Ngày 15-8-2011, Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Viện
Khoa học xã hội Việt Nam đã
tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Đảng
cầm quyền: Kinh nghiệm của Trung Quốc – Gợi mở với Việt Nam”. Đây
là một hoạt động Khoa học nằm trong Chương trình nghiên cứu cấp Bộ hai năm 2011-2012 của Viện Nghiên cứu
Trung Quốc. Tham dự hội thảo có hơn 30 đại biểu đến từ Học viện Chính trị -
Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Viện Nghiên cứu
Trung Quốc.
Sau báo cáo đề dẫn của GS.TS. Đỗ Tiến Sâm (Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Trung Quốc), Hội thảo đã tiến hành tập trung thảo luận về việc tìm hiểu và trao
đổi về những kinh nghiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ đó gợi mở
những bài học mà Việt Nam có thể tham khảo.
Về những vấn đề lý luận chung về sự
cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các học giả đã nêu lên quá trình
hình thành và phát triển lý luận về đảng cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
GS. Dương Phú Hiệp cho rằng Mác.
Ăngghen và Lênin đã cung cấp những tư tưởng quan trọng về xây dựng Đảng và về sự
cầm quyền của Đảng Cộng sản. Tiếp đó, trong quá trình cải cách mở cửa, Đảng Cộng
sản Trung Quốc đã hình thành hệ thống lý luận XHCN đặc sắc Trung Quốc bao gồm
lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng Ba đại diện và phát triển quan khoa học, trong
đó lý luận Đặng Tiểu Bình được coi là một đột phá về lý luận cầm quyền. GS. TS.
Nguyễn Văn Huyên nêu lên 8 quy luật về sự cầm quyền của Đảng và vấn đề thực hiện
dân chủ trong Đảng cũng như trong xã hội. Bên cạnh đó, TS. Lê Văn Toan nêu lên
các loại tài nguyên cầm quyền và việc củng cố, sử dụng tài nguyên cầm quyền của
Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Về vấn đề nâng cao năng lực cầm quyền
và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các bài tham
luận tập trung xoay quanh các vấn đề như: Nâng cao năng lực điều hành kinh tế
thị trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI, nâng
cao năng lực xây dựng văn hóa tiên tiến XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của
Đảng đối với quốc hội, cơ quan tư pháp, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, phòng chống
tham nhũng v.v…
Tổng kết Hội thảo, GS.TS. Đỗ Tiến Sâm cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc
có những điểm tương đồng về chính trị. Hiện nay, công tác xây dựng Đảng ở mỗi Đảng
cũng đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ, tuy có điểm giống nhau, điểm
khác nhau, nhưng điểm chung nhất là: Làm thế nào duy trì địa vị cầm quyền lâu
dài trong điều kiện thế giới, đất nước và bản thân Đảng đang có những thay đổi
mới, thậm chí chưa từng có.
Vì vậy, việc tìm hiểu nghiên cứu và rút ra những bài học về kinh nghiệm cầm
quyền của nhau, bao gồm vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm
quyền và nâng cao năng lực cầm quyền, từ đó nâng cao nhận thức về quy luật cầm
quyền của Đảng, là rất quan trọng và cần thiết. Những kinh nghiệm được chia sẻ
này giữa hai Đảng lúc này - như lời
GS. TS Dương Phú Hiệp đã từng nhận xét là còn quý hơn cả những giá trị vật
chất. Những điều này còn quan trọng hơn cả những tồn tại và thách thức trong
quan hệ hai nước mà hai Đảng phải đối mặt và xử lý, thậm chí là một khảo nghiệm
về bản lĩnh cầm quyền của hai Đảng, khi đặt lợi ích của nhân dân hai nước lên vị
trí đầu tiên.
Song Thuỷ