TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9384807
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Tình hình kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2013 (08/08/2013)

1. Tình hình kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2013

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II tiếp tục đà suy giảm. Theo số liệu công bố ngày 15-7-2013 của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, nửa đầu năm 2013, GDP đạt 24.800,9 tỉ NDT, tăng trưởng 7,6%; trong đó quý I tăng 7,7%; quý II là 7,5%.

Sản xuất công nghiệp có quy mô sáu tháng đầu năm tăng trưởng 9,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý I, nếu so với con số 10,5% của cùng kỳ năm trước thì giảm tới 1,2 điểm phần trăm. Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp mặc dù có tăng so nhẹ so với quý I, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước thì vẫn giảm. 5 tháng đầu năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô đạt 2081,2 tỉ NDT, tăng trưởng 12,3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý I, nhưng giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xét ba động lực lớn lôi kéo kinh tế tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu (các nhà kinh tế hay gọi là cỗ xe tam mã) thì thấy, nửa đầu năm 2013, đầu tư đóng góp đến 53,9% GDP, lôi kéo GDP tăng trưởng 4,1 điểm phần trăm; tiêu dùng đóng góp 45,2% GDP, lôi kéo GDP tăng trưởng 3,4 điểm phần trăm; còn xuất khẩu nếu như trước đây là động lực lớn thứ hai lôi kéo kinh tế tăng trưởng thì nay lại là động lực nhỏ nhất, 6 tháng đầu năm chỉ đóng góp 0,9% GDP, lôi kéo GDP tăng trưởng 0,1 điểm phần trăm.

Ba động lực đều có phần suy giảm, trong đó xuất khẩu giảm rõ rệt nhất, nên tăng trưởng GDP cũng suy giảm theo. Cụ thể:

Nửa đầu năm 2013, đầu tư TSCĐ (không bao hàm các hộ nông dân) là 18.131,8 tỉ NDT, tăng trưởng 20,1%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý I, giảm 0,3 điểm phần trăm nếu so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đầu tư vào khu vực I (nông nghiệp) có tốc độ tăng trưởng lớn nhất 33,5% đạt 388,4 tỉ NDT; đầu tư vào khu vực II (công nghiệp và xây dựng) có mức độ tăng trưởng nhỏ nhất 15,6% (7805,2 tỉ NDT); còn đầu tư vào khu vực III (dịch vụ) có tổng mức đầu tư lớn nhất, lên đến 9938,2 tỉ NDT, tăng trưởng 23,5%.

Đầu tư vào bất động sản tăng, do bắt đầu từ đầu năm nay, thị trường bất động sản đã ấm dần trở lại. Bất chấp các biện pháp kiểm soát của Chính phủ gia tăng, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ấm lên, giá nhà đất tiếp tục tăng (cả so với tháng trước và cùng kỳ năm trước) ở hầu hết 70 thành phố lớn và vừa trong cả nước. Nửa đầu năm 2013, đầu tư bất động sản đạt 3.682,8 tỉ NDT, tăng trưởng 20,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý I, còn nếu so với cùng kỳ năm trước thì tăng tới 3,7 điểm phần trăm.

Tiêu dùng trong nước tăng trưởng bình ổn, mức độ tiêu thụ các sản phẩm điện gia dụng tăng nhanh. 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng cả nước đạt 11.076,4 tỉ NDT, tăng trưởng 12,7%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý I, và giảm 1,7 điểm phần trăm nếu so với cùng kỳ năm trước.

Xuất nhập khẩu tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng, mức độ giảm của xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Theo số liệu công bố ngày 10 tháng 7 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng ngoại thương tháng 6 của Trung Quốc giảm 2%, trong đó xuất khẩu đạt 174,32 tỷ USD, giảm 3,1%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong 44 tháng qua (kể từ tháng 11 năm 2009). Nhập khẩu đạt 147,19 tỷ USD, giảm 0,7%, mức thấp nhất trong 4 tháng gần đây (kể từ tháng 3 năm 2013).

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.997,7 tỉ USD, tăng trưởng 8,6%, giảm 4,9 điểm phần trăm so với quý I; trong đó, xuất khẩu tăng trưởng 10,4%, giảm tới 8,0 điểm phần trăm, nhập khẩu tăng trưởng 6,7%, cũng giảm 1,9 điểm so với quý I.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản ổn định, chỉ số giá sản xuất tiếp tục suy giảm. Nửa đầu năm, CPI tăng 2,4% , bằng với quý I, nhưng giảm tới 0,9 điểm phần trăm so với con số 3,3% của nửa đầu năm 2012. Trong đó, CPI ở khu vực thành thị tăng 2,4%, còn ở khu vực nông thôn tăng 2,5%.

Mức tăng trưởng cung tiền tương đối nhanh. Tính đến cuối tháng 6, mức cung tiền M2 là 105.450 tỉ NDT, tăng trưởng 14%, giảm 1,8 điểm phần trăm so với cuối tháng trước, nhưng tăng nhanh hơn 0,2 điểm phần trăm so với cuối năm trước; mức cung tiền M1 là 31.360 tỉ NDT, tăng trưởng 9,1%, giảm 2,2 điểm phần trăm so với cuối tháng trước, nhưng tăng nhanh hơn 2,6 điểm phần trăm so với cuối năm trước. Lượng tiền trong lưu thông M0 là 5.420 tỉ NDT, tăng trưởng 9,9%.

2. Một số ý kiến phân tích, lý giải về tình hình kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2013

Như vậy kể từ sau khi đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 11,9% năm 2007, từ 2008 đến 2012, tăng trưởng GDP lần lượt là 9,6%; 9,2%; 10,3%, 9,3% và 7,8%, đặc biệt là từ đầu năm 2011 đến quý II- 2013, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã liên tục giảm trong 10 quý liền, trong đó 5 quý liên tục mức tăng trưởng GDP nằm trong khoảng 7,4-7,9%. Câu hỏi đặt ra là, rốt cuộc mức tăng trưởng giới hạn thấp nhất là bao nhiêu, bởi lẽ trước đây có rất nhiều phân tích cho rằng Trung Quốc phải tăng trưởng từ 8% trở lên thì mới đảm bảo vấn đề việc làm, ổn định xã hội...

Xung quanh vấn đề này, ông Trương Lập Quần - Phó Tổng thư ký Ủy ban khoa học Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc Vụ viện cho rằng, kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong giai đoạn chuyển biến lớn, không quá bi quan, cũng không quá lạc quan, tăng trưởng kinh tế thực sự ổn định ở mức khoảng 7,5%. Từ động thái của Chính phủ có thể thấy, mức tăng trưởng giới hạn thấp nhất là mức tăng trưởng ổn định, theo ông Trương Lập Quần mức giới hạn này là 7%. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng chưa đến mức giới hạn vì thế rất ít khả năng có sự điều chỉnh lớn về chính sách.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế liên tục suy giảm nhưng theo ông Thịnh Lai Vận- người phát ngôn của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, nửa đầu năm 2013 kinh tế Trung Quốc vẫn vận hành tổng thể ổn định, thể hiện trên 4 mặt: 1) kinh tế tăng trưởng tương đối ổn định; 2) việc làm cơ bản ổn định; 3) lạm phát tổng thể bình ổn; 4) thu nhập của người dân thành thị, nông thôn cơ bản ổn định.

Lý giải nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP suy giảm, ông Thịnh Lai Vận cho rằng nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu có 3 phương diện:

Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm thích hợp là phản ánh khách quan quy luật năng suất cận biên giảm dần. Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiện Trung Quốc bước vào giai đoạn mới điều chỉnh kết cấu, chuyển đổi và nâng cấp kết cấu kinh tế, trong giai đoạn này một số yếu tố như lao động, đất đai, thị trường,...đều xuất hiện những thay đổi mới. Cùng lượng đầu tư trong công nghệ nhưng cũng không có bước đột phát, năng suất cận biên giảm dần, lợi ích cận biên suy giảm.

Trên thực tế thì hiện tượng này cũng không phải riêng có của Trung Quốc, một số nước phát triển trên thế giới trong quá trình phát triển khi bước vào giai đoạn điều chỉnh, nâng cấp kết cấu kinh tế cũng xuất hiện hiện tượng suy giảm năng suất, tốc độ tăng trưởng.

Vì thế, việc tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm trong giai đoạn hiện nay có tính tất nhiên nhất định.

Hai là, bối cảnh quốc tế vẫn hết sức phức tạp và đầy thử thách cam go. Năm nay, mặc dù kinh tế Mỹ trên đà phục hồi và có một số chuyển biến rõ rệt, nhưng kinh tế của các nước khác trên thế giới, đặc biệt là EU vẫn tiếp tục trì trệ, sự phục hồi kinh tế thế giới về tổng thể vẫn chậm. Hơn nữa, một số nước tiến hành chính sách tiền tệ "siêu" nới lỏng định lượng, khiến đồng NDT tăng giá, trong nước tiền công lao động tăng cao khiến xuất khẩu của Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn.

Ba là, tốc độ tăng trưởng suy giảm thích hợp cũng là kết quả chủ động điều tiết của Đảng, Chính phủ Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, tầng lớp lãnh đạo mới hết sức coi trọng điều chỉnh kết cấu và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Nỗ lực coi việc ổn định tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu, thúc đẩy cải cách là trọng tâm; đưa ra một số biện pháp chính sách, như tiếp tục tăng cường điều tiết, kiểm soát thị trường bất động sản; 8 quy định đối với chi tiêu công nên cũng ảnh hưởng nhất định đến tiêu thụ thực phẩm. Đặc biệt là có một số chính sách kích cầu trước đây cũng bị hủy bỏ. Điều này trong ngắn hạn đương nhiên khó tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định, tuy nhiên về lâu dài sẽ có lợi.

Theo phân tích của ông Vương Nhất Minh (王一鸣), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Ủy ban Cải cách và phát triển nhà nước, do ảnh hưởng của nhiều nhân tố như sản lượng dư thừa trong ngành chế tạo, thị trường kì vọng... tăng trưởng đầu tư sẽ tiếp tục suy giảm, tăng trưởng thu nhập giảm có thể dẫn đến tiêu dùng tiếp tục suy giảm... nên nửa cuối năm 2013 áp lực suy giảm tăng trưởng vẫn rất lớn. Nhưng cả năm sẽ vẫn đạt mục tiêu đề ra là khoảng 7,5%.




Các tin khác

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc (24/06/2013)
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc (24/06/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình (24/06/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc (24/06/2013)
Thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, lâu dài (24/06/2013)
Đại sứ TQ: Duy nhất còn tồn tại vấn đề trên biển (24/06/2013)
Tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung vô cùng quý giá của nhân dân hai nước (24/06/2013)
Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á (16/06/2013)
Những nét lớn về quan hệ hợp tác Việt – Trung (13/05/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường (13/05/2013)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn