TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9397708
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 10 và 10 tháng năm 2009 (07/01/2010)


I. TÌNH HÌNH KINH TẾ TRUNG QUỐC THÁNG 10-2009

    Điểm sáng lớn nhất trong vận hành kinh tế tháng 10 của Trung Quốc chính là sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, sản lượng công nghiệp đã tăng nhanh nhất trong vòng 19 tháng qua kể từ tháng 3 – 2008; và tín hiệu vui lớn nhất chính là từ tiêu dùng, doanh số bán lẻ đã tăng mạnh đạt đến 16,2% trong tháng 10 vừa qua.
    
Ngày 11-11-2009, Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố,  sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục tăng trưởng nhanh, mức gia tăng giá trị của doanh nghiệp công nghiệp có quy mô tăng trưởng 16,1%, tăng 7,9 điểm % so với tháng 10 năm 2008, tăng nhanh hơn 2,2 điểm % so với tháng trước (9-2009). Đây là tháng thứ sáu liên tiếp có mức độ tăng trưởng liên tục tăng.
    
Theo loại hình kinh tế, trong tháng 10, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có cổ phần khống chế tăng trưởng 13,7%; các doanh nghiệp tập thể tăng trưởng 15,4%, các doanh nghiệp cổ phần tăng trưởng 19,0%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và của Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao tăng trưởng 10,8%. Nếu phân theo loại hình công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ thì trong tháng 10, công nghiệp nặng tăng trưởng 18,1%, công nghiệp nhẹ tăng trưởng 11,3%.
    
Số liệu về tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 10 ở mức cao đạt tới 16,1%, mức độ này ngang với tốc độ tăng trưởng nhanh của nửa đầu năm 2008. Vấn đề này nên xem xét thế nào? Theo ông Trương Vệ Hoa, Phó Trưởng phòng công nghiệp-Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, nên xem xét từ hai phương diện: Thứ nhất, điều này cho thấy ngày càng rõ xu thế bình ổn trở lại trong công nghiệp, và những điều kiện, cơ sở giúp công nghiệp phục hồi ngày càng tăng cường, ổn định. Số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng nhanh hơn tháng 9 là 2,2 điểm %, sản xuất công nghiệp tháng 10 so với tháng 9 tăng 0,8%. Nếu xét đến những chỉ tiêu liên quan đến sản xuất công nghiệp như lượng phát điện, lượng dùng điện, lượng hàng hóa vận chuyển, hay sản lượng những sản phẩm chủ yếu thì thấy: Lượng phát điện trong tháng 10 có tốc độ tăng mạnh, đạt tới 17,1%, lượng dùng điện của toàn xã hội tăng trưởng 16%. Tháng 10, lượng hàng hóa vận chuyển toàn xã hội (bao gồm cả qua đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không…) tăng trưởng 20,9%. Lượng hàng hóa vận chuyển qua lại thể hiện mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, vì thế lượng hàng hóa vận chuyển tăng trưởng nhanh cho thấy kinh tế thêm tăng trưởng. Ngoài ra, là lợi nhuận trong công nghiệp, từ đầu năm đến nay, tình hình lợi nhuận trong công nghiệp đã có bước chuyển biến tốt. Tháng 9, các doanh nghiệp công nghiệp ở 22 khu vực trong cả nước đã có lợi nhuận tăng trưởng 24,8%, tăng 6,7 điểm % so với tháng 8. Như vậy là hai tháng liền có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận liên tục tăng. Tình hình cho thấy xu hướng phục hồi bình ổn trong công nghiệp là hết sức rõ nét, công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, những điều kiện, cơ sở giúp công nghiệp phục hồi không ngừng tăng cường và ổn định. Thứ hai, mặc dù vậy thì cũng không nên lạc quan thái quá. Bởi vì, nếu xem xét số liệu trong sản xuất công nghiệp tháng 10 thì thấy có một số vấn đề cần quan tâm: Đó là tốc độ tăng trưởng sản xuất của công nghiệp nặng rõ ràng cao hơn công nghiệp nhẹ, tốc độ tăng trưởng giá trị hàng hóa công nghiệp xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm 7,3%, trong vận hành kinh tế công nghiệp vẫn tồn tại sự không cân bằng nhất định. Đặc biệt cần chỉ ra là, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ quốc tế nên cùng kỳ năm trước (10-2008), tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc giảm sút, bắt đầu từ quý IV - 2008, tốc độ tăng trưởng công nghiệp xuất hiện xu thế giảm sút nhanh chóng, tháng 9-2008, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 11,4%, đến tháng 10-2008 chỉ còn 8,2%, giảm 3,2 điểm % so với tháng trước, đây là tháng có mức độ suy giảm tăng trưởng công nghiệp lớn nhất trong nửa cuối năm 2008. Điều này phần nào khiến tốc độ tăng trưởng của tháng 10 năm 2009 so với cùng kỳ năm trước tăng lên. Hơn nữa, nếu tháng sau so với tháng trước thì thấy, tốc độ tăng trưởng của tháng 10 so với tháng 9 tăng 0,8%, trong khi con số này của tháng 9 là 1,1%, tức là giảm 0,3 điểm %. Nếu xét từ tháng 1 – 10 năm nay thì thấy, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 9,4%, con số này của năm trước là 14,4%, như vậy năm nay so với năm trước vẫn giảm 5 điểm %. Tóm lại, nếu từ góc độ này mà nhìn nhận thì tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong tháng 10 cũng là bình thường.
    
Về thu nhập tài chính toàn quốc, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Trung Quốc, tháng 10 thu nhập tài chính toàn quốc đạt 684,49 tỷ NDT, mức độ tăng trưởng đạt 28,4%, tăng 151,59 tỷ NDT so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp có mức thu nhập tài chính toàn quốc tăng trưởng. 
    
Về tín dụng: Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong tháng 10, khối lượng tiền NDT cho vay mới tăng 253 tỷ NDT, giảm mạnh so với các tháng trước, thấp hơn cả mức 355,9  tỷ NDT của tháng 7 - tháng có mức cho vay tăng mới được coi là thấp nhất kể từ tháng 10-2008. Điều này cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu giảm các gói kích thích kinh tế.
    
Về cung ứng tiền tệ: Lượng cung ứng tiền tệ trong tháng 10 vẫn tiếp tục tăng trưởng, đầu tháng 10 lượng cung tiền tệ M2 đạt 58.620 tỷ NDT, tăng trưởng 29,42%, tăng cao hơn 11,6 điểm % so với đầu năm trước, còn nếu so với đầu tháng trước (9-2009) thì cao hơn 0,12 điểm %. Lượng cung tiền tệ M1 đạt 20.750 tỷ NDT, tăng trưởng 32,03%, tăng cao hơn đầu tháng trước là 2,53 điểm %. Lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường M0 đạt 3.570 tỷ NDT, tăng trưởng 14,09%.   
    
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng tới 55,2% trong tháng 10, mở rộng 0,9 điểm % so với tháng trước, là mức cao nhất kể từ tháng 5-2008 đến nay. Đây là tháng thứ tám liên tiếp chỉ số PMI của Trung Quốc vượt ngưỡng 50% và liên tục tăng. 
    
Điều này cho thấy các hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc đang được mở rộng. Sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng được tăng cường. Tuy vậy những khó khăn vẫn chưa phải đã hết. Chỉ số giá CPI, PPI vẫn tiếp tục suy giảm.
    
CPI tháng 10 tiếp tục giảm nhưng mức độ có thu hẹp. Tháng 10, CPI giảm 0,5% (trong khi tháng 10-2008, CPI tăng trưởng 4,0%), thu hẹp 0,3 điểm % so với tháng trước. So với tháng 9-2009, CPI tháng 10 giảm 0,1 điểm %, tháng 10 đã đánh dấu chấm cho xu thế CPI tháng sau cao hơn tháng trước trong suốt 8 tháng qua.    
    
Giải thích về vấn đề này, ông Thịnh Lai Vận, người phát ngôn của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc cho rằng, chủ yếu là do giá cả thực phẩm giảm đã khiến CPI giảm. Tháng 10 chính là mùa của rau xanh, hoa quả. Rau quả với khối lượng lớn được đưa ra thị trường nên phần nào tác động đến giá cả thực phẩm nói chung giảm. Giá cả thực phẩm, thịt, trứng, rau, quả đều giảm.  Tháng 10, giá cả thực phẩm giảm 0,8% so với tháng trước nên cũng góp phần khiến CPI giảm 0,24% so với tháng trước. Ngoài ra còn do lương thực vụ hè bội thu, vụ thu cũng thu hoạch khá đã tạo cơ sở tốt, góp phần ổn định giá cả thực phẩm. Tuy vậy vẫn phải thấy rằng nguyên nhân sâu xa khiến CPI tiếp tục suy giảm chính là vấn đề sản xuất dư thừa, tình trạng cung vượt cầu vẫn còn tồn tại, và không dễ gì giải quyết được. 
    
Mặc dù CPI vẫn còn tăng trưởng âm, nhưng áp lực lạm phát trên thị trường lại có phần tăng chứ không giảm. Theo các chuyên gia, thực tế trước mắt Trung Quốc chưa có lạm phát mặc dù thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng vẫn cần đề phòng. Thông thường, lạm phát thường xuất hiện khi sử dụng chính sách tài khóa mở rộng, chính sách tiền tệ nới lỏng; ngoài ra khi giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế tăng giá  cũng gây ra áp lực lạm phát. Nhiều chuyên gia dự báo, vật giá sẽ tiếp tục tăng trưởng bình ổn, vì thế CPI trong tháng 11 sẽ đảo chiều.  Tháng 10, PPI  giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước (tháng 10 -2008, PPI tăng trưởng 6,6%), nếu so với tháng trước (9-2009), mức độ suy giảm thu hẹp 1,2 điểm %.
    
Xét ba động lực lâu nay thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mà các nhà kinh tế vẫn gọi là “cỗ xe tam mã” là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu thì thấy:
    
Về đầu tư TSCĐ: Tháng 10 đầu tư TSCĐ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh, bình ổn. Từ tháng 1- 10, đầu tư TSCĐ khu vực thành thị đạt 15.071 tỷ NDT, tăng trưởng 33,1%, tăng nhanh hơn 5,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 0,2 điểm % so với giai đoạn từ tháng 1 – 9. Trong đó, đầu tư của khu vực nhà nước và nhà nước có cổ phần khống chế là 6.541,8 tỷ NDT, tăng trưởng 39%; đầu tư khai phát bất động sản đạt 2.844 tỷ NDT, tăng trưởng 18,9%.  Như vậy, có thể thấy đầu tư TSCĐ vẫn tiếp tục xu thế tăng trưởng ở mức độ cao, mặc dù tốc độ tăng trưởng đầu tư TSCĐ trong tháng 10 có phần giảm, nhưng mức độ giảm không lớn. Và trong ba quý đầu năm nay, đầu tư và tiêu dùng vẫn đóng vai trò chủ đạo, quyết định đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đầu tư. Trong tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 7,7 điểm % ba quý đầu năm, thì đầu tư đóng góp tới 7,3 điểm %; tiêu dùng đóng góp 4 điểm %; trong khi xuất khẩu thì còn làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (đóng góp âm).  Tuy vậy trong quý IV, các hạng mục mới triển khai sẽ giảm, nên đầu tư cũng có phần giảm. Vì thế đóng góp của tiêu dùng trong GDP sẽ có phần tăng lên.
    Về tiêu dùng, tiếp tục tăng trưởng nhanh. Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng toàn xã hội - chỉ số đo lường chi tiêu tiêu dùng của người dân trong tháng 10 đạt 1.171,8 tỷ NDT, tăng trưởng 16,2%, giảm 5,8 điểm % so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với tháng trước (9-2009) thì lại tăng 0,7 điểm %, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong tháng 10 đã vượt qua dự báo của đại đa số các cơ quan và các chuyên gia. Người phát ngôn của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc-ông Thịnh Lai Vận cho rằng, tốc độ tăng trưởng nhanh trong tiêu dùng chính là tín hiệu vui lớn nhất trong số liệu kinh tế tháng 10. Những nhân tố thúc đẩy tiêu dùng tăng nhanh trong tháng 10 bao gồm: thu nhập có thể sử dụng của người dân tăng; những chính sách kích cầu nội địa, chế độ bảo hiểm, an sinh xã hội… có bước cải thiện lớn nên cũng thúc đẩy thị trường tiêu dùng; lòng tin của người tiêu dùng được tăng cường; hơn nữa tháng 10 có ngày Quốc khánh, trung thu nên cũng khiến lượng tiêu dùng tăng. Ngoài ra, thời điểm này cũng bắt đầu vào vụ, tiêu dùng sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến tết nguyên đán…
    
Ngoại trừ ảnh hưởng của lễ tết, thì theo các nhà phân tích, động lực chủ yếu thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản và xe hơi. Đây là những điểm nóng về tiêu dùng suốt thời gian qua. 10 tháng đầu năm nay, diện tích tiêu thụ nhà thương mại trên cả nước đạt 663,69 triệu m2, tăng trưởng 48,4%. Trong tháng 10, giá nhà ở tại 70 thành phố lớn và vừa của Trung Quốc đã tăng tới 3,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,7% so với tháng trước, mức độ tăng mở rộng 1,1 điểm % so với tháng 9. Đây là mức tăng cao mới trong 13 tháng trở lại đây.  Tốc độ tăng trưởng liên tục mở rộng đã kéo theo tiêu dùng trong các lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội thất, đồ điện gia dụng…. 
    
Bên cạnh đó, với những chính sách cắt giảm thuế, khuyến khích tiêu dùng nên tháng 10 sản lượng tiêu thụ ô tô tăng trưởng đến 72,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trung bình của 10 tháng đầu năm 2009. Doanh số ô tô tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã vượt ngưỡng 5 triệu chiếc chỉ trong 9 tháng đầu năm nay. Dự kiến quý IV tốc độ tăng trưởng tiêu dùng sẽ còn tiếp tục mở rộng, ổn định.
    
Về xuất nhập khẩu, theo số liệu của Hải quan, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 197,54 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 110,76 tỷ USD, đây là tháng thứ tư liên tiếp có kim ngạch xuất khẩu vượt 100 tỷ USD, giảm 13,8%, thu hẹp 1,4 điểm % so với tháng trước; Nhập khẩu đạt 86,78 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10 xuất siêu của Trung Quốc là 24 tỷ USD, tăng mạnh so với tháng trước. 
    Số liệu cho thấy, tháng 9 tốc độ suy giảm xuất khẩu thu hẹp đến 8,2 điểm % so với tháng 8. Hơn nữa, các số liệu cũng cho thấy nhu cầu của thị trường thế giới đối với hàng hóa của Trung Quốc tăng lên rõ rệt, xuất siêu cũng tăng lên, điều này cho thấy tác động làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của xuất khẩu sẽ thu hẹp. Thậm chí còn có dự báo cho rằng xuất khẩu trong tháng 11 có khả năng sẽ tăng trưởng. Song vẫn là quá sớm để nói điều này.
    
Tóm lại, sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc tăng tốc trong tháng 10 với sản lượng công nghiệp tăng nhanh nhất kể từ tháng 3-2008, doanh số bán lẻ tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng đầu tư vẫn duy trì ở mức cao, tốc độ suy giảm xuất khẩu thu hẹp… Hàng loạt những dấu hiệu tích cực cho thấy xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng được tăng cường, và dự kiến quý IV còn nhiều khởi sắc hơn. Song bên cạnh đó những khó khăn chưa phải đã hết, chỉ số giá CPI lại tiếp tục suy giảm thậm chí còn thấp hơn tháng 9, điều này cho thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa mặc dù đã tăng mạnh trong tháng 10 nhưng vẫn chưa đủ. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức thấp nhất kể từ tháng 10-2008, các gói kích thích kinh tế đang bắt đầu được Chính phủ Trung Quốc cắt giảm dần. Thực tế này đòi hỏi Trung Quốc cần điều chỉnh lại kết cấu kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng thay thế cho đầu tư sẽ được thu hẹp dần.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ 10 THÁNG NĂM 2009

    Bước sang tháng 10, hàng loạt các dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi kinh tế Trung Quốc thêm tăng tốc. Điều này đã khiến nhiều nhà phân tích cho rằng thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng đã qua (GDP của Trung Quốc đạt tới 8,9% trong quý III). Phục hồi của nền kinh tế theo hình chữ “V” mà đáy của nó là quý IV -2008 và quý I năm nay. Có thể nói, kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh hơn và mạnh hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước mắt, Trung Quốc cần duy trì mức độ tăng trưởng hợp lý và nhiệm vụ quan trọng nhất chính là điều chỉnh lại kết cấu kinh tế và phòng ngừa lạm phát. 
    Tình hình sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2009 có nhiều thăng trầm, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô trên cả nước trong 2 tháng đầu năm 2009 đã giảm xuống mức thấp nhất là 3,8%, bước sang tháng 5 sản xuất công nghiệp khởi sắc trở lại, tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong tháng 5 là 8,9% - mức cao nhất kể từ tháng 10-2008. Sáu tháng liền từ tháng 5 đến tháng 10-2009, sản xuất công nghiệp đã liên tục tăng trưởng. Tháng 10, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 16,1%. Nếu tính từ tháng 1-10, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 9,4%,  so với cùng kỳ năm trước giảm 5,0 điểm %, nhưng nếu so với giai đoạn từ tháng 1-9 thì lại tăng nhanh hơn 0,7 điểm %.
    
Về đầu tư TSCĐ, 10 tháng đầu năm, đầu tư TSCĐ khu vực thành thị đạt 15.071 tỷ NDT, tăng trưởng 33,1%, tăng nhanh hơn 5,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 0,2 điểm % so với giai đoạn từ tháng 1 – 9.
    
Tính từ tháng 1-10, đầu tư các hạng mục của Trung ương đạt 1.350,3 tỷ NDT, tăng trưởng 18,8%; đầu tư của địa phương đạt 13.720,8 tỷ NDT, về mặt giá trị cao gấp hơn 10 lần của trung ương, mức độ tăng trưởng cũng lớn hơn đạt 34,8%.
    
Nếu phân theo khu vực, từ tháng 1-10, đầu tư khu vực I (nông nghiệp) tăng trưởng 54,1%, đầu tư khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng trưởng 26,8%, đầu tư khu vực III (dịch vụ) tăng trưởng 37,8%. Như vậy từ số liệu cho thấy, đầu tư cho khu vực I có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, có nghĩa là Nhà nước đã ngày càng chú trọng hơn đến dân sinh.
    
Về xuất nhập khẩu, Theo số liệu thống kê của Hải quan công bố ngày 11-11-2009, 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc đạt 1755,49 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 957,36 tỷ USD, giảm 20,5%; nhập khẩu đạt 798,13 tỷ USD, giảm 19%. Xuất siêu thương mại đạt 159,23 tỷ USD, giảm 27,2%.
    
Trong thương mại song phương với các đối tác thương mại chính, 10 tháng đầu năm 2009, EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 292,42 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đó với Mỹ, tổng kim ngạch thương mại đạt 239,36 tỷ USD, giảm 14,9%; thứ ba là với Nhật Bản, tổng kim ngạch song phương đạt 182,34 tỷ USD, giảm 19,3%. 
    
Về thu nhập tài chính toàn quốc, trong 10 tháng đầu năm từng bước xuất hiện xu thế hồi phục. Từ tháng 1-4, do kinh tế suy giảm nên lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm sút, nguồn thu từ thuế của nhà nước theo đó cũng giảm, thu nhập tài chính giảm 9,9%. Bắt đầu từ tháng 5, cùng với dấu hiệu khởi sắc trong sản xuất công nghiệp, thu nhập tài chính cả nước đã từng bước hồi phục, tháng 5 thu nhập tài chính đã tăng 4,8%; bước sang tháng 6 tăng mạnh 19,6%. Đây là lần đầu tiên thu nhập tài chính toàn quốc tăng trưởng mạnh đạt mức hai con số. Đặc biệt là sau tháng 8, tốc độ tăng trưởng thu nhập tài chính ngày càng lớn. Điều này một mặt là do sản xuất công nghiệp ngày càng tăng trưởng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trở lại; thị trường tiêu dùng nội địa cũng hồi phục trở lại, mà điểm nóng chính là thị trường bất động sản và ô tô đã khiến thuế tiêu thụ trong nước,  thuế kinh doanh… tăng, góp phần khiến thu nhập tài chính cả nước tăng. Song mặt khác là do thời điểm này năm trước, thu nhập tài chính đã giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng, vì thế nếu so sánh với cùng kỳ năm trước thì đương nhiên số liệu năm nay sẽ tăng.
    
Tính từ tháng 1-10, thu nhập tài chính cả nước đạt 5.836,38 tỷ NDT, tăng 408,79 tỷ NDT so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng 7,5%.
    
Về khoản cho vay tăng mới, theo số liệu công bố ngày 11 -11 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, 10 tháng đầu năm nay, quy mô các khoản cho vay tăng mới bằng đồng NDT đạt tới 8.920 tỷ, tăng nhiều hơn 5.260 tỷ NDT so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, riêng trong tháng 10, khoản cho vay mới tăng lại chỉ đạt 253 tỷ NDT, giảm mạnh so với các tháng trước. Thực tế là Chính phủ Trung Quốc đang cắt giảm dần các gói kích cầu. 
    
Chúng ta biết là đầu tư của nhà nước Trung Quốc trong thời gian qua đã có tác dụng rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, tính đến tháng 10-2009 các hạng mục mới triển khai đã tăng trưởng trên 80%, có thể nói là một cao trào đầu tư với quy mô lớn đã và đang được triển khai. Đầu tư đã luôn là động lực chủ đạo thúc đẩy GDP tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng năng lực tài chính của Nhà nước cũng như các chính quyền địa phương là có hạn, không thể tiếp tục duy trì tình trạng đầu tư ở mức độ cao mãi được. Điều chỉnh kết cấu kinh tế đã trở nên cấp thiết, trong đó quan trọng nhất chính là điều chỉnh tỷ lệ đầu tư và tiêu dùng, cần tăng cường mức độ đóng góp của tiêu dùng trong GDP.
    
Đương nhiên, đầu tư vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian nữa, nhưng mục đích cuối cùng của đầu tư chính là lôi kéo tiêu dùng, đây cũng là cái đích mà các chính sách kích cầu của nhà nước muốn hướng đến, nếu không thì đầu tư càng tăng mà tiêu dùng không tăng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa năng lực sản xuất và nhu cầu không đủ ở Trung Quốc.
    
Tóm lại, kinh tế Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2009 cho thấy những dấu hiệu phục hồi ngày càng rõ nét, triển vọng những tháng cuối năm còn khả quan hơn. Song bên cạnh đó thì trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, nhiệm vụ điều chỉnh kết cấu đầu tư và tiêu dùng trở nên cấp bách. Tuy vậy mục tiêu GDP tăng trưởng 8% trong năm nay có thể thực hiện được.

III. TRIỂN VỌNG KINH TẾ TRUNG QUỐC QUÍ 4

    Trên cơ sở tình hình kinh tế quý III tốt, dự kiến quý IV năm nay, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đà phát triển của quý III, và thậm chí sẽ có nhiều khởi sắc hơn. Báo cáo của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã đưa ra ước tính rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý IV -2009 sẽ vượt quá 10% nhờ các đơn đặt hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang gia tăng nhân dịp cuối năm và đầu năm mới. Bàn về triển vọng kinh tế quí IV và cả năm, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Dư Tân cho rằng, kinh tế Trung Quốc quí IV có thể tăng trưởng trên 10%, mức tăng GDP cả năm đạt khoảng 8,5%.  Viện Nghiên cứu kinh tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc dự báo GDP năm 2009 đạt 8,56%, năm 2010 sẽ đạt 9,42%.
    
Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, cả lòng tin của các nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng đều sẽ tăng trong quý IV, từ đó sẽ làm mạnh thêm xu thế phục hồi của nền kinh tế nước này. Song, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đạt tới 8,9% trong quý III vừa qua, mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ đầu năm nhưng sự phục hồi kinh tế vẫn chưa bền vững và vẫn còn nhiều bất ổn phía trước. Báo cáo của CCB cho rằng, chính phủ Trung Quốc nên giữ các chính sách tiền tệ nới lỏng thích hợp và tránh thu lại các biện pháp kích thích quá sớm. Hơn nữa, nhiều chuyên gia kiến nghị là chính sách kinh tế năm tới nên dùng “ổn định tăng trưởng” thay thế cho “duy trì tăng trưởng” của năm nay.
    
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn đứng trước 6 thách thức lớn: (1). Môi trường bên ngoài được cải thiện, song vẫn còn những nhân tố bất định. (2). Áp lực giảm của ngoại nhu vẫn lớn. (3). Tăng nội nhu vẫn chậm; (4). Một số ngành vẫn sản xuất thừa, áp lực điều chỉnh cơ cấu ngành nghề vẫn lớn và khó; (5). Nhiệm vụ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và giảm xả thải vẫn khó khăn; (6). Ứng phó với những thách thức của nước sản xuất và tiêu dùng ô tô còn nhiều khó khăn, ví như về kết cấu đô thị, quản lí giao thông, chất lượng nhà ở,..   
    
Năm 2010, kinh tế Trung Quốc đứng trước 7 thách thức: (1). Ngành bất động sản phát triển có ổn định hay không, ngành bất động sản chiếm 6,6% GDP, ¼ đầu tư và có liên quan tới hơn 60 ngành. (2). Nhu cầu tiêu dùng giảm; (3). Đầu tư tăng nhanh gây rủi ro tiền tệ. (4). Áp lực chính sách tiền tệ nới lỏng và lạm phát. (5). Áp lực tỷ giá  (6). Áp lực nâng giá đồng NDT; (7). Bảo hộ mậu dịch và tranh chấp mậu dịch.
    
Bàn về phát triển kinh tế sau khủng hoảng, Phó Thủ tướng Lí Khắc Cường cho rằng, phát triển kinh tế màu xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế các-bon thấp trở thành xu thế lớn trên thế giới, tăng cường bảo vệ môi trường, phát triển các ngành nghề bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng,..là một trong những khâu then chốt trong điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển ở Trung Quốc.
    
Bàn về tái cấu trúc nền kinh tế sau khủng hoảng, ông Mã Khải-Ủy viên kiêm Tổng Thư kí Quốc vụ viện cho rằng phải làm tốt 8 khâu then chốt: (1). Điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng, cùng với việc bảo đảm tăng đầu tư thích hợp, ổn định ngoại nhu, phải tăng cường vai trò lôi kéo của tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế; (2). Điều chỉnh kết cấu phân phối thu nhập, ra sức nâng cao tỷ trọng tiền công lao động trong phân phối lần đầu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập; (3). Điều chỉnh cơ cấu ba nhóm ngành, tiếp tục tăng cường vai trò cơ sở của nông nghiệp, thúc đẩy công nghiệp chuyển biến theo hướng mạnh hơn, nâng cao tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ; (4). Điều chỉnh cơ cấu nội bộ các ngành sản xuất, một mặt đẩy mạnh đào thải các ngành công nghiệp lạc hậu, một mặt đẩy mạnh phát triển các ngành mới; (5). Điều chỉnh kết cấu thành thị nông thôn, cùng với việc tăng cường xây dựng nông thôn, thúc đẩy đô thị hóa, đẩy mạnh nhất thể hóa thành thị nông thôn; (6). Điều chỉnh cơ cấu vùng miền, tiếp tục thực hiện chiến lược tổng thể trong phát triển vùng miền, bổ sung ưu thế cho nhau, cùng lôi kéo thúc đẩy và phối hợp với nhau; (7). Điều chỉnh kết cấu không gian phát triển, ra sức xây dựng các khu công năng chủ thể; (8). Điều chỉnh kết cấu ngoại thương, ra sức nâng cao mậu dịch bình thường và tỷ trọng hàng xuất khẩu có bản quyền.

 

Thu Hiền-Đức Cẩn st.




Các tin khác

Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 9 và 9 tháng năm 2009 (06/01/2010)
Thông tin bảo vệ luận văn Cao học (23/12/2009)
Thong bao tuyen dung (29/09/2009)
Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường đến thăm và nói chuyện tại Viện nghiên cứu Trung Quốc (28/09/2009)
Viện Nghiên cứu Trung Quốc thăm và khảo sát xã Tân Thanh(Lạng Sơn) (16/03/2009)
Thông tin bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước (05/02/2009)
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2008 của Viện Nghiên cứu Trung Quốc (08/01/2009)
Viện Nghiên cứu Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thành lập (1993 -2008) (31/12/2008)
15 người ngoại quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc (19/12/2008)
Chuyến công tác trao đổi khoa học tại Singapore và Malayxia (27/11/2008)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn