TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9373965
 
HỘI NGHỊ - HỘI THẢO
Hội thảo khoa học Trung Quốc năm 2008 và triển vọng năm 2009 (11/05/2009)

        Thành phố Hải Phòng phồn vinh từ thời thuộc Pháp và hiện nay là một trong những trung tâm thương mại, kinh tế của cả nước. Trên mảnh đất ấy,  ngày 22 tháng 3 năm 2009, Viện Nghiên cứu Trung Quốc phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hải Phòng tổ chức hội thảo “Trung Quốc năm 2008 và triển vọng năm 2009”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện Nghiên cứu Trung Quốc, các học giả nước ngoài. Về phía Hải Phòng có PGS. TS Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng; ông Nguyễn Ngọc Thao, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hải Phòng, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội Hải Phòng và các đại biểu đại diện Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hải Phòng.

Sau báo cáo đề dẫn của PGS. TS Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Hội thảo đã lần lượt nghe các báo cáo, và tiến hành thảo luận về các vấn đề cơ bản như sau:

Hội thảo đã nghe bản báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đối ngoại Trung Quốc của PGS. Nguyễn Huy Quý. Bản báo cáo đã nhấn mạnh những nét mới, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc trong năm 2009; tác động của tình hình kinh tế thế giới và khó khăn nội tại của Trung Quốc đến tốc độ tăng trưởng, cục diện chính trị – xã hội và chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong báo cáo, PGS. Nguyễn Huy Quý cũng đưa ý kiến dự báo khả năng phát triển của Trung Quốc trong năm 2009 trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn nghe 10 báo cáo liên quan đến các mảng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, ngoại giao, an ninh của Trung Quốc.

1. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, ngoại giao, an ninh của Trung Quốc năm 2008 và triển vọng năm 2009. Với nhan đề “Xã hội Trung Quốc năm 2008 – 2009”, TS. Hoàng Thế Anh khẳng định: mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 ảnh hưởng rất lớn đến các nước trên thế giới về mọi mặt, song nhìn chung xã hội Trung Quốc năm 2008 cơ bản ổn định, trật tự an ninh có chuyển biến tốt, đời sống nhân dân được cải thiện. Th.S Hà Thị Hồng Vân đưa ra dự báo: Trung Quốc sẽ đứng trước nhiều áp lực ngày càng lớn của môi trường trong và ngoài nước, năm 2009 là năm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Trong báo cáo về văn hoá, TS. Nguyễn Thu Phương đã tổng kết những thành tựu cơ bản của Văn hoá Trung Quốc năm 2008 như xây dựng hệ thống Học viện Khổng Tử tại một số quốc gia trên thế giới, xuất khẩu các sản phẩm văn hoá, công tác bảo vệ di sản, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Thế vận hội Olimpic Bắc Kinh 2008 – Trung Quốc gia tăng “sức mạnh mềm văn hoá”. Th.S  Đặng Thuý Hà kết luận tình hình chính trị Trung Quốc năm 2008 về mặt thể chế vẫn chưa được giải quyết, nhưng về cơ bản vẫn giữ được ổn định, tạo điều kiện cho Trung Quốc giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức.

2. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, Chiết Giang. Hội thảo đã nghe 5 báo cáo. Đáng chú ý nhất là báo cáo nhan đề “Mô hình Nghĩa Ô - Chiết Giang” của Th.S Nguyễn Hương Giang đã thu hút được sự quan tâm và thảo luận của các nhà khoa học. Liên quan đến vấn đề này còn có bài tham luận của ngài Chu Tổng, Giám đốc Công ty hữu hạn đầu tư Tử Lộc. Báo cáo đã trình bày kỹ càng mô hình phát triển Nghĩa Ô và khả năng vận dụng mô hình này ở thành phố Hải Phòng. Đây cũng là đề án hợp tác nghiên cứu giữa Viện KHXH Việt Nam, UBND thành phố Hải Phòng và Công ty hữu hạn đầu tư Tử Lộc, được triển khai từ năm 2008.

3. Những vấn đề khác.

Tại Hội thảo, các học giả đã nghe và thảo luận một số vấn đề đáng quan tâm khác trong năm 2008 như: quan hệ Việt – Trung, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan năm 2008 và triển vọng, quan hệ thương mại giữa Hải Phòng và Trung Quốc, tình hình các khu công nghiệp ở Hải Phòng, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đối với Việt Nam và Trung Quốc, khả năng áp dụng mô hình Nghĩa Ô - Chiết Giang tại thành phố Hải Phòng.

Tại Hội thảo, PGS. TS Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng đã khẳng định ý nghĩa thực tiễn của cuộc Hội thảo lần này, gắn tình hình, kinh nghiệm của Trung Quốc vào với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Ông tỏ lòng mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa thành phố Hải Phòng với Viện Nghiên cứu Trung Quốc và hy vọng Viện Nghiên cứu Trung Quốc tiếp tục phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hải Phòng mở rộng hơn phạm vi và quy mô của các cuộc Hội thảo tương tự trong thời gian tới.

 Kết thúc Hội thảo, PGS. TS Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc khẳng định lại một lần nữa: Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, đã tổng kết những vấn đề cơ bản của Trung Quốc năm 2008, đưa ra được những định hướng và dự đoán về tình hình Trung Quốc năm 2009, từ đó đúc rút  những kinh nghiệm có thể tham khảo, vận dụng với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng./.

Nguyễn Vượng




Các tin khác

 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn