Ngày 17 – 12 – 2009, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, học viên Nguyễn Thanh Giang – cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Châu Á học với đề tài : “Các giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay”. Luận văn đã được Hội đồng chấm luận văn đánh giá luận văn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Luận văn đã phân tích làm rõ sự cần thiết phải tăng thu nhập cho nông dân ở Trung Quốc. Trung Quốc là một nước nông nghiệp lớn có dân số nông dân đông. Trong suốt chiều dài lịch sử, nông dân luôn là lực lượng chính trị đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đi lên của đất nước. Mặc dù vậy song cho đến nay nông dân Trung Quốc vẫn luôn là “quần thể yếu thế” và phải chịu nhiều thiệt thòi so với các quần thể khác trong xã hội, mà biểu hiện rõ nhất của nó chính là ở chỗ thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp và tăng trưởng chậm so với tốc độ phát triển của nền kinh tế quốc dân và tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân thành thị. Những nguyên nhân gây nên vấn đề này bắt nguồn từ những chính sách phát triển tạo nên kết cấu kinh tế - xã hội nhị nguyên gây ra hố sâu ngăn cách giữa khu vực thành thị và nông thôn, sự bất hợp lý trong kết cấu nông nghiệp, những gánh nặng thuế phí đè lên vai người nông dân, tố chất văn hoá, trình độ khoa học kỹ thuật của người nông dân thấp…. đó là những tác nhân kìm hãm sự tăng trưởng thu nhập của nông dân góp phần khiến cho vấn đề chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ở Trung Quốc thêm gay gắt, tạo nên những bất ổn định về tâm lý xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế quốc dân cũng như sự ổn định của xã hội.
Đặt vấn đề thu nhập của người nông dân Trung Quốc trong tổng thể cách chính sách giải quyết vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, luận văn trình bày và phân tích 6 nhóm giải pháp cơ bản thúc đẩy tăng thu nhập cho nông dân ở Trung Quốc tuần tự theo tiến trình thời gian kể từ khi nước này thực hiện cải cách năm 1978 đến nay. Thời kỳ đầu cải cách mở cửa, thực hiện chế độ khoán sản đến hộ gia đình đã giúp cho sản xuất nông nghiệp tăng sản lượng, nông dân tăng thu nhập. Tiếp đó, xí nghiệp hương trấn phát triển đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm triệu lao động nông thôn, đồng thời góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Phát triển xí nghiệp hương trấn cũng chính là cách làm có hiệu quả để nâng cao tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỉ trọng nông nghiệp trong kết cấu kinh tế nông thôn. Bước sang thế kỷ mới, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách tích cực thúc đẩy tăng thu nhập cho nông dân như xoá bỏ toàn diện thu thuế nông nghiệp trên phạm vi cả nước; cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ quyền lợi cho người nông dân ra thành phố làm thuê; hoàn thiện chế độ khoán đến hộ, bảo vệ quyền sử dụng đất khoán của nông dân với việc cho phép nông dân thực hiện lưu chuyển quyền sử dụng đất khoán dưới nhiều hình thức và việc cải thiện chế độ trưng thu ruộng đất … Đặc biệt từ năm 2004 trở lại đây, Trung ương ĐCS và Quốc Vụ viện Trung Quốc đã liên tiếp ban hành 6 “Văn kiện số 1”, với phương châm “cho nhiều, thu ít, làm sống động” đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ nông nghiệp đảm bảo cho thu nhập của nông dân tăng trưởng nhanh và ổn định hơn.
Luận văn khẳng định Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc tiếp tục nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, giảm bớt chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn vẫn còn là nhiệm vụ hết sức nặng nề, gian nan và đầy thử thách đối với Trung Quốc trong thời gian tới.
Qua việc tìm hiểu các giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của Trung Quốc từ sau cải cách mở cửa, luận văn đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam: kiên trì chuẩn mực cơ bản bảo đảm lợi ích kinh tế của nông dân, tôn trọng quyền lợi dân chủ của nông dân, kiên trì cải cách phải lấy thực hiện, bảo vệ và phát triển lợi ích căn bản của quần chúng nhân dân làm gốc; kiên trì lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn duy nhất kiểm nghiệm chân lý, kiên trì lấy nông nghiệp có phát triển hay không, nông dân có tăng thu nhập hay không, nông thôn có ổn định hay không làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm cải cách có thành công hay không; tôn trọng tinh thần sáng tạo của quần chúng nông dân và kinh nghiệm phong phú do cơ sở sáng tạo; kiên trì thúc đẩy cải cách có tính toán phát triển tổng thể thành thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp; chú trọng phát huy đúng đắn chức năng của Chính phủ, tăng cường ủng hộ và bảo vệ đối với nông nghiệp, nông dân, tăng cường cung cấp dịch vụ công cộng cho nông dân, tăng cường công tác bồi dưỡng ngành nghề cho người nông dân.
Về bố cục, ngoài phần Mở đầu, Kết luận, luận văn được chia làm 3 chương. Chương 1: Đặc thù và sự cần thiết của vấn đề tăng thu nhập cho nông dân ở Trung Quốc; Chương 2: Một số giải pháp cơ bản thúc đẩy tăng thu nhập cho nông dân ở Trung Quốc; Chương 3: Nhận xét về các giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam.
Có thể nói, với cách trình bày hệ thống, khái quát, rõ ràng và khoa học, cùng những phân tích xác đáng, luận văn đã mang đến cho người đọc một cái nhìn đầy đủ, tổng thể hơn về các giải pháp tăng thu nhập cho nông dân mà Trung Quốc đã thực hiện, cũng như những ưu nhược điểm, những thành công và tồn tại của các giải pháp này…
Hải Hà