Năm 2018 là năm đầu tiên Trung Quốc thực
hiện các mục tiêu do Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc đề ra và các mục tiêu cụ
thể được Chính Hiệp và Quốc hội khóa 13
đề ra cho năm 2018. Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới
được khẳng định trong Hiến pháp, trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với Đảng và Nhà
nước Trung Quốc. Năm 2018, tiến trình cải cách mở cửa của Trung Quốc trải qua
40 năm với nhiều thành tựu, song cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức.
Năm 2018, Trung Quốc phải đối mặt với cọ xát
thương mại với Mỹ, leo thang căng thẳng
từ giữa năm 2018. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
phản ánh cạnh tranh toàn diện giữa hai nước, là nội dung nổi bật trong chính trị
và đối ngoại của Trung Quốc năm 2018-2019.
Năm 2019, nước CHND Trung Hoa thành lập tròn 70 năm, là dấu mốc quan trọng
trong tiến trình xây dựng hiện đại hóa XHCN ở Trung Quốc. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có nhiều triển vọng đạt
được những thỏa thuận, song cạnh tranh giữa hai nước sẽ tiếp tục gia tăng trong
giai đoạn mới.
I.
TÌNH HÌNH TRUNG QUỐC NĂM 2018
1.
Tình hình chính trị
Kỳ họp Chính Hiệp và Quốc hội Trung Quốc khóa 13 (từ ngày
3-20 tháng 3 năm 2018) diễn ra đã tập
trung thảo luận và quyết định về định hướng phát triển kinh tế xã hội năm 2018
và những năm tiếp theo; thông qua một số nội dung về sửa đổi Hiến pháp; thông
qua bộ máy Nhà nước và các chức danh tương ứng khóa mới.
Trước đó, ngày 26/1/2018, Ban chấp hành
Trung ương ĐCS Trung Quốc đã gửi tới Quốc hội (Nhân đại) Trung Quốc
“Bản kiến nghị về sửa đổi một số nội dung Hiến pháp”.
Tại kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội (khóa
XIII), “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước CHND Trung Hoa” được thông qua
đã thể hiện những nội dung quan trọng như:
(1).Trong phần mở đầu của Hiến pháp,
đoạn “…dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Mao
Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “3 đại diện””
nay sửa đổi là “dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư
tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “3
đại diện”, quan điểm phát triển khoa học, tư tưởng Tập Cận Bình về
CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Như vậy, tư tưởng Tập Cận
Bình đã được khẳng định trong Hiến pháp và vị trí lịch sử của Tập
Cận Bình đã được đặt ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu
Bình.
(2).
Trong khoản 2 điều 1, sau câu “chế độ XHCN là chế độ căn bản của nước
CHND Trung Hoa”, thêm một câu “sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc là đặc
trưng bản chất nhất của CNXH đặc sắc Trung Quốc”. Như vậy, vai trò
lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc đã được khẳng định trong Hiến pháp.
(3).
Chương 3 của Hiến pháp (bộ máy nhà nước), bổ sung thêm tiết 7 “Ủy ban
giám sát”, và 5 điều, quy định về tổ chức và quyền hạn của Ủy ban
giám sát, trong đó quy định “Ủy ban giám sát nước CHND Trung Hoa là cơ
quan giám sát tối cao. Ngoài các cơ quan nhà nước là các cơ quan hành
chính, tòa án, kiểm sát, nay lập thêm cơ quan mới là “Ủy ban giám sát
quốc gia”, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, và do Quốc hội bầu
người đứng đầu cơ quan này (chủ nhiệm).
(4).
Xóa bỏ khoản 3 điều 79 trong Hiến pháp hiện hành “Chủ tịch, phó chủ
tịch nước CHND Trung Hoa không được vượt quá hai nhiệm kỳ liên tục…”.
Điều này tạo điều kiện pháp lý cho Tập Cận Bình có thể được tiếp
tục bầu là Chủ tịch nước nhiệm kỳ 3 và các nhiệm kỳ tiếp theo sau
khi mãn nhiệm nhiệm kỳ 2 vào năm 2023.
Tại kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa 13, ông
Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước, ông Vương Kỳ Sơn làm Phó chủ
tịch nước. Ông Lật Chiến Thư được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông Uông Dương được
Chính Hiệp bầu làm chủ tịch Chính Hiệp. Ông Lý Khắc Cường được bầu lại làm Thủ
tướng.
Sau Đại
hội 19 và Quốc hội khóa mới: “Tư tưởng Tập Cận Bình” được khẳng định trong Điều
lệ Đảng và Hiến pháp, trở thành tư tưởng chỉ đạo cải cách, phát triển, quản trị
đất nước, hướng tới mục tiêu cường quốc. Sau Đại hội
19 và Quốc hội khóa mới đã hình thành nên đội ngũ cán bộ ủng hộ “tư tưởng Tập Cận
Bình”, tập trung hành động hướng tới mục tiêu cường quốc. Tập Cận Bình được suy
tôn là “hạt nhân của Đảng, thống soái của quân đội, lãnh tụ của nhân dân”
Tại kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa 13, Thủ
tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đệ trình và được Quốc hội thông
qua phương án tổ chức cơ cấu chính phủ gồm 26 bộ và ủy ban tương
đương”
Việc cải cách các cơ quan Đảng và Nhà nước được triển khai
và thực hiện theo đúng lộ trình. Đây là lần cải tổ bộ máy lớn thứ hai kể từ khi
Tập Cận Bình lên cầm quyền (lần thứ nhất vào năm 2013). Từ trước tới nay Trung Quốc đã tiến hành 7 lần cải cách bộ
máy chính quyền và chuyển đổi chức
năng của chính quyền, nhưng kết quả không như kỳ vọng, hiệu quả
không cao. Lần cải cách này thực hiện một cách bài bản, có hệ
thống và toàn diện hơn, kết hợp cải cách bộ máy của Đảng, Chính
phủ, Quốc hội, Mặt trận, Tư pháp, Quân đội, đơn vị sự nghiệp, đoàn
thể quần chúng, tổ chức xã hội…quy định lại chức trách, quyền hạn
và quan hệ giữa các bộ phận một cách rõ ràng, minh bạch hơn. Trọng
tâm cải cách các cơ quan lần này là nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng,
tích hợp các đầu mối, nâng cao hiệu quả, tăng cường ràng buộc giám sát. Đợt cải
cách các cơ quan đảng và nhà nước lần này cho thấy sự lãnh đạo toàn diện của Đảng
Cộng sản Trung Quốc, cải cách nâng cao hệ thống quản trị quốc gia, có lợi cho sự
lãnh đạo và cầm quyền lâu dài của ĐCS Trung Quốc, thúc đẩy mạnh hơn các mục
tiêu dân sinh.
Tính đến cuối năm 2018, cấp Trung ương và cấp tỉnh đã
hoàn thành việc tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy. Còn chính quyền địa phương các cấp
từ cấp huyện trở xuống cũng đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề án cải cách
cơ cấu và tiến hành sắp xếp lại bộ máy và nhân sự. Việc cải cách này đã mang lại
hiệu quả thiết thực trong cải cách tinh giản bộ máy, mở rộng không gian phát
triển cho xã hội và thị trường. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu bộ máy cũng đặt
Trung Quốc trước áp lực về nhân sự và hiệu quả hành chính.
Hiến pháp sửa đổi
đã khẳng định sự ra đời của Ủy ban Giám sát Quốc gia - cơ quan giám sát tối
cao, do Quốc hội bầu ra. Đánh dấu sự hình thành của hệ thống giám sát các cấp,
có chức năng ngang hàng với cơ quan hành chính, tòa án, kiểm sát. Chế độ
và hệ thống giám sát của Trung Quốc trong thời gian qua có bước đổi mới với việc
thành lập ra hệ thống cơ quan giám sát từ Trung ương tới địa phương và chính thức
thông qua Luật giám sát nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Việc cải cách chế độ,
hệ thống giám sát ở Trung Quốc cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc trong
cải cách chính trị, đấu tranh phòng chống
tham nhũng. Hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu và không ngừng được thể chế
hóa.
Công tác chống tham nhũng tiếp tục mở rộng diện và đối tượng
đến các quan chức phụ trách lĩnh vực kinh tế và các quan chức ở cơ sở. Đặc biệt,
với sự ra đời của Luật Giám sát và Ủy ban Giám sát quốc gia, công tác phòng chống
tham nhũng, diệt trừ xã hội đen đã thu được thành tựu nhất định. Cả năm đã có
24 cán bộ do Trung ương quản lý bị điều tra, xét xử. Kết quả này đã khiến cho
83,7% người dân thấy rằng việc chống tham nhũng trong thời gian gần đây đã thực
chất và hiệu quả hơn.
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018,
trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 14-12-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
tuyên bố, cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã đạt được “chiến thắng áp
đảo”. Về vấn đề này, “Sách xanh về chống tham nhũng: Báo cáo về xây dựng chống
tham nhũng của Trung Quốc, số 8” cũng cho biết, 80,4% dân số Trung Quốc cho rằng,
hiện tượng tham nhũng trong 1 năm qua đã giảm đi nhiều so với trước đây; 83,7%
cư dân nhận thấy, việc chống tham nhũng gần đây đã có nhiều hiệu quả. Cuối năm 2018, số liệu thống kê của Ủy ban Kiểm tra
kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát quốc gia cho thấy, trong 1 năm qua, số lượng
quan chức cấp tỉnh, bộ ngã ngựa là 24 người, bình quân mỗi tháng có 2 cán bộ cấp
tỉnh, bộ được thông báo thẩm tra kỷ luật và điều tra giám sát; công tác phòng
chống tham nhũng được thực hiện mạnh mẽ nhất vào tháng 1 và tháng 8-2018.
Tình hình nội bộ Trung Quốc năm 2018 cũng bộc lộ những
khó khăn nhất định. Báo cáo công tác Chính phủ cho rằng còn nhiều hạn chế. Một
số biện pháp cải cách hiệu quả chưa cao. Chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan
liêu vẫn nổi cộm. Vấn đề tham nhũng trong một số lĩnh vực vẫn xảy ra … Có
chuyên gia cho rằng, năm 2018- 2019, chính trị Trung Quốc còn phải đối mặt với
một số thách thức đến từ các phương diện như: ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại
Trung – Mỹ; sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế tạo nên những áp lực về
thu nhập, việc làm và an sinh xã hội; sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập
và phân hóa giàu nghèo khiến tâm lý của người dân trở nên bất ổn; những vấn đề
đến từ an ninh mạng; sự đồng thuận trong vấn đề chống tham nhũng ..; những khó
khăn về địa – chính trị do sự nghi ngờ của quốc tế đối với sáng kiến Vành đai –
con đường, cũng như chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc v.v… Các
nhân tố này đã đặt ra cho Trung Quốc những áp lực lớn về an ninh và ổn định nội
bộ. Chính vì vậy, trong Báo cáo Công tác Chính phủ 2018, Thủ tướng Lý Khắc Cường
đã 24 lần nhắc đến từ “nguy cơ”, cũng như nhấn mạnh nhiều đến vấn đề “ổn định”.
2. Kinh tế-xã hội Trung Quốc 2018
Mục tiêu được đề ra cho năm 2018 là: “GDP
tăng trưởng khoảng 6,5 %; giá tiêu dùng CPI tăng khoảng 3%; tạo việc
làm mới cho trên 11 triệu người ở thành phố .. thu nhập của cư dân
tăng trưởng cơ bản tương đương với tăng trưởng kinh tế; xuất nhập khẩu
ổn định theo chiều hướng tốt; . .. cải cách kết cấu cung cầu thu
được kết quả thực chất; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các loại rủi
ro được đề phòng và khống chế một cách chủ động và hiệu quả”.
Thủ tướng Trung
Quốc Lý Khắc Cường trong Báo cáo công tác Chính phủ năm 2018 đã tiếp tục nhấn
mạnh chủ trương và giải pháp bao gồm: thúc đẩy cải cách cơ cấu trọng cung; đẩy
mạnh xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia; đi sâu cải cách trong các lĩnh vực
then chốt; đánh thắng ba trận chiến công kiên; thực hiện chiến lược chấn hưng
nông thôn, chiến lược phát triển phối hợp vùng miền; mở rộng tiêu dùng và thúc
đẩy đầu tư hiệu quả; thúc đẩy bố cục mới mở cửa toàn diện, đặc biệt là hợp tác
quốc tế “vành đai, con đường”,.. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm
2018 ở mức 6,5%.
Nhìn lại công tác năm 2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc
Cường cho rằng: “Chính phủ Trung Quốc đã đổi mới và hoàn thiện điều tiết vĩ mô,
bảo đảm kinh tế vận hành bình ổn; 3 trận chiến công kiên được đẩy mạnh; cải
cách coi trọng bên cung được tiến hành tốt; chiến lược phát triển với động lực
sáng tạo được thúc đẩy; cải cách mở cửa với mức độ lớn hơn; phát triển phối hợp
vùng miền được đẩy mạnh, đặc biệt là chiến lược chấn hưng thôn xã được thực
thi; bảo đảm và cải thiện dân sinh; chính phủ pháp trị được thúc đẩy xây dựng,
quản trị xã hội có bước tiến;… ngoại giao nước lớn đạt thành tựu.. thúc đẩy
quan hệ quốc tế kiểu mới..”
Năm 2018, GDP đạt 90.030,9 tỷ NDT, tăng 6,6% so với cùng
kỳ năm 2017 (xem Biểu đồ 1). Đây là mức tăng thấp nhất qua 28 năm. Quý I là
6,8%, quý II là 6,7%, quý III là 6,5%, quý IV là 6,4%. Giá trị gia tăng ngành
khu vực I là 6.473,4 tỷ NDT, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017, ngành khu vực
II là 36.600,1 tỷ NDT, tăng 5,8%, ngành khu vực III là 46.957 tỷ NDT, tăng 7,6%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2018 là 30.505
tỷ NDT, tăng 9,7% so với năm 2017, tổng lượng thương mại lần đầu tiên lập kỷ
lục mới khi vượt 30 nghìn tỷ NDT. Xuất nhập khẩu đã đạt được mục tiêu đề ra là
phát triển ổn định và tích cực với sự tăng trưởng về kim ngạch và tối ưu hóa về
cơ cấu. Trong đó tổng giá trị xuất khẩu đạt 16.417,7 tỷ NDT, tăng 7,1%, nhập
khẩu đạt 14.087,4 tỷ NDT, tăng 12,9%. Cán cân thương mại thặng dư 2.330,3 tỷ
NDT, giảm 18,3% so với năm 2017. Giá trị thương mại nói chung chiếm 57,8% tổng
giá trị xuất nhập khẩu, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với năm ngoái. Xuất khẩu
các sản phẩm điện và cơ khí tăng 7,9%, chiếm 58,8% tổng giá trị xuất khẩu, cao
hơn 0,4 điểm phần trăm so với năm ngoái. Nhập khẩu và xuất khẩu với các đối tác
thương mại chính tăng trưởng về mọi mặt. Cụ thể, nhập khẩu và xuất khẩu với
Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN tăng lần lượt 7,9%, 5,7% và 11,2%. Xuất khẩu
và nhập khẩu với các quốc gia dọc tuyến Vành đai &Con đường tăng 13,3%, cao
hơn 3,6 điểm phần trăm so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm.
Năm 2018, Trung Quốc tiến hành cải cách mở của 40 năm.
Qua 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu. GDP Trung Quốc
năm 2018 đạt 90.030,9 tỷ NDT , tăng trưởng
6,6% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả năm là 30.505 tỷ
NDT, tăng trưởng 9,7% so với năm 2017. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại
lớn nhất của hơn 120 nước. Mức độ đô thị hóa từ 17,9% năm 1978 tăng lên
59,58% năm 2018. Số thành phố từ 193
tăng lên 657 thành phố. Hiện, Trung Quốc có hơn 136.000 km đường cao tốc và
25.000 km đường sắt cao tốc.
Trung Quốc đang tìm kiếm sự
thay đổi về phương thức và mô hình phát triển thay thế cho phương thức tăng trưởng
chủ yếu dựa vào tài nguyên và nhân công rẻ, dựa vào đầu tư lớn và xuất khẩu mạnh
trước đây. Kinh tế Trung Quốc nằm
trong xu thế suy giảm tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2014 là
7,4%, năm 2015 là 6,9%. Năm 2016 là 6,7%; năm 2017 là 6,9%. Vấn đề đặt ra cho
kinh tế Trung Quốc hiện nay là chất
lượng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn còn thấp, mất cân bằng, không hợp
lý và không bền vững. Vấn đề nợ công và vấn đề sản xuất thừa vẫn chưa được giải
quyết. Do tăng trưởng tốc độ cao trong một thời gian dài, những hệ lụy để lại
cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa giải quyết triệt để, chưa khắc phục kịp như
cạn kiệt các nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường, mức độ chênh lệch giàu
nghèo cao, phát triển không cân đối… vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, hướng
tới thu nhập cao, chất lượng cao..vẫn là thách thức lớn. Phát triển xã hội và quản
trị xã hội vẫn là thức thức lớn. Từ năm
2018 đối với vận hành kinh tế Trung Quốc là
vượt qua 3 trận chiến phòng ngừa hóa giải rủi ro lớn, xóa đói giảm nghèo
chuẩn xác, phòng chống ô nhiễm. Từ
“tốc độ cao” sang “chất lượng cao” là thách thức lớn.
Chiến
tranh thương mại
Ngày 15/6/2018, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã chính thức mở màn cho cuộc chiến thương mại với việc áp
thuế 25% cho 1333 mặt hàng trị giá khoảng 50 tỷ USD, trong đó 818 mặt hàng
Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá khoảng 34 tỷ USD sẽ có hiệu lực từ ngày
6-7-2018
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là mở màn cho canh tranh
chiến lược Mỹ Trung trong trung và dài hạn.
Chiến tranh thương mại với Mỹ là thách thức lớn nhất hiện nay đối với
Trung Quốc. Bởi đây là cạnh tranh giữa hai nước lớn, giữa “giấc mơ Trung Quốc”
và “Giấc mơ Mỹ”, giữa “tư tưởng Tập Cận Bình” và “chủ nghĩa Trump”.
Trung Quốc
tuyên bố “không muốn, không sợ, không ngại”. Trung Quốc sẽ đáp trả tương ứng về
quy mô và mức độ. Về mặt chủ trương,
Trung Quốc vẫn thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế,
chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch , bảo vệ các thể chế mậu dịch đa
phương ..phản đối Mỹ đơn phương gây căng thẳng, coi Trung Quốc là nạn nhân.
Trung Quốc cũng kiện Mỹ ra WTO. Trong tuyên truyền: không công kính
lớn, không tập trung mạnh vào Tổng thống
D Trump. Trung Quốc cũng sẵn sàng đàm phán, mở cửa thị trưởng và nới nhập khẩu
từ Mỹ.
Căng thẳng
thương mại với Mỹ bộc lộ khoảng cách về trình độ khoa học công nghệ, mô hình
kinh tế và phương thức ngoại thương của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc coi
căng thẳng thương mại là sức ép để Trung
Quốc cải cách, nâng cao trình độ công nghệ, tăng năng suất, hiệu quả. Đồng
thời, Trung Quốc cũng coi căng thẳng thương mại sẽ diễn ra dài lâu, cạnh tranh
trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.
Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình nêu “6 ổn định” để đối
phó với tình hình hiện nay, không để căng thẳng leo thang và lan rộng. Ngày
31/7/2018, TBT CTN Tập Cận Bình đã chủ trì họp hội nghị BCT, phân tích và chỉ
đạo tình hình kinh tế Trung Quốc. Hội nghị nhấn mạnh việc giữ cho kinh tế Trung
Quốc phát triển ổn định, lành mạnh. Bảo đảm “6 ổn định”[16]: ổn định việc
làm, tiền tệ, ngoại thương, vốn ngoại, đầu tư và các công tác khác theo quy
hoạch. Tiếp tục chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ ổn định,
bảo đảm việc làm và an sinh xã hội.
Ngày 1/12/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng
thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90
ngày để tiến hành đàm phán về các vấn đề công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ. Từ
ngày 1/1/2019, Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với khoảng 700 mặt hàng nhập khẩu,
như nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh... và từ ngày 1/7/2019
giảm thuế cho 298 sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin.
3. Đối ngoại
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế năm 2018
Trung Quốc sẽ tập trung giải quyết các vấn đề trong quan hệ Trung - Mỹ; triển
khai chiến lược “Vành đai, con đường”.. Các sự kiện đối ngoại năm 2018 của
Trung Quốc tập trung vào Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Hội nghị Tổ chức
Hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn cao cấp Hợp tác Trung Quốc – châu Phi.
Trung Quốc đang thể hiện sự tự tin, quyết đoán, tích cực tham gia quản trị toàn
cầu, tích cực triển khai ngoại giao nước
lớn, ngoại giao “nguyên thủ cấp cao”, thực hiện thế công trong ngoại giao.
Báo cáo Chính phủ trình bày tại kỳ họp Lưỡng hội 2018, ngoại giao Trung Quốc
tập trung vào những điểm sau: Về mục tiêu, Trung Quốc vẫn khẳng định mục tiêu
“ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” bằng việc nỗ lực
cùng các nước xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới. Về nội dung, Trung Quốc sẽ
tập trung vào 4 nội dung chính sau: Một là, chính sách ngoại giao nước lớn đặc
sắc Trung Quốc thời đại mới dựa trên hai trụ cột chính là xây dựng quan hệ quốc
tế kiểu mới và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh. Hai là, Trung Quốc sẽ tăng cường
ngoại giao nguyên thủ với vai trò hạt nhân của Tập Cận Bình nhằm thiết lập quan
hệ cá nhân tốt đẹp với các nguyên thủ khác, đồng thời góp phần cải thiện hình ảnh
và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ba là, Trung Quốc đặc biệt coi trọng
quan hệ với Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc đã không còn nhắc tới khái niệm “Quan hệ
nước lớn kiểu mới với Mỹ” nữa. Bốn là, Trung Quốc sẽ chủ động hơn nữa trong các
vấn đề quốc tế và khu vực, nước này sẽ chuyển vị thế từ bên tham gia tích cực
sang nhân tố đề xuất các phương án giải quyết các điểm nóng trên thế giới, nhằm
mở rộng không gian ảnh hưởng và vai trò, vị thế của Trung Quốc.
Năm 2018 cũng là năm thứ hai Hội nghị về công tác đối ngoại được tổ chức dưới
sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nội dung hội nghị năm nay tập trung vào
4 nội dung chính bao gồm: Xử lý xung đột thương mại với Hoa Kỳ; thúc đẩy mối
quan hệ với các nước đang phát triển; dẫn đầu về cải cách quản trị toàn cầu,
xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu hoàn chỉnh hơn..Với những nội dung
trên, Hội nghị được đánh giá là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc tạo
ra cục diện mới ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh vào
việc duy trì quyền lực của Đảng trong quá trình đưa ra các quyết sách ngoại
giao. Đồng thời nó cũng đánh dấu việc đưa tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình vào
trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc và chính thức trở thành kim chỉ nam
cho quá trình hoạch định chính sách của nước này.
Đặc biệt, năm 2018 Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho ngoại
giao với tốc độ tăng gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng quốc phòng, mức tăng 15,6%,
lên 60,07 tỷ NDT (9,45 tỷ USD), nhằm thể hiện mong muốn của Trung Quốc để có tiếng nói
lớn hơn trên trường quốc tế. Chi tiêu ngoại giao này bao gồm chi phí tham gia
và tổ chức các hội nghị quốc tế, và dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ hai con
số trong những năm tới để phù hợp với đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia
đang phát triển.
Chiến
lược Vành đai con đường: Đây
là chiến lược thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình được thực hiện bởi “5 kết nối” (chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính và trao đổi
giữa nhân dân với nhân dân). Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng
nhằm tạo dựng một mạng lưới giao thông vận tải xuyên Á-Âu được coi là biểu hiện
rõ rệt nhất trong quá trình thực hiện BRI của Trung Quốc. Những kết quả mà BRI
đạt được trong năm 2018 có thể kể tới như: Trung Quốc giành 60 tỷ USD cho xây dựng
ở châu Phi vào tháng 9/2018, tuyên bố các dự án mới ở khu vực Mỹ La tinh (đặc
biệt là các nước vùng Caribbean) vào tháng 11/2018 và chi thêm 60 tỷ USD hợp
tác với Pakistan trong chế tạo vũ khí tại khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan
trong tháng 12/2018.Tuy nhiên, cũng trong năm 2018, BRI của Trung Quốc đang phải
đối mặt với những thách thức không nhỏ. “Ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc đã
và đang trở thành lời cảnh báo ngày một rõ rệt đối với các nước đang phát triển
tham gia vào sáng kiến này. Nhiều đánh giá phân tích cho rằng, Trung Quốc đang
thực hiện các dự án chỉ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận tài nguyên hoặc thị trường
địa phương của Trung Quốc, thay vì hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế nước
bản địa. Năm 2018 đã chứng kiến sự “hoài nghi” và “quay lưng” của một số khu vực
đối với BRI của Trung Quốc. Đối với khu vực Nam Á, tổng số nợ Trung Quốc của
Maldives theo công bố lên tới 3,2 tỷ USD.
Chính phủ nước này buộc phải tiến hành kiểm tra hồ sơ với sự giúp đỡ của nước
ngoài đối với các dự án do cựu tổng thống Yameen ký kết. Các nước khác như
Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka cũng đang rơi vào khủng hoảng nợ và buộc phải
tiến hành kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc. Đối với các quốc gia Đông Nam
Á, các dự án lớn của Trung Quốc đã chững lại đáng kể trong nửa cuối năm 2018,
chỉ có 12 dự án trị giá 3,9 tỷ USD được tiến hành. Thực tế khá nhiều nước đã buộc
phải xem xét lại hoặc hủy bỏ các dự án đầu tư của nước này trong khuôn khổ Vành
đai con đường như: Malaysia, Myanmar.Theo một cuộc khảo sát được công bố của Viện
ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, hơn 70% các học giả, doanh nhân, truyền thông ở
các quốc gia ASEAN nói rằng, chính phủ của họ nên thận trọng trong việc đàm
phán các dự án Vành đai và con đường để tránh các khoản nợ không bền vững.
Bên cạnh đó là những quan ngại về các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo, khả năng
thương mại thấp, lợi ích thực tế cho nước bản địa không nhiều từ các dự án của
Trung Quốc.
II. DỰ BÁO VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019
Năm 2019 là năm kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa – là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình xây dựng
hiện đại hóa XHCN, trong quá trình “phục hưng dân tộc Trung Hoa”.
1. Về kinh tế-xã hội
Nhằm định hướng cho chỉ đạo và điều hành kinh tế năm
2019, Hội nghị kinh tế Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng 2019 bao gồm: (1). Thúc đẩy
ngành chế tạo phát triển chất lượng cao; (2) thúc đẩy hình thành thị trường
trong nước lớn mạnh; (3) thúc đẩy chiến lược chấn hưng hương thôn; (4). Thúc đẩy
phát triển phối hợp vùng miền; (5) đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế; (6) thúc
đẩy mở cửa đối ngoại toàn diện; (7) tăng cường bảo đảm và cải thiện dân sinh.
Tại kỳ họp Quốc hội năm 2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc
Cường đã nêu ra mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 bao gồm: GDP tăng trưởng
trong khoảng 6-6,5%, tạo việc làm mới hơn 11 triệu người, thất nghiệp đô thị
khaongr 5,5%.. CPI khoảng 3%; cân đối được thanh toán quốc tế, xuất nhập khẩu
bình ổn; đòn bẩy vĩ mô cơ bản ổn định; rủi ro tài chính khống chế có hiệu quả;
người nghèo giảm hơn 10 triệu người..”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu các chủ trương,
nhiệm vụ lớn cho năm 2019 bao gồm.:
(1). Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện điều tiết vĩ mô, bảo
đảm kinh tế vận hành trong khoảng hợp lý.
(2). Kích hoạt sức sống chủ thể thị trường, ra sức cải
thiện môi trường kinh doanh;
(3). Kiên trì lấy sáng tạo dẫn dắt sự phát triển, không
ngừng gây dựng các động lực mới;
(4) thúc đẩy hình
thành thị trường trong nước lớn mạnh, phát huy tiềm năng nhu cầu trong nước;
(5). Đẩy mạnh xóa nghèo và chấn hưng thôn xã hướng tới mục
tiêu hoàn thành xã hội khá giả toàn diện;
(6) thúc đẩy phối
hợp phát triển vùng miền, nâng cao chất lượng đô thị hóa;
(7) tăng cường phòng chống ô nhiễm và xây dựng môi trường
sinh thái;
(8) Đi sâu cải cách lĩnh vực trọng điểm, đẩy mạnh hoàn
thiện cơ chế thị trường;
(9) thúc đẩy mở cửa toàn phương vị, gây dựng ưu thế mới
trong hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế.
(10). Đẩy nhanh phát triển sự nghiệp xã hội, bảo đảm và cải
thiện tốt hơn dân sinh..”
Trả lời phỏng vấn báo chí sau kỳ họp, Thủ tướng Lý Khắc
Cường cho rằng, năm 2019, kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm,
chính phủ Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc giảm các loại thuế phí, kích hoạt sức
sống của chủ thể thị trường hơn 100 triệu hộ dân, tiếp tục cải cách hành
chính..tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, gây dựng động lực mới, mở
rộng tiếp cận thị trường,.. tìm mọi cách để ổn định việc làm, thu nhập và an
sinh xã hội.. bảo đảm kinh tế vận hành trong khoảng hợp lý.. tăng trưởng GDP ở
mức 6-6,5%”.
Tại kỳ họp tháng 3
năm 2019, Quốc hội Trung Quốc cũng thông
qua Luật đầu tư nước ngoài, trong đó cam kết mở rộng tiếp cận thị trường, tạo
môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng..
Có thể thấy, tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Trung- Mỹ khiến kinh tế
Trung Quốc năm 2019 sẽ đối mặt thêm với nhiều áp lực và khó khăn. Trong bối
cảnh giảm đòn bẩy tài chính, giảm tồn kho công nghiệp, cộng thêm tình hình quốc
tế phức tạp với nhiều nhân tố khó xác định, nhu cầu trong và ngoài nước có thể
suy yếu, kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực lớn hơn. Cộng thêm
các nhân tố như quy mô dân số trong độ tuổi lao động ở trong nước giảm, tỷ lệ
tiết kiệm từ cao hạ xuống thấp và chu kỳ tài chính giảm…cho dù nhìn từ khía cạnh
cung hay cầu thì kinh tế Trung Quốc năm 2019 đều tồn tại áp lực suy giảm rất
lớn.
Dự báo
của World Bank (Ngân hàng Thế giới) về tăng trưởng của Trung Quốc trong năm
2019 cũng phù hợp với ước tính của cả các nhà dự báo Trung Quốc và các chuyên
gia nước ngoài, nằm trong khoảng từ 6,0% đến 6,5%, giảm so với mức 6,6% của năm
2018. Ngân hàng Thế giới trong ấn bản tháng 1 về “Triển vọng kinh tế toàn cầu”
cho biết, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,2% trong
năm 2019, thấp hơn một chút so với dự báo trước đó do xuất khẩu yếu hơn.
Nhìn chung, với hầu hết các tổ chức dự
đoán tốc độ tăng trưởng của nước này trong năm 2019 từ 6% trở lên (The South
China Morning Post, 2019), như UBS- một công ty toàn cầu về cung cấp các dịch
vụ tài chính dự đoán 6.1%, trong khi Standard Charter Bank và Viện Khoa học Xã
hội Trung Quốc đưa ra con số là 6.3%.
2. Về chính trị
Hội nghị Bộ Chính trị diễn ra cuối tháng
12-2018 đã nhấn mạnh đến việc tăng cường vũ trang lý luận, nắm vững “4 ý thức”,
kiên trì “4 tự tin”, làm được “2 bảo vệ”, dám chịu trách nhiệm với việc làm của mình, kiên
quyết thực thi các quyết sách của Đảng. Hội nghị cho rằng năm 2019 là năm quan
trọng quán triệt thực hiện tinh thần Đại hội XIX, tiền đề quan trọng nhất là phải
vũ trang Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, bảo vệ và duy trì
quyền uy của Đảng, thực hiện xây dựng tác phong trong Đảng....
Triển vọng chính trị trong năm 2019 sẽ tập
trung vào một số điểm chính sau:
-Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 dự kiến sẽ tập
trung bàn thảo và đưa ra chủ trương chỉ đạo về ứng phó với những khó khăn và
thách thức trong tình hình mới, đặc biệt là cạnh tranh giữa các nước lớn, tiêu
biểu là với Mỹ; đưa các giải pháp hóa giải thách thức trong chuyển đổi phương
thức phát triển, tìm kiếm động lực mới..hướng tới mục tiêu siêu cường.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và quản trị Đảng
nghiêm minh, nhấn mạnh về mặt nhận thức Đảng lãnh đạo về mọi mặt; củng cố và
tăng cường địa vị hạt nhân lãnh đạo của Tập Cận Bình cũng như sự lãnh đạo tập
trung thống nhất của Trung ương Đảng. Điều này được thể hiện rõ nét ở việc,
ngay trong giai đoạn đầu năm 2019, Trung Quốc đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản
mới nhằm tăng cường kỷ luật trong Đảng, tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở Đảng,
cũng như ban hành cơ chế làm việc thích ứng trong tình hình mới như: “Điều lệ
công tác tổ chức cơ sở nông thôn của ĐCS Trung Quốc”, “Điều lệ công tác chính
pháp của ĐCS Trung Quốc” và “Quy tắc công tác giám sát chấp hành kỷ luật của cơ
quan kiểm tra kỷ luật ĐCS Trung Quốc”… Việc ban hành các văn bản này nhằm nhấn
mạnh sự lãnh đạo về mọi mặt của Đảng và thể chế hóa, quy phạm hóa các hoạt động
quản trị Đảng.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp quy trong công
tác xây dựng Đảng, Tập Cận Bình còn nêu ra 6 nhiệm vụ đối với công tác quản trị
Đảng nghiêm minh toàn diện năm 2019 gồm: Một, đi sâu quán triệt thực hiện tinh
thần Đại hội XIX, không ngừng tăng cường vũ trang tư tưởng; Hai, tăng cường xây
dựng chính trị trong Đảng, bảo đảm toàn đảng tập trung thống nhất kỷ luật
nghiêm minh; Ba, biểu dương mạnh mẽ tác phong ưu việt, đồng tâm hiệp lực thực
hiện tiểu khang; Bốn, kiên quyết trừng trị tham nhũng, củng cố phát triển thắng
lợi mang tính áp đảo; Năm, tăng cường trách nhiệm của chủ thể, hoàn thiện hệ thống
giám sát; Sáu, tập trung xử lý đối với tác phong sai trái và vấn đề tham nhũng
bên cạnh quần chúng, bảo vệ lợi ích thiết thân của quần chúng.
- Tiếp tục duy trì cường độ ổn định trong hoạt động chống
tham nhũng. Ngay trong tháng 1-2019, đã có 2 cán bộ cấp trung ương quản lý nhận
được thông báo thẩm tra kỷ luật và điều tra giám sát do vi phạm nghiêm trọng kỷ
luật và pháp luật, đó là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh và Ủy
viên Ban Cán sự Đảng Hội KHKT Trung Quốc Trần Cương. Hai cán bộ bị xử lý khai
trừ đảng tịch và chức vụ là Tăng Chí Quyền - nguyên Trưởng ban Mặt trận thống
nhất Thường vụ tỉnh ủy Quảng Đông và Vương Nhĩ Trí - nguyên Phó Chủ tịch Chính
hiệp tỉnh Cát Lâm. Qua việc cách chức và tiến hành điều tra các đối tượng
trên có thể nhận thấy rằng, sau khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” giành được
“chiến thắng áp đảo”, ông Tập Cận Bình tiếp tục mở rộng diện cũng như nội dung
chống tham nhũng, đánh vào thói tắc trách và chống đối của quan chức ở địa
phương. Đặc biệt, việc chống lại chủ nghĩa quan liêu và chủ nghĩa hình thức chắc
chắn sẽ được chính quyền Trung ương triển khai mạnh tay trong năm 2019.
- Thúc đẩy công tác đi sâu cải cách theo từng lĩnh vực,
trong đó lĩnh vực chính trị đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cải cách
“buông – quản – phục vụ”, tăng cường việc cắt giảm các hạng mục xét duyệt hành
chính, đơn giản hóa, khoa học hóa và tiện lợi hóa thủ tục phê duyệt bằng cách đẩy
mạnh xây dựng và áp dụng rộng rãi kênh “internet+dịch vụ hành chính công” thống
nhất trên toàn quốc. Điều này sẽ góp phần tích cực cho việc cải thiện môi trường
khởi nghiệp, kinh doanh, kích thích mạnh mẽ sức sống của các chủ thể xã hội và
thị trường. Đây là một trong những nhiệm vụ mục tiêu trong công tác của Chính
phủ năm 2019.
- Đẩy nhanh thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc quân sự,
đứng trên khởi điểm lịch sử mới làm tốt công tác chuẩn bị đấu tranh quân sự.
Ngày 4-1-2019, tại Hội nghị công tác quân sự của Quân ủy Trung ương, Tập Cận
Bình đã nhấn mạnh, toàn quân phải lấy tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời
đại mới làm chỉ đạo, đi sâu quán triệt phương châm chiến lược quân sự thời đại
mới, đứng trên khởi điểm mới làm tốt công tác chuẩn bị đấu tranh quân sự, mở ra
cục diện mới trong sự nghiệp cường quân.
Để phục vụ cho mục đích cường quân, ngân sách quốc phòng
của Trung Quốc năm 2019 sẽ tăng 7,5% so với năm 2018, tương đương 1,19 nghìn tỷ
NDT (khoảng 177,5 tỷ USD). Phát biểu tại Kỳ họp Lưỡng hội 2019, Thủ tướng Quốc vụ
viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ thực hiện chiến lược
quân sự cho kỷ nguyên mới, tăng cường huấn luyện quân đội trong điều kiện chiến
đấu và bảo vệ vững chắc các lợi ích về chủ quyền, an ninh và sự phát triển của
Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược kết hợp quân sự với dân
sự, đồng thời đẩy nhanh nỗ lực đổi mới trong ngành khoa học và công nghệ liên
quan tới quốc phòng, tập trung vào nhiệm vụ “thúc đẩy quốc phòng và hiện đại
hóa quân đội toàn diện”. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, việc
Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quân đội như trên, cộng với khá niệm quốc
phòng mơ hồ “bảo vệ lợi ích phát triển của Trung Quốc” chắc chắn sẽ khiến các
quốc gia trong khu vực phải quan ngại, đặc biệt khi nước này ngày càng có nhiều
động thái quân sự hóa tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông hoặc tỏ ra cứng
rắn hơn trong vấn đề Đài Loan.
3. Về đối ngoại
Năm 2019, ngoại giao Trung Quốc sẽ tiếp tục giương cao ngọn
cờ “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh”.. xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới... tổ
chức tốt Diễn đàn hợp tác quốc tế “vành đai, con đường” lần thứ 2,.. tích cực
tham gia và dẫn dắt quản trị toàn cầu..chủ động phục vụ cải cách mở cửa..
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Kỳ họp Lưỡng Hội vào
tháng 3 năm 2019, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tiến hành trả lời 21 câu hỏi của
các phóng viên.
Thông điệp ngoại giao của Ngoại trưởng Trung Quốc xoay quanh những vấn đề về quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc
và các nước láng giềng, và việc thực hiện ngoại giao trong một trật tự thế giới
đang thay đổi nhanh. Vương Nghị đã ca ngợi mối quan hệ của Trung Quốc với
Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên và các quốc gia Đông Nam Á. Đồng thời tìm
cách giảm bớt mối lo ngại ngày càng tăng đối với BRI của Trung Quốc, cũng như sự
quyết đoán ngày càng lớn của các nhà ngoại giao Trung Quốc trên khắp thế giới. Vương Nghị cũng đã nhắc tới Hội nghị thượng
đỉnh Mỹ-Triều vào tháng trước, căng thẳng bùng nổ giữa Ấn Độ và Pakistan, các
cuộc đàm phán về tranh chấp Biển Đông và tình hình xấu đi ở Venezuela. Nhìn
chung, phần phỏng vấn của Ngoại trưởng Vương Nghị thể hiện cách tiếp cận của
ngoại giao Trung Quốc đối với một thế giới đang thay đổi. Đó là một phương pháp
mang lại sự ổn định và nhất quán, đồng thời đưa ra các phương tiện sáng tạo để
giải quyết các thách thức của thế kỷ 21.
Hội nghị thường niên BFA 2019 diễn ra từ ngày 26-29/3/2019
tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, với chủ đề “Chung vận mệnh, cùng hành động, phát
triển chung.” BFA 2019 đã tổ chức hơn 50 diễn đàn và hội nghị bàn tròn, tập
trung vào 5 nội dung chính, gồm: nền kinh tế thế giới mở; chủ nghĩa đa phương,
hợp tác khu vực và quản trị toàn cầu; động lực sáng tạo; phát triển chất lượng
cao và các điểm nóng. Hơn 2.000 đại biểu, gồm các quan chức chính phủ, doanh
nghiệp và chuyên gia học giả đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế
giới đã tham dự Hội nghị. Trong bài phát biểu quan trọng của mình, Thủ tướng Lý
Khắc Cường đã khẳng định “Mở cửa ra thế giới bên ngoài là chính sách quốc gia
cơ bản của Trung Quốc. Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài,
thiết lập khuôn khổ cơ bản của hệ thống pháp luật đầu tư nước ngoài của Trung
Quốc trong thời đại mới và đưa ra các quy định thống nhất về tiếp cận, xúc tiến,
bảo vệ và quản lý đầu tư nước ngoài. Đây là một biện pháp quan trọng để Trung
Quốc tạo ra một môi trường kinh doanh hợp pháp, quốc tế và thuận tiện.” Bài phát biểu của thủ tướng Trung Quốc
trùng với thời điểm bắt đầu một vòng đàm phán thương mại cấp cao mới giữa Trung
Quốc và Mỹ ở Bắc Kinh khi cả hai bên cùng hướng tới một thỏa thuận chấm dứt cuộc
chiến thuế quan kéo dài hàng tháng.
Với những hoạt động ngoại giao nổi bật đã diễn ra từ đầu
năm như trên, năm 2019, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có xu hướng ổn định và giảm
bớt các căng thẳng trong các mối quan hệ và các vấn đề ngoài Mỹ, nhằm tập trung
giải quyết những thách thức chiến lược cốt lõi do Mỹ đặt ra. Từ tháng 1 đến
tháng 4 năm 2019, giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra nhiều vòng đàm phán giải quyết
căng thẳng thương mại. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cọ xát và giằng co thương mại
trong năm 2019.
Hiện nay, quan hệ Trung – Nhật, Trung - Ấn cũng đã có những
cải thiện. Xu hướng trong năm 2019, Trung Quốc tiếp tục bàn thảo với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử COC. Trung Quốc và Mỹ tiếp
tục gia tăng các hoạt động và cạnh tranh tại Biển Đông. Đối với BRI, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai tích cực
sáng kiến này. Diễn đàn hợp tác quốc tế cấp cao “Vành đai, con đường” được tổ
chức cuối tháng 4 năm 2019.
PV.
https://tuoitre.vn/thay-gi-tu-ky-hop-luong-hoi-trung-quoc-20190310110231756.htm
Công báo thống kê Trung Quốc năm 2018/
http://www.xinhuanet.com/fortune/2019-02/28/c_1124177588.htm
Công báo thống kê Trung Quốc 2018/
http://www.xinhuanet.com/fortune/2019-02/28/c_1124177588.htm
http://yuanchuang.caijing.com.cn/2018/0704/4480906.shtml