ tiền tệ quốc
tế (IMF). Năm 2015 là năm xuất nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc giảm mạnh, nhưng lại là năm “đi ra ngoài” đầu
tư với quy mô chưa từng có của Trung Quốc (11).
Năm 2015 cũng là năm Trung Quốc tiến
hành nhiều hoạt động đối ngoại để chứng tỏ vai trò “nước lớn có trách nhiệm” trong
việc tham gia và đề xuất các sáng kiến liên quan đến các công việc mang tính chất
toàn cầu, nhằm nâng cao vị thế và uy tín chính trị trên trường quốc tế. Tại Hội
nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình đã đề xuất một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy hoà bình và phát triển:
Thành lập Quỹ hoà bình và phát triển Trung Quốc - Liên hợp quốc; Quỹ hỗ trợ hợp
tác Nam - Nam xoá nợ cho các nước kém phát triển v.v… Về vấn đề ứng phó với biến
đổi khí hậu toàn cầu, sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh cuối năm 2014
Trung Quốc và Mỹ đã đạt được Tuyên bố chung. Chuyển sang năm 2015, Trung Quốc
đã cùng Mỹ, EU, Ấn Độ, Brazil đạt được Tuyên bố chung về biến đổi khí hậu;
tuyên bố thành lập “Quỹ hợp tác Nam - Nam về biến đổi khí hậu” trị giá 20 tỷ
NDT; đóng góp vào thành công của Hội nghị Quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu
họp tại Paris tháng 12-2015. Năm 2015 lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Lễ kỷ niệm
70 năm kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc và chiến tranh chống phát-xít của
thế giới với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện của gần 60 quốc gia
trên thế giới.
Trên lĩnh vực quân sự, năm 2015 Trung
Quốc đẩy mạnh cải cách theo hướng hiện đại hoá quân đội, không trực tiếp tham
gia vào các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraina, nhưng lại tăng cường tiến hành
các hoạt động quân sự tại ven biển Đông Á, chủ yếu là tại Biển Đông, lấp biển
tôn tạo các bãi đá thành đảo nổi nhân tạo và căn cứ quân sự.
Chính sách ngoại
giao của chính quyền mới ở Trung Quốc đối với từng quốc gia, khu vực trên thế
giới đã được bố trí định hướng từ các năm
2013, 2014, 2015 tiếp tục thực hiện trong tình hình mới.
Quan hệ Trung - Mỹ vẫn được Trung Quốc đặt lên vị trí hàng đầu trong
chiến lược đối ngoại do tầm quan trọng và phạm vi rộng của nó. Mục tiêu của
Trung Quốc trong năm 2015 vẫn là ổn định quan hệ Trung - Mỹ trong khuôn khổ
“quan hệ nước lớn kiểu mới” vừa hợp tác để chia sẻ lợi ích, vừa cạnh tranh để
giành lợi thế trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế - thương mại…
Vòng 7 “Đối thoại Mỹ - Trung về chiến lược và kinh tế” (diễn ra tại Washington
đầu tháng 7-2015) cũng như Hội đàm Obama - Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Mỹ của
Chủ tịch Trung Quốc (tháng 9-2015) đã đạt được nhiều thỏa thuận về hợp tác kinh
tế, nhưng đồng thời cũng đã bộc lộ những bất đồng về an ninh chiến lược(12).
Phía Trung Quốc đòi Mỹ căn cứ vào phương châm “tôn trọng lẫn nhau” trong “quan
hệ nước lớn kiểu mới Trung - Mỹ” phải
tôn trọng các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, trong khi chính quyền Obama
kiên quyết phản đối hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, đe dọa
lợi ích của Mỹ tại khu vực này. Trên bàn cờ chiến lược kinh tế toàn cầu, trong
khi Trung Quốc thúc đẩy chiến lược “một vành đai, một con đường” nhằm chi phối
thị trường liên lục địa Á - Âu, vươn tới châu Phi và Mỹ Latinh thì Mỹ tìm cách
thúc đẩy đàm phán về “Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)
và “Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên
Đại Tây Dương” (TTIP). Quan hệ Trung - Mỹ ngày càng trở thành nhân tố quan trọng
hàng đầu trong quan hệ quốc tế khu vực và toàn cầu.
Trước mâu thuẫn và xung đột giữa Nga với
Mỹ - Eu trong vấn đề Ukraina và Trung
Đông, Trung Quốc giữ thái độ trung lập, nhưng về đường lối chiến lược ngoại
giao, Trung Quốc chủ trương tăng cường quan hệ với Nga vì những lợi ích trong
quan hệ song phương và nâng vị thế của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ và
phương Tây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đều tham dự
hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng chống pháp-xít của nhau. Trong năm 2015, hai bên Trung – Nga đã đẩy mạnh hợp
tác song phương trong các dự án về năng lượng, hàng không, vũ trụ và hợp tác đa
phương trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Trong năm 2015 Trung Quốc đã có những bước đột phá trong quan hệ với
EU, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và là địa bàn cạnh tranh
quan trọng giữa Trung Quốc với Mỹ. Trong năm 2015 Trung Quốc đã tiến hành trao
đổi cấp cao với 21 nước trong EU, đặc biệt là chuyến thăm Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình được ca ngợi là “chuyến thăm
siêu cấp nhà nước”, hai bên đã nhất trí xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện hướng tới thế kỷ XXI”. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thăm Pháp và EU, gặp
gỡ ban lãnh đạo mới của EU. Trong năm 2015, Trung Quốc và Đức đã mở đầu “Đối
thoại về tài chính” lần đầu tiên và cũng là năm đầu tiên xác lập cơ chế “hợp
tác 16 + 1” giữa Trung Quốc với 16 nước Trung Âu và Đông Âu.
Trên bàn cờ chiến lược đối ngoại của
Trung Quốc, châu Á là địa bàn chiến lược phải “nắm chắc’ và “ngoại giao chu
biên” (ngoại giao với các nước xung quanh) được đặt ở vị trí quan trọng đặc biệt.
Châu Á cũng là điểm xuất phát và địa bàn triển khai chủ yếu của chiến lược “một vành đai, một con
đường” của Trung Quốc. Trong năm 2015 Trung Quốc đã thông qua những biện pháp về
kinh tế, ngoại giao, quân sự, cải thiện quan hệ với các quốc gia Trung Á, Tây Á
và Nam Á. Trong khi đó quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Á diễn ra phức tạp. Đây là hướng bành trướng thế lực chủ yếu của Trung
Quốc và cũng là địa bàn cạnh tranh chiến lược chủ yếu hiện nay giữa Trung Quốc
và Mỹ.
Trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Trung Quốc phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và ủng hộ quyết định trừng
phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Lý do là Trung Quốc lo ngại Triều Tiên
sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ dẫn tới hậu quả các quốc gia trong khu vực là Hàn Quốc,
Nhật Bản và cả lãnh thổ Đài Loan cũng có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng
Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với CHDCND Triều Tiên nhằm mục tiêu cạnh
tranh chiến lược với Mỹ - Nhật.
Quan hệ Trung - Nhật năm 2015 trên biển Hoa Đông
xoay quanh tranh chấp quần đảo Shekaku/Điếu Ngư không còn căng thẳng như cuối
năm 2012 và hai năm 2013, 2014. Trong
năm 2015 Trung Quốc đã tìm cách nối lại đàm phán thành lập “khu thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn” bị đình lại
từ năm 2012. Tuy nhiên, cho tới cuối năm, đàm phán vẫn chưa đi tới kết quả. Mâu
thuẫn và cạnh tranh Trung - Nhật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế,
ngoại giao vẫn còn là vấn đề nan giải.
Nổi bật trong hoạt động đối ngoại của Trung Quốc năm 2015 là ráo riết quân sự hóa
các đảo và bãi đá trên Biển Đông xâm chiếm trái phép trước đây, và tìm cách lôi
kéo, phân hóa các nước ASEAN bằng các chính sách viện trợ kinh tế, tuyên truyền
chính trị. Trong năm 2015 Trung Quốc đã
cơ bản hoàn tất việc lấp biển, tôn tạo các bãi đá ngầm thành đảo nổi ở
Trường Sa của Việt Nam
và tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự cho hải quân và không quân chiến lược ở
Trường Sa, đồng thời tăng cường căn cứ quân sự ở Hoàng Sa. Hành động ngang trái
đó của Trung Quốc đã bị các nước ASEAN và dự luận quóc tế lên án. Mỹ là nước có
lợi ích ở Đông Nam Á và Biển Đông cũng đã phản đối mạnh mẽ hành động của Trung
Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9-2015, trước quan điểm kiên quyết của Tổng
thống Obama vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng con đường hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình đã phải hứa sẽ không “quân sự hóa” Biển Đông. Nhưng trên thực
tế, trong những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016 Trung Quốc vẫn tiếp tục hành
động quân sự hóa Biển Đông, với luận điệu ngang ngược “Trung Quốc xây dựng những
công trình phòng ngự cần thiết trên các hòn đảo của mình là quyền tự vệ được luật
pháp quốc tế cho phép”(13). Cùng với hoạt động quân sự trên Biển
Đông, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động chính trị, kinh tế, tuyên truyền “cộng
đồng chung vận mệnh Trung Quốc - châu Á”, nâng cấp khu thương mại tự do Trung
Quốc - ASEAN, tăng cường quan hệ song phương với một số nước ASEAN, lập “Quỹ hợp
tác trên biển Trung Quốc - ASEAN”, đồng ý tham vấn với ASEAN về COC (nhưng trên
thực tế không có thiện chí thực sự đi tới đàm phán nhằm tiến tới ký kết COC).
Trung Quốc cũng đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của
Philippines
lên Tòa án Trọng tài La-Haye của Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông.
Năm 2015 Trung Quốc cũng đã tăng cường hoạt động ngoại giao đối với châu Phi, Mỹ
La-tinh. Lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh “Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu
Phi” được tổ chức tại châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo
50 nước châu Phi đã thương thảo để lập quy hoạch hợp tác giữa hai bên trong những
năm tới. Hội nghị cấp Bộ trưởng “Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Mỹ Latinh lần thứ
nhất đã được Tổ chức tại Trung Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến thăm 4 nước
Mỹ Latinh và ký kết nhiều hiệp định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông
quan trọng.
Có thể khái quát hoạt động đối ngoại
Trung Quốc năm 2015 là thúc đẩy “ngoại giao nước lớn” nhằm mục tiêu thực hiện
“giấc mộng Trung Hoa”. Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra nguyên tắc “hợp tác cùng thắng”,
chủ trương “xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới”. Nhưng thực chất của các hoạt động
đối ngoại như thế nào không chỉ thể hiện ở ngôn từ ngoại giao, mà quan trọng
hơn là thể hiện ở hành động cụ thể.
PGS. Nguyễn Huy Quý