TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9373865
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Những chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Mỹ (13/09/2012)

    Trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ kể từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, quan hệ Trung Mỹ đã trải qua nhiều bước thăng trầm, phát triển và biến đổi tương đối lớn. Chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ cũng như chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc luôn có sự thay đổi, điều chỉnh. Tuy nhiên, mạch phát triển của quan hệ Trung-Mỹ vẫn được coi là tương đối rõ ràng, cơ bản có thể phân chia thành 3 giai đoạn: Từ khi thành lập nước Trung Quốc mới năm 1949 tới trước chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Mỹ Nixon, quan hệ 2 nước ở trong giai đoạn thù địch; từ chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Nixon đến khi Liên Xô tan rã, kết thúc Chiến tranh lạnh năm 1991, hai nước bắt tay nhau đối phó với Liên Xô; từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay là giai đoạn lợi ích ngày càng đan xen trong thời kỳ mới. Quan hệ Trung-Mỹ từ thù địch tới hòa giải, rồi tới hợp tác chiến lược, động lực thúc đẩy phía sau quá trình đó chính là sự gặp nhau về lợi ích giữa 2 nước.

1.  Chiến lược "chống Mỹ" (1949 - 1971)

Trong hơn 20 năm từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949 đến năm 1971, trào lưu chính trong chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ là việc chống Mỹ, "chống chủ nghĩa đế quốc và chính sách của Mỹ", trong đó bao gồm việc chống chiến lược và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Khi nước Trung Hoa mới ra đời thì thế giới đã triển khai toàn diện cuộc chiến tranh Lạnh Đông - Tây mà hạt nhân của nó là sự đối kháng giữa Mỹ với Liên Xô.


               Cờ Mỹ và Trung Quốc trước cửa nhà trắng - Ảnh: AFP

Dưới sự lãnh đạo của ĐCS, nước Trung Quốc mới ra đời đã lựa chọn con đường đi lên CNXH là mục tiêu phấn đấu lâu dài của mình. Sự lựa chọn này là phù hợp với niềm tin của ĐCS và nhân dân Trung Quốc. Chính vì vậy nên sự lựa chọn chiến lược ngoại giao của nước Trung Quốc lúc đó là chiến lược “nhất biên đảo’’, nghiêng hẳn về phía Liên Xô XHCN.

Ngày 2-10-1949 Liên Xô là quốc gia đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trong khi đó Mỹ không ngừng tăng cường tạo áp lực mạnh mẽ lên các đồng minh của mình để hướng họ không công nhận nước Trung Quốc mới.

Nước Trung Quốc mới ra đời trong hoàn cảnh trong nước và quốc tế lúc bấy giờ có những thay đổi lớn lao, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định đứng hẳn về phía Liên Xô, coi đó là sự thể hiện lợi ích cơ bản của mình. Sự lựa chọn này đã đưa đến việc ký kết "Điều ước đồng minh hữu nghị tương trợ Trung - Xô" ký ngày 14 – 2 – 1950.

Xét từ hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đối kháng Trung - Mỹ là điều dễ hiểu, đó là sự phản ứng tất yếu đối với chính sách chống phá, thù địch đối với Trung Quốc của Mỹ. Mỹ đã không thừa nhận sự thành lập nước CHND Trung Hoa. Tháng 6 - 1950, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã tuyên bố sẽ đưa chiến hạm đến đóng quân tại eo biển Đài Loan, cản trở quân  giải phóng Nhân dân Trung Quốc giải phóng Đài Loan, đồng thời cổ xúy cho cái gọi là "định luận về vị trí của Đài Loan" (công nhận Đài Loan là một quốc gia hợp pháp) và từ đó, Mỹ trở thành mối đe doạ lớn nhất đến sự thống nhất và an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Từ năm 1949 đến năm 1971, Trung Quốc và Mỹ không chỉ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh lạnh mà còn nằm trong trạng thái "chiến tranh nóng", hoặc "chuẩn bị xảy ra chiến tranh nóng" trong các cuộc chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến tranh Việt Nam và một số khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, từ cuối những năm 50, trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. Đến tháng 3 năm  1969 đã xảy ra cuộc đụng độ lớn trên biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô. Từ đây, liên kết với Mỹ để chống lại Liên Xô là ý đồ chiến lược ngoại giao của Trung Quốc.

2. Chiến lược "liên kết với Mỹ" chống Liên Xô (1972-1991)

Vào những năm cuối đời, dưới sự trợ giúp của Thủ tướng Chu Ân Lai, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã triển khai “ngoại giao bóng bàn”, lấy quả cầu nhỏ làm chuyển động quả cầu lớn, khơi thông kênh đối thoại Trung - Mỹ. Năm 1972, Mao Trạch Đông đã bắt tay Tổng thống Mỹ Nickxơn – trong chuyến thăm Trung Quốc. Sự cách biệt kéo dài 23 năm giữa Trung Quốc và Mỹ trong phút chốc đã chấm dứt. Tuy nhiên, việc bình thường hoá quan hệ chính thức giữa Trung Quốc và Mỹ phải tới năm 1978, với nghệ thuật ngoại giao của Đặng Tiểu Bình (lúc đó là Phó Thủ tướng Quốc Vụ Viện Trung Quốc), bình thường hoá quan hệ Trung - Mỹ mới chính thức được ký kết.

Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách và mở cửa xây dựng hiện đại hóa đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã xác định rõ lấy xây dựng kinh tế làm quốc sách cơ bản. Chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc đã có sự điều chỉnh lớn. Đối nội lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, lấy tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng hiện đại hoá XHCN hưng thịnh đất nước làm mục tiêu. Chính sách đối ngoại là sự tiếp nối của chính sách đối nội cũng điều chỉnh theo đó, Trung Quốc chủ trương mở rộng cửa ra bên ngoài, bước ra thế giới. Trung Quốc cũng nhận thấy rằng muốn phát triển kinh tế thì cần phải thiết lập quan hệ ngoại giao, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Từ đó Trung Quốc và Mỹ tích cực các hoạt động nhằm đẩy mạnh tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Qua một thời gian đàm phán, ngày 16-12-1978 tại Bắc Kinh, tại New York là ngày 15-12, hai nước Trung Quốc và Mỹ đồng thời công bố công báo thiết lập quan hệ ngoại giao. Công báo chỉ có vài trăm chữ, nhưng nó có ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến quan hệ Trung - Mỹ cũng như  các mối quan hệ quốc tế. Từ đây, quan hệ Trung - Mỹ bước vào thời kỳ phát triển mới.(1)

Từ  cuối thập niên 80 thế kỷ XX, cục diện quốc tế lại có những thay đổi tương đối lớn. Liên Xô từng bước cải cách chính sách đối nội, đối ngoại của mình, tích cực cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc. Chính sách đối nội và ngoại giao của Trung Quốc cũng có sự thay đổi mang tính căn bản, không lấy việc đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh, thực hiện cải cách mở cửa, từng bước có sự hoà hoãn và cải thiện với Liên Xô. Trong khi đó vấn đề Đài Loan vẫn rất nghiêm trọng đối với quan hệ Trung - Mỹ.

Vì vậy từ cuối thập kỷ 80, tuy vẫn tồn tại của chiến lược liên kết với Mỹ để chống Liên Xô, nhưng mối quan hệ này đã có phần giảm xuống và đến đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, khi bức tường ở Berlin sụp đổ, Đông Âu thay đổi và Liên xô tan rã, chiến tranh Lạnh kết thúc thì chiến lược liên kết với Mỹ để chống Liên Xô cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược Trung - Mỹ hầu như đã chấm dứt.

3. Quan hệ Trung - Mỹ từ sau chiến tranh Lạnh đến nay.

3.1. Quan hệ Trung - Mỹ thập niên 90 thế kỷ XX.

Từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc đến những năm cuối thế kỷ XX, mối quan hệ Trung - Mỹ bước vào thời kỳ có tính chất không rõ ràng, thậm trí có thể coi là thời kỳ của một mối quan hệ không ổn định. Điều này chủ yếu là do trong nhận thức chiến lược cũng như chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc không được xác định rõ, đồng thời còn được thể hiện ở những bất đồng, mâu thuẫn, thậm chí là đối kháng của Mỹ với Trung Quốc trên các vấn đề quốc tế và khu vực như chế độ chính trị, ý thức hệ, nhân quyền, Đài Loan, Tây Tạng … Do vậy, lúc đó với tư cách là một nước tương đối yếu trong mối quan hệ này, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác mà chỉ có thể áp dụng một chiến lược mang tính 2 mặt, tức là vừa tiếp xúc, đối thoại, thương lượng và phát triển sự hợp tác đối với Mỹ, đồng thời vừa nêu cao tinh thần cảnh giác với những việc chia rẽ, ngăn ngừa và kiềm chế Trung Quốc của Mỹ đối với những vấn đề mang tính nguyên tắc trong quan hệ song phương cũng như những vấn đề khu vực và quốc tế như nhân quyền, ý thức hệ, vấn đề Đài Loan… Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc triển khai một mối quan hệ "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" với Mỹ, với mục tiêu là cải thiện và phát triển quan hệ với  Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc và một số quốc gia khác tiến hành đấu tranh chống việc can thiệp của Mỹ vào những công việc nội bộ của nước khác cũng như việc nêu cao ngọn cờ chống chủ nghĩa bá quyền Mỹ .Nhưng mục đích của sự phản đối, đấu tranh này không phải là để chống Mỹ, mà có thể nói là "dựa vào đấu tranh để tìm sự phát triển", là để cải thiện và phát triển quan hệ với Mỹ, tránh đối đầu với Mỹ.

Vì vậy, nhìn vào toàn cục, quan hệ Trung - Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh không chỉ có xung đột và đối lập, mà Trung Quốc vẫn luôn coi trọng quan hệ với Mỹ trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hoà bình. Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã sớm chỉ rõ: Chúng tôi mong "Tăng thêm lòng tin, giảm bớt phiền hà, phát triển hợp tác, không gây đối kháng" với Mỹ. Tháng 11-1996, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân gặp Tổng thống Mỹ B.Clintơn ở Manila (Philippines), trong cuộc gặp này Clintơn nhấn mạnh: "Nước Mỹ muốn được thấy một Trung Quốc lớn mạnh, ổn định và an ninh. Hai nước chúng ta có lợi ích chiến lược chung trong nhiều vấn đề, nước Mỹ vui lòng lập quan hệ bạn bè hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc.(2)

3.2. Quan hệ Trung - Mỹ 10 năm đầu thế kỷ XXI

Phải thấy rằng phương châm chiến lược dài hạn và cơ bản của Trung Quốc đối với Mỹ từ sau chiến tranh lạnh, nhất là trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI đó là việc ưu tiên cải thiện và duy trì quan hệ ổn định với Mỹ - siêu cường thế giới hiện nay. Duy trì quan hệ ổn định với Mỹ là bảo đảm cơ bản để bảo vệ “đại cục” hoà bình và phát triển, từ đó duy trì sự ổn định và phát triển, hoàn thành sự nghiệp hiện đại hoá XHCN của Trung Quốc, trước mắt phấn đấu đến năm 2020 Trung Quốc trở thành một quốc gia khá giả (“tiểu khang”) như Đại hội lần thứ XVI ĐCS Trung Quốc năm 2002  đã đề ra.

Mục tiêu chiến lược hai mươi năm đầu thế kỷ XXI  của Trung Quốc là tạo môi trường quốc tế tốt đẹp cho việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả: tăng cường quan hệ với các nước xung quanh, cải thiện quan hệ với các nước lớn, trọng điểm là Mỹ. Phải nói rằng cả Trung Quốc và cả Mỹ đều coi việc ổn định và phát triển quan hệ giữa hai nước là mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước.

Ngay từ đầu năm 2001, sau khi vào làm chủ Nhà trắng, Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã triển khai toàn diện chính sách đối ngoại cứng rắn trong đó nhấn mạnh Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" của Mỹ.  Cũng ngay sau khi Tổng thống Mỹ Bush lên nắm chính quyền thì quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc đã trải qua cơn sóng gió do vụ va chạm giữa máy bay do thám EP-3 của Mỹ và máy bay chiến đấu F8 của Trung Quốc trên vùng trời Hải Nam (Trung Quốc), làm phi công Trung Quốc tử nạn (ngày 1-4-2001). Sự kiện này đã đẩy quan hệ Trung  - Mỹ sang một thời kỳ căng thẳng mới.

Nhưng từ sau vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ hôm 11-9, Mỹ đã phát động cuộc chiến “chống khủng bố” trên toàn thế giới và Mỹ cũng triệt để lợi dụng cuộc chiến này nhằm giành ưu thế chiến lược trên toàn cầu. Mỹ tiến hành thay đổi sự lựa chọn khu vực ưu tiên, mở rộng sự có mặt quân sự ở nhiều nơi và khu vực trên thế giới.

Do Mỹ cần tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong cuộc chiến “chống khủng bố” đặc biệt là sự ủng hộ của các nước lớn nên đã có sự điều chỉnh trong quan hệ giữa Mỹ với các nước lớn mà trong đó phải kể đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ đấy quan hệ Trung  - Mỹ đã vượt qua phạm trù quan hệ song phương, ngày càng có ảnh hưởng toàn cầu và có ý nghĩa chiến lược toàn cầu. Đứng trước thách thức của sự đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống, Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chiến lược chung về bảo vệ hoà bình thế giới, xúc tiến cùng phát triển.(3) Quan hệ Trung-Mỹ từ đây được xác định là quan hệ “đối tác chiến lược”

Tháng 1-2009, Barak Obama chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Ngay từ khi vận động tranh cử, ông Barak Obama đã tuyên bố Trung Quốc đang trỗi dậy, thế và lực của Trung Quốc là không thể xem thường. Mỹ cần phải xây dựng mối quan hệ lâu dài, tích cực và mang tính xây dựng với Trung Quốc.

Nhưng mặt khác có thể nhận thấy rằng Tổng thống Mỹ Obama lại không thể thay đổi một cách căn bản chính sách song trùng vừa tiếp cận, vừa kiềm chế đối với Trung Quốc của các khoá chính phủ tiền nhiệm. Ông Obama có thái độ hoài nghi và cảnh giác trước tiến trình hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc và trong những bài phát biểu và tuyên bố mang tính chính sách của mình, ông Obama vẫn không quên nhắc lại rằng phải “quan tâm sát sao” tới vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Trung Quốc.

Chuyến thăm Trung Quốc của  Tổng thống Mỹ Obama từ ngày 15 đến ngày 19-11-2009 có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhà lãnh đạo Mỹ trong việc vạch chính sách đối với Trung Quốc. Trong chuyến thăm này các nhà lãnh đạo  Trung Quốc và Mỹ đã ký kết "tái bảo đảm chiến lược" giữa Trung Quốc với Mỹ.

Tái bảo đảm chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ:

Thứ nhất, Trung Quốc trước sau như một không thay đổi chủ trương đi theo con đường phát triển hoà bình, không thay đổi phương châm theo đuổi chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng.

Thứ hai,  Trung Quốc hoan nghênh Mỹ với địa vị là một nước châu Á - Thái Bình Dương, có những nỗ lực cho nền hoà bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Tái bảo đảm chiến lược  của Mỹ đối với Trung Quốc:

Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Obama nhắc lại phía Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc hùng mạnh, phồn vinh, thành công và phát huy vai trò lớn hơn trong công việc quốc tế.

Thứ hai, phía Mỹ bày tỏ theo đuổi chính sách "một Trung Quốc" tuân thủ nguyên tắc trong ba bản "Thông cáo chung Trung -  Mỹ" .

Tái bảo đảm chiến lược  chung Trung - Mỹ:

Thứ nhất, hai bên nhắc lại ra sức thiết lập quan hệ Trung - Mỹ toàn diện, hợp tác tích cực trong thế kỷ XXI, đồng thời sẽ áp dụng hành động thiết thực nhằm thiết lập vững chắc quan hệ đối tác đối phó với thách thức chung.

Thứ hai, hai bên nhắc lại nguyên tắc căn bản cùng tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ lẫn nhau.

Thứ ba, hai bên nhất trí thông qua các kênh như đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ, trao đổi giữa quân đội hai nước, tiến hành thảo luận những vấn đề mang tính chiến lược quan trọng.(4)

Như vậy, thực chất "tái đảm bảo chiến lược" giữa Trung Quốc và Mỹ là việc 2 bên nhất trí cho rằng việc tôn trọng lợi ích hạt nhân của nhau là cực kỳ quan trọng đối với bảo đảm phát triển ổn định quan hệ Trung - Mỹ. Tái đảm bảo chiến lược này cũng là sự cam kết chiến lược cực kỳ quan trọng, là phương châm, phương hướng và mục tiêu phát triển của quan hệ Trung - Mỹ trong những thập niên tới của thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc Mỹ tuyên bố và tích cực cho việc trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã bị phía Trung Quốc cho là Mỹ đang toan tính muốn ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc trên khắp các khu vực của thế giới. “Mỹ có cảm giác Trung Quốc là nguy cơ đe dọa ngày càng lớn đối với sự bá chủ của Mỹ”(5). Vì vậy việc Mỹ trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á, thì nhiều khả năng sẽ đẩy quan hệ Trung-Mỹ sang một thời kỳ căng thẳng mới.

4. Xu hướng của quan hệ Trung - Mỹ

Những năm gần đây, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đều nhấn mạnh quan hệ Trung - Mỹ là một mối quan hệ "phức tạp mà rộng lớn". Lãnh đạo Trung Quốc cũng luôn cho rằng giữa Trung Quốc và Mỹ có rất nhiều bất đồng, nhưng cũng có rất nhiều điểm chung, cần phải nhìn nhận và xử lý mối quan hệ Trung - Mỹ ở tầm cao chiến lược cũng như toàn cục. Đồng thời, cho dù mối quan hệ Trung - Mỹ có toàn diện, rộng lớn và phức tạp, nhưng tình hình cơ bản của quan hệ Trung - Mỹ hiện tại và tương lai, cơ bản vẫn được quyết định bởi 2 vấn đề lớn đó là vấn đề Đài Loan và thái độ chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Các vấn đề khác như thể chế chính trị, ý thức hệ, nhân quyền, thương mại …. cũng có những ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung - Mỹ hiện tại và trong tương lai, nhưng nó không thể chi phối tính chất chiến lược trong quan hệ Trung - Mỹ.

Trung Quốc cho rằng trong tương lai: Thứ nhất, vấn đề Đài Loan là vấn đề lớn nhất đối với an ninh, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bất kỳ hình thức nào đồng tình, cổ xúy, dung túng, ủng hộ và bảo vệ "Đài Loan độc lập" đều là sự thách thức đối với Trung Quốc, là đe doạ và là kẻ thù của Trung Quốc. Mấy chục năm tới, nếu như Mỹ không từ bỏ sự đồng tình, ủng hộ và bảo vệ "Đài Loan độc lập",  thì khó có thể duy trì được mối quan hệ bình thường và ổn định giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thứ hai, liệu Mỹ sẽ nhìn nhận và xử lý như thế nào đối với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Mỹ có chấp nhận với sức mạnh dần dần đuổi kịp Mỹ. Mỹ có thể chung sống hoà bình với Trung Quốc không?

 Đương nhiên đây không phải là vấn đề chỉ từ một phía là Mỹ mà Mỹ cũng sẽ phải xem xét đến chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ như thế nào trên con đường đi đến sự lớn mạnh và sau khi lớn mạnh của Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc luôn  tuyên bố  rằng Trung Quốc không có ý đồ thách thức vị trí và lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á và trên thế giới và càng không có lợi ích và ý đồ thay thế Mỹ, chỉ cần Mỹ kiên trì nguyên tắc "một nước Trung Quốc" trong vấn đề Đài Loan, không ủng hộ Đài Loan độc lập và không áp dụng một chiến lược kiềm chế một cách toàn diện chiến lược phát triển lớn mạnh của Trung Quốc, thì 2 nước Trung Quốc và Mỹ trong mấy chục năm tới có thể phát triển mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng thậm chí là mối quan hệ hợp tác hữu nghị.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong những năm tới khả năng vẫn sẽ luôn tồn tại cục diện phức tạp, trong đó đan xen giữa nhiều lợi ích chung với những xung đột thực tế có khả năng xảy ra. Vì vậy giữa Trung Quốc và Mỹ tìm kiếm sự tin cậy lẫn nhau là vô cùng khó khăn.


        TS. Lê Văn Mỹ

Viện Nghiên cứu Trung Quốc

  CHÚ THÍCH:

(1)        Phó Diệu Tổ, Trần Sinh Quân: Nghệ thuật ngoại giao Đặng Tiểu Bình. Nxb Trường Đảng Trung ương Trung Quốc. Bắc Kinh 1999, tr.143.

(2)        Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), ngày 25-11-1996

(3)        Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyên thăm Mỹ tháng 4 - 2006. TTXVN, TLTKĐB, ngày 27- 4-2006.

(4)        Theo chuyên mục: "Tầm nhìn quốc tế" của tờ Thương báo, Hồng Công, ngày 30-11-2009. TTXVN, TLTKĐB, ngày 11-12- 2009.

(5)        Theo “Nhật báo phố Uôn (Mỹ) ngày 21-11-2011. TTXVN, TLTKĐB 29-11-2011.




Các tin khác

Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 7 năm 2012 và bảy tháng đầu năm 2012 (05/09/2012)
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2012 (28/08/2012)
Đại hội Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc nhiệm kỳ V (2012-2017) (20/07/2012)
Thông tin bảo vệ luận văn thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế (20/07/2012)
Thông tin bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế (12/06/2012)
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2012 (12/06/2012)
Tăng cường trao đổi, hợp tác khoa học xã hội Việt Nam - Trung Quốc (09/05/2012)
Đại sứ Khổng Huyễn Hựu thăm Viện Nghiên cứu Trung Quốc (13/03/2012)
Chính phủ Trung Quốc họp phiên tháng 1 năm 2012 (16/02/2012)
Tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2011 (16/02/2012)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn