Nhìn lại 60 năm qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung
Quốc không ngừng phát triển, song cũng phải thừa nhận rằng, mối quan hệ đó cũng
có lúc nóng, lúc lạnh; lúc đầm ấm, lúc cam go. Nhìn tổng thể, chúng ta có thể thấy,
thời kỳ nào quan hệ hai nước nồng ấm, hữu hảo với nhau thì cả hai quốc gia dân tộc
này đều gặt hái được những thành tựu to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh; thời kỳ nào mâu
thuẫn, xung đột nổi lên, cả hai nước đều chịu những tổn thất nặng nề, có những tổn
thất kéo dài không dễ khắc phục một sớm một chiều, đó là sự mất lòng tin, sự nghi
ngờ lẫn nhau, dễ dẫn đến những hành xử mất tình hữu nghị, mất nghĩa anh em, đồng
chí.
Trong 60 năm đó có
hơn 10 năm bình thường hóa quan hệ hai nước vừa qua, hai nước đã vun đắp được tình
hữu nghị tốt đẹp, đã xây dựng được quan hệ hợp tác toàn diện với phương châm
“16 chữ” và với tinh thần “4 tốt”. Đó là một giai đoạn phát triển tốt đẹp trong
lịch sử quan hệ Việt – Trung cần tiếp tục phát huy.
Song cũng trong hơn
10 năm này, quan hệ Việt – Trung dần dần hình thành những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng
lớn đến lợi ích của mỗi bên, rất dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột nếu chúng ta không
nhanh chóng tìm ra các giải pháp hóa giải.
Hai lĩnh vực đang
nổi lên nhiều mâu thuẫn là lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chủ quyền biển đảo.
Về lĩnh vực kinh tế, mặc dù quan hệ kinh tế thương mại Việt – Trung phát triển
rất nhanh trong hơn 10 năm qua, song nhiều vấn đề mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế
cũng dần dần nổi lên theo các xu hướng sau đây:
- Cán cân thương mại
Việt – Trung ngày càng mất cân đối nghiêm trọng, nhập siêu tăng không ngừng bất
lợi cho phía Việt Nam. Thông qua quan hệ biên mậu, nhiều hàng nhái, hàng giả, hàng
lậu tràn vào Việt Nam, gây khó khăn cho nhiều ngành sản xuất, đặc biệt các xí nghiệp
nhỏ và vừa của Việt Nam.
- Xu hướng xuất khẩu
nguyên liệu thô từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng, tỉ trọng xuất khẩu hàng
chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc hầu như ít được cải thiện, ngày càng khoét
sâu sự bất bình đẳng thương mại kiểu Bắc – Nam trong quan hệ giữa hai nước.
- Xu hướng chuyển dịch đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm, ít cải thiện khả
năng cạnh tranh của hàng Việt Nam từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh do nhu cầu
chuyển dịch cơ cấu kinh tế Trung Quốc, đặc biệt ở các đặc khu kinh tế vùng duyên
hải Trung Quốc liền kề với Việt Nam.
- Xu hướng tụt giảm
khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc, xu hướng tụt
hậu quá nhanh của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế Trung Quốc.
Những xu hướng trên
trong quan hệ kinh tế Việt Trung nếu không được hai nước cùng nhau tích cực tìm
giải pháp khắc phục thì trong tương lai sẽ ngày càng khó khăn trong việc duy trì
quan hệ hữu nghị, mở rộng hợp tác, cùng nhau phát triển mà hai bên mong muốn.
Về lĩnh vực chủ quyền biển đảo: sự tranh chấp, chủ
quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ lâu, song phía Việt Nam cố gắng
nhẫn nhịn cho đến gần phút chót mới cùng Malaysia đưa ra Liên hợp quốc yêu cầu chính
thức về chủ quyền biển đảo của hai nước và của nước mình(1). Yêu cầu
này lập tức bị Trung Quốc phản đối, đồng thời Trung Quốc chính thức công bố chủ
quyền biển đảo hầu như là toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Nguy cơ Biển Đông nổi sóng đã đến sớm hơn dự báo lâu nay của
chúng tôi. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ
quyền biển đảo ở Biển Đông sẽ ngày càng căng thẳng nếu hai bên không sớm tìm ra
giải pháp hợp lý, quan hệ “hữu nghị hợp tác cùng phát triển” sẽ có nguy cơ đổ vỡ,
làm tổn hại lớn đến lợi ích chính đáng của hai quốc gia, và nhân dân hai
nước “núi liền núi, sông liền sông” này.
Làm thế nào giải quyết
được các mâu thuẫn trên để hai bên thực hiện tốt khẩu hiệu “tăng cường hữu nghị,
mở rộng hợp tác, cùng nhau phát triển” trong
thời gian tới? Trong buổi làm việc với giáo sư Cốc Nguyên Dương, nguyên Viện trưởng
Viện Kinh tế và Chính trị thế giới Trung Quốc, khi giáo sư sang hội thảo với Bộ
Ngoại giao Việt Nam về quan hệ Việt - Trung, ông đánh giá cao hội thảo này vì theo
ông, các học giả Việt Nam đã phát biểu thẳng thắn nhiều vấn đề với tinh thần xây
dựng. Tuy nhiên giáo sư Cốc Nguyên Dương cho rằng, ngoài ba nguyên tắc lớn mà các
học giả Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra, theo ông cần thêm một nguyên tắc quan trọng
thứ tư mà tôi đã lấy làm tên cho bài viết này: “Ngồi vào chỗ của nhau để cùng tìm giải pháp tăng cường hữu nghị, mở rộng
hợp tác, cùng nhau phát triển”.
Tôi thấy rằng nguyên
tắc thứ tư này rất quan trọng vì một khi “ngồi vào chỗ của nhau để cùng tìm giải
pháp tăng cường hữu nghị, mở rộng hợp tác, cùng nhau phát triển” hai bên sẽ dễ dàng
thấu hiểu nhau, bớt nghi ngờ nhau, để cùng nhau tìm ra giải pháp thỏa đáng cho cả
hai bên.
Chẳng hạn về lĩnh
vực kinh tế, trong việc tìm giải pháp cải thiện cán cân thương mại Việt – Trung,
các nhà khoa học Việt Nam mà tôi là một trong những người kiên trì giải pháp Việt
Nam cần mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, tìm cách mời các công ty xuyên quốc
gia lớn của Mỹ, Nhật, EU vào đầu tư công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm chế biến
chất lượng cao có khả năng xuất sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc, chỉ có
như vậy mới tránh được tình trạng nhập siêu và xuất nguyên liệu thô, từng bước cải
thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Song cũng trong vấn đề này, một số học
giả Trung Quốc lại đưa ra giải pháp khác để cân bằng cán cân thương mại hai nước
là “Chính phủ hai nước nỗ lực tìm cách xuất khẩu trọn gói dầu thô của Việt Nam sang
Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại”. Tôi cho rằng, các học giả Trung Quốc
đã không ngồi vào chỗ của Việt Nam để giải quyết vấn đề. Vì theo tôi, một lượng
lớn dầu thô của Việt Nam lâu nay đã xuất cho Nhật Bản và đổi lại Nhật Bản là nước
cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam để cải tạo kết cấu hạ tầng của nền kinh tế Việt
Nam. Và cũng vì không ngồi vào chỗ của nhau để tìm giải pháp khắc phục mâu thuẫn
như ví dụ trên, nên dẫn đến việc hai nước nghi ngờ nhau, chẳng hạn dư luận Trung
Quốc cho rằng “Việt Nam thân phương Tây”, thậm chí có ý kiến cực đoan hơn là “dựa
vào phương Tây để chống Trung Quốc” v.v… do vậy cần phải “kiềm chế” Việt Nam.
Trên lĩnh vực tranh
chấp chủ quyền biển đảo, vấn đề còn phức tạp hơn nhiều nếu hai bên không “ngồi vào
chỗ của nhau để tìm giải pháp…”. Sự phức tạp và nhạy cảm lớn nhất là cả hai nước
đều tuyên bố chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, và đều giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền
biển đảo ở Biển Đông theo quan điểm của mỗi nước. Trung Quốc tỏ rõ lập trường không
quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, không coi vấn đề Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc
với ASEAN mà kiên trì lập trường vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông
là vấn đề song phương, giữa Trung Quốc với từng nước ASEAN có liên quan. Ngược lại,
Việt Nam mong muốn công khai hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, giải quyết
vấn đề chủ quyền Biển Đông theo luật biển quốc tế.
Tôi cho rằng, nếu
hai nước không ngồi vào chỗ của nhau để thấu hiểu những vấn đề của nhau thì sự va
chạm, xung đột là khó tránh khỏi. Chẳng hạn, tôi đánh giá cao hội thảo khoa học
quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội trong hai ngày 26 – 27/ 11-2009, vì đó là cách để
nhân dân hai nước hiểu được mọi chiều cạnh của vấn đề một cách khách quan, không áp đặt ý chí chủ quan lên nhau, nhờ đó giảm
bớt những bức xúc dân tộc cực đoan của cả hai phía. Chỉ trên cơ sở này, hai nước
mới dễ dàng ngồi đàm phán với nhau tìm ra điểm
đồng, xử lý khéo các điểm bất đồng, tìm kiếm giải pháp hợp lý được nhân dân hai
nước chấp thuận, biến Biển Đông thành biển Hòa bình Hợp tác Hữu nghị. Đây là cơ
sở quan trọng để Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược “Một trục hai cánh”
đặc biệt trong đó là chiến lược “Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, tạo thế cho Trung Quốc chủ
đạo liên kết kinh tế Đông á, vươn lên thành siêu cường thế giới.
GS. Lê Văn SangTạp chí Kinh tế Châu á- Thái Bình Dương