TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9356080
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Vấn đề Biển Đông - Những tác động của nó tới quan hệ thương mại Việt – Trung và nền kinh tế Việt Nam (27/08/2014)

Tóm tắt: Căng thẳng chủ quyền trên Biển Đông cùng hành động ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến cho Việt Nam phải nhìn nhận lại các mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, cũng như đẩy mạnh các quan hệ kinh tế với các nước khác nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tránh rủi ro cho nền kinh tế và chính trị quốc gia.

Bài viết này trình bày diễn biến tình hình căng thẳng chủ quyền trên Biển Đông thời gian qua, đồng thời khái nét bức tranh về quan hệ thương mại Việt – Trung trong gần hai thập niên; tiến tới phân tích một số điểm lợi và hại của mối quan hệ kinh tế này; từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam ổn định và bền vững, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Từ khóa: Biển Đông, thương mại Việt Trung, kinh tế Việt Nam

1.         Diễn biến tình hình căng thẳng trên Biển Đông

Tình hình Biển Đông trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa, nơi đang là điểm nóng của sự căng thẳng và bất ổn định trong khu vực. Đây là mối quan ngại không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả các quốc gia trên vùng Biển Đông cộng đồng quốc tế. Có thể thấy, các hành động không ngừng leo thang của Trung Quốc đối với các quốc gia trên vùng Biển Đông mà cụ thể là Việt Nam trong thời gian qua như: Vạch đường lưỡi bò chiếm khoảng 80% diện tích vùng Biển Đông; thành lập thành phố Tam Sa có trụ sở đóng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974; gọi thầu những lô thăm dò dầu khí ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh và Viking II; rượt bắt tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia; cấm đánh cá có thời hạn (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm) trên vùng Biển Đông(1). Các sự kiện nguy hiểm gần đây là việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; đâm va tàu kiểm ngư của Việt Nam; xuất bản bản đồ lãnh thổ Trung Hoa khổ dọc thể hiện đường lưỡi bò gồm 10 đoạn bao trùm gần như toàn bộ vùng Biển Đông; khởi công xây dựng trường học, nhà ở trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tiếp tục mở rộng, xây dựng và thay đổi nguyên trạng một số điểm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng vào tháng 3 năm 1988; công bố luật “an ninh quân sự” trên vùng Biển Đông có hiệu lực từ ngày 1/8/2014. Không chỉ hung hăng, khiêu khích trên vùng Biển Đông mà ngay cả vùng biên giới Móng Cái, Lào Cai trong thời gian qua Trung Quốc cũng đã có nhiều động thái hoạt động quân sự. Hàng loạt các sự kiện xảy ra trên đây đã thể hiện ngày càng rõ nét một Trung Quốc ngang ngược, khiêu khích, đầy tham vọng, thèm khát không gian sinh tồn, muốn kiểm soát cả vùng Biển Đông bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, xem thường Công ước về Luật biển của Liên Hp Quốc năm 1982.

Với những bước đi ngày càng mở rộng, hung hăng, táo tợn và liều lĩnh của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò phi pháp, Việt Nam đã rất kiềm chế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tránh gây tổn hại không cần thiết cho nhân dân hai nước. Những nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao đã được Trung Quốc đáp trả bằng hàng loạt những động thái không ngừng leo thang ở Biển Đông. Là một quốc gia có diện tích nhỏ và dân số không đông, lại ở sát ngay Trung Quốc, Việt Nam không sao tránh khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào nước láng giềng to lớn đầy tham vọng. Để đối phó với những hành động ngang ngược, tham vọng không ngừng của Trung Quốc, Việt Nam cần xây dựng các kịch bản kinh tế nhằm ứng phó kịp thời và phù hợp với diễn biến tình hình Biển Đông, mà trước mắt là giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Bài viết này sẽ khái nét về quan hệ thương mại Việt – Trung trong gần hai thập niên vừa qua; tiến tới phân tích một số điểm lợi và hại của mối quan hệ kinh tế này; từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam ổn định và bền vững, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

2.         Khái nét bức tranh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc

Quan hệ ngoại giao Việt – Trung được bình thường hóa vào cuối năm 1991.  Từ đó, nhờ nỗ lực thúc đẩy thương mại ngày càng gia tăng làm cho tình hình thương mại giữa hai nước Việt – Trung phát triển nhanh chóng. Tổng gía trị hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với Trung Quốc có xu hướng tăng liên tục, ngay cả vào thời điểm Việt Nam chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu - từ 692 triệu USD năm 1995 lên đến 50,2 tỷ USD năm 2013. Với đà tăng trưởng này, ước tính kim ngạch song phương giữa hai nước có thể lên tới 60 tỷ USD vào năm 2015(2). Từ năm 1999 trở về trước, tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam Trung Quốc ở mức khá khiêm tốn khoảng  41 triệu USD mỗi năm, nhưng từ năm 2000 đến nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 1,5 tỷ USD năm 2000 lên 13,3 tỷ USD vào năm 2013. chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng rất nhanh từ 1,4 tỷ USD năm  2000 lên gần xấp xỉ 37,0 tỷ USD vào năm 2013(3) Nhìn chung, bức tranh cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong giai đoạn này có sự thay đổi lớn, từ thặng dư khoảng 135 triệu USD vào năm 2000, chuyển sang thâm hụt ở mức 210 triệu USD vào năm 2001 và đến năm 2013 (tức sau 12 năm) mức thâm hụt đã lên tới 23,25 tỷ USD, tăng hơn 170 lần (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Quan hệ thương mại giữa Viêt Nam và Trung Quốc từ 1995 đến2013

   

Tình hình nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc không những ngày càng tăng về quy mô mà còn tăng về tỷ trọng (Biểu 2). Căn cứ vào
số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dao động trong khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi đó tỷ trọng nhập khẩu đã tăng từ 10% (2000) lên mức 28% (2013) tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong cùng thời gian. Tuy tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2013 có giảm nhiều so với năm trước đó, từ xuất khẩu 14,1%  còn 10% và nhập khẩu từ  29,7% còn 27,6%  trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam(4)  nhưng cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc không thuyên giảm, năm 2012 ở mức âm 17,64 tỷ USD và năm 2013 ở mức âm 23,25 tỷ USD. Trên thực tế, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam đã tăng từ mức 15,9% năm 2001 lên 84,5% và 136,0% lần lượt vào các năm 2006 và 2011. Điều này cho thấy nhập siêu từ Trung Quốc đang trở thành gánh nặng chính đối với cán cân thương mại của Việt Nam.

Biểu 2: Tỷ trọng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 2000 đến 2013
     
Nguồn: Tính toán theo số liệu của Tổng cục Hải quan & IMF qua các năm

Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là các hàng hóa thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp. Chẳng hạn các khoáng sản thô như than, quặng sắt, dầu thô, nông lâm sản, thủy sản và đồ thủ công. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu hoa quả, nông sản chủ lực của Việt Nam. Riêng mặt hàng cao su chiếm 70%, lúa gạo chiếm 40%, thanh long, vải và bột sắn chiếm 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đi các nước trên thế giới.

Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và các linh kiện đi kèm; sắt thép các loại; các nguyên phụ liệu; thành phẩm hóa chất, thậm chí cả mặt hàng nông sản. Riêng về ngành dệt may, da giày, trong những năm gần đây Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 50 - 60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc như da làm giầy dép, bông, vải, sợi để làm quần áo(5).

Điều đáng quan tâm hơn là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ Trung Quốc luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Theo Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới vào năm 2013 là 264,3 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc dẫn đầu bảng chiếm đến 19%, kế đến là Hoa Kỳ (11%), Hàn Quốc (10.3%), Nhật (9.6%), Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN (15.1%), Liên minh   EU (12.7%) và các nước khác (32.6%).

Điều này thật đáng e ngại khi cán cân thương mại của Việt Nam có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Quan trọng hơn là hàng hóa Việt Nam nhập từ Trung Quốc chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất thường ngày (kể cả công nghệ) của các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ khoảng 20% kim ngạch nhập khẩu là hàng tiêu dùng. Liệu nền kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi hàng loạt các hành động leo thang của Trung Quốc? Con số trên tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam nếu có xung đột xảy ra với Trung Quốc?

3.         Những tác động của sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam

Thực tế cho thấy, tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam phụ thuộc khá lớn từ Trung Quốc không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà ngay cả lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, kinh tế Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực trước tình hình Biển Đông đang diễn biến cực kỳ phức tạp, nhất là từ khi giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tình huống xấu có thể xảy ra là thương mại, đầu tư FDI cùng các công trình đấu thầu EPC với Trung Quốc sẽ bị suy giảm hoặc bị đình trệ. Nếu các nhà thầu Trung Quốc rút vốn về không thi công, hàng chục dự án điện sẽ bị đình trệ, dẫn đến chi phí công trình sẽ gia tăng. Trong thương mại và đầu tư FDI, nếu hàng hóa Việt Nam xuất và nhập với Trung Quốc bị suy giảm hoặc ngừng lại, nguồn đầu tư FDI từ Trung Quốc sút giảm, nền kinh tế Viêt Nam ắt hẳn bị thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ bức tranh mô tả cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thì kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tiến tới phát triển ổn định và bền vững.

3.1.   Nguồn vốn đầu tư FDI vào Viêt Nam

Xét về nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng liên tục trong 3 năm qua(6). Riêng năm 2013 dù kinh tế Việt Nam và thế giới rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã thu hút 22,35 tỷ USD vốn FDI, tăng 35,9% so với năm 2012. Trong đó, có 1.530 dự án mới được cấp phép với vốn đăng ký 14,48 tỷ USD và 590 dự án từ các năm trước được cấp phép bổ sung với vốn đăng ký 7,86 tỷ USD(7). Trong tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam ba năm gần đây (tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 31/12 hàng năm) cho thấy, Trung Quốc chỉ xuất hiện trong danh sách mười quốc gia có vốn đầu tư FDI cao tại Việt Nam vào năm 2013 Theo số liệu thống kế cho thấy, các doanh nghiệp FDI có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, khoảng 20% GDP, 45% giá trị sản xuất công nghiệp, 60% tỷ trọng xuất khẩu Việt Nam và 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm(8). Tuy nhiên, vốn FDI của Trung Quốc tại Việt Nam chỉ chiếm 3.22 %, đứng hàng thứ 9 trong 10 quốc gia có FDI cao tại Việt Nam. Đây là con số khá khiêm nhường, không đáng ngại cho nền kinh tế Việt Nam khi có xung đột xảy ra. Ngoài ra, quy mô các dự án từ Trung Quốc rất nhỏ, trung bình mỗi dự án đạt 5,2 triệu USD. Hơn nữa, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào thị trường Việt Nam đến năm 2013 tập trung chủ yếu vào ngành dệt may và bất động sản.

Về ngành dệt may của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Viêt Nam, như chúng ta đã biết, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam là dệt may, da giày và thủy sản. Trong nhiều năm liền, các sản phẩm này được xuất sang thị trường Hoa Kỳ nhiều nhất. Sự hiện diện của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ triệt tiêu sức cạnh tranh còn rất yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, do đa phần các doanh nghiệp này vẫn là gia công và nguồn nguyên liệu nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Do vậy, việc gia nhập hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới đây không chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc mà không khéo những doanh nghiệp này còn thống lĩnh, bóp chết các doanh nghiệp Việt Nam nếu Việt Nam không tận dụng được cơ hội này để cải thiện chất lượng, tiến tới nội địa hóa nguyên liệu đầu vào, chú trọng công tác quản lý chuổi cung ứng của mình, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, tạo ra những thể chế phù hợp với nhịp độ phát triển của thế giới.

Riêng về đầu tư bất động sản của Trung Quốc, đây không phải là lĩnh vực có thế mạnh về chuyển giao công nghệ hay tạo công ăn việc làm cho người lao động  mà Việt Nam muốn nhắm đến để thu hút các nguồn vốn FDI. Bất động sản cũng không phải là lĩnh vực sinh ra ngoại tệ, trừ bất động sản đầu tư vào kết cấu hạ tầng du lịch và cho thuê. Mặt khác, dòng vốn FDI đầu tư vào bất động sản thường tăng đột biến có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế vĩ mô cũng như dễ phá vỡ quy hoạch tổng thể. Một điều đáng lo ngại ở đây là luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng với các nhà đầu tư khi vào kinh doanh phải trình vốn mang vào. Do vậy, nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam với đồng vốn ít ỏi ban đầu, sau đó huy động vốn từ ngân hàng, dân chúng (nếu là dự án về nhà ở). Khi có sự cố họ rút về nước, bỏ lại một khối tài sản còn dở dang, gọi là thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư. Gần đây, Viêt Nam còn đang dự thảo giải pháp tái thế chấp bất động sản để đầu tư. Nếu giải pháp này được triển khai, liệu Việt Nam có giải quyết được tình trạng bất động sản đóng băng hay càng lúng sâu hoặc tiếp tay cho các doanh nghiệp Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường? Tuy chúng ta chưa có số liệu điều tra cụ thể về tình hình các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư về bất động sản, nhưng qua việc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp luật pháp và sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, chúng ta càng hiểu rõ hơn về “đối tác chiến lược” của Việt Nam từ đó nên có những động thái tích cực, giảm phụ thuộc và tăng cường khâu quản lý, chọn lựa các lĩnh vực ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI này.

3.2.   Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc

 Như đã đề cập ở trên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ Trung Quốc dẫn đầu bảng chiếm tỷ trọng 19% trong tổng kim ngạch nhập khẩu quốc gia vào năm 2013. Con số này cho thấy phần đóng góp của Trung Quốc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu khá quan trọng, có thể gọi là “đối tác chiến lược” của Việt Nam. Tuy nhiên, con số trên không có tính ngự trị. Sở dĩ, Việt Nam giao thương nhiều với Trung Quốc, một phần vì hai nước là láng giềng của nhau. Mặt khác hàng hóa của Trung Quốc có giá rẻ, phương thức thanh toán linh hoạt và phù hợp với túi tiền của đa số doanh nghiệp Việt Nam.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, nguyên nhiên liệu khoáng sản, theo kết quả thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhóm hàng nông sản được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 20% vào năm 2009 và tăng lên 30% vào năm 2012. Nhóm hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản xuất sang Trung Quốc có xu hướng giảm dần từ 55% năm 2009 xuống còn 18,7% năm 2012. Về nhập khẩu, Trung quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng lúa gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn; đứng thứ nhì về về thị trường nhập khẩu hạt điều, gỗ và các sản phẩm từ gỗ; đứng thứ tư về thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là đối tác cung cấp số lượng lớn các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam như phân bón, thuốc trừ sâu, các nguyên liệu, rau quả, thức ăn gia súc… Có thể thấy, nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Điều đáng ngại là có nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như  thủy sản, rau củ quả, trái cây, thậm chí nguyên vật liệu, tư liệu đầu vào như máy gặt, lúa giống  cũng được nhập ồ ạt từ Trung Quốc.

Nhiều e ngại về sự kiện hạ đặt giàn khoang Hải Dương 981 có thể gây tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Kết quả sáu tháng đầu năm 2014 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, có khá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực bị sụt giảm lớn(9). Cụ thể từ đầu tháng 5 đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể sản lượng cao su xuất sang Trung Quốc giảm 11,7%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 13%, gạo giảm 9,9%(10). Đây là số liệu thống kê cho xuất khẩu chính ngạch, còn xuất khẩu tiểu ngạch trong 5 tháng đầu năm nay, theo thống kê từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), các thương lái Trung Quốc thu mua lên đến 600.000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ(10). Tuy nhiên, theo kết quả thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, trong 4 tháng đầu năm 2014, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 2,9%, cao su giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Do vậy, con số trên không thể quy hẳn do tác động tiêu cực của việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, mà ngay từ đầu năm, VFA đã tuyên liệu về sự thoái trào của một số mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cao su. Đây là những mặt hàng có tính rủi ro cao bởi sự cạnh tranh của các quốc gia khác. Bù lại với sự suy giảm một lượng lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Trung Quốc, một số mặt hàng tuy kim ngạch xuất khẩu không lớn, nhưng từ 6 tháng đầu năm nay đã tăng rõ rệt, Chẳng hạn như rau quả tăng 71,2%; hạt điều tăng 21,48% về lượng và 20,1% về giá trị; chè tăng 14,18% về lượng và 5,99% về giá trị; thủy sản tăng 16,6% về lượng và 28,6% về giá trị; gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 8,82% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái(11).

Như vậy, sự co rút hay mở rộng thị trường từ đầu năm đến nay chỉ là hiện tượng nhất thời. Vấn đề cốt lõi ở đây là tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tìm cách thoát khỏi căn bệnh “trầm kha” của hàng nông sản Việt Nam. Lâu nay mặt hàng nông sản Việt Nam chủ yếu xuất thô và nhằm vào những thị trường dễ tính. Do vậy, vấn đề chủ quyền Biển Đông là hồi chuông cảnh báo, đã đến lúc Việt Nam cần chấn chỉnh lại cách “làm ăn dễ dãi” của mình để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Có nhiều thắc mắc, liệu Việt Nam cần thời gian bao lâu để có thể tìm kiếm được thị trường tiêu thụ như Trung Quốc? Vấn đề trọng yếu ở đây không phải là tìm ra thị trường tiêu thụ một lượng lớn nông sản thô với giá rẻ như thị trường Trung Quốc mà là Việt Nam nên làm gì để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, phòng tránh rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô. Để giải quyết bài toán này, trước mắt Việt Nam cần hướng về thị trường nội địa, đây là thị trường mà Việt Nam còn bỏ ngõ. Mặt khác, Việt Nam cần nổ lực xâm nhập vào thị trường khó tính hơn. Muốn được như vậy, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, đầu tư chiều sâu, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm của những thị trường tiềm năng mà chúng ta muốn hướng tới, chẳng hạn như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… từ đó dần tiến tới xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng cao, thông qua chế biến, có giá trị gia tăng cao.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam, năm 2013 Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc trên 25 tỷ USD hàng công nghiệp phụ trợ và máy móc. Trong đó, nhóm máy móc, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ là 6,64 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành từ Trung Quốc, nhóm nguyên phụ liệu dệt may da giày khoảng 5,54 tỷ USD chiếm 21,4%, nhóm điện thoại các loại và linh kiện là 5,54 tỷ USD chiếm 21,4%, nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là 4,43 tỷ USD chiếm 17,1%, nhóm sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép là 3,32 tỷ USD chiếm 12,9% (Căn cứ nguồn thống kê của Tổng Cục Hải Quan). Trong đó, các doanh nghiệp FDI nhập máy móc, trang thiết bị, nguyên phụ liệu chiếm tới 60% tổng kim ngạch nhập khẩu các hàng hóa của ngành vào Việt Nam. Tuy nhiên, vốn FDI của Trung Quốc tại Việt Nam chiếm tỷ trọng không đáng kể. Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hàng năm nhập khoảng 40% lượng hàng hóa từ Trung Quốc. Riêng nhóm hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao được xuất sang Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng, từ vị trí 10% trong tổng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2009 đã tăng lên đến 40% vào năm 2012.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có qui mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh yếu, lại lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ thấp, giá thành rẻ của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam thiếu hẳn các ngành công nghiệp phụ trợ - ngành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc, phần lớn lợi ích thương mại nghiêng về các doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam. Tóm lại, ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam càng lệ thuộc sâu vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam càng bị chèn ép, khó phát triển. Có thể hình dung, Việt Nam đang trở thành quốc gia gia công và xuất khẩu hộ cho các nước khác.

Chưa có sự nghịch lý nào hơn, khi Việt Nam từng xuất khẩu ồ ạt số lượng than rất lớn sang Trung Quốc với giá rẻ so với giá trị trường quốc tế, mặc dù Việt Nam đang rất cần nguồn năng lượng có sẵn này để phát triển? Buồn hơn nữa, Việt Nam lại nhập điện từ Trung Quốc với giá cao gấp ba lần giá điện ở Việt Nam? Gần đây, Việt Nam thiếu than đã phải nhập than từ Nam Dương, cũng cùng một loại than mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Do vậy, hơn bao hết, Việt Nam cần phải cải tổ chính sách xuất nhập khẩu, nhất là với Trung Quốc để tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều như hiện nay.

3.3.   Các công trình tổng thầu EPC

Theo thống kê sơ bộ đến năm 2010, có đến 90% các dự án thuộc các ngành điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất do nhà thầu EPC Trung Quốc đảm trách, trong đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia(12). Nếu xem hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn gây tác động không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam thì số lượng lớn các dự án tổng thầu EPC của Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực an ninh năng lượng, ngành trọng yếu của quốc gia sẽ càng là mối đe dọa cho nền kinh tế lẫn chính trị Việt Nam.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Cơ khí thuộc Bộ Công Thương - NARIME công bố vào đầu  tháng 4/2014, chỉ riêng ngành công nghiệp xi măng, Trung Quốc đã làm tổng thầu 23/24 nhà máy. Tương tự cho ngành nhiệt điện đốt than, trong 20 dự án, Trung Quốc đã trúng thầu EPC tới 15 với tỷ lệ nội địa hóa 0%. Cả 2 dự án bauxite và 3 nhà máy sàng tuyển than cũng do Trung Quốc làm tổng thầu EPC(13). Hầu hết các dự án trên tỷ lệ nội địa hoá trong nước gần như bằng 0, do toàn bộ phần việc của thầu phụ, ngay cả công nhân làm những việc đơn giãn như khuân vác, phụ hồ cũng do nhà thầu Trung Quốc đem người sang. Điều này khiến cho các nhà máy cơ khí chế tạo của Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia với tư cách là nhà thầu phụ. Như chúng ta đã biết, cơ khí là ngành công nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trước sự đầu tư ồ ạt của các nhà thầu EPC Trung Quốc với tỷ lệ nội địa hóa gần như về con số 0, vô hình trung làm cho ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam đang  chết trên chính sân nhà của mình.

Đáng lo ngại hơn nữa, nhiều gói thầu EPC của Trung Quốc trong thời gian qua không chỉ làm tăng sự  mất cân đối trong cán cân thương mại Việt - Trung mà còn góp phần làm cho nền kinh tế Vệt Nam lệ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, chất lượng, tiến độ công trình và giá thành tăng cao hơn so với dự kiến của nhà thầu Trung Quốc(14) đang là mối quan ngại sâu sắc cho Việt Nam. Một số nguyên nhân lý giải cho việc chậm tiến độ là do năng lực nhà thầu yếu kém, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được năng lực tài chính. Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng có khá nhiều dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ Trung Quốc, nên họ đã đặt một số điều kiện như phải dùng nhà thầu, kỹ thuật, trang thiết bị và dịch vụ của Trung Quốc. Về phương diện này, Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời trước Quốc hội Việt Nam rằng “Việt Nam vay tiền của Trung Quốc để thực hiện các dự án là không nhiều”(15)? Rất tiếc Ông Dũng không cho biết con số cụ thể về các khoản nợ Trung Quốc vì tính chất nhạy cảm của vấn đề này.

Để khắc phục những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra trong tương lai, Luật đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 đã đưa ra giải pháp nhằm giải quyết, loại bỏ việc nhà thầu yếu kém về năng lực trong thời gian tới. Theo luật đấu thầu mới, yêu cầu về chất lượng kỹ thuật đã được đặt lên hàng đầu, cách tính giá không còn gói trong giá xây dựng ban đầu mà tính cho cả vòng đời của dự án (bao gồm khâu vận hành, bảo trì) để dễ so sánh, đánh giá đúng rẻ hay đắt. Ngoài ra, những công ty trúng thầu sẽ buộc phải ưu tiên sử dụng nhân công Việt Nam cũng như vật liệu, trang bị và dịch vụ có sẵn ở địa phương. Tuy nhiên,  luật này không thể áp dụng cho các dự án đã trúng thầu trước đó. Do vậy công tác tăng cường giám sát cần được chú trọng.

Với động thái giành hết các dự án trọng điểm của Việt Nam làm tổng thầu EPC, Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ thâu tóm quyền lợi, ép nền kinh tế các nước láng giềng phải chịu sự phụ thuộc. Hơn bao giờ hết, vấn đề an ninh năng lượng, an toàn, chất lượng các công trình trọng điểm của Việt Nam cần được xem trọng và cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn đối tác đầu tư.

Tóm lại, sau 22 năm quan hệ thương mại với Trung Quốc, tái thiết nền sản xuất công nghiệp nước nhà, Việt Nam đã đạt những gì? phải thừa nhận những đầu việc Việt Nam đã đạt được như tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên, thị trường quốc tế được khai thông, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, còn một số mặt hạn chế như:

Về công nghệ, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 6% sử dụng công nghệ cao. Do đa phần là công nghệ thấp, các doanh nghiệp tại Việt Nam phần lớn chỉ thực hiện việc gia công, tạo ra giá trị gia tăng thấp, khó tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu.

Về môi trường, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều địa phương tiếp nhận đầu tư có xu hướng đón nhận ngày càng nhiều các dòng vốn FDI tiêu tốn năng lượng, tài nguyên không thân thiện với môi trường và không có cơ chế kiểm soát sát sao về môi trường. Nhiều dự án triển khai đã vi phạm nghiêm trọng quy định về môi trường, gây tác động lâu dài tới sức khỏe người dân và hệ sinh thái khu vực.

Về gia tăng kim ngạch xuất khẩu, thực tế cho thấy kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng luôn đi kèm với sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan năm 2013, nếu chúng ta tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc lên 10% thì giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên 30%. Như vậy, càng tăng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam càng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế cũng như chính trị của quốc gia.

Về cải thiện cán cân thương mại, nhìn tổng thể cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam được cải thiện. Tuy nhiên, cán cân giao thương hàng hóa với Trung Quốc thì càng ngày càng thâm hụt. Nếu năm 2000 cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc thặng dư 135 triệu USD thì đến năm 2013 đã chuyển sang thâm hụt 23,25 tỷ USD.

Về chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam chưa thấy được lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ mặc dù một trong những mục tiêu thu hút FDI mà Việt Nam đặt ra là mong muốn nhận được những công nghệ tiên tiến hơn(16).

Về phát triển nguồn nhân lực cao, sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc, ngay cả các dự án tổng thầu lớn cũng có rất ít có tỷ lệ nội địa hóa tham gia. Do vậy, mối quan hệ này chưa thể hiện sự chuyển giao, bồi dưỡng, huấn luyện, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, thực tế đã chứng minh càng có nhiều doanh nghiệp FDI Trung Quốc hiện diện thì càng tạo ra ít cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bởi tính cạnh tranh quá cao cùng với sự ưu ái về chính sách của nhà nước, vô hình trung làm bóp chết các doanh nghiệp trong nước có qui mô vừa và nhỏ. Nguyên nhân chính là do chính sách thể thế nước ta chưa phù hợp.

Do vậy, nếu quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, nền sản xuất công nghiệp Việt Nam sẽ bị tác động mạnh, nhưng chỉ trong ngắn hạn nếu Việt Nam kiên quyết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thay đổi đối tác cũng như thay đổi về cơ cấu sản xuất, ưu tiên các ngành ít phụ thuộc và củng cố, nâng cao năng lực sản xuất trong nước thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ít bị tác động tiêu cực hơn và sớm làm chủ được tình hình.

4.         Một số đề xuất nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

4.1.   Tham gia vào các hiệp ước thương mại quốc tế

Một trong những giải pháp hiệu qủa nhất để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc là đa dạng hóa thị trường. Để làm được điều này, Việt Nam cần tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế. Trong năm 2001, Việt Nam đã ký kết hiệp định song phương với Hoa Kỳ. Năm 2007 Việt Nam đã gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization - WTO). Năm 2010, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) với 11 quốc gia khác nhưng không có Trung Quốc. Gần đây, Việt Nam cũng đang thương thuyết 5 hiệp ước thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA): (1) FTA với Liên Hiệp Âu Châu (EU); (2) FTA với Hàn Quốc; (3) FTA với Na Uy – Thụy Sỹ – Iceland – Liechtenstein; (4) FTA với Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan;  và (5) Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa các nước ASEAN. Trong đó,  3 hiệp ước có ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ nhất đến nền kinh tế Việt Nam và sẽ giúp Việt Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc là TPP, FTA với EU và FTA với Hàn Quốc.

Mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, khi tham gia Việt Nam sẽ có cơ hội tăng gia số lượng hàng hóa xuất khẩu đến các quốc gia TPP.  Với dân số gần 800 triệu và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 28 ngàn tỷ USD (chiếm 40% GDP của thế giới), các quốc gia TPP sẽ là thị trường đầy tiềm năng và triển vọng cho Việt Nam hướng đến. Ngoài ra, các nước TPP sẽ là nguồn cung cấp vốn đầu tư cho Việt Nam, đồng thời vừa là thị trường tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam mà không bị Trung Quốc cạnh tranh. Khi đó, Việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm.

Theo ông Marc Townsend, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 28,4% và giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ tăng 35,7% vào năm 2025 so với mức tăng khi không có sự hỗ trợ từ TPP. Ông cho rằng, TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ đem lại nhiều cơ hội mới hỗ trợ chiến lược phát triển của Việt Nam hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa(17).

Trong lĩnh vực điện tử, Việt Nam có những dự án quy mô lớn như của Samsung hay LG nhưng các công ty này vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. Khi FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết, Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc vì các công ty Hàn Quốc sẽ đến xây dựng nhà máy tại Việt Nam để được hưởng quy chế thuế thấp do hiệp định thương mại này quy định. Như vậy, đây cũng là một trong những hiệp ước giúp Việt Nam giảm lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc(18).

Để Việt Nam có thể tận dụng được những lợi ích của các hiệp định này mang lại, vai trò của chính phủ trong việc đàm phán về các lợi ích xuất khẩu của doanh nghiệp là rất quan trọng. Công tác đàm phán càng tốt thì các doanh nghiệp trong nước mới có thể tận dụng hết lợi thế của các hiệp định đó để mở rộng thị trường mới.

4.2.   Khuyến khích các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển

Một trong những nguyên nhân khiến tốc độ nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng một cách nhanh chóng là do năng lực sản xuất hàng tiêu dùng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, sức cạnh tranh yếu, hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp. Quan trọng hơn cả là do sự thiếu vắng của một nền công nghiệp phụ trợ.  Để thu hút  hiệu quả nguồn FDI của các nước trên thế giới, Việt Nam cần sớm giải quyết bài toán “phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cùng với việc tháo gỡ các vướng mắc khác đang tồn tại ở ngành này”(19).  Muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam phải chấp nhận chi phí tốn kém. Trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng phát triển sớm nhằm thu hút nguồn vốn FDI lớn của các nước đang có nhu cầu mở rộng, chuyển hướng thị trường đầu tư. Chẳng hạn như  lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt  may, da  giày và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Để làm được điều này, không chỉ đòi hỏi sự liên kết, tập hợp các doanh nghiệp, phân công chuyên môn hóa hợp lý nhằm sản xuất ra những linh kiện, phụ tùng đáp ứng yêu cầu chất lượng của các đối tác lớn đặt ra mà còn có sự quyết tâm của Chính phủ trong việc ban hành những chính sách hỗ trợ. Việt Nam cần có một chính sách, chiến lược dài hạn, toàn diện để hình thành các ngành công nghiệp ô tô, xe máy, đồ điện, điện tử dân dụng…, tạo đà thu hút, khuyến khích và phát triển các cơ sở sản xuất , cung cấp phụ tùng và nguyên vật liệu.

4.3.   Tái cơ cấu, cải cách thể chế

Muốn thoát ra khỏi sự phụ thuộc của bất cứ ai thì nội lực phải đủ mạnh. Đây chính là vấn đề cốt lõi nhất. Việt Nam phải đứng được trên đôi chân của mình mà muốn như vậy thì cần phải thay đổi cách thức phát triển. Nếu không thực hiện tái cơ cấu, cải cách thể chế thì nền kinh tế của Việt Nam ngay cả khi không có sức ép từ Trung Quốc cũng không thể tự mình thoát ra khỏi tất cả các bế tắc hiện nay. Thực tế cho thấy, sau 25 năm thu hút đầu tư, nền công nghiệp VN hoàn toàn thất bại. Công nghiệp chế biến hàng nông sản đã yếu, công nghiệp chế biến khoáng sản càng yếu hơn, còn công nghiệp phụ trợ thì hầu như là con số 0. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm.

4.4.   Bổ sung, hoàn thiện chính sách thu hút nguồn vốn FDI

Để nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt hiệu quả cao, Việt Nam cần coi trọng cơ cấu và chất lượng, đồng thời đưa ra các chính sách  ưu đãi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như IT và công nghệ sinh học phục vụ cho công nghiệp; cơ sở hạ tầng; công nghiệp phụ trợ và vào các ngành dịch vụ quan trọng như tài chính, ngân hàng. Việc đòi hỏi, thu hút đầu tư phải được chú trọng và luôn ở thế chủ động để có thể loại trừ các dự án có khả năng gây bất ổn đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, các dự án được cấp phép cần phải tuân thủ quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Tăng cường công tác “hậu kiểm” và quản lý thật chắc quá trình triển khai các dự án đã được cấp phép.

4.5.   Khuyến khích đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa

Thay vì hạn chế hay rút bớt những ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm khuyến khích đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp nội, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ về thể chế, tài chính, tín dụng... theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng vượt qua trạng thái trì trệ. Ngoài ra, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích mở rộng, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Có như vậy thì tiến trình chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cao may ra mới có thể cải thiện.

5. Kết luận

Trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không thể độc lập hoàn toàn với Trung Quốc và ngược lại. Tuy nhiên, để tránh rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô, Việt Nam không thể phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trước mắt, Việt Nam cần phải cố gắng tự sản xuất những hàng hóa tiêu thụ hàng ngày, dần tạo nội lực tiến tới hình thành các chuổi cung ứng hàng hóa, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Để làm được điều này, cần có sự  góp sức, quyết tâm của toàn xã hội. Trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo, quyết định đến sự thành bại của nền kinh tế quốc gia. Kế đến là sự đồng lòng hiệp lực của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất khác nhau cùng liên kết chặt chẽ, tạo thành một chuổi cung ứng liên hoàn, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính. Sau cùng là sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt Nam, cần bỏ thói quen mua hàng rẻ, hàng kém chất lượng và không an toàn của Trung Quốc, hỗ trợ, dùng hàng Việt Nam nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang nhòm ngó, tranh giành vùng biển đảo của Việt Nam. Và quan trọng hơn hết là Việt Nam cần tái cơ cấu, cải cách thể thế cho phù hợp với nhịp độ phát triển của thế giới. Tích cực tham gia đàm phán và gia nhập các hiệp ước thương mại thế giới. Quyết tâm loại bỏ các “ung nhọt” ra khỏi cơ thể, chấp nhận khó khăn ban đầu để từng bước có thể đứng vững trên đôi chân của mình.

 

 

Chú thích:

 ([1]) Thanh Tùng, Trung Quốc lại ngang ngược cấm đánh bắt trên Biển Đông, Báo Dân Trí, ngày 21/05/2014, http://dantri.com.vn/dong-a/trung-quoc-lai-ngang-nguoc-cam-danh-bat-tren-bien-dong-877403.htm

(2) Carlyle Thayer, Oil Rig Crisis Threatens Booming China-Vietnam Ties, World Politics Review, June 3, 2014.

(3)  Tính toán theo số liệu của Tổng cục Hải quan & IMF, http://www.customs.gov.vn/ default.aspx

(4) Phạm Sỹ Thành, Ba mối lo trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, Tạp chí Tài Chính Việt Nam, ngày 23/6/2104, http://tapchitaichinh. vn/Nghien-cuu-dieu-tra/Ba-moi-lo-trong-quan-he-kinh-te-Viet-Nam-Trung-Quoc/50615.tctc

(5) Theo lời Bà Đặng Phương Dung – TTK Hiệp hội dệt may Việt Nam

(6) Hải An, Doanh nghiệp FDI: Những gam màu sáng, tối, Tạp chí Tài Chính, ngày 20/03/2014, http://www.tapchitaichinh.gov.vn/Trao-doi-Binh-luan/Doanh-nghiep-FDI-Nhung-gam-mau-sang-toi/46624.tctc

(7)  Số liệu công bố chính thức từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế Hoạch và Đầu tư) đến ngày 31/12/2013, http://baodautu.vn/so-lieu-chinh-thuc-fdi-vao-viet-nam-2013-2235-ty-usd.html

(8) Nguyễn Minh Phong, Những “điểm nhấn” trong 25 năm thu hút FDI vào Việt Nam và triển vọng, Nhân dân điện tử, ngày 01/02/2014, http://www.nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/22237302-nhung-%E2%80%9Cdiem-nhan%E2%80%9D-trong-25-nam-thu-hut-fdi-vao-viet-nam-va-trien-vong.html

(9) Mỹ Lệ, Giảm phụ thuộc từ Trung Quốc, Kinh tế Sài gòn online, ngày 22/5/2014, http://www.thesaigontimes.vn/115202/Giam-phu-thuoc-tu-Trung-Quoc.html

(10) Tâm Thời, Giải pháp cho nông sản xuất khẩu, Báo Mới, 10/07/2014, http://www. baomoi.com/ Giai-phap-cho-nong-san-xuat-khau/ 45/14272691.epi

(11) Uyên Hương, Bỏ thói quen làm ăn dễ dãi, Thời báo Ngân hàng, ngày 09/07/2014, http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-bo-thoi-quen-lam-an-de-dai-22683.html

(12)Tô Tùng, Thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu gạo của Việt Nam, Tiền Phong, ngày 07/06/2014, http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ban-tin-8h-thuong-nhan-trung-quoc-day-manh-mua-gao-viet-nam-713893.tpo

(13) Thảo Nguyên, Trung Quốc vẫn tăng mua nhiều nông sản của Việt Nam, Báo Dân Trí, ngày 26/6/2014, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/trung-quoc-van-tang-mua-nhieu-nong-san-cua-viet-nam-892840.htm

(14) Lê Vy, Cận cảnh quan hệ kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, Báo điện tử Một Thế Giới, ngày 2/6/2014, http://motthegioi.vn/kinh-te/giam-phu-thuoc-trung-quoc-ve-kinh-te-cach-nao/can-canh-quan-he-kinh-te-viet-namtrung-quoc-75447.html

(15) Hồng Quân, Mối nguy từ các dự án tổng thầu EPC rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc,  Báo Lao Động, ngày 4/6/2014, http://laodong.com.vn/kinh-doanh/moi-nguy-tu-cac-du-an-tong-thau-epc-roi-vao-tay-nha-thau-trung-quoc-205587.bld#

 (16) Lê Hồng Hiệp, The rise of Chinese Contractors in Vietnam, East Asia Forum, March 14, 2014.

(17) Thành Chung, Việt Nam Không Vay Nợ Nhiều Của Trung Quốc, Báo Điện Tử Chính Phủ, 11-6-2014, http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Viet-Nam-khong-vay-no-nhieu-cua-Trung-Quoc/201354.vgp

(18) Hiếu Lam, Việt Nam yếu vì nền kinh tế gia công toàn diện!, Đất Việt, ngày 13/06/2014 , http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/viet-nam-yeu-vi-nen-kinh-te-gia-cong-toan-dien-3038669/

(19) Trần Quang Lâm, Phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam: Trước làn sóng đầu tư mới của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, 12 /07/ 2014


TS. LÊ KIM THOA – NGÔ HOÀNG ĐẠI LONG

Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh




Các tin khác

Việt Nam và Biển Đông hiện trạng và khuynh hướng (31/05/2014)
Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (01/04/2014)
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 2012 (01/04/2014)
Điện mừng 64 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung (08/02/2014)
Tuyên bố chung làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới (17/10/2013)
Điện mừng Quốc khánh Trung Quốc (02/10/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (08/08/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (08/08/2013)
Bộ trưởng Ngoại giaoTrung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam (08/08/2013)
Những điều không thể nói ra (20/03/2013)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn