Nghiên cứu Trung Quốc - Nhìn lại 20 năm và định hướng hoạt động trong thời gian tới
GS.TS. Đỗ Tiến Sâm
Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Trung Quốc
Viện Nghiên cứu Trung Quốc (tên
tiếng Anh: Institute of Chinese Studies)
– tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, được thành lập theo Quyết định
số 466/TTg ngày 15-9-1993 của Thủ tướng Chính phủ. Hai mươi năm qua, dưới sự
chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, nay là Chủ tịch Viện Hàn lâm
KHXH Việt Nam, sự nỗ lực tuyệt vời của các thế hệ cán bộ viên chức, Viện Nghiên
cứu Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Kỷ niệm 20
năm thành lập (1993-2013) là dịp thuận lợi để Viện nhìn lại những mặt được, chưa
được, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời nêu lên định hướng phát triển
trong thời gian tới.
I. NHÌN LẠI 20 NĂM NGHIÊN CỨU VỀ
TRUNG QUỐC
1. Những thành tựu chủ yếu
Từ khi thành
lập năm 1993 đến nay, Viện đã đạt được một số thành tựu trong nghiên cứu khoa
học như sau:
Viện đã hoàn
thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, hơn 80 đề tài cấp Bộ, hơn 300
đề tài nghiên cứu cấp cơ sở; đồng thời tiến hành 8 đề tài hợp tác quốc tế, tham
gia một số đề tài nhánh thuộc các Chương trình cấp Nhà nước ở ngoài Viện. Kết
quả của các đề tài nghiên cứu khoa học nêu trên phần lớn đều đã được xuất bản
thành sách, kỷ yếu hoặc đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành.
Tính đến nay,
Viện đã xuất bản được hơn 100 cuốn sách, là thành quả của các đề tài nghiên
cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, luận văn Tiến sĩ, Thạc sĩ. Riêng Tạp chí
Nghiên cứu Trung Quốc do Viện chủ trì, từ số ra đầu tiên tháng 6 - 1995 đến
tháng 6 - 2013 đã ra mắt bạn đọc được 142 kỳ, đăng tải được hơn 800 công
trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, trong đó có khoảng gần
một nửa là của cán bộ, viên chức khoa học của Viện.
Trong khuôn khổ
hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, Viện còn được giao phụ trách Trung tâm
Nghiên cứu Trung Quốc và ASEAN (CACS), nhằm xây dựng mạng lưới nghiên cứu về
Trung Quốc của các nước ASEAN và nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung Quốc.
Trong những năm qua, CACS đã triển khai một số hoạt động trong đó có 2 hội thảo
khoa học quốc tế, 2 công trình nghiên cứu chung. Kết quả của các hoạt động trên
cũng đã được xuất bản thành 4 cuốn sách bằng tiếng Anh để trao đổi quốc tế.
Các sản phẩm
khoa học do Viện chủ trì được công bố đã góp phần cung cấp những thông tin cơ
bản, toàn diện và tương đối có hệ thống về Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh
tế, xã hội, chính trị, lịch sử, văn hoá, chính sách đối ngoại, an ninh quốc
phòng của Trung Quốc v.v… qua đó góp phần
làm cho người đọc Việt Nam có được cách nhìn khoa học, khách quan về Trung
Quốc đương đại, nhất là về công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, đồng thời
cũng là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên, học viên cao học, nghiên
cứu sinh tiến sĩ và những người quan tâm tìm hiểu về Trung Quốc, qua đó góp phần
đào tạo đội ngũ các nhà Trung Quốc học của Việt Nam. Dưới dây là những
đóng góp trên một số lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu:
1.1. Về lĩnh vực kinh tế - xã hội Trung
Quốc
Đây là một
trong những lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm của Viện. Trong những năm qua, các đề
tài được tập trung vào những vấn đề sau đây:
Một là, tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn
trong quá trình cải cách mở cửa và phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc,
như: Những vấn đề nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc 10 năm
đầu thế kỷ XXI và triển vọng đến 2020; đánh giá sự trỗi dậy về kinh tế Trung
Quốc và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; vấn đề cải cách kinh tế theo hướng
thị trường ở Trung Quốc; vai trò của Nhà nước trong việc ứng phó với khủng hoảng
tài chính tiền tệ; vấn đề chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, phát
triển vùng miền, nông thôn - thành thị, vấn đề tam nông, hưng biên phú dân,
v.v...
Hai là, nghiên cứu một cách toàn diện về lĩnh vực xã hội của
Trung Quốc, trong đó có việc luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn xây
dựng xã hội hài hòa ở Trung Quốc; nhân tố xã hội nảy sinh trong quá trình trỗi
dậy của Trung Quốc; vấn đề dân sinh và những vấn đề xã hội nổi lên trong quá
trình Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường như phân tầng xã hội,
chênh lệch giàu nghèo, bất ổn xã hội, v.v...
Ba là, tập trung nghiên cứu về kinh nghiệm hội nhập quốc tế
của Trung Quốc trong đó có việc Trung Quốc trước và sau khi gia nhập Tổ chức
Thương mại thế giới (WTO), từ đó đề xuất những kiến nghị mang tính gợi mở đối
với Việt Nam khi gia nhập WTO.
1.2 .Về lĩnh vực chính trị Trung Quốc
Các đề tài
nghiên cứu chủ yếu tập trung luận giải về cải cách thể chế chính trị ở Trung
Quốc, đáng chú ý là cải cách, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Trung Quốc trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập
quốc tế; cải cách và hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước
pháp quyền XHCN, cải cách hành chính nhà nước
theo hướng chính phủ phục vụ, vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn Trung
Quốc; những đột phá về tư duy trong phát triển ở Trung Quốc, chống tham
nhũng, hủ bại... Những nghiên cứu này đã góp phần giúp bạn đọc Việt Nam hiểu
thêm về chế độ chính trị của Trung Quốc cũng như kinh nghiệm cải cách thể chế
chính trị ở Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Trong số kinh
nghiệm cải cách thể chế chính trị có kinh nghiệm nâng cao năng lực cầm quyền
của Đảng và phòng chống tham nhũng như: Đảng phải đi trước thời đại, Đảng thực
hiện cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ, cầm quyền theo pháp luật và cầm
quyền vì dân; xây dựng mô hình chính đảng học tập, chính đảng phục vụ, chính
đảng sáng tạo... Trong chống tham nhũng vừa phải coi trọng cả trừng trị và
phòng ngừa, trong phòng ngừa tham những phải coi trọng xây dựng chế độ, theo
cách nói của Việt Nam là cơ chế kiểm soát quyền lực – sao cho có thể “nhốt con
hổ quyền lực vào trong chiếc lồng của chế độ”. Khác với kinh tế, ảnh hưởng của
tham nhũng đối với chính trị là to lớn, bởi nó liên quan trực tiếp đến lòng tin
của người dân vào sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, v.v...
1.3 . Về lịch sử Trung Quốc
Trong những năm
qua, Viện cũng đã triển khai một số nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc qua các
thời kỳ, bước đầu đạt được một số kết quả như: Nghiên cứu về lịch sử cận
hiện đại Trung Quốc; Cách mạng Tân Hợi; 50 năm nước CHND Trung Hoa (1949 –
1999); quá trình cải cách mở cửa ở Trung Quốc từ 1978 đến nay; vai trò người
Hoa Đông Nam Á trong sự phát triển của Trung Quốc (1978 – 2005); quá trình phát
triển kinh tế - xã hội nông thôn ở Trung Quốc (1978 – 2008)…
1.4 .Về văn hóa, văn học Trung Quốc
Cùng với các
lĩnh vực nghiên cứu khác, lĩnh vực Văn hóa, Văn học Trung Quốc trong những năm
qua cũng được Viện tập trung nghiên cứu,
trong đó có một số đề tài cấp Bộ, luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ đã được
xuất bản. Trong lĩnh vực Văn hóa, Viện đã tiến hành nghiên cứu những vấn đề như:
Xây dựng nền văn hóa XHCN đặc sắc Trung Quốc, xây dựng văn minh tinh thần, xây
dựng văn hóa tiên tiến XHCN ở Trung Quốc; lễ hội truyền thống ở Trung
Quốc, sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc, v.v... Trong lĩnh vực văn học Trung
Quốc, Viện có một số nghiên cứu về phong cách nghệ thuật thơ từ Tô Đông Pha,
nghệ thuật kịch của Tào Ngu, v.v...
1.5. Về các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng
Kông, Ma Cao
Ngoài những nghiên cứu về Trung Quốc đại lục,
Viện cũng rất chú trọng đến nghiên cứu về các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng
Kông, Ma Cao, hợp tác giữa các vùng lãnh thổ này với đại lục Trung Quốc. Trong đó có nghiên cứu về quá trình phát
triển kinh tế - xã hội Đài Loan; cải cách, phát triển giáo dục của Đài Loan,
Hồng Kông, Ma Cao thời kỳ trước và sau
khi chuyển giao chủ quyền; quan hệ kinh tế hai bờ eo biển Đài Loan; quan hệ
“hai bờ bốn bên (Đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao), hợp tác vùng Chu Giang
mở rộng ở Trung Quốc, v.v...
1.6. Về lĩnh
vực đối ngoại, an ninh quốc phòng của Trung Quốc
Các đề tài của
Viện tập trung vào việc tìm hiểu chính sách và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc
từ khi cải cách mở cửa đến nay như: Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 20
năm đầu thế kỷ XXI; sự điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm đảm bảo sự trỗi dậy
của Trung Quốc giai đoạn 2011 – 2020, v.v... Trong đó nêu bật các nội dung như:
Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường mở rộng vai trò, ảnh hưởng
của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới, những vấn đề đặt ra đối với Việt
Nam trước những điều chỉnh về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ngoài ra,
Viện cũng tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu về các cặp quan hệ giữa Trung Quốc với
Mỹ, Trung Quốc với Nga, Trung Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc với ASEAN, chủ yếu
là từ sau chiến tranh lạnh đến nay.
Trong những năm
gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, an ninh quốc phòng của Trung Quốc
cũng không ngừng được tăng cường, đây cũng là một trong những nhân tố quan
trọng đánh giá sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì vậy, Viện cũng đã bắt đầu tiến
hành một số nghiên cứu về lĩnh vực này, như nghiên cứu về sự trỗi dậy trong
lĩnh vực an ninh quốc phòng của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, những
định hướng lớn về quốc phòng của Trung Quốc, những vấn đề đặt ra đối với Việt
Nam trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo của thế kỷ XXI, v.v...
1.7 Về quan hệ
Việt Nam – Trung Quốc
Đây là lĩnh vực
quan trọng được Viện quan tâm nghiên cứu nhất, bởi lẽ việc nghiên cứu tất cả
các lĩnh vực của Trung Quốc cuối cùng là nhằm phục vụ quan hệ Việt Nam – Trung
Quốc. Trong những năm qua, được sự đầu tư của Viện Khoa học xã hội Việt Nam
(nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và một số tổ chức quốc tế, Viện
đã phối hợp với một số địa phương ở Việt Nam và Trung Quốc triển khai nhiều đề
tài, dự án, hội thảo về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Kết quả của những đề
tài, dự án nghiên cứu, hội thảo đều được xuất bản như: Thực trạng và triển
vọng quan hệ kinh tế, văn hóa Việt Nam – Trung Quốc; chính sách đối ngoại rộng
mở của Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc; vai trò của tỉnh Lào Cai
trong hợp tác phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải
Phòng; “Phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt – Trung trong khuôn
khổ hợp tác ASEAN – Trung Quốc; hợp tác phát triển “hai hành lang một vành đai
kinh tế” Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới; Hiện trạng và triển vọng
buôn bán qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, v.v...
Trong những năm
gần đây, Viện đã tiến hành một số đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ nghiên cứu về những
vấn đề nổi bật trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam 10 năm đầu thế kỷ 21 và
triển vọng đến năm 2020; quan hệ Việt – Trung trước sự trỗi dậy của Trung
Quốc, những vấn đề đặt ra và đối sách xử lý của Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
tình hình thương mại biên giới của các tỉnh Tây Bắc (Việt Nam), một số vấn đề
về cơ chế hợp tác phát triển giữa các tỉnh Tây Bắc (Việt Nam) và Vân Nam (Trung
Quốc); quan hệ biên mậu giữa Tây Bắc (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc). Đặc
biệt, bộ sách “Biên niên về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” (1961-1970;
1981-1990; 1991-2000) do Viện chủ trì biên soạn đã được dư luận hoan nghênh
và đánh giá tốt. Những nghiên cứu nêu trên của Viện đã tăng cường sự hiểu biết
lẫn nhau giữa nhân dân, trong đó có học giả hai nước Việt Nam – Trung Quốc;
đóng góp nhất định vào việc nhận diện thực trạng quan hệ hai nước trên nhiều
lĩnh vực, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc phát triển
ổn định và lành mạnh.
1.8. Những
nghiên cứu và ứng dụng khác
Ngoài những
nghiên cứu nêu trên, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Viện đều tiến hành nghiên
cứu, cập nhật tình hình Trung Quốc trong năm trên các lĩnh vực chính trị, kinh
tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao, an ninh quốc phòng, tình hình phát triển kinh
tế - xã hội một số tỉnh biên giới của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam. Kết
quả của những nghiên cứu này giúp bạn đọc Việt Nam nắm được tình hình Trung
Quốc qua từng năm.
Nhằm kết hợp
giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn doanh nghiệp, năm 2012 Viện đã được
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội việt Nam cho phép thành lập “Trung tâm
hợp tác nghiên cứu, đào tạo và tư vấn doanh nghiệp Việt Nam – Trung
Quốc”, hoạt động theo hình thức tự chủ
về tài chính. Năm 2012, ngay sau khi thành lập Trung tâm đã phối hợp với Trung
tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường Đại học Công nghiệp Chiết Giang tổ
chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt –
Trung: Tiềm năng và cơ hội hợp tác” tại Hà Nội vào ngày 21-11-2012. Diễn đàn đã
góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và
doanh nghiệp hai nước, đồng thời mở ra một hướng hoạt động mới của Viện là
nghiên cứu gắn liền với thực tiễn.
2. Những vấn đề còn tồn tại và đang đặt
ra
Mặc dù đã đạt được
những thành tựu nêu trên, nhưng Viện cũng nghiêm túc kiểm điểm nhận thấy rằng:
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Viện còn mang tính “chụp ảnh” nhiều hơn,
dựa chủ yếu vào tài liệu của phía Trung Quốc, chưa đi sâu phân tích, đánh giá
và tham khảo thêm tài liệu nước ngoài viết bằng tiếng Anh; phương pháp nghiên
cứu và cách tiếp cận còn mang tính truyền thống, chưa mang tính hiện đại;
chuyên ngành của đội ngũ cán bộ của Viện đa phần là lịch sử, văn học, Đông phương
học... nên thường gặp khó khăn khi phân tích những vấn đề đòi hỏi kiến thức
chuyên sâu về kinh tế học, xã hội học, chính trị học, v.v...Ngoài ra, mọi hoạt
động của Viện đều dựa vào nguồn đầu tư của Nhà nước thông qua Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam, nên dù có được tăng thêm hàng năm, nhng vẫn chưa
đáp ứng được yêu cầu - nhất là việc đi khảo sát thực tế ở Trung Quốc, dẫn đến
tình trạng gọi là “nghiên cứu chay”, mang tính “tư biện”, “định tính” nhiều
hơn.
Tất cả những
hạn chế và khó khăn nêu trên làm cho chất lượng các sản phẩm khoa học của Viện
cần được nâng cao hơn nữa.
II. ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRONG THỜI
GIAN TỚI
Trên cơ sở phát
huy những thành quả đã đạt được, đồng thời tích cực đổi mới phương pháp
nghiên cứu và tiếp cận, coi trọng tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, hệ đề tài
nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì 3 định
hướng nghiên cứu lớn là Trung Quốc truyền
thống, Trung Quốc đương đại và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, trong đó
nghiên cứu về Trung Quốc đương đại là trọng tâm. Đối với Trung Quốc đương đại,
Viện sẽ tập trung vào việc phân tích, dự báo về sự phát triển của Trung Quốc
đến năm 2020 và 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn
hóa và điều chỉnh chính sách đối ngoại, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; những
tác động từ sự phát triển hay trỗi dậy của Trung Quốc đối với cục diện thế
giới, khu vực và Việt Nam; đồng thời đề xuất những kiến nghị với Đảng và Nhà nước
nhằm tận dụng khai thác những cơ hội, giảm thiểu những thách thức từ sự phát
triển của Trung Quốc. Cụ thể như sau:
1. Về mặt xây dựng kinh tế. Viện cần tập trung nghiên cứu vấn đề
hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và chuyển đổi phương thức phát triển
kinh tế của Trung Quốc, trong đó nên đi sâu vào tìm hiểu đánh giá việc cải cách
thể chế và kinh tế đối ngoại như: Vấn đề xử lý mối quan hệ giữa nhà nước và
thị trường, cải cách theo hướng thị trường hoá lãi suất và tỷ giá, thực hiện
đồng Nhân dân tệ tự do chuyển đổi - một bước tiến quan trọng để thực hiện quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ; vấn đề
“thu hút nguồn vào” (bao gồm thu hút vốn, công nghệ và chất xám) và “mở rộng
nguồn ra” – trong đó có vấn đề gia tăng hợp tác mở cửa tiểu vùng, gia tăng xây
dựng các khu mậu dịch tự do kết nối với các nước xung quanh v.v…
2.
Về mặt xây dựng chính trị. Viện cần tập trung nghiên cứu vấn đề phát triển chính trị và cải cách thể
chế chính trị, trong đó nên đi sâu nghiên cứu vấn đề phát triển dân chủ nhân
dân và mối quan hệ giữa nó với dân chủ XHCN; vấn đề xây dựng và kiện toàn hệ thống kiểm soát quyền lực - một vấn đề
thuộc về “lỗi hệ thống”, vừa nhạy cảm vừa phức tạp chứa đựng nhiều rủi ro trong
hệ thống chính trị hiện hành, theo đó nếu quyền lực không được kiểm soát thì
sẽ bị lợi dụng, lạm dụng, tham nhũng và thoái hoá là không tránh khỏi, v.v…
3. Về mặt xây dựng văn hoá. Viện cần tập trung nghiên cứu vấn đề
xây dựng cường quốc văn hoá, trong đó trọng tâm là vấn đề nâng cao sức mạnh mềm văn hoá quốc gia, vấn đề nâng cao trình độ
quy mô hoá, tập trung hóa và chuyên nghiệp hoá trong lĩnh vực công nghiệp văn
hoá, v.v…
4. Về mặt xây dựng xã hội. Viện cần tập trung nghiên cứu vấn đề
cải thiện dân sinh và quản lý xã hội, trong đó có vấn đề xây dựng hệ thống dịch
vụ công cơ bản, vấn đề kiện toàn thị trường lao động và mối quan hệ giữa lao
động với tiền lương, vấn đề cải cách chế
độ phân phối thu nhập - một vấn đề mà đã hơn 8 năm nay phương án cải cách
chế độ phân phối thu nhập vẫn chưa được thông qua do sự cản trở của các tập
đoàn lợi ích (bao gồm tập đoàn lợi ích quyền quý, tập đoàn lợi ích độc quyền,
tập đoàn lợi ích bất động sản và tài nguyên).
5. Về mặt xây dựng văn minh sinh thái. Đây là một nội dung hay trụ cột mới
của CNXH đặc sắc Trung Quốc bao gồm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và văn
minh sinh thái. Vì vậy, Viện cần tập trung nghiên cứu vấn đề mô hình phát triển
mới gồm phát triển xanh, phát triển tuần hoàn, phát triển ít các-bon, nhất là
việc nêu lên quan điểm nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, phát triển
kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển… trong chiến lược xây dựng cường
quốc biển, v.v…
6. Về vấn đề hiện đại hoá quốc phòng và
quân đội. Viện cần tập
trung nghiên cứu những quan điểm và cách đặt vấn đề mới như: Vấn đề thực hiện
cơ giới hoá và xây dựng thông tin hoá trong quân đội, vấn đề an ninh biển, an
ninh vũ trụ và an ninh không gian mạng; ngoài ra cần tìm hiểu làm rõ nội hàm
một số khái niệm như “an ninh cốt lõi quốc gia” – có gì giống
và khác nhau với các khái niệm “an ninh quốc gia” và “lợi ích cốt lõi”, hay vấn
đề nâng cao năng lực đánh thắng chiến
tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hoá là thế nào và địa bàn ở đâu v.v…
7. Về vấn đề đối ngoại, Viện cần tập trung tìm hiểu, nghiên
cứu cái gọi là phát huy tinh thần “bình đẳng cùng có lợi, bao dung học tập lẫn
nhau, hợp tác cùng thắng” trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt là thứ tự ưu tiên
với các đối tác trong chính sách đối ngoại như: Cải thiện và phát triển quan
hệ với các nước phát triển, xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới; đi sâu hợp
tác cùng có lợi, thân thiện và hữu nghị với các nước láng giềng; tăng cường
hợp tác đoàn kết với các nước đang phát triển; tích cực tham gia hợp tác đa phương;
thúc đẩy ngoại giao công chúng và ngoại giao nhân văn; triển khai giao lưu hữu
nghị với các chính đảng và tổ chức chính trị, v.v…
8. Về vấn đề xây dựng Đảng. Đây là một vấn đề quan trọng qua đó
tiếp tục duy trì địa vị hạt nhân lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc đối với xã hội. Ở
đây có một loạt vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ bao gồm: Vấn đề giải
quyết những thách thức và nguy cơ trước sự cầm quyền của Đảng trong đó có thách thức về cầm quyền và nguy cơ xa
rời quần chúng của Đảng; vấn đề xây dựng mô hình chính đảng kiểu mới bao gồm
chính đảng học tập, chính đảng phục vụ và chính đảng sáng tạo; vấn đề phát
triển dân chủ trong Đảng – một vấn đề được coi là sinh mệnh của Đảng; vấn đề
xây dựng đội ngũ cốt cán cầm quyền có trình độ cao nhằm thích ứng với tình hình
mới phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu
rộng, v.v…
9. Về quan hệ Việt – Trung và triển vọng hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian
tới. Đây là vấn đề quan trọng nhất, vừa là vấn đề thuộc ý thức công dân vừa
là vấn đề thuộc đạo đức nghề nghiệp của các nhà Trung Quốc học Việt Nam. Đối
với Trung Quốc, theo văn kiện đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc, Việt Nam vừa là nước
láng giềng, vừa là nước đang phát triển và vừa là nước nằm trong ngoại giao
chính đảng của Trung Quốc, vì thế - về sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Láng giềng
là thứ 2, đang phát triển là thứ 3 và chính đảng là thứ 6 trong chính sách đối
ngoại của Trung Quốc. Trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, Việt Nam là một
trong 5 nước Trung Quốc xây dựng đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (bao gồm
Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma và Thái Lan). Tuy nhiên, đối với Việt nam,
Trung Quốc là nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt
Nam, Trung Quốc hiện là nước duy nhất Việt Nam xây dựng quan hệ đối tác hợp
tác chiến lược toàn diện.
Trong thời gian
tới, nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung cần đặt trong bối cảnh quốc tế, khu
vực, tình hình mỗi nước và bản thân mối quan hệ hai nước để nhận diện. Đồng
thời cần tìm hiểu nghiên cứu quan hệ Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc – ASEAN, từ đó
đặt quan hệ Việt – Trung trong hai cặp quan hệ tam giác Trung Quốc - Mỹ - Việt
Nam và Trung Quốc - ASEAN - Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần đặt quan hệ Việt Nam –
Trung Quốc trong tổng thể quan hệ hai nước, bao gồm cả chính trị, kinh tế,
quốc phòng, an ninh, v.v… Như vậy, việc nghiên cứu quan hệ Việt – Trung sẽ
toàn diện hơn và việc đề xuất kiến nghị sẽ khách quan và khoa học hơn.
Những điều
trình bày ở trên cho thấy, 20 năm qua hoạt động khoa học của Viện đã sôi động
hơn. Các sản phẩm khoa học đã gia tăng về số lượng và từng bước được nâng cao về chất lượng. Giờ đây, đứng trước những biến đổi mới sâu sắc chưa từng có của tình hình thế giới, khu vực và bản thân đất nước Trung Quốc – đối tượng nghiên cứu của Viện, đòi hỏi ngày càng cao và đa
dạng của xã hội, Viện cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đổi mới
tư duy trong phát hiện vấn đề nghiên cứu, lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa
học, xứng đáng với sự đầu tư bằng tiền thuế của dân và sự kỳ vọng của những
người dùng tin trong xã hội.