Hệ thống chính sách an sinh xã hội có vai trò ổn định và đảm bảo công bằng xã hội, điều tiết kinh tế, là một chế độ xã hội không thể thiếu của mỗi quốc gia. Vì thế, kể từ khi thành lập nước, đặc biệt sau Đại hội XVII ĐCS Trung Quốc (2007) đến nay, trong bối cảnh xây dựng toàn diện xã hội khá giả và xã hội hài hòa, Trung Quốc đã điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới nhiều chính sách an sinh xã hội theo tinh thần “kiên trì phương châm bao phủ toàn diện, bảo đảm cơ bản, nhiều cấp độ, bền vững, lấy tăng cường tính công bằng, tính lưu động thích hợp, bảo đảm tính bền vững làm trọng điểm, xây dựng toàn diện hệ thống an sinh xã hội bao phủ cư dân thành thị và nông thôn” nhằm thực hiện mục tiêu cải cách và phát triển hệ thống an sinh xã hội. Nhờ đó sự nghiệp an sinh xã hội của Trung Quốc đã có bước đột phá mang tính lịch sử, khung hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân bước đầu hình thành, mức đãi ngộ nâng cao, quy mô quỹ an sinh xã hội ngày càng lớn mạnh, năng lực phòng chống rủi ro được nâng cao... Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến, hệ thống chính sách an sinh xã hội của Trung Quốc hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như việc chế định và thực hiện chính sách còn tình trạng phân mảnh rõ nét, phân cấp quản lý chồng chéo, hệ thống pháp lý cho việc vận hành còn chưa kiện toàn…gây lãng phí nguồn lực công. Bài viết sẽ đánh giá một số thành tựu cũng như một số bất cập trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Trung Quốc hiện nay trên các phương diện chế định, thực hiện và giám sát thực hiện chính sách.
I. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU TRONG VIỆC XÂY DỰNG, KIỆN TOÀN VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI CỦA TRUNG QUỐC TỪ SAU ĐẠI HỘI XVII
Gần đây, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc ngày càng coi trọng vấn đề dân sinh và an sinh xã hội, đặc biệt từ sau Đại hội XVII, hệ thống chủ trương, chính sách thể hiện trong các văn bản pháp quy về an sinh xã hội của Trung Quốc ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự vận hành của hệ thống an sinh xã hội ở nước này.
1. Bổ sung những khoảng trống chính sách, hình thành khung chính sách an sinh xã hội nhiều tầng nấc, bao phủ toàn dân
Kể từ Đại hội XVII đến nay, Trung Quốc đã bổ sung những khoảng trống trong chính sách xây dựng chế độ an sinh xã hội của nước mình, là thời kỳ thúc đẩy xây dựng hệ thống chính sách về an sinh xã hội nhanh nhất kể từ khi nước này được thành lập, đã phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và cải thiện dân sinh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển hài hòa.
Cải cách, hoàn thiện và đổi mới chế độ bảo hiểm xã hội. Trên phương diện bảo hiểm dưỡng lão cơ bản công nhân viên chức thành thị, đến tháng 3-2012, Trung Quốc đã cơ bản thực hiện quy hoạch thống nhất cấp tỉnh bảo hiểm dưỡng lão cơ bản công nhân viên chức thành thị ở các địa phương trên cả nước. Đây được coi là một tiến bộ to lớn. Từ tháng 1-2009, Bộ Nguồn Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc chính thức ban hành và thực hiện “Phương án cải cách chế độ bảo hiểm dưỡng lão đơn vị sự nghiệp” trên toàn quốc, 5 tỉnh thành phố là Sơn Tây, Thượng Hải, Chiết Giang, Quảng Đông, Trùng Khánh đã triển khai thí điểm cải cách chế độ bảo hiểm dưỡng lão đơn vị sự nghiệp.
Về phương diện quan hệ chuyển dịch liên vùng đối với bảo hiểm dưỡng lão cơ bản công nhân viên chức ở thành thị và bảo hiểm y tế cơ bản khác vùng cũng có bước đột phá và sáng tạo về mặt chế độ chính sách với việc Quốc Vụ viện ban hành và thực hiện “Biện pháp thi hành tạm thời kết nối chuyển dịch quan hệ bảo hiểm dưỡng lão cơ bản công nhân viên chức doanh nghiệp ở thành thị” vào năm 2010, trong đó quy định quan hệ bảo hiểm dưỡng lão cơ bản của tất cả đối tượng tham gia bảo hiểm dưỡng lão cơ bản công nhân viên các doanh nghiệp ở thành thị bao gồm cả nông dân công có thể được chuyển dịch bảo hiểm khi chuyển sang làm việc tại các tỉnh khác, đồng thời không cho phép người tham gia bảo hiểm thôi không tham gia bảo hiểm. Theo đánh giá của các nhà khoa học Trung Quốc, văn kiện này đã bảo vệ sự tôn nghiêm của chế độ bảo hiểm dưỡng lão, bảo vệ quyền lợi thụ hưởng tiền bảo hiểm dưỡng lão của người lao động trong quá trình lưu động, phù hợp với phương hướng thực hiện thống nhất trên toàn quốc chế độ bảo hiểm dưỡng lão cơ bản công nhân viên chức.
Tháng 10-2010, Trung Quốc ban hành “Luật bảo hiểm xã hội” và chính thức thực thi từ ngày 1-7-2011. Đây là bộ luật mang tính tổng hợp đầu tiên trong lĩnh vực an sinh xã hội được ban bố, có ý nghĩa rất quan trọng, đã quy phạm khung cơ bản của toàn bộ chế độ an sinh xã hội, là một bước tiến dài vững chắc trong việc xây dựng pháp trị an sinh xã hội của Trung Quốc. Nó đánh dấu xây dựng hệ thống an sinh xã hội Trung Quốc bắt đầu chuyển từ trạng thái thử nghiệm lâu dài sang giai đoạn phát triển định hình, ổn định và bền vững. Tháng 12-2010, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã sửa đổi “Điều lệ bảo hiểm tai nạn lao động”, giúp cho pháp luật, pháp quy trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện hơn.
Triển khai toàn diện bảo hiểm y tế cơ bản cư dân thành thị, tháng 7-2007, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành văn kiện “Ý kiến chỉ đạo của Quốc Vụ viện về việc triển khai thí điểm bảo hiểm y tế cơ bản cư dân thành thị”, bắt đầu thí điểm bảo hiểm y tế cơ bản cư dân thành thị, học sinh, trẻ em trong giai đoạn tiểu học, trung học và đối tượng người lao động phi chính thức khác ở thành thị được hưởng bảo hiểm y tế. Tháng 10-2008, Quốc Vụ viện ban hành văn kiện “Ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Quốc Vụ viện về việc đưa sinh viên vào phạm vi thí điểm bảo hiểm y tế cơ bản cư dân thành thị”. Tháng 4-2009, Bộ Nguồn Nhân lực và An sinh xã hội ban hành “Thông tri về việc triển khai toàn diện công tác bảo hiểm y tế cơ bản cư dân thành thị”, quyết định thúc đẩy toàn diện trên toàn quốc bảo hiểm y tế cơ bản cư dân thành thị từ năm 2009. Cùng với việc mở rộng nhanh chóng bảo hiểm y tế cơ bản cư dân thành thị và thực thi trên cả nước bảo hiểm y tế cơ bản công nhân viên chức thành thị, y tế hợp tác nông thôn kiểu mới và cứu trợ y tế thành thị và nông thôn, Trung Quốc đã thực hiện bảo phủ toàn diện bảo hiểm y tế cơ bản toàn dân.
Bước đầu thực hiện bảo hiểm dưỡng lão cơ bản nông dân kiểu mới, tháng 9 - 2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành văn kiện “Ý kiến chỉ đạo của Quốc Vụ viện về việc triển khai thí điểm bảo hiểm dưỡng lão xã hội nông thôn kiểu mới”. Bảo hiểm dưỡng lão nông thôn kiểu mới bắt đầu được thí điểm và phát triển theo nguyên tắc cơ bản là “bảo đảm cơ bản, bao phủ rộng, linh động, bền vững”, đây được coi là bước nhảy vọt chưa từng có. Hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc trên 60 tuổi lần đầu tiên được hưởng chế độ bảo đảm dưỡng lão cơ bản trên tầng diện ưu đãi của nhà nước. Nông dân sau khi được ưu đãi “canh tác không nộp thuế, đi học không trả phí, khám bệnh không quá đắt”, nay lại được hưởng “dưỡng lão không lo lắng” .
Bảo hiểm dưỡng lão xã hội cư dân thành thị phát triển nhanh chóng, tháng 7- 2011, Trung Quốc chính thức bắt đầu thực hiện “Ý kiến chỉ đạo của Quốc Vụ viện về việc triển khai thí điểm bảo hiểm dưỡng lão xã hội cư dân thành thị”. Từ đây người lao động phi chính thức ở thành thị có được bảo hiểm dưỡng lão. Có thể nói cư dân thành thị và nông dân là hai nhóm đối tượng lớn nhất trong dân số Trung Quốc, giải quyết được vấn đề bảo hiểm xã hội của hai nhóm đối tượng này về cơ bản đã giải quyết được vấn đề bảo hiểm xã hội (chủ yếu là bảo hiểm dưỡng lão và bảo hiểm y tế) của tuyệt đại đa số dân số nước này.
Click xem tiếp