Nhằm thực hiện thoả thuận, hợp tác giữa Viện Khoa học xã
hội Việt Nam và Đại học Công nghiệp Chiết Giang, Trung Quốc, được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Khoa học xã
hội Việt Nam, ngày 21-11-2012, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã phối hợp
với Đại học Công nghiệp Chiết Giang tổ chức: "Diễn
đàn doanh nghiệp Việt – Trung : Tiềm năng và cơ hội hợp tác".
Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có đại diện
các Bộ, ban ngành, một số tỉnh thành đồng bằng sông Hồng, viện nghiên cứu như : Vụ Kinh tế - Đối
ngoại, Cục Đầu tư nước ngoài, Viện Chiến lược Phát triển, Vụ Quản lý các khu
Kinh tế, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch
và Đầu tư; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ; Vụ Chính sách Thuế
thuộc Bộ Tài chính; Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp thuộc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước
ngoài; Viện nghiên cứu Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và
15 doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Trung Quốc, có đại diện các nhà quản lý,
nghiên cứu, giảng viên của Trường Đại học Công nghiệp Chiết Giang và hơn 30
doanh nghiệp tại tỉnh Chiết Giang sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như:
Dệt vải, phát triển khoa học kỹ thuật công trình, hoá dầu, giầy dép, linh kiện
ô tô, thiết bị gia dụng, các dịch vụ quản lý về thi công công trình v.v...
Diễn đàn đã
tập trung thảo luận một số vấn đề như: Đánh giá về thực trạng và triển vọng
quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc; đặc sắc mô hình phát triển
kinh tế và chiến lược ‘‘đi ra ngoài’’ của Chiết Giang; phân tích những lợi thế,
nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài của
khu vực đồng bằng Sông Hồng Việt Nam; làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu hàng
hoá là lợi thế của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc nói chung và Chiết Giang
nói riêng.Tại Diễn đàn một số nhà khoa học và doanh
nghiệp hai nước đã đưa ra một số kiến nghị như :
- Hai nước cần phải chuyên môn hoá trong quan
hệ kinh doanh, trong quá trình hợp tác kinh tế cần phải tạo ra chính sách phát
triển các chỉ dẫn văn hoá tối thiểu để hoạt động thương mại trở nên chuyên nghiệp.
- Hai nước cần phải xây dựng cho mình hệ thống
quản lý và tiêu chuẩn hoá độ tin cậy cho doanh nghiệp nước mình và công bố rộng
rãi để doanh nghiệp hai nước có thể tìm kiếm những đối tác phù hợp.
-
Chính phủ và doanh nghiệp hai nước nên dựa vào Trung tâm hợp tác nghiên cứu, đào tạo và tư vấn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc , Viện Nghiên cứu Trung
Quốc thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Trung
tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang, Trung Quốc
và làm cơ sở, xây dựng thành một kênh hợp tác, giao lưu mới cho doanh nghiệp
hai nước.
Để giải quyết vấn đề nhập siêu thương mại Việt
– Trung, Việt Nam cần phải nâng cao giá trị phụ gia, sức cạnh tranh trong
sản phẩm hàng hóa của mình; Việt Nam cần phải hướng dẫn và khuyến khích các
doanh nghiệp đưa hàng hoá Việt Nam đến tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc,
từ đó mở rộng xuất khẩu để cân bằng thương mại hai nước; đồng thời Việt Nam
cũng cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của danh nghiệp.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc lần
đầu tiên được tổ chức tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã thành công tốt đẹp,
góp phần vào việc gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước,
nhất là việc áp dụng những thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học vào thực
tiễn phát triển đất nước, đồng thời làm cụ thể hoá Thoả thuận,
hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam với Đại học Công nghiệp Chiết Giang.
Từ đó góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt
Nam và Trung Quốc trong thời gian tới, tạo ra nhiều cơ hội để các nhà quản lý,
khoa học và doanh nghiệp hai nước tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Ánh Thuận