Trong dân
gian, người dân Trung Quốc vô cùng ưa thích
màu đỏ, vì màu đỏ tượng trưng cho niềm vui và may mắn. Câu đối đỏ rực,
do đó, trở thành một vật phẩm không thể thiếu trong dịp tết nguyên đán cổ truyền
ở Trung Quốc.
Mỗi năm khi đến tháng Chạp, các sạp hàng trong chợ bắt đầu bày bán câu
đối. Từng đôi từng đôi câu đối đỏ rực treo kín các cửa hàng luôn đung đưa, phấp
phới trong gió rét mùa đông, khiến người ta ngập tràn một cảm giác ấm áp, thanh
bình.
Câu đối (Xuân liên) là một hình thức văn học của người Trung Quốc, còn
gọi là “Môn đối”, “Xuân thiếp”, “Đối liên”, “Đào phù”, “Đối tử”. Chữ nghĩa của
câu đối cần nắn nót, đối ngẫu, cô đọng, tinh xảo nhằm miêu tả bối cảnh thời đại,
gửi gắm hi vọng tốt lành. Mỗi năm Tết đến, dù là thành thị hay thôn quê, nhà
nhà đều chọn một đôi câu đối màu đỏ dán lên cánh cửa hoặc trong phòng khách để
tăng thêm không khí vui vẻ ngày Tết. Vì được dán vào dịp Tết, nên người Trung
Quốc thường gọi câu đối là “Xuân liên”.
Trong dân gian, câu đối đã có hàng nghìn năm lịch sử, chỉ có điều, đến
nay người ta vẫn chưa rõ câu đối bắt đầu được gọi là “Xuân liên” từ khi nào. Chỉ
biết, nguồn gốc xa xưa nhất của câu đối là “Đào phù”. Theo sách Yên kinh tuế thời ký, thì “Câu đối, tức
là đào phù vậy” (Xuân liên, tức đào phù dã).
Vậy, “Đào phù” là gì? Trong sách Hoài
nam tử của Hoài Nam vương Lưu An thời Tây Hán (206 Tr.C-23) có ghi rõ: Đào
phù chính là 2 mảnh gỗ đào dài 7-8 tấc, rộng hơn 1 tấc, trên đó vẽ hai vị môn
thần là “Thần Trà” và “Úc Lũy”, rồi treo lên hai cánh cửa chính để xua đuổi ác
quỷ.
Đến thế kỷ X, ở nước Hậu Thục, vào năm Quảng Chính thứ 27 (năm 964),
nhân dịp Tết đến, chúa Hậu Thục là Mạnh Sưởng đột nhiên hạ lệnh cho quần thần viết 2 câu lên đào phù để thử tài năng của họ. Nhưng,
khi quần thần đem những tấm đào phù đã viết chữ dâng lên cho Mạnh Sưởng xem,
ông ta đều không hài lòng. Thế là, ông ta tự viết 2 câu trên đào phù: “Tân niên nạp dư khánh - Gia tiết hiệu trường xuân”
(Tạm dịch: Năm mới hưởng niềm vui - Tiết lành báo xuân đến”). Đây chính là đôi
câu đối cổ nhất được ghi lại còn lưu truyền đến nay ở Trung Quốc.
Nhà thơ nổi tiếng thời Tống (960-1297) là Vương An Thạch có hai câu
trong bài thơ Nguyên đán:
“Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật
Tổng bả tân đào hoán cựu phù”
Dịch nghĩa:
(Vừng đông rạng sáng vừa đến với nghìn nhà vạn hộ
Ai nấy đều thay đào phù cũ, treo đào phù mới)
Như vậy có thể thấy, thời đó người ta vẫn gọi câu đối là “Đào phù”. Mãi
đến thời Minh (1368 - 1644), “Đào phù” mới được gọi là “câu đối” (Xuân liên). Tương
truyền, triều Minh Thái Tổ, vào một năm khi Tết đến, Chu Nguyên Chương truyền
chỉ cho dân chúng cả nước phải treo một đôi câu đối trước cửa nhà, để biểu thị
niềm vui đón mừng năm mới. Khi ông ta hóa trang vi hành, đọc thấy nội dung những
câu đối vô cùng phong phú thì rất mãn nguyện. Đi tiếp, Chu Nguyên Chương thấy
trên cửa nhà của một gia đình nọ vẫn chưa có câu đối; hỏi thăm thì biết được đó
là nhà của một người chuyên nghề hoạn lợn, chưa nhờ được người viết cho câu đối.
Vị hoàng đế này bèn sai tùy tùng lấy giấy bút, rồi vung tay viết đôi câu đối tặng
chủ nhà: “Song thủ tịch khai sinh tử lộ /
Nhất đao cát đoạn thị phi căn”, nghĩa là: Hai tay động đến đường sinh tử / Một nhát đi đời gốc thị phi!. Ý tứ
câu đối này vô cùng xác đáng, chữ dùng cực kỳ khéo léo, lại rất hài hước. Đủ thấy,
Chu Nguyên Chương quả là một “đầu lĩnh” về câu đối vậy. Sau đó, việc viết câu đối
lan tỏa đến các địa phương, lâu dần bèn trở thành phong tục; phạm vi ứng dụng
và nội dung của câu đối cũng ngày càng được mở rộng. Đến thời Thanh, tính tư tưởng
và tính nghệ thuật của câu đối có bước phát triển vượt bậc, được thể hiện qua
cuốn Hạm liên tùng thoại của Lương
Chương Củ, chuyên bàn về nguồn gốc và đặc sắc của các loại câu đối.
Chủng loại câu đối khá nhiều. Căn cứ vào vị trí dán câu đối, có thể
chia thành các loại sau: “Môn tâm”, dán ở chính giữa cánh cửa; “Khuông đối”,
dán trên 2 cánh cửa phải và trái; “Hoành phí”, dán ngang trên dạ cửa; “Xuân điều”
thì căn cứ vào nội dung khác nhau, có thể dán ở những chỗ thích hợp.
Buổi sáng ngày 30 tháng Chạp mỗi năm, theo lệ, lũ trẻ bưng bát hồ dán,
tay cầm chiếc chổi nhỏ làm bằng cây lăng tiêu, hòa trong không khí vui vẻ, tưng
bừng nhộn nhịp tràn ngập khắp nơi, cùng
người lớn bắt đầu dán câu đối. Có nhà theo thói quen, dán câu đối trước một
ngày, vì sợ thời tiết thay đổi đột ngột, hồ sẽ đông lại, rất khó cho việc dán
câu đối. Ăn Tết mà, việc lớn việc nhỏ đều phải hoàn hảo!
Tết đến, ở mỗi gia đình - từ trong nhà ra đến ngoài sân, có điều đặc biệt
khiến mọi người phải chú ý là, ngoài những câu đối rực đỏ, còn có đủ loại chữ
“Phúc” to nhỏ khác nhau. Cũng như câu đối,
dán chữ “Phúc” cũng là một tập tục rất lâu đời trong dân gian. Trong sách Mộng lương lục, có ghi chép về việc “Dán
chữ phúc” (Thiếp xuân bài). Ở đây, “Xuân bài” chính là chữ “Phúc” được viết
trên giấy màu đỏ vậy.
Thời Thanh (1644-1911), mỗi năm vào ngày mùng 1 tháng Giêng, tại gian
nhà sưởi ở phía Tây cung Càn Thanh, hoàng đế thường gặp gỡ một số vương công đại
thần, ban cho họ chữ “Phúc” do chính tay hoàng đế viết, gọi là “Ban phúc” (Tứ
phúc). Việc làm này có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ tập tục dán chữ “Phúc” của
nhân dân Trung Quốc vào dịp Tết.
“Phúc” là một trong những chữ lâu đời nhất của Trung Quốc, từng xuất hiện
trong giáp cốt văn, có hình dáng của đồ đựng rượu để tượng trưng cho cuộc sống
phong lưu của người xưa. Chữ “Phúc” ngày nay, do bộ “lễ” ( 礻) và 3 chữ “nhất”
(一), “khẩu” (口), “điền” (田) tổ thành. Trong đó, bộ “lễ” chỉ Thiên thần và Địa thần; chữ “điền” chỉ
việc cày ruộng, săn bắn; chữ “nhất” chỉ sự Khởi thủy, Duy nhất, sau hóa thành vạn
vật; chữ “khẩu” thì theo sách Thuyết văn
giải tự: “Khẩu, đó là bộ phận để con người ăn và nói vậy” (khẩu, nhân sở dĩ
ngôn thực dã). Như vậy có thể thấy, về tự dạng, chữ “Phúc” là biểu hiện sự cầu
mong của con người, sao cho có ruộng có vườn và một đời sống no đủ.
Ngoài hàm nghĩa trên, chữ “Phúc”
dán trong dịp Tết còn có nghĩa là “Hạnh phúc”, “Số may” hoặc “Vận may”. Dán chữ
“Phúc” là gửi gắm ước vọng, niềm mong mỏi của con người về cuộc sống hạnh phúc
và tương lai tươi sáng. Nhằm thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn niềm hy vọng này, nhiều
người còn dán ngược chữ “Phúc” để biểu thị ý nghĩa “Hạnh phúc đã đến”, “Vận may
đã đến”. Vì sao khi dán ngược, chữ “Phúc” lại có hàm nghĩa như trên? Tương truyền,
vào thời nhà Thanh, có một năm khi chuẩn bị Tết, viên đại quản gia trong phủ
Cung thân vương theo lệ, đã viết rất nhiều chữ “Phúc”, rồi sai người đi dán khắp
nơi trong phủ. Chẳng may, có một người hầu không biết chữ đã dán ngược chữ
“Phúc” lên chính giữa cánh cửa lớn của vương phủ, khiến người qua lại đều buột
miệng: “(chữ) Phúc (dán) ngược rồi” (Phúc đảo
liễu 福 倒 了). Nghe vậy, đám thân vương quý tộc và các
mệnh phụ phu nhân thay vì giận dữ lại tỏ ra vô cùng hoan hỉ, coi đó là điềm
lành, bèn cho gọi người hầu đến trọng thưởng! Thì ra, vốn dĩ trong tiếng Hán,
chữ “đảo” (倒) nghĩa là “ngược”,
“quay lại” với chữ “đáo” (到) có nghĩa là “đến”, “tới” lại có cùng âm
đọc là “dào”, nên khi nghe ai đó nói “Phúc đảo
liễu” thì người nghe hoàn toàn có thể hiểu là “Phúc đến rồi” (Phúc đáo liễu: 福 到了). Thế là kể từ đó - theo các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc -,
chữ “Phúc” bị dán ngược từ vương phủ đã lan
truyền trong cả nước, rồi trở thành tập tục của người dân Trung Quốc, truyền
mãi đến nay.
Ngày nay ở Trung Quốc, có một số
gia đình vẫn thích dán ngược chữ “Phúc” trong dịp Tết. Họ hy vọng có ai đó đi
qua sẽ buột miệng: “Fú dào le”; nhưng điều họ chờ mong hơn nữa, có lẽ là “được
gặp” một đám trẻ hiếu động đi qua nhà, đồng thanh hét lên “Phúc đến rồi”… Phúc
đến rồi….!!!”.
Trải qua năm tháng, chữ “Phúc” còn được nhiều nghệ nhân dân gian chế tác cầu
kỳ thành các loại mẫu hoa văn. Trên nền chữ “Phúc”, họ vẽ một trong 12 con giáp
ứng với mỗi năm, hoặc họ miêu tả Đào trường thọ (Thọ đào), Ông Thọ (Thọ tinh),
Cá chép vượt cửa rồng (Lý ngư khiêu long môn), Cảnh được mùa (Ngũ cốc
phong đăng), v.v…
ĐÀO
DUY ĐẠT
biên khảo