TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9394081
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2012 (12/06/2012)

I. Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2012

Hàng loạt các chỉ báo trong tháng 4-2012 cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự báo. Theo số liệu công bố ngày 11-5-2012 của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 9,3%, thấp hơn nhiều so với mức 11,9% trong tháng 3. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 3 năm kể từ tháng 5-2009 trở lại đây. Lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục giảm sút.

 Đầu tư tài sản cố định 4 tháng đầu năm 2012 tăng trưởng 20,2%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với quý I - 2012. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản 4 tháng đầu năm 2012 đạt 1.583,5 tỉ NDT, tăng 18,7%, cũng giảm 4,8 điểm phần trăm so với quý I - 2012; giảm tới 9,2 điểm phần trăm so với mức bình quân của cả năm 2011.

Tiêu dùng trong tháng 4 tăng trưởng 14,1%, thấp hơn so với con số 15,2% của tháng trước, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11- 2006.

CPI tháng 4 tăng 3,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước.

Số liệu xuất nhập khẩu càng khiến cho người ta thất vọng. Theo số liệu thống kê của Hải quan ngày 10-5-2012, xuất khẩu của Trung Quốc tháng 4 chỉ tăng có 4,9%, chỉ hơn một nửa con số mà các nhà kinh tế đã dự đoán trước đó là 8,5%; nhập khẩu trong tháng 4 chỉ tăng 0,3%, thấp hơn rất nhiều so với dự báo là 11%, trong khi mức trung bình hàng tháng trong năm 2011 là 25%.

Xuất khẩu ở mức thấp làm tăng lo ngại về sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, đồng thời, nhập khẩu ở mức thấp cũng làm tăng lo ngại về nhu cầu bên trong của Trung Quốc giảm sút.

Tín dụng trong tháng 4 cũng kém xa so với dự báo. Trong tháng 4 lượng  vay mới chỉ đạt 682 tỉ NDT, thấp hơn nhiều so với mức 1.010 tỉ NDT của tháng 3-2012.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục giảm trong 6 tháng liền. Theo số liệu mới nhất của Bộ Thương mại công bố ngày 15-5-2012, tháng 4 FDI thực tế sử dụng đạt 8,4 tỉ USD, giảm 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy là kể từ tháng 11-2011 đến nay, FDI đã liên tục xuất hiện tăng trưởng âm.

Nguyên nhân của tình trạng này theo các chuyên gia, là do cả hai phương diện, bên trong và bên ngoài: trước hết, kinh tế thế giới về tổng thể thiếu động lực tăng trưởng, vì thế cũng ảnh hưởng lớn đến FDI toàn cầu. Do châu Âu lâm vào khủng hoảng nợ công, nên đầu tư của các nước châu Âu vào Trung Quốc bị ảnh hưởng rất lớn. 4 tháng đầu năm, 27 nước châu Âu đầu tư thực tế vào Trung Quốc chỉ đạt 1,9 tỉ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, trong thời buổi khó khăn, lượng FDI toàn cầu cũng có phần thu hẹp, vì thế các quốc gia bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi (BRIC) đều tăng mức độ thu hút FDI bằng cách ưu đãi nhiều hơn, khiến các dòng vốn quốc tế xuất hiện sự phân chia nhất định.

Ngoài ra, từ nhân tố bên trong có thể thấy, giá thành phẩm tăng, nên ưu thế về giá thành của Trung Quốc có phần giảm sút. Do giá thành tăng và điều kiện khắt khe hơn về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, nên Trung Quốc sử dụng vốn FDI càng cần đòi hỏi chất lượng và hiệu quả. Sử dụng, thu hút FDI cần chú trọng hơn đến ưu hóa kết cấu và nâng cao chất lượng, vì vậy cũng ảnh hưởng nhất định đến quy mô FDI vào Trung Quốc.

Mặc dù vậy, thì trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho thấy, ngành chế tạo của Nhật tiếp tục đẩy nhanh mở rộng ở nước ngoài, và Trung Quốc, Ấn Độ vẫn sẽ là nơi lựa chọn đầu tiên để đầu tư.

Trong “Báo cáo điều tra môi trường kinh doanh thương mại”, 39% các doanh nghiệp Mỹ được hỏi đều cho rằng tỉ lệ lợi nhuận ở Trung Quốc vẫn cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới; 78% doanh nghiệp có vốn của Mỹ vẫn liệt Trung Quốc vào 1 trong 3 điểm đến đầu tư toàn cầu của mình.

 II. Động thái mới trong điều tiết vĩ mô của chính phủ Trung Quốc

Trước tình hình tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm hơn nhiều so với dự báo, ngày 12-5-2012 (ngay sau 1 ngày Cục Thống kê nhà nước công bố số liệu kinh tế chủ yếu trong tháng 4), Ngân hàng Trung ương tuyên bố, kể từ ngày 18-5-2012 giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0,5 điểm phần trăm. Đây là lần giảm thứ hai trong năm nay, lần giảm này đã giải phóng nguồn vốn hơn 400 tỉ NDT. Sau điều chỉnh, tỉ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng lớn là 20%, và ở các ngân hàng vừa và nhỏ là 16,5%.

Theo đánh giá của ông Liên Bình, nhà kinh tế học, chủ tịch Ngân hàng Giao thông, việc Ngân hàng Trung ương ngay lập tức tuyên bố giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc chỉ 1 ngày sau khi công bố số liệu kinh tế tháng 4 cho thấy phản ứng kịp thời trong điều tiết vĩ mô của Trung Quốc đối với tình hình kinh tế tăng trưởng không lạc quan.

Tuy nhiên, có phân tích cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ  tích cực bơm tiền lần này chưa chắc đã mang lại kết quả như trước đây. Thực tế là các khoản vay trung và dài hạn của Trung Quốc, một biện pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư, đã bắt đầu có xu hướng suy giảm kể từ đầu năm 2010. Số liệu thống kê cho thấy, tháng 4-2012 các khoản cho vay trung và dài hạn đạt 126,5 tỉ NDT (tương đương 20 tỉ USD), giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do các công ty tỏ ra thận trọng khi nhu cầu thị trường không chắc chắn và lợi nhuận đang suy giảm.

Bên cạnh đó, các ngân hàng Trung Quốc không sẵn sàng cho vay đối với các doanh nghiệp  trong các lĩnh vực đang gặp khó khăn - như các doanh nghiệp xuất khẩu, hoặc các công ty, doanh nghiệp không nhận được ưu đãi của chính phủ như công ty bất động sản. Hơn nữa, chưa có động thái nào cho thấy Trung Quốc sẽ bỏ các hạn chế cho vay đối với các nhà đầu tư bất động sản do lo ngại lại làm phình to bong bóng bất động sản. Chính sách đó đã làm giảm vai trò của các ngân hàng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và làm hạn chế tăng trưởng ngắn hạn.

Ngoài ra, việc chuyển đổi các khoản vay sang các lĩnh vực ưu tiên mới như các doanh nghiệp nhỏ trên thực tế cũng gặp không ít khó khăn.

Hệ quả là, các ngân hàng Trung Quốc không thể thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc như những gì họ đã làm trong quá khứ. Nếu như trước đây, hoạt động cho vay suy giảm chủ yếu là do những động thái can thiệp của chính phủ nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng; thì lần này ngay cả khi Ngân hàng Trung ương cho cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với mục tiêu giải phóng nhiều tiền hơn cho hoạt động cho vay, các quỹ trong hệ thống ngân hàng dường như vẫn còn giữ rất nhiều tiền.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương đang khuyến khích các ngân hàng thương mại rót các khoản vay cho các kế hoạch về cơ sở hạ tầng, bao gồm các dự án đường sắt, điện, nước, song những dự án dài hạn như vậy lại cần phải có thời gian. Các giám đốc ngân hàng cho biết họ muốn mở rộng các chi nhánh và cho vay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất tiên tiến và giáo dục - một ưu tiên khác của chính phủ. Nhưng, các ngân hàng không thể kiếm đủ khách hàng vay nợ.

* Ba hướng chính trong chính sách vĩ mô nhằm ổn định tăng trưởng

Sau  chuyến đi nghiên cứu tại Hồ Bắc, Giang Tô của lãnh đạo Trung Quốc, ngày 23-5-2012, Quốc Vụ viện ngay lập tức tổ chức Hội nghị Thường vụ, chỉ ra trong vận hành kinh tế trong nước vẫn tồn tại một số mâu thuẫn và vấn đề nổi bật, đặc biệt là áp lực suy giảm kinh tế, cần đặt ổn định tăng trưởng lên vị trí quan trọng hơn.

Hội nghị nhấn mạnh, cần căn cứ theo xu thế thay đổi để tăng cường điều tiết (tinh chỉnh), điều tiết dự báo, nâng cao tính chính xác, tính linh hoạt và tính đón trước của chính sách. Tích cực thực hiện chính sách mở rộng nhu cầu, tạo môi trường chính sách tốt để duy trì kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh.

Hội nghị yêu cầu, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế mang tính kết cấu, giảm gánh nặng về thuế cho các doanh nghiệp. Cần kiên trì phương hướng cơ bản của chính sách tiền tệ thận trọng, đảm bảo quy mô nguồn vốn xã hội hợp lý, từng bước ưu hóa kết cấu tín dụng,... Nỗ lực mở rộng nội nhu (nhu cầu trong nước), hoàn thiện các biện pháp chính sách thúc đẩy tiêu dùng.

Theo phân tích của chuyên gia, trong thời gian tới, ba chính sách lớn về tài chính, tiền tệ và ngành nghề sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách mới, cụ thể,  nhằm đảm bảo kinh tế tăng trưởng bình ổn.

Hiện nay, rất nhiều Bộ, ngành đang chuẩn bị đưa ra hàng loạt các chính sách mở rộng nội nhu, ổn định tăng trưởng. Các chính sách này bao gồm: Nỗ lực giảm thuế mang tính kết cấu, tiến hành hỗ trợ tài chính đối với những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; nới lỏng chính sách tiền tệ, sáng tạo phương thức tài chính tiền tệ mới tích cực hỗ trợ thực thể kinh tế phát triển; tăng cường phê duyệt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho sinh kế của người dân, tăng hỗ trợ tài chính đối với những ngành nghề mới nổi…

* Tích cực thúc đẩy chiến lược mở rộng nội nhu (nhu cầu trong nước)

Về lâu dài, Trung Quốc muốn chuyển đổi nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, chuyển sang tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước, và đẩy mạnh mở rộng nội nhu được coi là sự điều chỉnh chiến lược, là điểm nhấn trong chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.

Mở rộng nội nhu chủ yếu là thông qua mở rộng đầu tư trong nước và tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân. Tuy nhiên chiến lược mở rộng nội nhu trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng nhiều hơn đến tiêu dùng, bởi vì tiêu dùng tăng trưởng mới mang lại sự phát triển cân bằng, ổn định và bền vững. Đây chính là ưu điểm  lớn nhất của tiêu dùng nếu so với đầu tư. Đầu tư thì có thể tăng mạnh nhưng cũng có thể giảm mạnh (tùy chính sách tài khóa của nhà nước là nới lỏng hay thắt chặt).

Tiêu dùng tăng trưởng không chỉ làm giảm bớt sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào xuất khẩu mà còn làm giảm những căng thẳng, tranh chấp liên quan đến thương mại, tỷ giá giữa Trung Quốc và các nước. Tiêu dùng tăng trưởng cũng “tiêu hóa” sản lượng dư thừa ở Trung Quốc – hệ quả của việc đầu tư quá nhiều và tiêu dùng thiết hụt thời gian qua.

Tuy vậy, muốn tiêu dùng tăng trưởng cũng cần có thời gian

Hiện, Trung Quốc có một mục tiêu ngắn hạn quan trọng hơn: Giữ tăng trưởng đủ cao để tỷ lệ thất nghiệp không tăng. Đó là mối quan tâm đặc biệt trong năm khi Trung Quốc đang hướng đến một sự thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo quan trọng tại Đại hội XVIII sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

* Cải cách tài chính, tiền tệ  vẫn được tích cực thúc đẩy

Ngày 28-3-2012, Hội nghị Thường vụ Quốc vụ viện quyết định thành lập Khu thí điểm cải cách tiền tệ tổng hợp thành phố Ôn Châu, đồng thời phê chuẩn thực hiện “Phương án tổng thể Khu thí điểm cải cách tiền tệ tổng hợp thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang”. Theo các chuyên gia, quyết định này không chỉ cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của Ôn Châu, mà còn có ý nghĩa khám phá quan trọng đối với phát triển kinh tếcải cách tiền tệ của đất nước.

 Thu Hiền st.




Các tin khác

Tăng cường trao đổi, hợp tác khoa học xã hội Việt Nam - Trung Quốc (09/05/2012)
Đại sứ Khổng Huyễn Hựu thăm Viện Nghiên cứu Trung Quốc (13/03/2012)
Chính phủ Trung Quốc họp phiên tháng 1 năm 2012 (16/02/2012)
Tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2011 (16/02/2012)
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc (15/02/2012)
Kiện toàn Hội đồng Khoa học và Hội đồng Biên tập Tạp chí (07/02/2012)
Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc năm 2011 (07/02/2012)
10 sự kiện tiêu biểu của Trung Quốc năm 2011 (07/02/2012)
Về đại biểu đi dự Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc (07/02/2012)
Kỷ niệm 62 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung tại Trung Quốc (03/02/2012)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn