TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9287106
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Sáng tạo lý luận của hai đảng Trung - Việt từ thập kỷ 90 trở lại đây và mô hình Bắc Kinh - Hà Nội (16/06/2010)

Trong tiến trình thúc đẩy cải cách mở cửa và đổi mới, Đảng Cộng sản (ĐCS) hai nước Trung Quốc, Việt Nam đều coi trọng sáng tạo lý luận và đổi mới tư duy lý luận, trong quá trình tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và đi sâu nhận thức lý luận, đã hình thành lý luận XHCN đương đại và từng bước thực hiện mô hình phát triển hiện đại hóa của mình. Đồng thời, sáng tạo lý luận và đổi mới tư duy lý luận cũng như tìm tòi mô hình phát triển của hai Đảng Trung – Việt đã thúc đẩy quan hệ Trung – Việt không ngừng phát triển, cũng là nội dung quan trọng trong phát triển quan hệ hai nước.

I. BÔÍ CẢNH LỊCH SỬ TRONG SÁNG TẠO  VÀ ĐỔI MỚI LÝ LUẬNCỦA HAI ĐẢNG TRUNG - VIỆT 
1. Thực tiễn cải cách mở cửa của Trung Quốc, đổi mới của Việt Nam và kinh tế thị trường XHCN, hoạt động sáng tạo của quần chúng nhân dân là nguồn gốc và động lực căn bản cho sáng tạo lý luận của hai Đảng

Lý luận bắt nguồn từ thực tiễn, có tác dụng chỉ đạo linh hoạt đối với thực tiễn. Thực tiễn là nguồn cội duy nhất của lý luận, cũng là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý. Ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thực tiễn đi sâu cải cách mở cửa và đổi mới sống động của hai nước Trung - Việt đã thúc đẩy quá trình sáng tạo, đổi mới lý luận của hai Đảng không ngừng tiến lên phía trước.

Cải cách mở cửa của Trung Quốc bắt đầu từ Hội nghị toàn thể Trung ương 3 khóa 11 của Đảng năm 1978. Từ phát triển kinh tế hàng hóa có kế hoạch, đến bài nói chuyện ở miền Nam vào đầu thập kỷ 90 của Đặng Tiểu Bình và xác lập mục tiêu xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN của Đại hội XIV, Trung Quốc đã đi sâu và mở rộng cải cách mở cửa. Tìm tòi mang tính thể nghiệm đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ Hội nghị toàn thể Trung ương 6 khóa IV của ĐCS Việt Nam năm 1979, nhưng đổi mới mở cửa toàn diện lại bắt đầu từ Đại hội VI của ĐCS Việt Nam vào cuối năm 1986. Trên cơ sở đạt được những thành quả rõ rệt trong công cuộc đổi mới, giai đoạn đầu thập kỷ 90, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở thực tiễn thực hiện lâu dài cơ chế thị trường XHCN, đến tháng 4-2001, Đại hội IX của ĐCS Việt Nam đã xác lập mục tiêu lý luận và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Phát triển kinh tế thị trường XHCN là một việc làm xưa nay chưa từng có. Nó khiến thực tiễn cải cách và được đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia dưới sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc và ĐCS Việt Nam phong phú hơn, giàu tính sáng tạo hơn. Sự thay đổi lớn lao từ nông thôn đến thành thị, cải cách từ lĩnh vực kinh tế đến lĩnh vực chính trị, văn hóa, từ mở cửa từng bước đến toàn diện hơn sau khi gia nhập WTO, thực tiễn xây dựng kinh tế thị trường XHCN đã đem đến hàng loạt biến đổi to lớn, sâu sắc. Thực tiễn mới đòi hỏi lý luận mới, thực tiễn mới cần có lý luận mới chỉ đạo và tổng kết. Dưới điều kiện kinh tế thị trường XHCN, nhận thức đúng đắn CNXH như thế nào, kiên trì con đường XHCN như thế nào, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như thế nào, nhận thức về sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế như thế nào, chỉnh đốn Đảng và tổ chức Đảng, kiên trì tính tiên tiến của đảng viên, củng cố địa vị cầm quyền của Đảng, mở rộng cơ sở cầm quyền của Đảng như thế nào, nhận thức và thực hiện phát triển như thế nào, phát triển bằng phương thức gì, những vấn đề lớn mỗi nước phải đối mặt hoặc cùng đối mặt yêu cầu hai Đảng Trung - Việt không ngừng tìm tòi để có câu trả lời của mình trong lý luận và thực tiễn.

Tiến trình cải cách mở cửa, đổi mới mở cửa và hiện đại hóa của hai nước Trung - Việt có mấy đặc trưng giống nhau chủ yếu: Một là, đã lựa chọn mô hình phát triển tiệm tiến, đột phá trọng điểm và tiến hành từng bước, có tính giai đoạn, tính mở cửa và tính không đảo chiều, chứ không sử dụng “liệu pháp sốc”, tư hữu hóa toàn diện. Hai là, về thực chất, hai nước đều thông qua cải cách và mở cửa từng bước để thay đổi kinh tế kế hoạch tập trung cao độ truyền thống, tức là mô hình của Liên Xô - Việt Nam gọi đó là thể chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, từng bước xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN. Ba là, tiến hành cải cách và đổi mới kinh tế theo chế độ công hữu đã hình thành dưới mô hình kinh tế truyền thống trong các lĩnh vực về số lượng, quy mô, hình thức tổ chức, thể chế và cơ chế vận hành, thúc đẩy doanh nghiệp quốc hữu hướng đến thị trường, xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại, mở rộng phát triển kinh tế nhiều thành phần và lợi dụng vốn nước ngoài, đồng thời, luôn kiên trì địa vị chủ đạo của kinh tế quốc hữu. Bốn là, hướng đến nền kinh tế theo mô hình hướng ngoại, đón nhận làn sóng toàn cầu hóa, tham gia vào trật tự kinh tế quốc tế, hội nhập vào kinh tế quốc tế như gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Những đặc trưng thực tiễn này đã ảnh hưởng lớn đến sáng tạo lý luận và cải cách của hai Đảng Trung - Việt, cũng phản ánh tất cả những thành quả trong công tác lý luận của hai Đảng.

2. Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, thành quả của việc kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác – Lênin với thực tế Trung Quốc đã trở thành nền tảng tư tưởng sáng tạo lý luận của ĐCS Trung Quốc; Tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp Chủ nghĩa Mác Lê-nin với thực tiễn Việt Nam tạo nên thành quả lý luận của ĐCS Việt Nam

Thành quả lý luận kết hợp Chủ nghĩa Mác – Lênin với thực tiễn Trung Quốc trước thập kỷ 90 của thế kỷ XX thể hiện trước hết là Tư tưởng Mao Trạch Đông, sau đó là Lý luận Đặng Tiểu Bình. Tư tưởng Mao Trạch Đông ra đời trong thời kỳ cách mạng và xây dựng của Trung Quốc, Lý luận Đặng Tiểu Bình ra đời vào thời kỳ đầu cải cách mở cửa của Trung Quốc thập kỷ 80 của thế kỷ XX, đã tạo nên kiểu mẫu cho sáng tạo lý luận của ĐCS Trung Quốc từ thập kỷ 90 thế kỷ XX, cũng là nguồn cội trực tiếp để ĐCS Trung Quốc đề ra Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và Quan điểm phát triển một cách khoa học trong thập kỷ 90.

Nhìn từ tiến trình phát triển của lịch sử văn minh thế giới, tư tưởng xuất sắc và thành quả sáng tạo lý luận không phải xuất hiện vô căn cứ, mà đều là sáng tạo trên cơ sở kế thừa nối tiếp. Xét từ ý nghĩa này, Quan điểm phát triển một cách khoa học, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” vừa là sự kế thừa tiếp nối, vừa là không ngừng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình. Kế thừa tiếp nối là chỉ Quan niệm phát triển một cách khoa học; Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” là sự kéo dài tiếp nối của Chủ nghĩa Mác, Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình. Sáng tạo và phát triển là chỉ Quan điểm phát triển một cách khoa học, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” có nội dung và quan điểm mới, hình thành lý luận khoa học hoàn chỉnh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng cụ thể, tiếp nối và phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Tuy khái niệm Tư tưởng Hồ Chí Minh mới được chính thức sử dụng vào Đại hội VII ĐCS Việt Nam đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX nhưng trên thực tế Tư tưởng Hồ Chí Minh đã hình thành ngay từ thời kỳ Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thời kỳ cách mạng XHCN sau khi thành lập nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp nối lập trường và phương pháp của Chủ nghĩa Mác – Lênin về nguyên lý cơ bản và vấn đề quan sát, đồng thời nó còn tiếp nhận văn hóa truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam, như ảnh hưởng sâu sắc quan niệm dân bản, tư tưởng luân lý hiếu đễ của Nho gia, cũng chịu ảnh hưởng của một số lý luận tư tưởng và quan niệm của Trung Quốc, phương Tây cận hiện đại như Chủ nghĩa Tam dân Tôn Trung Sơn và quan niệm dân tộc, bình quyền của phương Tây. Nếu như nói trong điều kiện lịch sử khác nhau, Tư tưởng Hồ Chí Minh trước đổi mới của Việt Nam chủ yếu là trả lời cho Việt Nam có cần giành lấy độc lập dân tộc hay không, làm thế nào mới giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đi lên CNXH; còn Tư tưởng Hồ Chí Minh của ĐCS Việt Nam phát triển từ sau đổi mới lại chủ yếu giải quyết những vấn đề của Việt Nam trong giai đoạn quá độ đi lên CNXH lạc hậu kém phát triển như kiên trì đi theo con đường XHCN như thế nào, xây dựng CNXH như thế nào và thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào.

3. Trào lưu và xu thế phát triển của kinh tế tri thức đã thúc đẩy lãnh đạo hai Đảng Trung - Việt không ngừng tìm tòi sáng tạo và đổi mới lý luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông tin hóa và kỹ thuật cao ngày càng phát triển, một đặc trưng quan trọng trong biến đổi của thế giới đương đại chính là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức. Tri thức đã trở thành yếu tố cơ bản của sản xuất. Một số nước phát triển đã bước vào thời đại kinh tế tri thức. Đặc trưng quan trọng của kinh tế tri thức chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ và đổi mới nhanh chóng của tri thức, yếu tố tri thức có tỉ trọng ngày càng lớn trong sản xuất, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng trưởng của yếu tố tri thức trong đó bao gồm công nghệ cao, cho nên đã có bùng nổ tri thức, sáng tạo tri thức. Quốc gia nào nắm được quyền chủ động về sáng tạo tri thức, quốc gia đó sẽ giành được cơ hội phát triển. Ngược lại, một số quốc gia có khả năng bị gạt ra ngoài, không thực hiện chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại thì sẽ càng lạc hậu với thế giới hơn. Cho dù đã là nước phát triển hiện đại hóa cũng không dám lơ là trong thời đại kinh tế tri thức. Một số nước phát triển trong đó có Mỹ muốn duy trì địa vị cường quốc và lãnh đạo thế giới của mình cũng cần xây dựng hệ thống sáng tạo tri thức quốc gia, ra sức phát triển xa lộ thông tin cao tốc, thực hiện sáng tạo.

Từ thập kỷ 90 trở lại đây, sáng tạo tri thức là một xu thế quốc tế lớn. Đi theo và nắm bắt xu thế phát triển này, đồng thời khởi xướng và thúc đẩy  sáng tạo tri thức, đưa ra quyết sách quan trọng về hệ thống sáng tạo quốc gia, tập thể lãnh đạo ĐCS Trung Quốc hết sức coi trọng sáng tạo lý luận, sáng tạo thể chế, sáng tạo khoa học kỹ thuật, sáng tạo quan niệm, sáng tạo văn hóa. Trong các lĩnh vực sáng tạo, sáng tạo lý luận chiếm vị trí hàng đầu, dẫn dắt phát triển sáng tạo ở các lĩnh vực khác. ĐCS Việt Nam cũng hết sức coi trọng kinh tế tri thức và xây dựng lý luận, coi xây dựng lý luận là nội dung quan trọng của các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc, từ Đại hội VII trở lại đây. Từ khá sớm, Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, thành lập tổ chức lãnh đạo Trung ương chuyên phụ trách công tác xây dựng lý luận – Hội đồng Lý luận Trung ương. Tháng 4-2003, Trung ương ĐCS Việt Nam lại thành lập Ban chỉ đạo tổng kết lý luận, phụ trách toàn bộ công tác tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới mở cửa. Tháng 4-2004, trong Báo cáo Đại hội X ĐCS Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh còn nhấn mạnh, phải “tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ra sức thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức”.

4. Phong trào XHCN thế giới thăng trầm, bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển của một số nước trên thế giới, các lý luận phát triển đã gợi mở sâu sắc và nhắc nhở thiết thực cho sáng tạo, đổi mới lý luận của hai  Đảng Trung - Việt

Từ khi ra đời ở châu Âu, CNXH từ không tưởng đến khoa học, từ lý luận đến thực tiễn, từ một nước đến nhiều nước đã có mấy bước nhảy vọt lớn mang tính lịch sử. Trong thế kỷ XX, CNXH từng phát triển mạnh mẽ và đã thu được những thành tựu to lớn mang tính lịch sử cả về thực tiễn lẫn lý luận. Mặc dù giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Liên Xô đã từng thực hiện “cải cách tư duy mới” (Cải tổ), nhưng đến cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90, mô hình Liên Xô với đặc trưng là chế độ công hữu đã hoàn toàn gạt bỏ các thành phần kinh tế khác và kinh tế kế hoạch tập trung cao độ đã đi vào ngõ cụt. “Cải tổ”, thay đổi của Liên Xô và một số nước Đông Âu gây nên chấn động cho Trung Quốc và Việt Nam, trong đó thử nghiệm đổi mới vào giữa thập kỷ 80 và đổi mới toàn diện từ thập kỷ 90 của Việt Nam chính là sự thể hiện ảnh hưởng trực tiếp của những biến đổi từ bên ngoài này.

Một biến đổi quan trọng trong lịch sử thế giới sau chiến tranh chính là từng bước giảm bớt khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn, lực lượng hòa bình không ngừng lớn mạnh, một số nước đã nắm bắt cơ hội để phát triển, ra sức thực hiện tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Đầu thập kỷ 80, Đặng Tiểu Bình nhạy bén nắm bắt thay đổi của thời đại, nhìn xa trông rộng chỉ ra “hòa bình và phát triển là hai chủ đề lớn của thế giới ngày nay”. Từ thập kỷ 90, rất nhiều nước trong đó có các nước phát triển từng bước nhận thức được tính cấp bách của phát triển, theo đuổi phát triển đã trở thành dòng chảy cuồn cuộn của thế giới. Đánh mất cơ hội sẽ bị quẳng ra ngoài dòng chảy của thế giới, không thể đứng vững trên thế giới. Nắm bắt và tận dụng “thời cơ chiến lược”, “thời cơ vàng” hiếm hoi, thông qua biến đổi lớn nhất để phát triển, bảo vệ lợi ích quốc gia, cuối cùng thực hiện hiện đại hóa là mục tiêu hiện thực và lâu dài của rất nhiều nước đang phát triển, bao gồm Trung Quốc và Việt Nam, cũng chính là lợi ích căn bản của hai nước.

Trong thực tiễn các nước theo đuổi phát triển sau chiến tranh, đặc biệt là thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, có một số tấm gương thành công, cũng có không ít bài học thất bại, các nước phát triển cũng đứng trước một loạt vấn đề cần giải quyết. Mô hình phát triển “Trở về giả thuyết lịch sử của Mác” khiến các nước Đông Âu thực hiện cải cách cấp tiến quay về hệ thống tư bản chủ nghĩa phụ thuộc vào các nước phát triển phương Tây về kinh tế và chính trị. “Bẫy Mỹ La tinh” khiến người ta ý thức được tư hữu hóa không phải là thần dược để phát triển. “Bốn con rồng” châu á sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 hiện đang bị khủng hoảng tài chính thế giới tấn công khiến người ta càng nhận thức được sự nguy hại trong Quan điểm phát triển của chủ nghĩa tự do mới. Vấn đề môi trường sinh thái mà một số nước phát triển và đang phát triển đều phải đối mặt cho thấy chỉ có tăng trưởng kinh tế, chỉ đánh giá phát triển bằng con số GDP không phải là mục tiêu tốt nhất và lý tưởng nhất. Các lý luận phát triển sau chiến tranh (lý luận hiện đại hóa) bao gồm lý luận văn minh sinh thái, thuyết giới hạn tăng trưởng nhấn mạnh tài nguyên môi trường có hạn; quan niệm phát triển nhấn mạnh điều chỉnh biến đổi và kết cấu xã hội. Thuyết phát triển tổng hợp lấy con người làm trung tâm và quan niệm phát triển bền vững của Liên hợp quốc đưa ra vào đầu thập kỷ 90 đã lần lượt ra đời. Những quan niệm hoặc lý luận này đã có ảnh hưởng khác nhau đối với lý giải vấn đề phát triển, đi sâu nhận thức về lý luận phát triển của hai nước Trung - Việt. Từ Quan điểm phát triển một cách khoa học của Trung Quốc và ý thức phát triển bền vững của Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhìn thấy một số nhân tố của các lý luận hữu ích trên thế giới.

II. THÀNH QUẢ CHỦ YẾU CỦA SÁNG TẠO VÀ ĐỔI MỚI CỦA HAI ĐẢNG TRUNG - VIỆT

Tiếp sau thành tích to lớn trong cải cách mở cửa, đổi mới, do những biến đổi trong và ngoài nước, từ thập kỷ 90 thế kỷ XX, Trung Quốc và Việt Nam kiên trì thúc đẩy sự nghiệp cải cách và đổi mới của mình, không ngừng tìm tòi con đường phát triển phù hợp với tình hình đất nước, xây dựng kinh tế và phát triển xã hội đều giành được những thành tựu to lớn đáng khâm phục, sự nghiệp XHCN của mỗi nước đã có sức sống mạnh mẽ. Trong quá trình này, trên cơ sở thực tiễn cải cách, ĐCS hai nước Trung - Việt không ngừng thúc đẩy sáng tạo và đổi mới lý luận, hết sức chú trọng xây dựng hệ thống lý luận để chỉ đạo phát triển sự nghiệp XHCN của nước mình.

Thành quả sáng tạo lý luận của ĐCS Trung Quốc chủ yếu là hình thành hệ thống lý luận XHCN đặc sắc Trung Quốc. Hệ thống lý luận này bao gồm Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và Quan điểm phát triển một cách khoa học. Quan điểm phát triển một cách khoa học và Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” là thành quả quan trọng tiến cùng thời đại, không ngừng sáng tạo lý luận trong thực tiễn cải cách mở cửa từ thập kỷ 90 thế kỷ XX của ĐCS Trung Quốc. Tháng 11-2002, Đại hội XVI ĐCS Trung Quốc đã đưa Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” vào Điều lệ Đảng, trở thành tư tưởng chỉ đạo của Đảng cùng với Chủ nghĩa Mác, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình. Tháng 10-2007, Đại hội XVII ĐCS Trung Quốc đã đưa Quan điểm phát triển một cách khoa học vào Điều lệ Đảng, xác định là phương châm chỉ đạo quan trọng và tư tưởng chiến lược lớn.

Suy nghĩ từ góc độ lịch sử tư tưởng, mỗi hệ thống lý luận tư tưởng hoàn chỉnh đều phải có quá trình thai nghén, hình thành và phát triển của nó. Sự hình thành của Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” đã trải qua ba giai đoạn: Đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị từ Hội nghị toàn thể Trung ương 4 khóa XIII năm 1989 đến cuối năm 1999. Tập thể lãnh đạo Trung ương thế hệ thứ 3 của ĐCS Trung Quốc luôn suy nghĩ một loạt vấn đề quan trọng như làm thế nào  để lãnh đạo nhân dân phát triển sự nghiệp XHCN, thực hiện nhiệm vụ lịch sử phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, lấy bài nói chuyện ở miền Nam của Đặng Tiểu Bình vào đầu năm 1992 để thống nhất tư tưởng toàn Đảng, xác định mục tiêu xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN. Đồng thời, trong toàn Đảng đi sâu triển khai giáo dục “ba chú trọng” “chú trọng học tập, chú trọng chính trị, chú trọng chính khí”. Tiếp đến là giai đoạn đề ra Tư tưởng “Ba đại diện” từ đầu năm 2000 khi  Giang Trạch Dân đi thị sát miền Nam đến trước khi khai mạc Đại hội XVI. Giang Trạch Dân phát biểu ở Cao Châu, đưa ra yêu cầu của “Ba đại diện”, đánh dấu Tư tưởng quan trọng này đã được hình thành bước đầu. Sau cùng là giai đoạn xác lập và phát triển từ sau Đại hội XVI tháng 11-2002. Trong Báo cáo Chính trị Đại hội XVI, Giang Trạch Dân đã có khái quát mới và đi sâu trình bày Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”. Nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập ĐCS Trung Quốc năm 2003, Hồ Cẩm Đào có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ bản chất của Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” là xây dựng Đảng vì công, cầm quyền vì dân, điểm xuất phát và điểm dừng chân căn bản là thực hiện nguyện vọng của nhân dân, thỏa mãn nhu cầu của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, khiến tư tưởng này phong phú, phát triển hơn. Trước sau đó, Trung ương ĐCS Trung Quốc đã công bố “Thông tri về khơi dậy cao trào mới quán triệt học tập Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” trong toàn Đảng”, biên soạn “Cương yếu học tập Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện””. Nhìn từ tầng diện tư duy quan niệm và biểu hiện văn bản, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” đã được hệ thống hóa, lý luận hóa hơn.

Nội hàm của Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” phong phú, sâu sắc, đã trình bày một loạt vấn đề quan trọng như đường lối tư tưởng, con đường phát triển, giai đoạn phát triển, chiến lược phát triển, nhiệm vụ căn bản, động lực phát triển, lực lượng chủ yếu, chiến lược quốc tế, lực lượng lãnh đạo và mục tiêu căn bản trong xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, từng bước trả lời vấn đề thế nào là CNXH, xây dựng CNXH như thế nào, đã trả lời vấn đề xây dựng Đảng như thế nào, làm thế nào để xây dựng Đảng. Trên cơ sở này đã đề ra một loạt tư tưởng mới, quan điểm mới, luận đoán mới có liên hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Tư tưởng, quan điểm chủ yếu bao gồm: (1) Lý luận và quan điểm xây dựng toàn diện xã hội khá giả. (2) Biểu hiện tính chất của ĐCS Trung Quốc đó là “hai đội tiên phong”. (3) Yêu cầu bản chất lập Đảng vì công, cầm quyền vì dân. (4) Tư tưởng phát triển là nhiệm vụ hàng đầu để chấn hưng đất nước của đảng cầm quyền, bao gồm phát triển xây dựng kinh tế, phát triển hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa và phát triển hài hòa giữa con người với tự nhiên. (5) Phát triển đường tư tưởng bao gồm: giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại. (6) Lý luận về kinh tế thị trường XHCN. (7) Tư tưởng xây dựng nhà nước pháp trị, kết hợp giữa trị nước bằng pháp luật và trị nước bằng đạo đức. 8. Tư tưởng phát triển hài hòa giữa văn minh vật chất, văn minh chính trị và văn minh tinh thần… Nội dung chủ yếu của Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” là một chỉnh thể gắn bó với nhau, biện chứng thống nhất. Trình bày hệ thống, sâu sắc về nội dung chủ yếu trong các mặt của Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và mối liên hệ lẫn nhau, quan hệ biện chứng giữa chúng đã hình thành hệ thống lý luận của Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”.

Quan điểm phát triển một cách khoa học do tập thể lãnh đạo Trung ương mới đề ra dựa trên tình hình cơ bản của giai đoạn đầu CNXH ở Trung Quốc trong những năm gần đây, tổng kết thực tiễn cải cách và phát triển của Trung Quốc, xoay quanh những vấn đề mới, mâu thuẫn mới phải đối mặt trong phát triển, kế thừa truyền thống văn hóa ưu tú của dân tộc, học tập kinh nghiệm phát triển của nước ngoài, thích ứng với yêu cầu phát triển mới, trực tiếp kế thừa Tư tưởng quan trọng về phát triển của tập thể lãnh đạo thứ ba, đánh dấu nhận thức về quy luật phát triển kinh tế, xã hội của ĐCS Trung Quốc đã đạt đến tầm cao mới. Quan điểm phát triển một cách khoa học là sự kế thừa và phát triển lý luận phát triển kinh tế của Chủ nghĩa Mác, là sự thể hiện tập trung thế giới quan và phương pháp luận về phát triển của Chủ nghĩa Mác, là điển hình về vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của Chủ nghĩa Mác trong điều kiện mới, trở thành thành quả mới nhất của Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác. Việc tạo lập Quan điểm phát triển một cách khoa học không chỉ là bước nhảy vọt từ kế thừa đến sáng tạo Chủ nghĩa Mác, mà còn là bước nhảy vọt về phát triển CNXH từ tự giác thực tiễn đến tự giác lý luận.

Quan điểm phát triển một cách khoa học có tính kế thừa, tính thực tiễn, tính dân tộc và tính thời đại tươi mới. Cũng giống như Lý luận Đặng Tiểu Bình và Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, nó được sinh ra trong quá trình cải cách mở cửa, từ thực tiễn xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, liên hệ chặt chẽ với bước tiến của thời đại và phát triển của thực tiễn. Từ Đại hội XVI, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc  đã kết hợp chặt chẽ giữa biến đổi phát triển trong nước với quốc tế trong thế kỷ mới, nhằm vào đặc trưng mới mang tính giai đoạn đã xuất hiện trong phát triển của Trung Quốc, kiên trì lấy Lý luận Đặng Tiểu Bình và Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” làm chỉ đạo, đã đề ra một loạt tư tưởng và nhiệm vụ chiến lược quan trọng như lấy con người làm gốc, thực hiện phát triển một cách khoa học, xây dựng xã hội hài hòa XHCN, xây dựng nông thôn mới XHCN, xây dựng nhà nước mang tính sáng tạo, xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân XHCN, thúc đẩy xây dựng thế giới hài hòa, tăng cường xây dựng tính tiên tiến của Đảng, đi sâu quán triệt, thực hiện đặt Quan điểm phát triển một cách khoa học ở vị trí thống lĩnh. Đại hội 17 ĐCS Trung Quốc đã tổng kết và trình bày hệ thống  nội hàm lý luận của Quan điểm phát triển một cách khoa học, định ra các bước quan trọng chiến lược về học tập và quán triệt Quan điểm phát triển một cách khoa học trong toàn Đảng, tổ chức biên soạn sách về Quan điểm phát triển một cách khoa học. Hiện nay, hoạt động giáo dục đi sâu học tập thực hiện Quan điểm phát triển một cách khoa học đang được tiến hành trong toàn Đảng.

Quan điểm phát triển một cách khoa học và Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” đã thể hiện sự nắm bắt chính xác đặc trưng thời đại của ĐCS Trung Quốc trong thời đại ngày nay. Phán đoán khoa học về vị trí lịch sử của Đảng đã thể hiện trí tuệ tập thể của những người theo ĐCS Trung Quốc và dũng khí lý luận lớn lao của Chủ nghĩa Mác, đánh dấu nhận thức về quy luật cầm quyền, quy luật xây dựng CNXH và quy luật phát triển xã hội nhân loại của ĐCS Trung Quốc đã đạt đến tầm cao lý luận mới. Là thành quả mới nhất trong hệ thống lý luận XHCN đặc sắc Trung Quốc, Quan điểm phát triển một cách khoa học cũng như Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” không phải là hệ thống lý luận đóng kín mà có tính mở cửa. Đồng thời với chỉ đạo thực tiễn CNXH đặc sắc Trung Quốc giành được thắng lợi mới, tự thân nó cũng sẽ không ngừng phong phú, không ngừng được bổ sung cùng với sự phát triển của thực tiễn, từ đó sẽ đưa Chủ nghĩa Mác lên một tầng nấc mới. Theo yêu cầu “thực tiễn không bao giờ có điểm tận cùng, sáng tạo không bao giờ có điểm tận cùng” được Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nêu trong Báo cáo Đại hội XVII và “không ngừng có sự giải phóng mới về tư tưởng, không ngừng có bước phát triển mới về lý luận, không ngừng có sáng tạo mới về thực tiễn” “Bài nói chuyện tại Hội nghị báo cáo học tập” (Văn tuyển Giang Trạch Dân), trong quá trình lãnh đạo quần chúng nhân dân xây dựng sự nghiệp XHCN đặc sắc Trung Quốc, ĐCS Trung Quốc đã thuận theo biến đổi phát triển của thực tiễn khách quan, tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác, sẽ làm cho CNXH đương đại tỏa hào quang chân lý huy hoàng hơn.

Về tổng thể, thành quả sáng tạo lý luận của ĐCS Việt Nam chủ yếu thể hiện ở lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH, biểu hiện nổi bật là phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh và xác lập lý luận, mục tiêu thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc khái quát và tổng kết các kỳ đại hội đại biểu ĐCS Việt Nam từ Đại hội VII  tháng 6-1991 đến Đại hội X tháng 4-2006 đã khiến Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đạo sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đi vào chiều sâu và lý luận kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển, phong phú hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra, bản chất của CNXH chính là làm cho toàn thể nhân dân được ấm no, hạnh phúc, tự do, có cơ hội học tập và tiến bộ. Ông nói: “Xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng lên, tinh thần ngày càng lành mạnh, đó chính là CNXH”, “CNXH chính là phải thực hiện dân giàu nước mạnh”. Kết hợp với thực tiễn từ khi đổi mới, trong thập kỷ 90 thế kỷ XX, ĐCS Việt Nam đã đề ra mục tiêu xây dựng Việt Nam, đó là phải đuổi kịp trào lưu thế giới, nỗ lực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Về sau, Đại hội IX ĐCS Việt Nam đã bổ sung mục tiêu phát triển của mình, thêm nội dung “dân chủ” trước “văn minh”. Mục tiêu rõ ràng này là sự kế thừa và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh của ĐCS Việt Nam, đang phát huy tác dụng chỉ đạo to lớn đối với việc cổ vũ nhân dân Việt Nam lao vào sự nghiệp đổi mới toàn diện và xây dựng đất nước.

Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên CNXH” được Đại hội VII năm 1991 đưa ra, ĐCS Việt Nam nhấn mạnh, “CNXH đứng trước rất nhiều khó khăn và thử thách, lịch sử thế giới đã trải qua những khúc khuỷu quanh co, nhưng nhân loại cuối cùng sẽ bước vào CNXH, bởi đây là quy luật tiến hóa của lịch sử”. ĐCS Việt Nam căn cứ vào quan điểm thời đại của Chủ nghĩa Mác và cho rằng, hiện nay thế giới vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời đại toàn cầu hóa, chủ nghĩa tư bản vẫn chiếm ưu thế, nhưng đang chuẩn bị tiền đề vật chất để bổ sung cho CNXH. Đại hội VIII, IX, X của ĐCS Việt Nam đều nhắc lại tư tưởng trải qua thời kỳ quá độ, nhân loại nhất định sẽ đi lên CNXH. Đồng thời, ĐCS Việt Nam nhấn mạnh, trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH lâu dài, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ. Mặc dù đến năm 2020 bước đầu thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, Việt Nam vẫn nằm trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH một thời gian dài. Trong thời kỳ này, vẫn tồn tại nhiều thành phần kinh tế và hình thức tổ chức xã hội, thực hiện chính sách kinh tế thích ứng với nhiều thành phần kinh tế. Có thể nói, lý luận thời kỳ quá độ là phát triển mới trong nhận thức về CNXH của ĐCS Việt Nam, là thành quả quan trọng thể hiện tư duy lý luận đổi mới của Việt Nam.

Nhìn từ tiến trình phát triển đổi mới toàn diện từ thập kỷ 80, đổi mới kinh tế của Việt Nam về thực chất là từng bước đi sâu và phát triển theo hướng kinh tế thị trường. Từ sự phủ định tồn tại của kinh tế hàng hóa trong lý luận dưới thể chế kinh tế truyền thống đến thừa nhận sự phát triển của kinh tế hàng hóa trong phạm vi nhất định; từ thừa nhận kinh tế hàng hóa và quy luật của nó đến ra sức thu hút vốn đầu tư nước ngoài dưới sự chủ đạo của chế độ quốc hữu, phát triển nhiều thành phần kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới tư duy lý luận từ kinh tế hàng hóa đến kinh tế thị trường của ĐCS Việt Nam biểu hiện rõ rệt ở quá trình phát triển tiệm tiến. Qua thực tiễn và tìm tòi lý luận của thập kỷ 90 đến năm 2001, Đại hội IX của ĐCS Việt Nam lần đầu tiên nêu ra “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là mô hình kinh tế chung và là mục tiêu thể chế đổi mới kinh tế hướng tới trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH của Việt Nam, và đã trình bày khái quát nội hàm, mục đích, hình thức chế độ sở hữu, cơ chế quản lý, hình thức phân phối của “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Có thể nói, trên cơ sở thực hiện lâu dài “cơ chế thị trường tuân theo phương hướng XHCN, dưới sự quản lý của Nhà nước”, nhận thức của Đại hội IX ĐCS Việt Nam đã bước đầu hình thành bộ khung cơ bản về lý luận kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đến năm 2006, Đại hội X ĐCS Việt Nam lại trình bày tổng kết về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặc dù có đặc điểm thực tiễn đi trước, lý luận đi sau nhưng việc làm sâu sắc lý luận kinh tế thị trường định hướng XHCN và xác lập mục tiêu thể chế đổi mới kinh tế vẫn là thành quả tư duy lý luận đổi mới quan trọng của ĐCS Việt Nam từ thập kỷ 90, cũng là kết quả tất nhiên không ngừng phát triển của sự nghiệp đổi mới mở cửa.

Sáng tạo và đổi mới lý luận của Đảng Cộng sản hai nước Trung - Việt biểu hiện ở mấy đặc trưng chung: Một là, giương cao ngọn cờ, kiên trì nguyên tắc và phương hướng XHCN. Ngọn cờ chung của hai Đảng chính là Chủ nghĩa Mác – Lênin, ở Trung Quốc là Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình; ở Việt Nam là Tư tưởng Hồ Chí Minh; phương hướng chung chính là CNXH, chính là sự lãnh đạo của ĐCS, thể hiện ở lý tưởng và ý chí niềm tin kiên định của hai Đảng. Ngọn cờ không lung lay, phương hướng rõ ràng chính là sự đảm bảo chính trị cho xây dựng lý luận và sự nghiệp xây dựng cải cách, đổi mới của hai Đảng không ngừng phát triển và đạt kết quả. Thông qua nghiên cứu thực tiễn, tăng cường xây dựng Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, chỉnh đốn Đảng và tăng cường xây dựng dân chủ trong Đảng đã hình thành hệ thống lý luận xây dựng Đảng sâu sắc, trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong thành quả sáng tạo và đổi mới lý luận của hai Đảng. Hai là, coi trọng vai trò của nhân dân, quan niệm lấy con người làm gốc được nhấn mạnh. Xuất phát từ nguyên lý duy vật lịch sử, kết hợp với điều kiện lịch sử mới, nhận biết nhân dân, dựa vào nhân dân, phục vụ nhân dân là một trong những nội dung căn bản nhất của sáng tạo và đổi mới lý luận của hai Đảng Trung - Việt. ở phương diện này, ĐCS Trung Quốc đề ra lý luận đại diện cho lợi ích căn bản nhất của đông đảo nhân dân Trung Quốc, lấy con người làm gốc và phát triển con người toàn diện; ĐCS Việt Nam đề ra lý luận con người là động lực và là mục đích, lấy dân làm gốc, phải xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, tất cả đều là sự tiếp nối và phát triển lý luận về nhân học, giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác. Ba là, lý luận phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, chính trị văn hóa và tài nguyên môi trường dần dần được hình thành. Qua thực tiễn hai ba mươi năm, hai Đảng Trung - Việt ngày càng nhận thức được ý nghĩa quan trọng của phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững giữa kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và tài nguyên môi trường. ĐCS Trung Quốc đã đưa ra lý luận Quan điểm phát triển một cách khoa học, đề ra ý tưởng và yêu cầu đồng thời với xây dựng văn minh vật chất, văn minh tinh thần và văn minh chính trị còn phải xây dựng văn minh sinh thái. ĐCS Việt Nam luôn nhấn mạnh sự đồng bộ và phối hợp của biện pháp đổi mới toàn diện, nhấn mạnh ý thức phát triển bền vững, cố gắng tìm tòi con đường phát triển hiện đại hóa đối với các nước đang phát triển lạc hậu. Bốn là, kết hợp giữa cải cách, đổi mới trong nước với mở cửa đối ngoại, từng bước hệ thống hóa lý luận mở cửa đối ngoại. Nhận thức của hai Đảng Trung - Việt về toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, nắm bắt khá chuẩn xác về xu thế phát triển của nó. Đồng thời với việc không ngừng đi sâu cải cách và đổi mới bên trong, kiên trì độc lập tự chủ trong bối cảnh lớn này, ĐCS Trung Quốc đã đưa ra quan điểm hội nhập với kinh tế quốc tế, tranh thủ hai thị trường, tham gia vào trật tự kinh tế quốc tế. ĐCS Việt Nam đã đưa ra quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế, lợi dụng nội lực và ngoại lực, kết hợp thời và thế. Có thể nói, những đặc trưng này đã thể hiện việc đi sâu phát triển sự nghiệp cải cách và đổi mới của hai nước, cũng là nội dung quan trọng trong sáng tạo và đổi mới lý luận của hai Đảng.

III. Ý NGHĨA CỦA SỰ SÁNG TẠO, ĐỔI MỚI LÝ LUẬN CỦA HAI ĐẢNG TRUNG - VIỆT VÀ MÔ HÌNH BẮC KINH - HÀ NỘI 
Nói về mục đích căn bản, cải cách mở cửa, đổi mới của hai nước Trung - Việt có nghĩa là muốn tìm kiếm con đường phát triển XHCN, ra sức phát triển sức sản xuất tiên tiến; trên cơ sở kinh tế, xã hội khắc phục khó khăn và khủng hoảng, không ngừng tiến bộ, từng bước thoát khỏi tình trạng kém phát triển nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện hiện đại hóa khiến nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Về sách lược lâu dài, cần phải tranh thủ chủ nghĩa tư bản, tranh thủ một số sức sản xuất tiên tiến và phương thức kinh doanh quản lý tiên tiến của nhân loại mà thời đại chủ nghĩa tư bản đã tạo nên, nắm bắt cơ hội lịch sử, tận dụng ưu thế so sánh với chủ nghĩa tư bản, xây dựng CNXH ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản. Thành quả sáng tạo và đổi mới lý luận của hai Đảng Trung - Việt có tính thời đại và tính thực tiễn rõ nét, đều hết sức coi trọng tìm tòi đối với CNXH đương đại, đều nhấn mạnh kiên trì CNXH, kiên trì phương hướng và nguyên tắc đi theo con đường XHCN, định ra phương hướng đúng đắn cho sự phát triển liên tục của thực tiễn cải cách, đổi mới của hai nước.

Không ngừng sáng tạo và đổi mới trong thực tiễn là động lực mạnh mẽ để một dân tộc, một quốc gia không ngừng phát triển, cũng là nguồn cội để hệ thống tư tưởng luôn tràn đầy sức sống. Khảo sát từ bối cảnh vĩ mô phát triển, biến động của lịch sử thế giới và thay đổi lớn lao đã, đang xảy ra ở hai nước Trung - Việt, sáng tạo và đổi mới lý luận của hai Đảng Trung - Việt từ thập kỷ 90 thế kỷ XX sẽ có ảnh hưởng khác nhau ở các tầng diện khác nhau đối với phát triển hiện nay và tương lai của hai nước Trung - Việt cũng như sự phát triển của thế giới.

1. Sáng tạo và đổi mới lý luận với phát triển văn minh

Lịch sử thế giới chính là lịch sử văn minh thế giới. Chiêm nghiệm sự phát triển của  nền văn minh nhân loại có thể thấy, trong quá trình không ngừng phát triển từ văn minh sơ khai thời đại nguyên thủy đến các nền văn minh của xã hội cổ đại và hiện đại, sự tồn tại và phát triển của bất kỳ hình thái văn minh nào cũng đều không thể tách rời sự kế thừa và sáng tạo. Không có kế thừa, không thể nói đến sáng tạo, văn minh sẽ mất đi nền tảng phát triển; không có sáng tạo, chỉ coi trọng kế thừa, văn minh sẽ thiếu động lực phát triển. Xét từ ý nghĩa này, lịch sử phát triển tiến bộ của văn minh cũng chính là lịch sử thống nhất giữa kế thừa và sáng tạo văn minh. Hơn thế, xét từ tình hình phát triển cụ thể của rất nhiều nền văn minh trên thế giới, sáng tạo có thể quan trọng hơn. Lịch sử thế giới có không ít nền văn minh suy tàn, trong đó nguyên nhân quan trọng là không thể tiến cùng thời đại, đánh mất khả năng sáng tạo và đổi mới chính mình. Sự suy tàn của văn minh cổ đại Ai Cập, ấn Độ, Lưỡng Hà và châu Mỹ cho thấy điều này. Quan niệm tư tưởng, hệ thống lý luận chiếm vị trí quan trọng trong hình thái văn minh. Văn minh lịch sử Trung - Việt lâu đời, không ngừng phát triển trong tiếp nối và sáng tạo. Nho học và những luân lý tư tưởng khác chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong văn hóa và văn minh truyền thống Trung - Việt. Nho học truyền thống đã suy tàn nhưng một số tinh hoa của Nho học lại được rất nhiều nhà tư tưởng, nhà lý luận tiếp thu và phát huy, những nhà cách mạng thế hệ trước như Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh là những tấm gương sáng. Hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc và Tư tưởng Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh lấy con người làm gốc, coi quần chúng nhân dân là chủ thể của sự nghiệp cải cách và đổi mới, xây dựng CNXH, coi không ngừng thực hiện lợi ích căn bản nhất của đông đảo nhân dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân làm mục đích tối cao để phấn đấu của hai Đảng Trung – Việt. Điều đó hàm chứa sự thăng hoa cao độ của tư tưởng dân bản truyền thống trong thời đại mới. Thành quả sáng tạo và đổi mới lý luận của hai Đảng Trung - Việt, với tư cách là nội dung hạt nhân của hình thái ý thức chủ lưu đương đại của hai nước sẽ phát huy tác dụng tích cực, ảnh hưởng sâu sắc đến việc thúc đẩy phát triển văn minh mới của hai nước Trung - Việt cũng như đối với tiến bộ của văn minh nhân loại.

2. Sáng tạo và đổi mới lý luận với phát triển của Chủ nghĩa Mác

Chủ nghĩa Mác ra đời vào thập kỷ 40 của thế kỷ XIX. Chủ nghĩa Mác khoa học nhưng cũng cần không ngừng phát triển. Bởi vì, thời đại đang phát triển, thực tiễn đang thay đổi. Bản thân Mác, Ăngghen cũng từng không ngừng sửa chữa học thuyết và quan điểm của mình. Đến thời đại chủ nghĩa đế quốc và cách mạng của giai cấp vô sản, Chủ nghĩa Mác kết hợp với thực tiễn cách mạng Nga cho ra đời chủ nghĩa Lênin. Lý luận của Chủ nghĩa Mác chỉ mang đến nguyên lý thông thường cho sự nghiệp cách mạng của các nước, tiến hành cách mạng như thế nào, xây dựng CNXH như thế nào lại phải kết hợp với thực tế của các nước, thực hiện dân tộc hóa, cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác. Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình và Tư tưởng Hồ Chí Minh đều là sản phẩm lý luận kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác với thực tiễn cách mạng và xây dựng của Trung Quốc, Việt Nam, là thành quả lý luận vừa kế thừa tiếp nối Chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa tiến cùng thời đại.

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và Quan điểm phát triển một cách khoa học là thành quả sáng tạo lý luận chủ yếu của ĐCS Trung Quốc. Lý luận đi theo con đường XHCN và đi sâu trình bày Tư tưởng Hồ Chí Minh là thành quả tư duy lý luận đổi mới chủ yếu của ĐCS Việt Nam. Tất cả đều đã thể hiện đầy đủ sự vận dụng sáng tạo nguyên lý cơ bản, thế giới quan, phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác mà cụ thể là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đồng thời, những thành quả lý luận này kết hợp với tình hình biến đổi phát triển của thời đại và thực tiễn hoàn toàn mới trong cải cách, đổi mới mở cửa của nhân dân hai nước đã thể hiện sự sáng tạo và thăng hoa của tư duy lý luận, làm phong phú kho tàng lý luận của Chủ nghĩa Mác, đưa Chủ nghĩa Mác phát triển đến giai đoạn mới, thúc đẩy không ngừng đi sâu và cụ thể hóa nhận thức lý luận XHCN đương đại.

Ngày nay, mặc dù CNXH rơi vào trắc trở nghiêm trọng nhưng các lý luận và trào lưu mang nhãn mác “CNXH” như CNXH dân chủ vẫn có ảnh hưởng không chỉ ở phương Tây, mà còn ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Một số người cho rằng nên đi theo, thậm chí chỉ có đi con đường CNXH dân chủ mới có lối thoát. Nhìn từ thực tiễn cải cách mở cửa và đổi mới của hai nước Trung - Việt, CNXH dân chủ không có giá trị phổ biến, không thích hợp với tình hình hai nước Trung - Việt. Thành quả sáng tạo và đổi mới lý luận của hai Đảng Trung - Việt từ thập kỷ 90 trở lại đây là sự kế tục và nêu cao chân chính Chủ nghĩa Mác, cũng là học tập cùng tồn tại, đấu tranh cùng phát triển với lý luận và trào lưu “CNXH” đa dạng, bao gồm CNXH dân chủ, sẽ có cống hiến cho  sự phát triển của CNXH thế giới ở ý nghĩa lý luận này.

3. Sáng tạo và đổi mới lý luận với “Mô hình Bắc Kinh-Hà Nội”

Thành quả sáng tạo và đổi mới lý luận của hai Đảng Trung - Việt ra đời trong thực tiễn cải cách mở cửa, đổi mới của hai nước đã thúc đẩy thực tiễn phát triển hơn nữa. Sáng tạo và đổi mới lý luận có thể phát huy tác dụng giải phóng tư tưởng, làm mới quan niệm, chỉ đạo sự nghiệp cải cách mở cửa, đổi mới và xây dựng kinh tế đi sâu phát triển.

Cải cách và đổi mới trải qua 30 năm và hơn 20 năm, kinh tế xã hội hai nước Trung - Việt phát triển, văn hóa tiến bộ, cải thiện môi trường sinh thái dần dần được coi trọng, điều kiện sống của nhân dân ngày càng tốt, trình độ ngày càng nâng cao. Mặc dù hai nước Trung - Việt vẫn là nước đang phát triển, trong phát triển cũng tồn tại rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhưng thành tựu phát triển và thay đổi lớn lao của hai nước đã được thế giới công nhận. Khi nói đến mô hình phát triển của thế giới ngày nay, người ta đã từng bàn đến “Mô hình Washington” và “Mô hình Bắc Kinh”. Trên thực tế, từ một bộ phận người giàu lên trước đến chia sẻ thành quả phát triển với nhân dân, từ “giàu có trong dân” đến “tăng trưởng kiểu mang lại lợi ích cho người nghèo”, phát triển của hai nước Trung - Việt ở tầng diện cơ bản có rất nhiều điểm chung, rất nhiều bài học kinh nghiệm tương đồng hoặc gần gũi, chúng ta có thể gọi đó là “Mô hình Bắc Kinh – Hà Nội”.

 “Mô hình Bắc Kinh – Hà Nội” bản thân nó không có hình thức cố định, thực chất chính là hai nước Trung - Việt kết hợp với tình hình của nước mình, tìm tòi cải cách mở cửa, đổi mới theo hình thức tiệm tiến; chính là tìm tòi từng bước đi theo kinh tế thị trường XHCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN; chính là trên cơ sở khá lạc hậu, hai nước Trung - Việt tìm tòi phát triển từng bước, trỗi dậy dần dần, tiếp cận mục tiêu hiện đại hóa. Trong quá trình tìm tòi này, thử nghiệm và điều chỉnh, sáng tạo và kế thừa, mở cửa và tự chủ cùng tồn tại. Nhìn từ tầng diện kết hợp giữa thực tiễn và lý luận, hai Đảng Trung - Việt chú trọng tổng kết bài học kinh nghiệm, chú trọng sáng tạo và đổi mới lý luận, còn thành quả sáng tạo và đổi mới lý luận lại chỉ đạo thực tiễn hai nước thực hiện mục tiêu phát triển hiện đại hóa tự giác hơn, hoàn thiện hơn. Phát triển và biến đổi sâu sắc của hai nước Trung - Việt sẽ có giá trị tham khảo và học tập cho các nước đang phát triển lạc hậu, có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình phát triển của nhân loại. Tư duy và tổng kết lý luận đi tới hiện đại hóa của hai Đảng Trung - Việt cũng là cống hiến quan trọng cho phát triển của thế giới và văn minh thế giới.
                                    GS.TS Vu Hướng Đông
                               Viện Giáo dục -  Đại học Trịnh Châu – Trung Quốc




Các tin khác

Hợp tác Việt - Trung nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội (14/06/2010)
Bàn về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (14/06/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn