TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9830258
 
GIỚI THIỆU
Nghiên cứu Trung Quốc - Nhìn lại 25 năm xây dựng, phát triển và định hướng hoạt động trong thời gian tới

VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC

NHÌN LẠI 25 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI

TS. Nguyễn Xuân Cường

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc

 I.    SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN TỪ KHI ĐƯỢC THÀNH LẬP ĐẾN NAY

1. Sự thay đổi, phát triển về chức năng nhiệm vụ

Viện Nghiên cứu Trung Quốc là t chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tên tiếng Anh: Vietnam Institute of Chinese Studies. Tiền thân của Viện là Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, được thành lập theo Quyết định số 406/TTg ngày 13/9/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 25 năm xây dựng và phát triển (1993-2018), Viện Nghiên cứu Trung Quốc luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định trong các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 26/2004/NĐ-CP, Nghị định số 53/2008/NĐ-CP, Nghị định số 109/2012/NĐ-CP, Nghị định 99/2017/NĐ-CP đối với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam qua từng thời kỳ phát triển.

Ngày 15/12/2017, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã ban hành quyết định số 2152/QĐ-KHXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Trung Quốc. Viện Nghiên cứu Trung Quốc có chức năng nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về Trung Quốc nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, qui hoạch của Đảng và Nhà nước; tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và phát triển tiềm lực khoa học xã hội của đất nước; góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam và Trung Quốc.

- Địa chỉ: Tầng 13, Tòa nhà Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, số 1 - Liễu Giai - Ba Đình - Hà Nội. 

Điện thoại: 0462730422.

Fax: 0462730413.

Website: vnics.org.vn

2. Cơ cấu tổ chức và nhân sự

- Tính đến tháng 9 năm 2018, Viện Nghiên cứu Trung Quốc có 47 cán bộ thuộc biên chế và 2 người làm hợp đồng (NĐ 68), tổng số cán bộ viên chức hiện nay có 49 người. 

+ Công chức: 03 người

+ Viên chức: 44 người

+ Hợp đồng 68: 02 người

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Trung Quốc có 01 GS,  13 tiến sĩ, 8 NCS tiến sĩ, 16 thạc sĩ, 9 cử nhân, 01 trung cấp.

-  Về cơ cấu tổ chức

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Trung Quốc có 6 phòng nghiên cứu gồm Phòng Nghiên cứu Chính trị Trung Quốc, Phòng Nghiên cứu Kinh tế - xã hội Trung Quốc, Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Lịch sử Trung Quốc, Phòng nghiên cứu quan hệ đối ngoại và an ninh Trung Quốc, Phòng Nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông; 3 phòng nghiệp vụ: Phòng Thông tin - Thư viện, Phòng Hành chính - Tổng hợp;  Phòng Biên tập - Trị sự Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc.

II.  HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

1. Nghiên cứu cơ bản

Trong 25 năm qua, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thực hiện ba tuyến nghiên cứu chủ yếu  là Trung Quốc truyền thống, Trung Quốc hiện đại và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu động thái, theo sát những chuyển biến quan trọng nhằm nhận diện, đánh giá, luận giải về Trung Quốc, đặc biệt từ khi cải cách mở cửa đến nay trên các lĩnh vực, rút ra bài học kinh nghiệm và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập, Viện đã tập trung vào nghiên cứu tiến trình cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế, cải cách thể chế kinh tế, chính trị, đối ngoại của Trung Quốc; luận giải các vấn đề lịch sử, văn hóa Trung Quốc; nghiên cứu quan hệ hai nước trên các lĩnh vực. Bước sang thế kỷ XXI, Viện đã triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2009-2010 “Một số vấn đề nổi bật của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI và triển vọng đến năm 2020” đã phân tích, đánh giá và luận giải những vấn đề nổi bật của Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, đối ngoại cũng như chính sách, ảnh hưởng đối với Việt Nam trong 10 năm đầu thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu dự báo về sự phát triển của Trung Quốc đến năm 2020, rút ra bài học kinh nghiệm, kiến nghị cho Việt Nam trong việc hoạch định các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 và thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển. Tiếp theo, Chương trình nghiên cứu 2011-2012 “Sự trỗi dậy của Trung Quốc giai đoạn 2011-2020 và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” đã phân tích, nhận diện mức độ phát triển, đưa ra những dự báo và cảnh báo về mức độ tác động của Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế đối ngoại, sức mạnh mềm, an ninh quốc phòng… đối với thế giới, khu vực, đặc biệt là đối với Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tiếp theo 2011-2020.

Năm 2013, Viện Nghiên cứu Trung Quốc được giao làm đầu mối trong thực hiện Chương trình nghiên cứu Trung Quốc 2015-2016 “Điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc, tác động đến thế giới khu vực và Việt Nam”, “Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc”.. do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì, cùng với các đề tài cấp Bộ do Viện Nghiên cứu Trung Quốc triển khai, các đề tài đã góp phần nhận diện, đánh giá, dự báo tác động những điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc trên các lĩnh vực từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, quá trình chuẩn bị Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc, đưa ra những đánh giá, dự báo và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của Viện trong 25 năm qua tập trung như sau:

- Nghiên cứu về kinh tế - xã hội Trung Quốc

Nghiên cứu của Viện tập trung vào vấn đề lý luận và thực tiễn của quá trình cải cách mở cửa, phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc như những đột phá cơ bản trong tư duy phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong xây dựng và phát triển đất nước, tiến trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, những vấn đề lý luận và thực tiễn nổi bật của Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI.

Viện đã triển khai nghiên cứu những vấn đề kinh tế nổi bật của Trung Quốc và có tác dụng gợi mở cho Việt Nam như vấn đề chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; cải cách kinh tế theo hướng thị trường; vai trò của Nhà nước trong việc ứng phó với khủng hoảng tài chính tiền tệ; kinh nghiệm hội nhập quốc tế của Trung Quốc, trong đó có việc Trung Quốc trước và sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đặc biệt, vấn đề hiện đại hoá nông nghiệp, giải quyết vấn đề nông dân,  nông thôn trong bối cảnh thực hiện cải cách mở cửa và đô thị hóa; phát triển kinh tế xanh trong chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển vùng miền, nông thôn - thành thị.. các chủ đề như chuyển đổi phương thức phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tìm kiếm động lực mới của Trung Quốc..được tập trung luận giải, dự báo, đánh giá tác động và đưa ra các kiến nghị đối với Việt Nam.

Về lĩnh vực xã hội của Trung Quốc, Viện đã tập trung luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và quản lý xã hội; những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường như biến đổi cơ cấu giai cấp, tầng lớp xã hội, chênh lệch giàu nghèo, mâu thuẫn xã hội, vấn đề xã hội bức xúc ở nông thôn; cải cách an sinh xã hội; quản trị xã hội ở Trung Quốc..

- Nghiên cứu về chính trị Trung Quốc

Nghiên cứu về chính trị Trung Quốc của Viện chủ yếu tập trung vào hai hướng lớn đó là cải cách chính trị và xây dựng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hướng nghiên cứu về cải cách chính trị đã có công trình mang tính tổng hợp, khái quát như đánh giá về cải cách chính trị ở Trung Quốc, quá trình cải cách thể chế, nâng cao quản trị quốc gia trong bối cảnh mới; phân tích mối quan hệ giữa chính trị đối nội và chính trị đối ngoại nhằm đảm bảo sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 Nghiên cứu về nâng cao năng lực cầm quyền của ĐCS Trung Quốc tập trung vào các vấn đề như cải cách, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; những đột phá về tư duy trong phát triển ở Trung Quốc; đổi mới tư duy và chiến lược mới của Trung Quốc từ Đại hội XVIII. Nghiên cứu vấn đề xây dựng Đảng tập trung vào nội dung nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng; nghiên cứu về vấn đề trị Đảng nghiêm minh  toàn diện; xây dựng cơ chế giám sát vận hành quyền lực và chế độ kiểm tra giám sát của ĐCS Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII. Nghiên cứu về vấn đề phòng chống tham nhũng; cơ chế giám sát và kiểm soát vận hành quyền lực...

- Nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Trung Quốc

Lịch sử, văn hoá Trung Quốc là tuyến quan trọng trong nghiên cứu của Viện. Các nghiên cứu về lịch sử cận hiện đại Trung Quốc, cách mạng Tân Hợi, tiến trình lịch sử nước CHND Trung Hoa, vai trò người Hoa Đông Nam Á trong sự phát triển của Trung Quốc... góp phần đáng kể trong việc tìm hiểu và hiểu biết về lịch sử, đất nước, con người Trung Quốc.

Trong lĩnh vực văn hóa, Viện đã tập trung nghiên cứu về văn hóa với vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc như cải cách thể chế văn hóa của Trung Quốc từ năm 1978 đến nay, xây dựng nền văn hóa XHCN đặc sắc Trung Quốc, xây dựng văn minh tinh thần, văn hóa tiên tiến ở Trung Quốc; sức mạnh mềm văn hóa và tác động của nó tới Việt Nam. Từ đó đề xuất một số gợi ý định hướng chính sách có khả năng tăng cường sự chủ động của Việt Nam trong quá trình tiếp nhận, hóa giải các tác động từ sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc.

Đối với vấn đề công nghiệp văn hoá của Trung Quốc: Công nghiệp văn hoá là một trong hai lĩnh vực trọng tâm trong nền văn hoá đương đại của Trung Quốc. Do vậy, đây cũng là nội dung nghiên cứu chính về văn hóa trong những năm gần đây, nhằm nhận diện đầy đủ bức tranh văn hoá Trung Quốc như: Chính sách xuất khẩu công nghiệp văn hoá, thực trạng phát triển ngành công nghiệp văn hoá, mối quan hệ giữa công nghiệp văn hoá và chiến lược gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc.

- Nghiên cứu về đối ngoại của Trung Quốc

Viện đã tập trung nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay nhằm hệ thống lại những điều chỉnh trong chiến lược, sách lược,  từ đó dự báo đối ngoại của Trung Quốc trong thập niên tới. Trong những năm gần đây, nghiên cứu của Viện tập trung vào sự điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm đảm bảo sự trỗi dậy và hướng tới cường quốc của Trung Quốc. Đặc biệt là quan hệ của Trung Quốc với các nước lớn, các nước láng giềng và với các tổ chức đa phương. Các nghiên cứu của Viện góp phần làm rõ vị trí, vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nêu lên những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.

- Nghiên cứu các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông,         Ma Cao

Ngoài những nghiên cứu về Trung Quốc đại lục, Viện còn chú trọng nghiên cứu các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Các nghiên cứu của Viện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân Đài Loan; quá trình phát triển kinh tế - xã hội Đài Loan; cải cách, phát triển giáo dục của Đài Loan; Hồng Công trước và sau khi chuyển giao chủ quyền; quan hệ kinh tế hai bờ eo biển Đài Loan; quan hệ hai bờ bốn bên; hợp tác vùng Chu Giang mở rộng… đã cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm, góp phần tích cực trong hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục giữa Việt Nam với các vùng lãnh thổ Trung Quốc. Trong những năm gần đây, những nghiên cứu về các vùng lãnh thổ của Trung Quốc được đặt trong bối cảnh trỗi dậy của Trung Quốc như giải quyết quan hệ “hai bờ bốn bên”, đảm bảo sự trỗi dậy của Trung Quốc giai đoạn 2011-2020 và những vấn đề đặt ra với Việt Nam; chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao sau Đại hội XVIII, XIX ĐCS Trung Quốc, tác động đến thế giới khu vực và Việt Nam.

- Nghiên cứu về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Quan hệ Việt - Trung là một trong tuyến nghiên cứu lớn của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, được coi là mục đích cuối cùng của công tác nghiên cứu về Trung Quốc. Các đề tài đã hệ thống, đi sâu phân tích, lý giải về thành tựu, khó khăn của quan hệ Việt – Trung, đặc biệt  từ khi bình thường hóa đến nay, chỉ ra những nhân tố tác động chủ yếu. Đồng thời, quan hệ Việt - Trung được nghiên cứu đặt trong các cặp quan hệ Trung Quốc-  nước lớn (Mỹ, Nga..) - Việt Nam, đặt Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới.. để từ đó có sự nhận diện, đánh giá và lý giải sát thực, khách quan.

Trong những năm gần đây, Viện đã nghiên cứu về những vấn đề nổi bật trong quan hệ Việt - Trung đầu thế kỷ XXI;  quan hệ Việt - Trung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, những vấn đề đặt ra và đối sách xử lý của Việt Nam tới năm 2030.  Nghiên cứu được triển khai trên các lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, an ninh phi truyền thống.. quan hệ giữa các địa phương.. Các nghiên cứu đã góp phần làm rõ hơn các nhân tố, đặc điểm, thuận lợi, khó khăn.. của mối quan hệ Việt – Trung qua các giai đoạn; đưa ra đánh giá, tác động, dự báo và kiến nghị đối với Việt Nam.

Vấn đề Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp với mức độ ảnh hưởng lớn, phạm vi ảnh hưởng mở rộng, thể hiện đầy đủ sự chi phối mang tính quyết định đến sự ổn định của quan hệ Việt - Trung. Nghiên cứu của Viện đã góp phần làm rõ chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc và tác động của nó đối với tình hình Biển Đông và Việt Nam; động thái của Trung Quốc và phản ứng của các nước có liên quan ở Biển Đông. Viện đã tiến hành xây dựng hệ thống tư liệu về Biển Đông. Viện cũng đã có một số phản bác lại các luận điểm của các học giả Trung Quốc về tư liệu lịch sử và chủ quyền biển đảo. Trong trao đổi với chuyên gia học giả các nước, Viện đã tích cực tuyên truyền, luận giải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

2. Tư vấn chính sách

Nghiên cứu trên các lĩnh vực nêu trên của Viện đều hướng tới mục đích rút ra bài học kinh nghiệm, nêu gợi mở hoặc đề xuất  hàm ý chính sách đối với Việt Nam, để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức trong quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam.

Các nghiên cứu của Viện đã tập trung đánh giá, đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong tiến trình cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế, các bài học kinh nghiệm trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, chính trị, văn hóa, đối ngoại, quan hệ hai nước.. góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đóng góp trong tư vấn chính sách của Viện được thực hiện thông qua báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu, báo cáo chuyên đề phản ánh kịp thời những biến động thay đổi tình hình và xu thế phát triển của Trung Quốc hoặc liên quan đến quan hệ Việt - Trung. Bên cạnh đó, Viện cũng đã thực hiện các báo cáo nhanh gửi lãnh đạo Viện Hàn lâm về những vấn đề nổi bật hoặc các sự kiện quan trọng ở Trung Quốc, ví như báo cáo về các kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, các kỳ họp quan trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc, các sự kiện quan trọng hoặc nổi cộm ở Trung Quốc..

Những năm gần đầy, báo cáo chắt lọc hoặc chuyên đề như phân tích làm rõ ý đồ của Trung Quốc trong sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; về điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; đặc điểm các đặc khu kinh tế của Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển; nội dung chính của các Hội nghị quan trọng của Trung Quốc; ứng xử với chủ nghĩa dân tộc nước lớn Trung Quốc;  ý tưởng chiến lược “Vành đai, con đường” của Trung Quốc; sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc; vấn đề an ninh phi truyền thống biên giới trên đất liền giữa hai nước; quá trình chuyển đổi phương thức phát triển, các chiến lược mới của Trung Quốc từ Đại hội 18;  quá trình chuẩn bị và triển khai các nghị quyết Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc... các báo cáo đánh giá tình hình Trung Quốc và báo cáo tình hình quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hàng năm, tình hình Biển Đông...

3. Đào tạo nguồn nhân lực

Ngoài nghiên cứu khoa học, cán bộ của Viện còn tham gia giảng dạy, hướng dẫn sau đại học ở các học viện, các trường đại học; tham gia các hội đồng chấm Luận văn, Luận án ở các cơ sở đào tạo như: Học viện KHXH; Trường đại học KHXH và nhân văn; Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Trường đại học Kinh tế quốc dân; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Ngoại giao v.v...

4. Hợp tác và giao lưu quốc tế

Viện đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của nước ngoài như: Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản; Viện Khoa học xã hội Trung Quốc; Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện KHXH Quảng Tây; Đại học Công nghiệp Chiết Giang; Đại học Ký Nam; Đại học Phúc Đán; Viện KHXH Vân Nam, Học viện Hồng Hà - Vân Nam .v.v. Thông qua hợp tác, Viện đã cùng một số đối tác triển khai các hoạt động khoa học chung, hội nghị, hội thảo và đào tạo, tư vấn..

Một số cán bộ của Viện còn được mời tham gia giảng dạy và thuyết trình tại một số trường đại học ở nước ngoài như: Đại học Bắc Kinh (Khoa quan hệ quốc tế); Học viện Hồng Hà - Vân Nam; Đại học Tài chính Giang Tây; Đại học Ký Nam; Đại học Chính trị công lập Đài Loan; Đại học Quốc gia Singapore; Đại học Malaixia; Đại  học Kinh tế Osaka Nhật Bản v.v...

Đối thoại chuyên gia là phương diện quan trọng khác của Viện. Qua việc tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong và ngoài nước hoặc trao đổi khoa học với các học giả các nước, bao gồm các học giả Trung Quốc đến từ các cơ quan nghiên cứu uy tín (Think tanks)... các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện chức năng “đối ngoại nhân dân”. Các nội dung trao đổi, chủ yếu là tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phản bác các quan điểm lệch lạc về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của học giả các nước trong các vấn đề quốc tế, khu vực liên quan tới Việt Nam. Các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc cũng tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều Tọa đàm chuyên gia, trao đổi chân thành với các nhà nghiên cứu Trung Quốc về các thành tựu, thách thức và đề xuất kiến nghị thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh. Viện Nghiên cứu Trung Quốc  trở thành điểm đến của nhiều nhà nghiên cứu các nước và cả các học giả Trung  Quốc.

5. Tạp chí, xuất bản, thông tin

Kể từ số đầu tiên ra mắt độc giả (ngày7/6/1995) đến nay, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã đi qua chặng đường 23 năm. Sự ra đời của Tạp chí đánh dấu bước trưởng thành của ngành Trung Quốc học Việt Nam; đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả, nhất là giới nghiên cứu trẻ; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề nghiên cứu về Trung Quốc. Trong 23 năm qua Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã đăng tải và giới thiệu một số lượng lớn những công trình nghiên cứu về Trung Quốc dưới góc độ khoa học xã hội (năm 1995 - 2004: 58 kỳ; năm 2005 - 2010: 54 kỳ; năm 2011 - 2015: 60 kỳ; năm 2016-2018 (tháng 8) : 32 kỳ. Tổng cộng đã đăng tải được 204 kỳ, với hơn 1.600 bài nghiên cứu. Các bài viết, thông tin phản ánh kết quả nghiên cứu các vấn đề về Trung Quốc, góp phần tăng cường sự hiểu biết của độc giả Việt Nam về Trung Quốc truyền thống và hiện đại; góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần vào sự phát triển nền khoa học xã hội của nước ta nói chung.

Từ năm 1993 đến năm 2018, Viện đã công bố hơn 120 cuốn sách. Đây là kết quả các công trình nghiên cứu, hợp tác, giao lưu trao đổi, hội thảo, hội nghị …do Viện Nghiên cứu Trung Quốc chủ trì hoặc phối hợp thực hiện.

Đến nay, kho tư liệu thông tin và Thư viện của Viện đã lưu trữ hơn 12.000 đầu sách, báo, tạp chí, tư liệu.. về Trung Quốc, quan hệ Việt-Trung. Thư viện của Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã trở thành điểm đến cho các độc giả quan tâm, tìm hiểu về Trung Quốc, về Biển Đông, về quan hệ  hai nước.

Các sản phẩm khoa học do Viện chủ trì hoặc phối hợp, công bố hoặc qua công tác thông tin-thư viện.. đã góp phần cung cấp những thông tin cơ bản, toàn diện và tương đối có hệ thống về Trung Quốc trên các lĩnh vực, qua đó góp phần làm cho độc giả Việt Nam có được cách nhìn khoa học, khách quan về Trung Quốc,  nhất là công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, xây dựng hiện đại hóa của Trung Quốc. Đồng thời, cũng là nguồn tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh..qua đó góp phần vào sự nghiệp khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo của Việt Nam.

III. HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐẢNG, ĐOÀN THỂ, CƠ  QUAN  VÀ XÃ HỘI

1. Chi bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc

Chi bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc là Chi bộ cơ sở thuộc Đảng bộ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Chi bộ luôn được Đảng bộ Viện Hàn lâm đánh giá cao, xếp loại Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Hiện Chi bộ có 28 đảng viên, chiếm hơn 50% tổng số cán bộ của Viện, trong đó có 2 đảng viên được tặng thưởng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

25 năm qua, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của tập thể cấp ủy, cùng sự đoàn kết của toàn Chi bộ, Chi bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã đạt được thành tựu sau:

Về công tác chính trị, tư tưởng: Chi bộ luôn coi trọng công tác chính trị, tư tưởng; thường xuyên chỉ đạo sát sao các hoạt động nâng cao trình độ giác ngộ chính trị và lập trường tư tưởng của đảng viên, cán bộ viên chức trong đơn vị; đồng thời luôn kịp phổ biến và quán triệt thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy chế, quy định của Viện Hàn lâm và cơ quan. 

Về công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị: 25 năm qua, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, Chi ủy, Chi bộ chỉ đạo sát sao việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhờ đó, trong 5 năm, Viện đã hoàn thành được nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Viện đúng thời hạn. Các đề tài nghiệm thu đều đạt từ loại Khá trở lên. Sản phẩm các đề đài đều có đóp góp về lý luận và thực tiễn thiết thực.

Về công tác xây dựng Đảng và phát triển Đảng: Đây là mặt công tác luôn được Chi bộ coi trọng. Chi bộ thường xuyên chỉ đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cảm tình Đảng có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, chuyên môn tốt để giới thiệu cho Đảng. Nhờ đó, trong 5 năm qua (2013-2018), Chi bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã kết nạp được 9 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên của Chi bộ lên 28 đảng viên. Các đảng viên trong Chi bộ hàng năm đều được đánh giá, bình xét là đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Có thể thấy, những thành tựu mà Viện Nghiên cứu Trung Quốc đạt được 25 năm qua gắn chặt với quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ. Các đồng chí đảng viên luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu. Chi bộ đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền, với tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, giao ban định kỳ, thực hiện đúng quy chế, quy định đã ban hành, nhất là quy chế về dân chủ cơ sở. Nhờ vậy, Viện luôn giữ được truyền thống đoàn kết, ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

2. Công đoàn Viện Nghiên cứu Trung Quốc

Công đoàn đã phát huy vai trò tích cực trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động; động viên cán bộ viên chức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia phong trào thi đua của Viện. Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể khác trong Viện trong tổ chức, tiến hành tuyên truyền phổ biến các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan ; tích cực vận động và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công đoàn đã tích cực tham gia Phong trào xây dựng người viên chức tận tụy, trung thành, gương mẫu; luôn vận động, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, quyên góp ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo, lũ lụt. Công đoàn đã thường xuyên chăm lo công tác Nữ công, quan tâm động viên, khích lệ chị em làm tốt công tác chuyên môn, quan tâm bảo đảm quyền lợi vật chất và tinh thần cho chị em, kiến nghị Lãnh đạo viện tạo điều kiện tốt nhất để chị em tham gia công tác nghiên cứu và nghiệp vụ. Tích cực vận động chị em tham gia phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà”.

3. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Nghiên cứu Trung Quốc

Chi đoàn cơ sở Viện Nghiên cứu Trung Quốc thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động trong nghiên cứu khoa học, tổ chức toạ đàm, hội thảo, báo cáo thuyết trình và các buổi học tập ngoại khoá nâng cao kiến thức, phương pháp nghiên cứu. Đặc biệt, do đặc thù về đối tượng nghiên cứu, Chi đoàn Viện thường xuyên có sự liên hệ, phối hợp cùng tổ chức các hoạt động khoa học cùng các Chi đoàn khác trực thuộc Đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Đoàn viên, thanh niên trong Chi đoàn tích cực hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nỗ lực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, chan hoà, tác phong làm việc nghiêm túc, cư xử đúng mực với đồng nghiệp, luôn đề cao ý thức thức cảnh giác, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị. Bên cạnh đó việc rèn luyện thể lực thông qua phong trào thể dục, thể thao, giao lưu văn hoá, văn nghệ cũng đã được Chi đoàn chăm lo, động viên tham gia tích cực. Qua các hoạt động, đoàn viên, thanh niên Chi đoàn đã không ngừng nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, chấp hành nội quy, quy chế, quy định và trình độ chuyên môn. Những năm qua, không có đoàn viên, thanh niên bị kỷ luật, khiển trách; nhiều đồng chí đã được lãnh đạo cơ quan tuyên dương và nhiều đoàn viên đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cấp cơ sở. Trong 5 năm qua, Chi đoàn liên tục giới thiệu những đoàn viên ưu tú để xét kết nạp Đảng. Tính đến 15/8/2018, Chi Đoàn có tất cả 11 đảng viên (chiếm hơn 50% tổng số đoàn viên sinh hoạt thường xuyên, Chi đoàn hiện có tổng 25 đoàn viên thanh niên, trong đó 4 đoàn viên đang đi học ở nước ngoài). Về công tác xây dựng cơ quan, các đoàn viên của Chi đoàn luôn có những ý kiến, sáng kiến mang tính xây dựng nhằm xây dựng bộ máy cơ quan hoạt động hiệu quả hơn; tích cực cùng cơ quan và Công đoàn xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công sở. Hiện nay, trong số các cán bộ lãnh đạo cấp Phòng, có 04 người là đoàn viên; có 03 đồng chí là đoàn viên tham gia BCH Công đoàn Viện và tổ trưởng tổ Công đoàn.

Nét riêng trong công tác thanh niên của Chi đoàn cơ sở Viện là thường xuyên tham gia các hoạt động đối ngoại, dịch thuật phục vụ hội thảo, tọa đàm quốc tế của các cơ quan Trung ương, Viện Hàn lâm và Viện NCTQ. Các đoàn viên Chi đoàn tích cực tham gia các khóa đào tạo ngắn và dài hạn ở cả trong và ngoài nước. Điều này thể hiện được tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, xung phong lập nghiệp của các đồng chí đoàn viên trong Chi đoàn trong việc học tập nâng cao trình độ.

4. Về tổ chức, quản lý khoa học, tài vụ

Quản lý con người, khoa học và tài vụ được thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Về tổ chức-hành chính, tập trung vào bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ viên chức theo quy định. Quản lý khoa học tập trung vào phát huy sáng tạo, tìm tòi khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học. Quản lý tài vụ tập trung vào phục vụ công tác nghiên cứu và nghiệp vụ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước và đầu tư của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

5. Về hoạt động xã hội của Viện Nghiên cứu Trung Quốc

Viện nghiên cứu Trung Quốc là một trong những đơn vị hàng đầu trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có nhiều đóng góp trong các hoạt động xã hội. Điều đó được biểu hiện ở ý thức và nhiều hành động thiết thực của tập thể cán bộ, viên chức trong Viện. Các phong trào được cấp trên phát động như: phong trào Đền ơn đáp nghĩa; phong trào Ủng hộ người nghèo; phong trào Ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai ; phong trào vì Trường Sa thân yêu.v.v.. đều được toàn thể cán bộ, viên chức tích cực hưởng ứng.

Đặc biệt, trong 12 năm  (từ năm 2000 -2013) Viện đã duy trì tốt các hoạt động kết nghĩa với xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn (một xã  nghèo nằm trên tuyến biên giới Việt - Trung), và đồn Biên phòng Tân Thanh. Hàng năm cán bộ, viên chức trong Viện đã lên thăm xã, nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội của xã và tặng 20 suất học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó (mỗi suất trị giá 300.000 đồng do tiền đóng góp hảo tâm của cán bộ, viên chức); đồng thời trao đổi tình hình về biên giới, tặng quà và giao lưu với bộ đội đồn Biên phòng Tân Thanh.

Cùng với những hoạt động xã hội nói trên, thời gian gần đây (từ năm 2009 đến nay), Viện Nghiên cứu Trung Quốc còn kết nghĩa, hợp tác với Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo đó, Viện cung cấp cho Cục Chính trị các báo cáo nhanh về tình hình Trung Quốc và Cục Chính trị cung cấp cho Viện những nét chính về diễn biến tình hình biển đảo. Thông qua kết nghĩa, giữa hai đơn vị tổ chức các hoạt động giao lưu, tổ chức toạ đàm khoa học. Đặc biệt hàng năm Cục Chính trị luôn bố trí cho Viện Nghiên cứu Trung Quốc một đoàn đi khảo sát thực tế, thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa (từ 2009 đến 2018 Viện đã cử 8 đoàn đi Trường Sa, bằng cả tấm lòng ‘vì Trường Sa thân yêu’, mỗi cán bộ, viên chức trong Viện đều dành ít nhất một ngày lương làm quà gửi tặng chiến sĩ và quân dân trên đảo). Viện cũng đã kết nghĩa với Học viện Biên phòng, thường xuyên trao đổi thông tin biên giới quốc gia, khảo sát các địa bàn tuyến biên giới Việt-Trung.

IV. HẠN CHẾ VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

1. Đối tượng nghiên cứu của Viện là nước lớn, láng giềng, có lịch sử văn hoa văn minh lâu đời. Tiến trình cải cách mở cửa của Trung Quốc 40 năm qua đạt nhiều thành tựu, song cũng đối mặt với nhiều thách thức.  Hiện nay, đối tượng nghiên cứu của Viện-Trung Quốc đang trong quá trình thực hiện các chiến lược hướng tới mục tiêu cường quốc vào giữa thế kỷ XXI, tác động sâu sắc tới thế giới, khu vực và Việt Nam. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

2. Các công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học của Viện trong thời gian qua vẫn còn mang tính “chụp ảnh”, phân tích bước đầu, chưa có luận giải thực sự sâu sắc và đánh giá đầy đủ tác động và dự báo chiến lược. Nhận diện, dự báo chiến lược và đề xuất hàm ý chính sách đối với Việt Nam đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác nghiên cứu của Viện. Tuy nhiên, lực lượng nghiên cứu chuyên sâu và có trình độ cao của Viện không nhiều, số cán bộ nghiên cứu lâu năm có kinh nghiệm, có học hàm học vị nay đa số đã lớn tuổi, đến tuổi nghỉ hưu. Lực lượng nghiên cứu kế cận đa phần là cán bộ trẻ, đang trong thời kỳ đào tạo tích lũy kiến thức và kinh nghiệm..

3. Cán bộ nghiên cứu còn hạn chế trong phương pháp nghiên cứu, tiếp cận, trong cập nhật các l‎í thuyết, sử dụng công cụ nghiên cứu có liên quan. Trong khi đó, đối tượng nghiên cứu luôn biến đổi phức tạp với các chiến lược mới cần phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên ngành, kết hợp với việc sử dụng phương pháp, l‎í thuyết, công cụ nghiên cứu thích hợp mới có thể luận giải và đánh giá xác đáng, nhận diện được bản chất của vấn đề. Sử dụng thành thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.. để phục vụ cho công việc nghiên cứu còn cần phải nâng cao.  Điều này làm hạn chế cơ hội trao đổi học thuật, giao lưu và tiếp cận với kết quả nghiên cứu của giới Trung Quốc học Âu Mỹ. Đời sống cán bộ, viên chức còn khó khăn, các nguồn lực hạn chế. Động lực làm việc của một số viên chức còn chưa mạnh.

4.  Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành đối tượng nghiên cứu được giới học thuật trong nước đặc biệt quan tâm. Các cơ sở nghiên cứu về Trung Quốc thuộc các bộ, các trường đại học trong cả nước đã xuất hiện nhiều, từng bước khẳng định thế mạnh riêng của mỗi cơ sở. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường kết nối và chia sẻ, nâng cao chất lượng hơn nữa, có đóng góp thiết thực để Viện có “bản sắc”, “thương hiệu” trong nghiên cứu về Trung Quốc ở Việt Nam, tiệm cận với trình độ nghiên cứu Trung Quốc của quốc tế cũng là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

V. ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG THỜI GIAN TỚI

1. Định hướng phát triển

Định hướng phát triển của Viện Nghiên cứu Trung Quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tập trung vào các mục tiêu cơ bản sau đây:

Một là, phát triển Viện Nghiên cứu Trung Quốc trở thành một cơ sở hàng đầu về nghiên cứu Trung Quốc học, tham mưu chính sách, tư vấn khoa học cũng như đào tạo ngành Trung Quốc học ở Việt Nam và khu vực Đông Á. Từ nghiên cứu Trung Quốc, có những đóng góp thực sự quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước khi giải bài toán an ninh và phát triển của Việt Nam, tận dụng cơ hội, giảm thiểu những thách thức từ quá trình thực hiện mục tiêu cường quốc của Trung Quốc giữa thế kỷ XXI, góp phần vào sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước của Việt Nam tới 2020 và những thập niên tiếp theo.

Hai là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức nghiên cứu khoa học của Viện cả về số lượng lẫn chất lượng, có trình độ cao cả về chuyên môn lẫn ngoại ngữ tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về Trung Quốc, tham gia có hiệu quả vào hợp tác và hội nhập quốc tế.

Ba là, công bố những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn từ đó khẳng định vai trò, nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Viện trong xã hội cũng như trên trường quốc tế.

Bốn là, mở rộng kết nối với các cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo ở trong và ngoài nước, phấn đấu trở thành cơ quan nghiên cứu, tư vấn (think tank)  uy tín.

Năm là, phát huy hơn nữa trí tuệ, sáng tạo, tính tích cực của cán bộ, viên chức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, mở rộng nguồn lực, thực hiện các hoạt động xã hội thiết thực.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

Một là, trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời tích cực đổi mới phương pháp nghiên cứu và tiếp cận, coi trọng tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, hệ đề tài nghiên cứu khoa học của Viện tập trung vào việc sẽ tiếp tục nhận diện, phân tích, dự báo về sự phát triển của Trung Quốc đến năm 2035 và tầm nhìn 2050 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và điều chỉnh chính đối ngoại; những tác động từ quá trình thực hiện mục tiêu cường quốc của Trung Quốc đối với cục diện thế giới, khu vực và Việt Nam; quan hệ hai nước trên các lĩnh vực. Đề xuất những kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm tận dụng khai thác những cơ hội, giảm thiểu những thách thức từ Trung Quốc.

Hai là, nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm trong thời gian tới là vừa nghiên cứu khoa học, vừa tiếp tục xây dựng đội ngũ. Xây dựng đội ngũ vừa theo trường lớp để nhận học vị, vừa thông qua đào tạo tại chỗ kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, vừa đáp ứng yêu cầu thi nâng ngạch viên chức. Điều quan trọng là việc đào tạo bồi dưỡng sẽ được cụ thể hóa đến từng người theo đúng định hướng nghiên cứu và nội dung công việc đã được xác định. Chú trọng nghiên cứu chuyên sâu và đào tạo các chuyên gia.

Ba là, Viện tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với các ban ngành ở Trung ương và các bộ ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương biên giới.. Ngoài ra, Viện sẽ tiến hành mở rộng hoạt động kết nghĩa hoặc hợp tác với một số doanh nghiệp và địa phương khác, nhằm tạo sự kết nối giữa nghiên cứu cơ bản với thực tiễn, từ đó tăng thêm hiệu quả nghiên cứu khoa học, đồng thời tạo thêm động lực mới cho đội ngũ cán bộ của Viện.

Bốn là, Viện tiếp tục duy trì mối quan hệ đã có với các tổ chức và đơn vị nghiên cứu  Trung Quốc ở các nước; đồng thời mở rộng thêm các đối tác khác. Hướng ưu tiên trong hợp tác quốc tế vẫn là các cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc, Nga, Mỹ,Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... cố gắng xây dựng một số đối tác hợp tác mang tính chiến được để vừa tăng thêm nguồn lực cho công tác nghiên cứu, vừa góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những cán bộ trẻ tâm huyết với nghề và có triển vọng trong nghiên cứu khoa học về Trung Quốc.

Năm là, Viện sẽ sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp và mở rộng các nguồn lực nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất hiện có theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức trong viện.

VI. KẾT LUẬN

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Viện đã triển khai tốt công tác nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam -Trung Quốc.

Những nghiên cứu của Viện đã theo sát chuyển biến của đối tượng nghiên cứu như phân tích, đánh giá sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động của nó đối với thế giới, khu vực và Việt Nam; làm rõ những thay đổi, điều chỉnh tư duy, chiến lược trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI và tác động của nó; phân tích, đánh giá sự chuyển đổi mô hình của Trung Quốc, các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc trong tình hình mới.

Các nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học để Việt Nam chủ động ứng phó trước bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến khó lường. Đặc biệt, trước những diễn biến mới ở khu vực Biển Đông, Viện tập trung nghiên cứu, kiến nghị cho Đảng và Nhà nước về đối sách xử lý vấn đề phức tạp ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung.

Những nghiên cứu của Viện đã có sự chuyển biến từ mô tả, tổng hợp, phân tích chuyển sang nhận diện, đánh giá, luận giải, dự báo xu hướng phát triển trong tương lai, đánh giá tác động và kiến nghị của các nghiên cứu có cơ sở khoa học, sát thực hơn, khả thi và có ý nghĩa hơn; gắn liền và gắn kết với thực tiễn, xã hội.

Kết quả các mặt công tác của Viện là đóng góp công sức, trí tuệ của toàn bộ cán bộ trong Viện, đồng thời cũng là kết quả của sự kết nối với các chuyên gia trong và ngoài Viện Hàn lâm, trong và ngoài nước. Viện Nghiên cứu Trung Quốc có đội ngũ cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Trung Quốc ở một số Viện trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, một số trường trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, một số viện, khoa thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao, các bộ ban ngành Trung ương. Viện đã tranh thủ được ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài Viện, áp dụng một cách linh hoạt việc gắn kết giữa cơ cấu cứng và cơ cấu mềm.

Viện đã trở thành “điểm đến” của các nhà Trung Quốc học, những người nước ngoài quan tâm đến vấn đề Trung Quốc. Hàng trăm chuyến thăm, trao đổi học thuật mỗi năm tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc của chuyên gia, học giả, nhà ngoại giao thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, đại sứ quán, các tổ chức nước ngoài đã góp phần bổ sung thông tin, cung cấp những đánh giá đa dạng, đa chiều cho nghiên cứu của Viện.

Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục khó khăn  và hạn chế, Viện Nghiên cứu Trung Quốc sẽ tiếp tục phấn đấu đóng góp hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới. Đồng thời, góp mình vào sự nghiệp hòa bình và phát triển của đất nước và khu vực.

 

 

 

 

 




Các tin khác

Nghiên cứu Trung Quốc - Nhìn lại 20 năm và định hướng hoạt động trong thời gian tới
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn