Tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2011
Lạm phát trong tháng 12 tiếp tục giảm,, theo
số liệu công bố ngày 17-1-2012 của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, CPI tháng 12 tăng 4,1% so với cùng kỳ, giảm
0,1 điểm phần trăm so với tháng 11. Như vậy kể từ khi đạt mức kỷ lục 6,5% trong
tháng 7, CPI đã liên tục suy giảm.
Tính chung cả năm CPI vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so
với mục tiêu đề ra là 4%.
Mặc dù việc khống
chế lạm phát không đạt mục tiêu đề ra, nhưng theo ông Mã Kiện Đường, Cục trưởng
Cục Thống
kê nhà nước Trung Quốc như vậy đã là thành công, trong điều tiết vĩ mô vừa đảm
bảo duy trì kinh tế phát triển ổn định,
tương đối nhanh, đồng thời phải khống chế lạm phát quả là công việc không dễ dàng.
Năm 2011,
tốc độ tăng trưởng theo quý đã liên tục giảm sút, quý I là 9,7%; quý II là 9,5%; quý III là 9,1% và quý IV là 8,9%. Tính
chung cả năm GDP tăng trưởng 9,2%. Nếu phân theo ngành nghề thì khu vực I (nông
nghiệp) tăng trưởng 4,5%; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng trưởng
10,6% và khu vực III (dịch vụ) tăng trưởng 8,9%.
Một số số liệu
thống kê khác cũng cho thấy những động lực
thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đang suy giảm, cả năm đầu tư cho cơ sở hạ tầng
(không bao gồm đầu tư cho sản xuất và cung ứng điện, khí tự nhiên và nước) tăng
trưởng 5,9%, giảm đến 14,3% so với cùng kỳ năm trước; những điểm nóng về tiêu dùng
trong năm 2010 là ô tô, nhà đất… trong năm 2011 đều có xu hướng giảm: tiêu thụ ô
tô có tốc độ tăng trưởng là 14,6% giảm đến 20,2% so với cùng kỳ năm trước, diện
tích tiêu thụ nhà ở thương mại chỉ tăng 4,9%, giảm 8,0 điểm phần trăm so với ba
quý trước, và giảm 5,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước…
Những số liệu này
cho thấy đầu tư và tiêu dùng giảm sút, còn xuất khẩu thì sao? Trong năm 2011 do
khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, những đối tác thương mại lớn nhất của
Trung Quốc là EU, Mỹ và Nhật phục hồi chậm, EU lâm vào khủng hoảng nợ công… tình
hình này ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của Trung Quốc. Năm 2011, thặng dư thương
mại của Trung Quốc có xu hướng thu hẹp, chỉ chiếm 2% GDP và chiếm chưa đến 4,3%
tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Cả năm tỷ
lệ đóng góp trong tăng trưởng GDP của xuất khẩu ròng còn âm (-5,8%), của tiêu
dùng là 51,6% và của đầu tư là 54,2%
Trước tình hình
tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục suy giảm, có nhiều bàn luận cần nhìn nhận sự
việc này như thế nào? Đây là suy giảm
lành mạnh hay là dấu hiệu bắt đầu suy thoái? Theo lý giải của ông Mã Kiện Đường,
trong bối cảnh phức tạp của tình hình trong và ngoài nước, năm 2011 Trung Quốc
vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 9,2%, khống chế lạm phát ở mức 5,4% thực sự không
dễ dàng. tốc độ tăng trưởng GDP từng bước giảm cũng là phù hợp với yêu cầu về điều
chỉnh kết cấu, chuyển biến phương thức phát triển kinh tế trong giai đoạn quy
hoạch 5 năm lần thứ XII của Trung Quốc (2011-2015), đây là kết quả của việc chủ
động điều tiết của Trương ương. Về mặt trung và dài hạn, mục tiêu tăng trưởng
GDP trong giai đoạn quy hoạch 5 năm lần thứ XII là 7%, nhằm nhấn mạnh vào điều
chỉnh kết cấu kinh tế và chuyển biến phương thức phát triển. GDP có thể duy trì
từ 8,5% - 9% vẫn là trong khoảng bình thường.
Điểm đặc biệt đáng chú ý là lần đầu tiên dân số
thành thị của Trung Quốc đã vượt qua dân số nông thôn. Theo số liệu thống kê
công bố ngày 17-1-2012 thì số dân thành thị chiếm 51,27% tổng dân số 1,347 tỷ người, như vậy dân số thành thị (690,79 triệu)
đã lớn hơn dân số nông thôn (656,56 triệu). Với một nước nông nghiệp lớn như
Trung Quốc, từ xưa đến nay thường là dân số nông thôn đông, dân thành thị ít thì
sự kiện này qủa là đáng chú ý, đây là kết quả của việc đẩy nhanh tiến độ, nâng
cao trình độ đô thị hoá của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Theo thống kê trong năm 2011, dân số đô
thị tăng 21 triệu người, trong đó trừ dân số tăng tự nhiên trong năm thì trong
số 21 triệu tăng thêm phần lớn là do dân nông thôn di chuyển ra thành phố. Vấn đề
này lại đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định đô thị và đối với hệ thống
phúc lợi xã hội vốn đã bị “quá tải”. Có thực tế là ở một số địa phương, nông dân
thành dân thành thị chỉ là trên danh nghĩa, về mặt hộ khẩu họ đã là dân thành
thị nhưng họ chưa được hưởng chế độ phúc lợi như y tế, giáo dục, dưỡng lão, nhà
ở,… như người dân thành thị, mặc dù danh nghĩa là dân thành thị nhưng họ vẫn còn
thiếu nhiều yếu tố như tố chất con người, điều kiện kinh tế, xã hội… Họ không
những không được hưởng sung sướng như người dân thành thị, thậm chí còn gặp khó
khăn về mưu sinh. Trước đây họ ăn, mặc… đều dựa vào đất, rừng, hiện nay mất đất,
mất rừng trở thành dân thành thị, nhưng không có bất cứ kỹ năng mưu sinh nào khác,
thu nhập không đảm bảo. Đương nhiên trở thành dân thành thị họ sẽ được tham gia
bảo hiểm xã hội của dân thành thị nhưng hiện nay thể chế bảo hiểm vẫn chưa kiện
toàn và vẫn ở trình độ thấp, nên những người mới trở thành dân thành thị vẫn còn
chịu nhiều thiệt thòi. Chi phí sinh hoạt tăng, thu nhập giảm sút, mức độ bảo đảm
phúc lợi không cao, họ vẫn chỉ là rìa của thành phố.
2. Dự báo tình hình kinh
tế Trung Quốc thời gian tới
* Xu hướng chính sách kinh tế vĩ mô
Hội nghị Công
tác kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 -12 -2011 tại
Bắc Kinh đã
đưa ra 5 nhiệm vụ chủ yếu cho kinh tế năm 2012, trong đó tiếp tục tăng cường và
cải thiện điều tiết vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh
được đưa lên hàng đầu. Có thể thấy triển vọng
kinh tế vĩ mô năm 2012 tăng trưởng vẫn là đạo lý cứng.
Theo tinh thần
của Hội nghị, cùng với diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, quan điểm
chính sách sẽ
chuyển từ “duy trì kinh tế phát triển
bình ổn, tương đối nhanh”(2010), “ổn định kinh
tế, điều chỉnh kết cấu, khống chế lạm
phát” (2011) sang “ổn định
cầu tiến” (2012)
“Ổn”: Chính là
cần giữ chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; duy trì kinh tế phát triển
bình ổn, tương đối nhanh; duy trì ổn định giá cả tổng thể; duy trì xã hội ổn định.
“Tiến”: Chính
là cần tiếp tục nắm bắt và tận dụng thời cơ, cơ hội chiến lược quan trọng phát
triển đất nước, trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đạt được tiến
triển mới, trong đi sâu cải cách mở cửa đạt được những đột phá mới, trong công
tác cải thiện dân sinh đạt được những thành tựu mới.
* Dự báo
Năm 2012, bất kể
là từ tình hình quốc tế hay trong nước cũng sẽ là một năm phức tạp và đầy thách
thức. Kinh tế thế giới vẫn còn nhiều
khó khăn, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chủ yếu vẫn chậm chạp,
kinh tế EU quý IV- 2011 và quý I-2012 có khả năng liên tiếp tăng trưởng âm,
kinh tế Mỹ tuy có khá hơn một chút nhưng vẫn chậm. Đồng thời, thị trường tài
chính quốc tế bất ổn, bảo
hộ thương mại được tăng cường dưới mọi hình thức. Ở trong nước, việc duy trì kinh tế phát
triển bình ổn, tương đối nhanh ngày càng khó hơn, áp lực lạm phát trong trung và
dài hạn vẫn tồn tại, một bộ phận doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn, sản xuất kinh
doanh vẫn rất khó khăn,… Vì thế, tốc độ tăng trưởng GDP đã liên tục suy giảm
trong năm 2011, và dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2012. Theo dự báo
trong sách Xanh của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) năm 2012, GDP sẽ là
khoảng 8,9%, CPI khoảng 4,6%.
Còn theo dự báo khác từ Báo Chứng khoán
Thượng Hải thì GDP trong năm 2012 sẽ vào khoảng 8,5%, xu hướng sẽ là trước thấp
sau cao. Trong đó, đầu tư tăng trưởng khoảng 18,5%, đóng góp trong GDP là khoảng
4,5 điểm phần trăm; tiêu dùng dự kiến tăng trưởng 17%, đóng góp trong GDP khoảng
4,2 điểm phần trăm; còn xuất khẩu ròng vẫn tiếp tục đóng góp trong GDP âm, vào
khoảng -0,2 điểm phần trăm.
Thu Hiền st