Ngày 8 – 8 – 2010 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài: “ Sự phát triển văn hóa và con người ở một số nước Đông Á – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”, Mã số KX 03.12/06 – 10 do Viện Nghiên cứu Trung Quốc là cơ quan Chủ trì và PGS.TS. Đỗ Tiến Sâm làm Chủ nhiệm. Đến dự có đại diện Văn phòng các Đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX03/06 - 10, cơ quan chủ trì và đông đảo các nhà khoa học là thành viên tham gia đề tài.
PGS. TS Đỗ Tiến Sâm, Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu mới và những đóng góp về lý luận và thực tiễn của đề tài. Theo đó, tính mới và sáng tạo được thể hiện ở chỗ:
Một là, các nước Đông Á mà Đề tài lựa chọn nghiên cứu ở các mức độ khác nhau đều đã nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững kinh tế xã hội, coi văn hóa là một bộ phận hợp thành của sức mạnh tổng hợp quốc gia, là sức mạnh mềm hay quyền lực mềm – một sức mạnh thể xem nhẹ trong mối tương quan với sức mạnh cứng là kinh tế và quân sự. Khi nhân loại bước vào thế kỷ 21, các nước Đông Á đều đã nêu lên phương châm “ văn hóa lập quốc”, chấn hưng văn hóa, trong đó phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa (Nhật Bản, Hàn Quốc) hay sản nghiệp văn hóa ( Trung Quốc) v.v…, nhằm biến văn hóa thành một điểm tăng trưởng mới.
Đặc biệt, Đề tài đã tập trung lý giải sự tác động trở lại của văn hóa, sự gắn kết giữa văn hóa với kinh tế, chính trị và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững… Đối với kinh tế, văn hóa đã cung cấp về mặt tinh thần, định hướng giá trị và nguồn nhân lực hiện đại cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Từ đó có thể nói rằng, văn hóa và kinh tế là hai bánh xe lớn trong sự phát triển của nền văn minh nhân loại, mặc dù mỗi loại có quy luật và đặc điểm riêng, nhưng mối quan hệ giữa chúng là mật thiết, cùng tồn tại với nhau, thúc đẩy lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Đối với chính trị, văn hóa giúp cho việc tăng cường độ minh bạch, đảm bảm quyền được biết của công dân; văn hóa góp phần hạn chế quyền lực của cơ quan nhà nước, đảm bảo quyền dân sự tự do của công dân; văn hóa góp phần ngăn ngừa tình trạng lợi dung dân chủ để thực hiện chuyên chế đối với thiểu số người v.v…Còn đối với môi trường, văn hóa đã góp phần nâng cao nhận thức về ứng xử của con người đối với tự nhiên, góp phần thức đẩy hình thành “ GDP màu xanh” có giá trị sinh thái, thay thế cho khái niệm “GDP màu đen” chạy theo tăng trưởng đơn thuần về kinh tế.
Hai là, cùng với văn hóa, các nước Đông Á đã rất coi trọng phát triển con người, thông qua văn hóa để bồi dưỡng con người. Singapore ban hành Sách trắng về các Giá trị chung, còn Trung Quốc thì nêu lên xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân XHCN bằng cuộc vận động “Bát vinh, Bát nhục” (tám điều vinh nhục)…Đặc biệt, khi bước vào thế kỷ 21, vấn đề giáo dục đã được các nước Đông Á quan tâm, nhằm đào tạo những con người có sức cạnh tranh quốc tế cao (Nhật Bản), còn Trung Quốc nêu lên Quy hoạch giáo dục, trong đó nhấn mạnh “Cường quốc trước tiên phải cường giáo”(nước mạnh trước tiên phải mạnh về giáo dục), sự phát triển sau này của Trung Quốc : “mấu chốt là dựa vào nhân tài, nền tảng là dựa vào giáo dục” v.v…
Ba là, do sự phát triển văn hóa và con người chịu tác động của nhiều nhân tố cả bên trong lẫn bên ngoài, có mối quan hệ mật thiết và tác động lẫn nhau với kinh tế, chính trị, xã hội v.v.... Vì vậy, qua triển khai nghiên cứu, Đề tài đã góp phần hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu hiện có – nhất là phương pháp tiếp cận khu vực học và phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương pháp phỏng vấn chuyên gia v.v…, qua đó góp phần làm rõ những nội dung đặt ra cần nghiên cứu.
Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước gồm 9 thành viên do GS Vũ Dương Ninh làm Chủ tịch, GS. TS Phạm Xuân Nam là Phó Chủ tịch. Sau khi nghe ý kiến của hai ủy viên phản biện, các ủy viên đã lần lượt nêu lên những nhận xét đánh giá và cuối cùng bỏ phiếu kín theo quy định. Kết quả: Đề tài được xếp loại xuất sắc.
Hoài Nam