TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9289182
 
THƯỜNG THỨC TQ HỌC
Trung Quốc trong khu vực: Vị thế và thách thức (16/06/2010)

Mở đầu

Trung Quốc đã trỗi dậy, thay đổi và lớn mạnh không ngừng sau 30 năm cải cách mở cửa. Cùng với quá trình đó, Trung Quốc ngày càng mở rộng không gian quan hệ quốc tế, trở thành đối tác kinh tế, chính trị quan trọng của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc sẽ còn vươn lên mạnh mẽ hơn nhiều trong thế kỷ XXI, trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký trên trường quốc tế - cả về kinh tế lẫn vai trò chính trị. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt trước những khó khăn trong nước cũng như trong quan hệ với các nước, nhất là các nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Trung Quốc. Cả thành công, cơ hội và khó khăn, thách thức đều đặt Trung Quốc trước một nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề để thể hiện vị thế nước lớn của mình.

I. Vai trò và vị thế của Trung Quốc ở châu á

Bằng sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc ngày càng có vị thế quan trọng, không thể thiếu trong các mối quan hệ quốc tế và khu vực. Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 38 quốc gia Đông á, Đông Nam á, Nam á và Tây á. Các mối quan hệ này ngày càng được gia tăng lòng tin về chính trị và hợp tác toàn diện, chặt chẽ về kinh tế.

1. Vị thế kinh tế thương mại của Trung Quốc ở châu á

Với tiềm năng kinh tế của mình, Trung Quốc ngày càng đẩy nhanh tốc độ và mở rộng không gian hợp tác kinh tế thương mại với các quốc gia châu á. Mục tiêu mà Trung Quốc theo đuổi là tranh thủ tối đa ưu thế của đối tác và nâng cao vị thế kinh tế thương mại của mình trong khu vực. Điều đó được thể hiện trên một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, tạo dựng các cơ chế hợp tác toàn diện. Có thể khẳng định: sức mạnh và tiềm năng kinh tế đã khiến Trung Quốc xây dựng được các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại ngày càng hoàn thiện với các quốc gia châu á. Sau gần 30 năm mở cửa, Trung Quốc đã ký với các nước châu á trên 50 cơ chế đối thoại, đàm phán kinh tế thương mại đa phương và song phương. Ví như: cơ chế hợp tác 10+1 (Trung Quốc – ASEAN), 10+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc – ASEAN) Uỷ ban hỗn hợp kinh tế song phương; cơ chế hợp tác đầu tư song phương… với các nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ký kết hiệp định tự do thương mại, kế hoạch phát triển kinh tế thương mại trung và dài hạn với nhiều nước và khối nước như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan… Những cơ chế và kế hoạch kể trên đã trở thành nhân tố đảm bảo cho mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương và đa phương giữa Trung Quốc với các quốc gia châu á phát triển liên tục và ổn định.

Thứ hai, hợp tác mậu dịch và đầu tư phát triển với tốc độ nhanh. Hơn mười trở lại đây, ngày càng có nhiều nước trong khu vực châu á chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối tác quan trọng cần khai thác. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các quốc gia châu á tăng từ 7,4 tỷ USD năm 1978 lên 757,9 tỷ USD vào năm 2007, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch mậu dịch của Trung Quốc. Riêng năm 2008, tổng kim ngạch mậu dịch Trung Quốc – châu á đạt hơn 136 tỷ USD, tăng 149% so với năm 2007. Trong đó xuất khẩu đạt 663 triệu USD tăng 16,6%; nhập khẩu đạt 703 triệu USD, tăng 13,3% so với năm 2007. Những bạn hàng lớn thuộc tốp đầu của Trung Quốc trong những thập niên qua là Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc và ấn Độ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu á, đặc biệt là đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Xinhgapo. Khối lượng đầu tư của các nước châu á vào Trung Quốc năm 1982 mới đạt 180 triệu USD, năm 2007 đã tăng 66 lần, đạt 12 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã thu nhận từ châu á 120 nghìn hạng mục đầu tư, với tổng giá trị hợp đồng là 297,2 tỷ USD, kim ngạch đầu tư thực tế đạt 149 tỷ USD, tăng lần lượt 19,1%, 17,4% và 19,5%.

Trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài nói chung, châu á nói riêng, Trung Quốc khởi đầu muộn, song đã có xu thế tăng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo thống kê, năm 2002, đầu tư của Trung Quốc đến các nước châu á đạt 1,16 tỷ USD; năm 2007 đạt 8,65 tỷ USD, tăng 6 lần trong 5 năm. Đặc biệt, trong năm 2007, đầu tư thực tế của Trung Quốc sang các nước châu á đạt con số 2,44 tỷ USD, tăng 251,5% so với năm 2006. Pakistan, Hàn Quốc, Xinhgapo, Irac, Việt Nam là những đối tác đầu tư trọng điểm của Trung Quốc.

Nói tóm lại, Trung Quốc ngày càng có vai trò và ảnh hưởng to lớn trong hợp tác kinh tế khu vực. Hầu hết các quốc gia châu á đều tìm kiếm cơ hội thiết lập và mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc. Bởi Trung Quốc không chỉ có ưu thế nổi trội về thị trường, mà còn có tiềm lực phát triển mạnh mẽ, đầy triển vọng, sau những thành quả đạt được trong công cuộc cải cách mở cửa nền kinh tế đất nước. Trung Quốc cũng ngày càng ý thức rõ ràng hơn về vị trí và vai trò của mình trong đời sống kinh tế khu vực nói riêng, đời sống kinh tế thế giới nói chung.

2. Vị thế chính trị ngoại giao của Trung Quốc ở châu á

Chiến lược ngoại giao toàn cầu của Trung Quốc được hình thành từ 4 trục cơ bản: ngoại giao láng giềng, ngoại giao nước lớn, ngoại giao khu vực và ngoại giao đa phương. Trong đó ngoại giao khu vực có thể được xem như điểm tựa để nâng vị thế chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế. Cần nhấn mạnh hai phương diện quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc với các nước châu á như sau:

2.1. Sự đổi mới tư tưởng đối ngoại đã nâng tầm địa vị của Trung Quốc trong khu vực

So với thời đại Mao Trạch Đông, tư tưởng chiến lược đối ngoại Đặng Tiểu Bình và các thế lãnh đạo sau ông đã có sự thay đổi căn bản. Từ đường lối “nhất biên đảo” – khi nghiêng về Liên Xô, lúc nghiêng về Mỹ, Trung Quốc đã thực hiện tích cực chính sách đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Mục tiêu của Trung Quốc là tranh thủ tối đa ưu thế và sự ủng hộ, hợp tác của các nước, vì mục tiêu phát triển đất nước và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Trung Quốc chủ trương “cải thiện và phát triển quan hệ với các nước phát triển…, tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng…, tăng cường đoàn kết và hợp tác với thế giới thứ ba…, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, phát huy vai trò tại Liên hợp quốc…

 Trước mối quan ngại của thế giới về “mối đe doạ từ Trung Quốc”, tập thể lãnh đạo nước này đã đưa ra quan điểm “Trung Quốc trỗi dậy hoà bình” (sau này là quan điểm “phát triển hoà bình”), nhằm xây dựng một “thế giới hài hoà”. Theo GS. Thời Ân Hoằng (Shiyinhong): “Sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc trước hết và chủ yếu trong khu vực; diễn đàn quan trọng số một luôn là khu vực châu á, đặc biệt là Đông á, sau đó là Trung á và Nam á… Diễn đàn lớn nhất này nhằm mục tiêu tạo cơ hội để Trung Quốc chí ít phải tham dự được vào cơ chế an ninh đa phương tại một số tiểu vùng chủ yếu, tương tự như vậy là cơ chế hợp tác kinh tế đa phương trong các tiểu vùng châu á.” Khái niệm “thế giới hài hoà” vừa thể hiện tư tưởng ngoại giao hoà bình, vừa thể hiện ý tưởng tạo lập một trật tự thế giới mới của Trung Quốc. Muốn thế, Trung Quốc đương nhiên phải thể hiện vai trò nước lớn trong quan hệ quốc tế, trước hết là vai trò trong khu vực.

Chính sự đổi mới về tư tưởng và chính sách đối ngoại đã khiến Trung Quốc ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Trung Quốc đã tổ chức và duy trì đều đặn diễn đàn đối thoại cấp cao với các tổ chức quốc tế hoặc khu vực như Tổ chức hợp tác Thượng Hải, đối thoại Trung Quốc – EU, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN,… Phương thức đối thoại giữa một nước lớn với một nhóm nước như vậy là điều đặc biệt trong quan hệ quốc tế, thể hiện vị thế không thể thiếu của Trung Quốc trên trường quốc tế.

2.2. Mở rộng tầm ảnh hưởng thực tế trong khu vực

Có thể nói, nền ngoại giao Trung Quốc hiện nay đã mang tầm vóc của nền ngoại giao nước lớn và ngày càng phát huy ảnh hưởng thực tế đối với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Trung Quốc không chỉ tận dụng cơ hội mở rộng và cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước mà còn chủ động tạo lập các kênh nâng cao tầm thế của Trung Quốc đối với từng quốc gia cũng như từng khối nước.

Từ thập niên cuối thế kỷ XX, Trung Quốc và Nhật Bản luôn cạnh tranh vị thế và tầm ảnh hưởng trong khu vực. Đó cũng là một nguyên nhân khiến quan hệ Trung - Nhật rơi vào tình trạng “kinh tế nóng, chính trị lạnh” vào những năm đầu thế kỷ XXI. Sau sự thay đổi trên chính trường Nhật Bản vào tháng 9-2006 và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Trung - Nhật hiện đã được xác định là “quan hệ đối tác hợp tác hữu nghị vì hoà bình và phát triển”. Nhưng, tranh giành vai trò chính trị tại châu á vẫn là điểm nhấn trong quan hệ Trung - Nhật. Trên thực tế, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc còn nhiều lĩnh vực thua kém Nhật Bản, song vị thế chính trị của Trung Quốc ngày càng có nhiều ưu thế hơn Nhật Bản.

II. Những thách thức đối với Trung Quốc trên con đường phát triển và hội nhập

Trung Quốc đang bước sang thời kỳ phát triển mới, với rất nhiều ưu thế vượt trội, với vị thế và vai trò ngày càng quan trọng như đã trình bày ở phần trên. Mặc dù vậy, trên chặng đường tiếp theo của mình, đồng thời với nhiều cơ hội thuận lợi chưa từng thấy, Trung Quốc phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó có những vấn đề nan giải, thách thức của công cuộc cải cách mở cửa, đòi hỏi Trung Quốc phải tìm biện pháp nhanh chóng tháo gỡ và khắc phục.

1. Trong lĩnh vực đối nội

1.1. Những bất cập trong lĩnh vực  xã hội

Nhờ phát triển mạnh mẽ về kinh tế nên đời sống người dân Trung Quốc nhìn chung được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo vẫn là bài toán khó đối với Trung Quốc trong thời gian dài tới đây. Trình độ phát triển giữa các vùng, nhất là miền Đông với miền Tây, thành thị với nông thôn đang có sự cách biệt quá lớn. Thu nhập bình quân đầu người tại các thành phố lớn cao gấp 3 đến 4 lần, thậm chí 5 lần so với các khu vực nông thôn; chất lượng sống của người dân miền Tây thấp hơn nhiều so với miền Đông, nhất là so với các thành phố mở cửa ven biển như Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu,… Thực trạng đó đã tạo nên hình ảnh “một nước Trung Hoa, hai xã hội”, theo cách nói của người Trung Quốc. Nghĩa là, người ta chứng kiến hai mức sống, hai trình độ phát triển xã hội hoàn toàn đối lập nhau ngay trên đất nước này – một phồn vinh, sung túc; một lạc hậu, nghèo nàn. Đây cũng là nguyên nhân hình thành và tồn tại cơ cấu giai tầng bất hợp lý, theo mô hình “kim tự tháp” hiện nay ở Trung Quốc. Theo đó, tầng lớp hạ lưu, yếu thế trong xã hội vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với tầng lớp trung lưu; nghèo khó vẫn là gánh nặng đeo đuổi phần đông cư dân lao động, nhất là nông dân và công nhân thu nhập thấp, nghề nghiệp không ổn định. Những vấn đề đó đương nhiên tạo mâu thuẫn không dễ điều hoà giữa các tầng lớp cư dân, ảnh hưởng trực tiếp đến bình diện ổn định xã hội, thậm chí có nguy cơ cản trở các bước đi trong cải cách.

Một câu hỏi đặt ra là: phải chăng thành quả của công cuộc cải cách chỉ dành cho một bộ phận cư dân Trung Quốc? Vậy công sức của những người lao động nghèo khổ được báo đáp ra sao? Đành rằng chênh lệch giàu nghèo là tình trạng chung, khó thoát khỏi của mọi nền kinh tế, nhưng với đất nước trên 1,3 tỷ dân, lại quá rộng lớn như Trung Quốc thì vấn đề này càng trở nên nan giải gấp nhiều lần. Đứng trước thực trạng đó, Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiệm vụ tối quan trọng là phát triển đất nước theo quan điểm “khoa học”, nhằm xây dựng một xã hội hài hoà, trong đó có sự hài hoà về lợi ích. Song dường như giải quyết vấn đề chênh lệch thu nhập còn là mục tiêu quá xa trong tương lai gần.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, xã hội Trung Quốc đang tồn tại một số hiện tượng không bình thường. Đó là: mâu thuẫn giữa các nhóm cư dân tăng; thu nhập của người lao động thiếu ổn định; nghề nghiệp bấp bênh; sức khoẻ cư dân không đảm bảo; chế độ dưỡng lão không hoàn bị; trật tự xã hội thiếu an toàn… Vì thế, sự nghiệp phát triển xã hội của Trung Quốc phải trả giá cao hơn. Nhiều cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cũng thống nhất ý kiến cho rằng, trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bất ổn đối với Trung Quốc thì yếu tố xã hội là đáng quan ngại hơn cả. Hoá giải các vấn đề xã hội nổi cộm là nhiệm vụ cấp thiết, cũng là lời thách đố gay gắt nhất đối với công cuộc hiện đại hoá đất nước của Trung Quốc hiện nay.

1.2. Những bất cập trong phương thức quản lý và vận hành bộ máy nhà nước

Trong tiến trình cải cách, Trung Quốc đã thực hiện một khâu cực kỳ quan trọng, đó là đổi mới phương thức quản lý nhà nước. Mục tiêu là thu hẹp chức năng quản lý kinh doanh, mở rộng chức năng dịch vụ xã hội của bộ máy công quyền. Tiêu chí của Trung Quốc là điều chỉnh quyền hạn nhà nước từ “vạn năng” sang “hữu hạn”, từ “can thiệp” sang “dịch vụ”, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, còn khá nhiều vấn đề cần  tháo gỡ.

Trước hết, mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh, sản xuất của các cơ quan hành chính nhà nước Trung Quốc còn khá nặng nề, nhất là tại các doanh nghiệp quốc hữu. Đó là tàn dư khó xoá bỏ từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung thời kỳ trước cải cách mở cửa. Nó không chỉ liên quan đến cung cách, thói quen cũ, mà còn là vấn đề quyền lợi của đội ngũ quan chức nằm trong bộ máy chính quyền.

Thứ hai, vì vẫn thiên về chức năng quản lý kinh tế nên Trung Quốc chưa chú trọng đúng mức đến chức năng dịch vụ xã hội của nhà nước. Điều đó khiến cho nhiều chính sách xã hội trở nên bất cập và kém hiệu quả. Chẳng hạn, mặc dù thực hiện nhiều nội dung cải cách, nhưng hệ thống an sinh xã hội, nhất là hệ thống dịch vụ công ở Trung Quốc vẫn còn rất khó khăn để hoàn thiện.

Thứ ba, quản lý hành chính nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu quả. Hiện tại, Trung Quốc vẫn bị xem là một trong số các quốc gia chưa có nền hành chính hiện đại. Nhiều thủ tục còn phức tạp, phiền hà; các khâu quản lý, nhất là quản lý tài chính chưa chặt chẽ, tình trạng lợi dụng kẽ hở luật pháp để làm ăn phi pháp, tham nhũng vẫn tương đối phổ biến. Bên cạnh đó, chức năng giám sát nhà nước còn nhiều yếu kém, trong khi giám sát xã hội lại vấp phải không ít trở ngại về cơ chế. Vì thế, các cơ quan công quyền cũng như người dân không thể kiểm tra, phát hiện kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong mọi lĩnh vực. Đó là một nguyên nhân khiến tình trạng tham nhũng ngày càng diễn ra nghiêm trọng và phức tạp.

1.3. Những bất cập trong vấn đề “tam nông”

So với trước cải cách, nông thôn Trung Quốc đã có bước tiến dài; tình trạng nghèo đói được giải quyết căn bản. Nhưng, Trung Quốc vẫn và sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức lớn trong tiến trình phát triển và hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Như trên đã trình bày, chất lượng sống và trình độ phát triển của nhiều vùng nông thôn Trung Quốc có mức cách biệt quá lớn so với thành phố. Đại đa số các vùng nông thôn Trung Quốc, nhất là khu vực miền Tây và miền Trung còn ở trong tình trạng lạc hậu, kém văn minh. Chế độ an sinh xã hội nông thôn, nhất là chăm sóc y tế cộng đồng còn rất nhiều bất cập, khiến người nông dân vẫn phải đối mặt với vấn đề nan giải, đó là “khám bệnh khó và chữa bệnh đắt”. Đặc biệt, đầu tư và chất lượng giáo dục tại các vùng nông thôn Trung Quốc nhìn chung rất thấp, không đủ đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển nông thôn mới hiện đại. Bên cạnh đó, do thu nhập thấp và không có việc làm ổn định nên số lượng nông dân ào ra thành phố kiếm việc làm ngày càng gia tăng. Thực tế đó làm nảy sinh hai vấn đề: Một là, bản thân nền sản xuất nông nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn vì thiếu lao động chủ lực; hai là, xuất hiện tình trạng phân hoá ngay trong nội bộ giai cấp nông dân. Trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, nhiều nông dân Trung Quốc do không duy trì được việc làm tại thành phố nên đã trở lại nông thôn, trong hoàn cảnh ruộng đất đã chuyển nhượng cho người khác. Đời sống nông thôn vì thế càng thêm khó khăn, bất ổn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là do tốc độ hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn chậm chạp; cơ chế nhị nguyên chưa thay đổi; nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nghề ở Trung Quốc. Có thể nói, đây là thách thức không hề nhỏ và đơn giản đối với Trung Quốc trên con đường phát triển và hội nhập, nhất là khi Trung Quốc đang phải thực hiện những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

2. Về đối ngoại

Như đã trình bày, vị thế và vai trò quốc tế của Trung Quốc trong những thập niên cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI được nâng cao chưa từng thấy. Hầu hết các quốc gia và khu vực đều có nhu cầu thiết lập và mở rộng hợp tác với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Nhưng dù thế nào, Trung Quốc vẫn đứng trước những áp lực lớn không thể không tính đến trong thời gian tới.

2.1. Xây dựng và giữ vững niềm tin với các quốc gia và khu vực

Đã có một thời gian, thế giới sôi nổi bàn luận về “thuyết đe doạ của Trung Quốc”. Trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc đã thiết lập được nhiều đối tác chiến lược với các nước, từ châu á, châu Âu đến châu Mỹ, châu Phi thì vấn đề này có phần lắng dịu hơn. Nhất là khi Trung Quốc tuyên bố xây dựng một “thế giới hài hoà” thì thế giới phần nào yên tâm hơn trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc. Tuy nhiên, đó chưa phải là niềm tin tuyệt đối của tất cả các quốc gia và khu vực. Người ta vẫn trăn trở một câu hỏi: Sự “trỗi dậy” của Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích và thua thiệt đến đâu cho các nước, nhất là các nước gắn quyền lợi trực tiếp với dân tộc khổng lồ này. Bởi thế, xây dựng và giữ vững niềm tin về một Trung Quốc “trỗi dậy hoà bình”, góp sức tạo lập một “thế giới hài hoà” là nhiệm vụ và trách nhiệm hết sức nặng nề, không hề đơn giản đối với Trung Quốc.

2.2. Tạo dựng hình ảnh chân chính về Trung Quốc

Có thể nói, Trung Quốc đã để lại ấn tượng tốt đẹp hơn rất nhiều so với trước thời kỳ cải cách. Một Trung Quốc lớn mạnh, tiềm năng, đang từng bước trở thành đối trọng phải tính đến của các cường quốc trên thế giới. Đã có quan điểm cho rằng, một trật tự thế giới mới có thể đang được hình thành, trong đó Trung Quốc là một quốc gia đóng vai trò chủ đạo. Dù như vậy thì Trung Quốc vẫn không thể né tránh những vấn đề do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh trong quan hệ với các nước xung quanh. Đó là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, tranh chấp lãnh hải và tài nguyên biển với Nhật Bản, tranh chấp biển đảo, tài nguyên với một số nước ASEAN ở Biển Đông, tranh chấp biên giới với ấn Độ… Các nước, nhất là các nước nhỏ luôn trông đợi vào cách ứng xử công bằng, chuẩn mực của Trung Quốc - với vị thế của một nước lớn. Đó là nhu cầu chính đáng của các nước, cũng là nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc. Đây là việc làm khó, bởi Trung Quốc phải xử lý thoả đáng quyền lợi của bản thân mình với quyền lợi của các nước khác, theo tiêu chí được Trung Quốc nhấn mạnh: hoà bình, cùng có lợi, cùng thắng. Không làm được điều đó, Trung Quốc rất khó tạo dựng và nâng cao được hình ảnh, tầm vóc của mình trên trường quốc tế.

2.3. Xử lý yếu tố quốc tế trong vấn đề Đài Loan

Từ sau khi Quốc dân đảng trở lại nắm quyền trên chính trường Đài Loan năm 2008, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan có sự điều chỉnh và cải thiện chưa từng thấy. Các cuộc toạ đàm trực tiếp giữa Hiệp hội quan hệ hai bờ (Đại lục) và Quỹ giao lưu hai bờ (Đài Loan) đã khai thông và làm ấm quan hệ hai bên. Nhưng về lâu dài, Đài Loan vẫn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ của Trung Quốc với các nước, đặc biệt là quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc trước sau như một đều kiên trì quan điểm thống nhất Đài Loan theo nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện quan điểm đó của Trung Quốc vẫn chưa thật sự được giải mã. Có thể nói, Đài Loan luôn là vấn đề có sức kiềm chế Trung Quốc trong quá trình cạnh tranh vai trò quốc tế giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản. Đây được coi là thách thức không nhỏ đối với Trung Quốc trong quá trình cạnh tranh vị thế quốc tế.

 Kết luận

Những thay đổi về đường lối phát triển đất nước và đường lối đối ngoại cùng thành quả sau 30 năm cải cách đã nâng cao chưa từng thấy tầm vóc và vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế. Thế giới thừa nhận và khâm phục trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, sau 3 thập niên đầu tìm kiếm, trăn trở con đường đi lên và phát triển của mình. Đồng thời với quá trình tăng tốc về kinh tế, Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội thuận lợi nhất để thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các quốc gia trên thế giới. Với vai trò nước lớn, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác quốc tế toàn diện, hiệu quả, theo phương châm “cùng thắng”. Hầu hết các nước đều có nhu cầu mở rộng và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không tránh khỏi những thách thức gay gắt, nan giải trước tình hình trong nước cũng như quan hệ đối ngoại. Những thách thức đó bao gồm cả yếu tố cản trở các bước đi của Trung Quốc trên con đường cải cách và hiện đại hoá đất nước; ảnh hưởng đến hình ảnh của một nước lớn, quan trọng như Trung Quốc.

Thế giới đang nghiên cứu khả năng phát triển của Trung Quốc để dự đoán vị thế, vai trò và đóng góp của quốc gia này trong thế kỷ XXI. Đây là việc làm hết sức quan trọng với từng quốc gia cũng như với từng khu vực và cả thế giới. Bởi sức mạnh tiềm tàng và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc có tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại của các nước, nhất là các nước trong khu vực.

Trung Quốc rất cần tạo dựng hình ảnh chân chính và niềm tin chân thực đối với thế giới; các quốc gia và khu vực cũng rất cần hiểu đúng, hiểu tường tận về Trung Quốc, vì mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả.

                                PGS.TS.Phùng Thị Huệ




Các tin khác

 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn