TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9397520
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường đến thăm và nói chuyện tại Viện nghiên cứu Trung Quốc (28/09/2009)

    Nhận lời mời của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, sáng ngày 31 tháng 8 năm 2009, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc về quan hệ Trung – Việt và tình hình kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2009.



1. Về quan hệ Trung –Việt, Đại sứ Trung Quốc cho rằng, tháng 5 năm 2008, Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, hai bên đã định vị quan hệ Trung Quốc – Việt Nam là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đây là một định vị mới, phương hướng rõ ràng, các bộ ngành hai bên cần hiểu rõ nội hàm của nó.


Trong quan hệ Trung – Việt năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, Đại sứ Trung Quốc đã đưa ra một số con số nói lên quan hệ giữa hai nước, như: đã có
trên 100 đoàn đại biểu các cấp của hai nước thăm viếng lẫn nhau, trong đó có cả các đoàn về Đảng, chính quyền, quân đội.


Về quan hệ kinh tế thương mại, năm 2008 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 21,1 tỷ USD. Trung Quốc 5 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2009 tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt trên 8 tỷ USD.  Năm 2010 là năm hữu nghị Việt – Trung,  hai nước cố gắng nâng kim ngạch xuất nhập khẩu lên đạt 25 tỷ USD.

Hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng phát triển rất nhanh. Về giáo dục, lưu học sinh Trung Quốc ở Việt Nam có đến hơn 100 người, còn lưu học sinh của Việt Nam  ở Trung Quốc là khoảng trên 10.000 người, xếp thứ tư trong số các nước trên thế giới có lưu học sinh học tập tại Trung Quốc (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ).

Về vấn đề biên giới trên đất liền, sau 8 năm nỗ lực, hai bên đã hoàn thành  công tác phân giới cắm mốc, biến đường biên giới hai nước thành đường biên giới hoà bình, ổn định và phát triển, có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới.

2. Về tình hình phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2009, sau khi trình bày về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu  đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là ảnh hưởng đến kinh tế đối ngoại của Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc trình bày một số biện pháp ứng phó của Chính phủ Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng tài chính. Như:

Chính phủ Trung ương Trung Quốc đã đưa ra gói kích cầu 4000 tỷ NDT, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề dân sinh, ngoài ra chính quyền ở các địa phương của Trung Quốc còn đầu tư khoảng 6000 tỷ NDT. Đồng thời, Trung Quốc cũng thực hiện việc nới lỏng chính sách tiền tệ, cho các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư nâng cấp các doanh nghiệp, đầu tư cải tạo kỹ thuật ở các doanh nghiệp. Khuyến khích các ngành văn hoá, giao thông công cộng phát triển, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm, như xe điện v.v…Điều chỉnh cục diện phân phối ở Trung Quốc, tăng thu nhập cho người dân có thu nhập thấp. Theo quan sát của Đại sứ Trung Quốc trong chuyến về nước gần đây,  một số siêu thị tại Bắc Kinh hiện nay đưa ra biện pháp kích cầu như thu mua và đổi hàng điện tử cũ của người dân, người dân mang hàng điện tử cũ đến siêu thị bù thêm một số tiền có thể đổi được hàng điện tử mới. Đối với việc giải quyết vấn đề việc làm hiện nay, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế sa thải công nhân, thu hút việc làm trong xã hội bằng cách cho người lao động vào các doanh nghiệp làm việc, rồi sau đó mới giải quyết các vấn đề khác như  tiền lương, phúc lợi xã hội v.v…Riêng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, khẩu hiệu được nêu lên là “việc làm trước, nghề nghiệp sau”, khuyến khích sinh viên đến các vùng sâu, vùng xa, đến doanh nghiệp làm việc để có thu nhập, chưa cần phải đúng ngành đúng nghề.

Khi được hỏi Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, cho các doanh nghiệp vay vốn một cách dễ dãi liệu có xảy ra tình trạng khủng hoảng tài chính như Mỹ vừa qua hay không? Đại sứ Trung Quốc đã cho rằng, Trung Quốc khác với Mỹ về văn hoá, văn hoá người phương Đông trong đó có Trung Quốc là tiết kiệm, ít tiêu dùng, còn văn hoá của Mỹ thì ngược lại, người Mỹ thích tiêu dùng, ít tích luỹ dự trữ, do vậy tiền mà Chính phủ Trung Quốc đầu tư ra sẽ không bị rơi vào tình trạng bị người dân vay tiền tiêu dùng lãng phí. Hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc cũng đặt ra những tiêu chí để cho các doanh nghiệp vay tiền và các doanh nghiệp phải lập các dự án khả thi, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc thì mới được vay tiền. 

Tóm lại, buổi trao đổi với Đại sứ Trung Quốc giúp các cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc hiểu thêm được quan điểm của Chính phủ Trung Quốc về quan hệ Trung – Việt và những vấn đề nổi bật về kinh tế xã hội của Trung Quốc trong 6 tháng vừa qua. Đồng thời, qua đây cũng góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc với Đại sứ quán Trung Quốc nói riêng,  giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung.

                                                                                            Thế Anh



Các tin khác

Viện Nghiên cứu Trung Quốc thăm và khảo sát xã Tân Thanh(Lạng Sơn) (16/03/2009)
Thông tin bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước (05/02/2009)
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2008 của Viện Nghiên cứu Trung Quốc (08/01/2009)
Viện Nghiên cứu Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thành lập (1993 -2008) (31/12/2008)
15 người ngoại quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc (19/12/2008)
Chuyến công tác trao đổi khoa học tại Singapore và Malayxia (27/11/2008)
Chuyến thăm và khảo sát của cán bộ Viện Nghiên Cứu Trung Quốc tại hai tỉnh Quảng Tây và Hải Nam - Trung Quốc (03/07/2008)
Toạ đàm khoa học “Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI” (28/04/2008)
Sự trỗi dậy của những tầng lớp xã hội mới là tiêu chí của xã hội phát triển (28/02/2008)
Đại hội 17 Đảng cộng sản Trung Quốc qua nhận định của nhà khoa học Nga (25/02/2008)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn