TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9830673
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Từ sự kiện giàn khoan nhìn lại Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung (15/07/2014)

Với châu Á, Trung Quốc đưa ra khái niệm “khối vận mệnh chung” nhằm xóa đi khoảng cách, khơi dậy sự gắn kết tự nhiên, tất yếu giữa một Trung Quốc nước lớn với tất cả các nước trong khu vực; với các nước xung quanh, là “thân, thành, huệ, dung” cùng rất nhiều biện pháp thực hiện đầy sức thuyết phục, lan tỏa. Sau một thời gian đi xuống do ảnh hưởng của căng thẳng ở Biển Đông, quan hệ Việt – Trung đang có xu hướng trở lại quỹ đạo phát triển ổn định, thể hiện rõ rệt nhất qua các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, đặc biệt chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng 10-2013, với những thỏa thuận nhằm triển khai nội dung của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Sự việc Trung Quốc đơn phương hành động bằng cách đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến thăm dò khai thác cùng lực lượng tàu bảo vệ, trong đó có cả tàu quân sự diễn ra trong bối cảnh trên khiến chúng ta cần phải nhận thức rõ hơn nữa về Trung Quốc và quan hệ Việt – Trung.

I. SỰ KIỆN TRUNG QUỐC ĐẶT GIÀN KHOAN TRONG VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA VIỆT NAM

Từ ngày 1-5, Trung Quốc đã đưa giàn khoan đến hoạt động thăm dò trái phép ở vùng biển Hoàng Sa cách đảo Tri Tôn của Việt Nam 17 hải lý và nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý. Cục Hải sự nước này đưa ra Thông cáo vận tải về tác nghiệp của giàn khoan Hải dương 981, tuyên bố giàn khoan này sẽ hoạt động từ ngày 2-5 đến ngày 15-8, cấm các tàu thuyền không có liên quan đi vào. Kèm theo đó, trên thực địa Trung Quốc đã huy động ban đầu là khoảng 80 tàu, sau đó thường xuyên duy trì trên 100 tàu các loại gồm cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu săn ngầm, các tàu hải cảnh đã mở bạt vũ khí đầy hăm dọa, hiếu chiến. Tại phiên họp Cấp cao của ASEAN diễn ra tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”(1).Với hành động này, Trung Quốc đã tái diễn tình trạng gây sức ép và thực hiện chính sách bên miệng hố chiến tranh chống Việt Nam”(2).

Hành động này nằm trong chuỗi hành động gây căng thẳng với các nước có liên quan đến tranh chấp, đe dọa hòa bình ổn định ở khu vực của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2009 đến nay nhưng nó lại đánh dấu bước chuyển về chất, có mức độ cao hơn, tính chất nguy hiểm hơn. Cùng với việc đưa giàn khoan vào sâu thềm lục địa của Việt Nam, họ đã đưa đến đây cả lực lượng dân sự và quân sự có ý định khiêu khích quân sự và chủ động gây va chạm đẩy tình hình đến gần xung đột hơn, với thời gian dài hơn, ngang nhiên thách thức phản ứng của Việt Nam và quốc tế, phớt lờ những cố gắng duy trì ổn định của Việt Nam. Hành động này cho thấy, họ sẵn sàng đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực tranh chấp, bước vào giai đoạn tiến hành khai thác thực chất, tranh giành chiếm đoạt tài nguyên của các nước có tranh chấp tiếp sau việc đưa ra yêu sách đường chữ U, đưa lực lượng chấp pháp đến kiểm soát trên thực tế. Chính học giả Trung Quốc đã nhận định: “Sự kiện đối đầu ở Hoàng Sa lần này do Trung Quốc mang giàn khoan đến tác nghiệp cũng sẽ là điểm chuyển ngoặt lịch sử. Nó đánh dấu biện pháp kinh tế của Trung Quốc ở Biển Đông đã có bước nhảy nhọt về chất, Trung Quốc sẽ thay đổi cục diện khai thác dầu khí ở Biển Đông”(3).

Việt Nam không chỉ là nước láng giềng của Trung Quốc mà quan hệ giữa hai nước còn thường được nhắc đến với nhiều điểm đồng, trong đó có điểm đồng lâu nay vẫn được coi là cơ sở, là điều kiện thuận lợi để quan hệ hai nước phát triển, đó là sự tương đồng về thể chế chính trị, cùng dưới sự lãnh đạo của ĐCS. Ngoài quan hệ giữa hai nhà nước, quan hệ Việt - Trung còn có mối quan hệ giữa hai đảng cầm quyền. Một học giả uy tín của Trung Quốc đã từng đề xuất, trong quan hệ với khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc nên coi Việt Nam là điểm đột phá, việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với Việt Nam nên trở thành hình mẫu cho giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng khác. Vậy tại sao Việt Nam lại trở thành đối tượng đầu tiên để Trung Quốc thực hiện một hành động có tính chất nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây?

Thứ nhất, đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tranh chấp chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, khi đưa giàn khoan đến đây vừa có thể tránh bị dư luận quốc tế lên án và vừa gây khó khăn cho Việt Nam trong việc kêu gọi sự ủng hộ của khu vực và quốc tế. Đây chính là sự tinh vi, thâm hiểm của Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc gây sức ép cho Việt Nam, chủ động đẩy tình hình đến “bên miệng hố chiến tranh”, hoàn toàn có thể dự liệu được phản ứng và hành động của Việt Nam. Robert Kaplan, tác giả cuốn “Chảo dầu sôi của châu Á” nhận định: “Họ cho rằng Việt Nam về cơ bản không thể khai hỏa nhằm vào tàu của họ, không thể đánh chìm tàu và rằng người Việt Nam sẽ không tấn công giàn khoan”(4).Thực tế có thể sẽ hoàn toàn khác nếu điều này xảy ra với Philippines bởi  Philippines là một nước khó chơi đầy nguy hiểm, bởi vì họ có: (1) Một liên minh quân sự với Mỹ và (2) một nhóm chính sách đối ngoại đã đặt toàn bộ những quả trứng của họ vào chiếc giỏ chính sách “bên miệng hố chiến tranh,” từ chối dàn xếp song phương với Trung Quốc, tin tưởng Mỹ sẽ ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc và nếu như một kiểu xung đột nào đó nổ ra, Mỹ sẽ thay mặt Philippines can thiệp một cách có hiệu quả”.(5) Thêm nữa, Trung Quốc sẽ có thế hơn khi mặc cả với Việt Nam bởi ngoài tiềm lực kinh tế, quân sự và lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh hơn, Trung Quốc còn có thể sử dụng điểm được coi là mạnh nhất, nhưng thực chất là điểm yếu dễ tấn công nhất trong quan hệ Việt – Trung để “mặc cả” với Việt Nam, để “ép” Việt Nam đó là lợi ích chung, là “đại cục” như Trung Quốc vẫn nhấn mạnh, thực chất đó là vấn đề ý thức hệ, là duy trì thể chế chính trị hiện tại và sự cầm quyền của Đảng Cộng sản.

Thứ ba, đây là khu vực Trung Quốc có thể phát huy tốt nhất lợi thế của cái gọi là thành phố Tam Sa như là một cơ sở hậu cần và căn cứ quân sự. Hàng loạt đầu tư về cơ sở hạ tầng, hàng loạt triển khai của lực lượng quân sự và chấp pháp sau khi tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa sẽ được phối hợp sử dụng trong sự kiện này, trên cơ sở đó sẽ bổ sung và hoàn thiện cho bước đi tiếp theo.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan hiện đại nhất đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế, khai thác tài nguyên ở Biển Đông mà còn có cả mục tiêu chính trị, quân sự, cả mục tiêu trước mắt và lâu dài, đưa ra thông điệp không chỉ đối với Việt Nam.

Cùng với nhiều hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông trong những năm qua, việc Trung Quốc lần đầu tiên đưa giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa một lần nữa khẳng định tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ ngày càng bộc lộ rõ, thực thi yêu sách theo đường chữ U của họ sẽ ngày càng quyết liệt. Hành động này là bước đi tiếp theo, nhưng là bước đi có tính chất quyết định trong lộ trình độc chiếm Biển Đông, tiếp sau việc tuyên bố yêu sách, dùng vũ lực đánh chiếm các đảo ở Biển Đông nhằm xây dựng căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần, tăng cường lực lượng hải quân. Mike McDevitt, nguyên là đô đốc đồng thời là chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Mỹ nhận định: “Nó sẽ là một trong nhiều, rất nhiều các bước nhỏ. Mỗi bước ấy sẽ không dẫn tới xung đột nhưng dần dần sẽ thay đổi hiện trạng”(6).

Đưa giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa thăm dò khai thác Trung Quốc muốn tạo đột phá trong chiến lược biển, khẳng định khả năng tự chủ khai thác tài nguyên tại Biển Đông. Đồng thời, bảo vệ một giàn khoan hiện đại với mức đầu tư tốn kém khoảng 1 tỷ USD đã trở thành một cái cớ để Trung Quốc công khai đưa lực lượng quân sự hiện diện ở vùng biển Hoàng Sa, sau này có thể đưa tàu sân bay ra Biển Đông. Học giả Engelbert, Đại học Humboldt, Đức cho rằng, “chuyện dầu khí là một câu chuyện giả thôi, mượn cớ để khẳng định mình về mặt quân sự, nên việc này thì họ sẽ đi từng bước một, và sự phản ứng của thiên hạ và của Mỹ cũng sẽ khẳng định tốc độ của việc đưa quân sự ra ở vùng đó”(7).

Như trên đã nói, hành động của Trung Quốc nhằm răn đe, tạo lợi thế trong mặc cả với Việt Nam, cho Việt Nam thấy cái giá phải trả nếu như không chấp nhận theo đề nghị của Trung Quốc. Có thể, Trung Quốc muốn thúc đẩy vấn đề khai thác chung theo ý đồ, phương án của Trung Quốc. Trung Quốc tăng cường sức ép trên thực địa để cho Việt Nam thấy như một học giả Trung Quốc đã gợi ý: “Đã khó ngăn cản xu thế khai thác chung của Trung Quốc, biện pháp khôn ngoan nhất của Việt Nam là cùng khai thác chung với Trung Quốc”(8).

Trung Quốc gây ra xung đột này không chỉ nhằm vào Việt Nam, mà còn hướng đến các nước có tranh chấp trực tiếp, đến ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực, đến cường quốc khu vực đồng thời đang có tranh chấp với Trung Quốc là Nhật Bản và đến cường quốc thế giới đồng thời cũng là đồng minh của một số nước có tranh chấp với Trung Quốc là Mỹ. Việc Trung Quốc liên tục chọn thời điểm gây ra xung đột trước các hội nghị quan trọng của khu vực cho thấy họ bất chấp dư luận, đồng thời cũng nhằm mục đích tiếp tục tìm điểm yếu để chia rẽ, tấn công ASEAN (sự kiện cắt cáp xảy ra trước Hội nghị Shangri La, hành động lần này xảy ra trước Hội nghị cấp cao ASEAN). “Thay vì cố gắng tách Mỹ ra khỏi Nhật Bản và hướng tới một kiểu thỏa hiệp với những lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc đang cố gắng tách Nhật Bản ra khỏi Mỹ bằng việc kích động/dụ dỗ Nhật Bản vào một vai trò độc lập mà qua đó gạt Mỹ ra ngoài lề”(9).

Có thể coi sự kiện giàn khoan Hải dương 981 là một cuộc khủng hoảng, đã diễn ra và vẫn đang tiếp tục leo thang. Trên thực địa, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của đông đảo lực lượng dân sự và quân sự cùng với các hành động tấn công gây căng thẳng. Về thái độ hay cách tiếp cận, Trung Quốc vẫn tiếp tục cách nói đổi trắng thay đen, đổ lỗi hoàn toàn cho đối phương, coi đó là khu vực không có tranh chấp, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc, họ không phải là người gây ra căng thẳng ở đây. Điều đó cho thấy, họ không muốn giải quyết xung đột, khủng hoảng này và còn tiếp tục đẩy lên nữa.

II. NHÌN LẠI TRUNG QUỐC VÀ QUAN HỆ VIỆT – TRUNG

Hành động gây căng thẳng đẩy tình hình đến “bên miệng hố chiến tranh” và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang của Trung Quốc khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi như phải chăng đã đến lúc Trung Quốc rũ bỏ vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng sức mạnh cứng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, thực chất của CNXH đặc sắc Trung Quốc là gì và có phải Trung Quốc đang đi theo con đường XHCN, cốt lõi của chính sách Trung Quốc đối với Việt Nam và các nước xung quanh là gì… Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhìn nhận sự kiện giàn khoan Hải dương 981 dưới góc độ đã góp thêm một minh chứng mới nhất cho nhận định về một Trung Quốc luôn luôn có tham vọng bành trướng lãnh thổ và một Trung Quốc có khoảng cách không giới hạn giữa lời nói và hành động, tức là nói một đằng làm một nẻo.

Có nhà nghiên cứu Việt Nam đã tổng kết, quá trình dựng nước của Trung Quốc đi đôi với bành trướng. Ý thức về bành trướng, mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc mạnh hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới và đến nay dòng mạch này vẫn đang tiếp tục chảy. Một trong những cách thức chủ yếu để mở mang lãnh thổ chính là các cuộc chiến tranh xung đột. Việt Nam là nước láng giềng nạn nhân phải nếm trải quá trình hiện thực hóa tham vọng này của Trung Quốc từ rất sớm ở cả lãnh thổ trên đất liền và trên biển. Trong quan hệ với Việt Nam dù trong thời kỳ phong kiến hay hiện đại, dù lúc quan hệ hai nước hữu nghị hay xấu đi, hành động xâm lấn lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc thường xuyên tiếp diễn. Trong nửa thập kỷ từ năm 1954 đến năm 1979, trên biên giới đất liền, Trung Quốc xâm lấn bằng các hình thức như từ xâm canh xâm cư đến chiếm đất; lợi dụng việc xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam; đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam; từ mượn đất của Việt Nam biến thành lãnh thổ của Trung Quốc; xê dịch và xuyên tạc mốc quốc giới để sửa đổi đường biên giới; làm đường biên giới lấn sang đất Việt Nam; lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới…(10) Trên biển, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956 và 1974, đánh chiếm một nhóm đảo ở Trường Sa năm 1988 và đến nay ngang nhiên đưa giàn khoan cùng lực lượng quân sự vào thăm dò khai thác ở vùng biển Hoàng Sa. Tại sao tham vọng bành trướng lãnh thổ của dân tộc này lại lớn và liên tục như vậy, chúng ta cần trao đổi, nghiên cứu để có câu trả lời đầy đủ.

Nhìn vào hành động của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ những năm gần đây có thể thấy, khi quốc lực tăng thì tham vọng bành trướng càng tăng, dùng sức mạnh để tranh giành lợi ích. Khi tham vọng bành trướng lãnh thổ này cộng hưởng với sức mạnh kinh tế đã chuyển hóa thành sức mạnh quân sự, với nhu cầu bức thiết về tài nguyên, với nhu cầu sống còn về tìm lối ra để thực hiện mục tiêu vươn lên chia sẻ vị trí lãnh đạo thế giới, nó sẽ trở nên nguy hại hơn, đe dọa hơn đối với các nước xung quanh cũng như hòa bình, ổn định của khu vực.

Sự kiện giàn khoan Hải dương 981 cũng cho chúng ta thấy khoảng cách không giới hạn giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc hay nói một đằng làm một nẻo.

Vốn là một dân tộc ngay từ thời Xuân thu Chiến quốc đã sản sinh ra những học giả đi du thuyết (thuyết khách) và luôn tràn đầy tự hào về dân tộc phổ biến văn minh, Trung Quốc thường hay khoa trương trong lời nói, thuyết khách trong lý luận nhằm mục đích khúc xạ thành công nhất những giá trị của mình. Vì vậy, dù là đối với trong nước, hay đối với các nước láng giềng, đối với thế giới, Trung Quốc luôn dùng cách nói với ngôn từ hoa mỹ, đầy sức thuyết phục nhằm truyền bá quan niệm giá trị, chuẩn mực của mình. Với trong nước, Trung Quốc có “xã hội hài hòa”, có “phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, “giấc mộng Trung Quốc”. Còn với bên ngoài, Trung Quốc đã sáng tạo ra nhiều khái niệm mềm mại, dễ cảm hóa như “trỗi dậy hòa bình”, “phát triển hòa bình”, “thế giới hài hòa”, “nước lớn có trách nhiệm”. Với các nước láng giềng, Trung Quốc tuyên truyền “hòa thuận với láng giềng”, “yên ổn với láng giềng” và “giàu có với láng giềng”, thân (thân thiện), thành (chân thành), huệ (mang lại lợi ích), dung (bao dung). Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc cho thấy nước này đang đi ngược với những gì mình nói. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn tiếp tục đánh lừa dư luận. Trong lúc giàn khoan đang hiện diện ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với lực lượng tàu chấp pháp, tàu quân sự, máy bay chiến đấu đông đảo, liên tục có hành động tấn công tàu cảnh sát biển và tàu của ngư dân Việt Nam, Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc thăm Mỹ vẫn cho rằng, Biển Đông và Hoa Đông trở nên không yên tĩnh như hiện nay không phải trách nhiệm chủ yếu của Trung Quốc, Phó Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tại Shangri La vẫn cho rằng, Trung Quốc cam kết xây dựng châu Á hài hòa, một thế giới hòa bình và thịnh vượng lâu dài…

Sự kiện giàn khoan Hải dương 981 cũng là một cơ hội để chúng ta nhìn lại quan hệ Việt – Trung ở tất cả các mặt, có người đã gọi đó là sự thức tỉnh đối với Việt Nam. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu từ khía cạnh quan hệ chính trị giữa hai nước.

Việt Nam là một trong hai nước Trung Quốc nêu tinh thần “4 tốt” (ngoài ra còn có Lào) và là một trong rất ít nước có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc (các nước Đông Nam Á và láng giềng khác chủ yếu là quan hệ đối tác chiến lược như với Indonisia, với Philippine, Kazakhstan, đối tác hợp tác toàn diện với CHDCND Triều Tiên). Nếu nhìn vào nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua các Tuyên bố chung, Thông cáo chung có thể thấy, gần như chưa có cặp quan hệ nào nhiều như vậy. Song song với đó, các hình thức liên lạc giữa các cấp nhằm trực tiếp trao đổi những vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước, đặc biệt là các sự việc bất thường đã được thiết lập từ đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao, đến đường dây nóng giữa các bộ như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp… Tuy nhiên, sự việc giàn khoan Hải dương 981 cho thấy, những nhận thức chung giữa lãnh đạo hai nước không những không được thực hiện nghiêm túc mà Trung Quốc còn đang đi ngược lại, mọi kênh liên lạc “nóng” trở nên nguội lạnh, tê liệt vì sự từ chối của Trung Quốc. Vậy thực chất quan hệ Việt – Trung là gì, thuộc cấp độ quan hệ nào trong quan hệ quốc tế, đang phát triển theo chiều hướng nào? Có nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc đối xử với Việt Nam tệ hại nhất trong các nước láng giềng, phương châm, tinh thần, phương châm lãnh đạo hai nước đã đề ra chỉ là hình thức, vỏ bọc để che đậy ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Sự kiện này cũng đặt ra vấn đề quan hệ giữa hai Đảng đóng vai trò gì trong quan hệ Việt – Trung, hay nói cách khác xử lý vấn đề giữa ý thức hệ và lợi ích quốc gia như thế nào trong quan hệ Việt – Trung. Ngay từ những năm 1950, 1960 khi ý thức hệ còn đang chi phối, thậm chí quyết định chính sách đối ngoại của nhiều nước, Trung Quốc đã sớm vượt qua hạn chế của tư duy ý thức hệ để phục vụ lợi ích quốc gia một cách tốt nhất. Năm 1954 khi tham dự Hội nghị Geneva, Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội để tiếp xúc, khơi thông quan hệ với một loạt nước không cùng hệ thống xã hội. Năm 1972, Trung Quốc gác lại đối địch về ý thức hệ, chính thức bắt tay với Mỹ, sau đó với Nhật năm 1978. Đến cuối thập kỷ 1980, Đặng Tiểu Bình đã nhắc lại điều này trong cuộc gặp lại nguyên Tổng thống Mỹ Nixon: “Tôi biết ông là người phản đối chủ nghĩa cộng sản, còn tôi là người cộng sản. Chúng ta đều coi lợi ích quốc gia là chuẩn tắc cao nhất để bàn bạc và giải quyết vấn đề(11). Song song với việc bắt tay với các nước không cùng ý thức hệ, Trung Quốc lại gây căng thẳng, thậm chí chiến tranh với các nước cùng ý thức hệ, trước là Liên Xô, sau là Việt Nam. Đến nay, bước đi nguy hiểm của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông cũng lại hướng đến đầu tiên là Việt Nam. Có học giả Việt Nam đã từng nhắc nhở, đừng để ý thức hệ trở thành “vòng kim cô” siết trên đầu Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang lôi kéo bằng giai cấp nhưng ứng xử bằng lợi ích dân tộc. Vì vậy, chúng ta cũng cần thấy rằng, tinh thần, phương châm nào đó chỉ là tình huống có thể thêm lên, bớt đi nhưng chủ quyền, lợi ích quốc gia là bất biến.

Từ khi tiến hành cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc luôn xác định môi trường xung quanh hòa bình ổn định là tiền đề để thực hiện các mục tiêu trong nước. Đặng Tiểu Bình đã nói: “Không có môi trường hòa bình, xây dựng cái gì!” “Không có môi trường ổn định, không làm được cái gì, những thành quả đã đạt được cũng có thể mất”(12).

Việt Nam luôn được coi là lá chắn đảm bảo an ninh phía Nam của Trung Quốc. Một trong những lý do quan trọng khiến Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ chính là nhằm đảm bảo an ninh phía Nam của họ. Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập như hiện nay, nếu như giữ các nước láng giềng thành lá chắn an ninh của mình bằng cách làm cho họ yếu đi, hoàn toàn phụ thuộc để từ đó đối xử bất bình đẳng là điều không thể. Trong thời đại hệ thống pháp luật quốc tế đã có tính ràng buộc nhất định, bành trướng theo kiểu chủ nghĩa thực dân cũng là điều khó tồn tại. Muốn có một lá chắn an ninh, muốn có xung quanh ổn định, Trung Quốc cần phải có đầu tư, cần phải bỏ ra vốn liếng nhất định, trong đó chí ít phải đảm bảo cân bằng lợi ích, thậm chí có lúc phải chịu thiệt đi một chút, như vậy mới đạt được những chuẩn mực mà Trung Quốc đã đề ra với các nước xung quanh.

Ngày nay, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh mềm văn hóa, trong đó trụ cột là xây dựng học viện Khổng Tử và truyền bá những giá trị nhân văn cốt lõi của đạo Khổng. Xưa kia, trong 3 thứ lương thực, quân đội và dân tin, Khổng Tử khuyên rằng nếu bất đắc dĩ phải bỏ một trong ba thứ thì đầu tiên là quân đội, tiếp đến là lương thực, để giữ lại dân tin bởi theo ông “nếu như dân không tin thì không để đứng vững”, tức là không sử dụng bạo lực, vũ lực, mà phải cảm hóa bằng đạo đức, bằng niềm tin. Mang lại cho khu vực, thế giới niềm tin chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc khẳng định vị trí nước lớn của mình hiệu quả hơn một tư thế “cơ bắp” như hiện nay.

 

 

CHÚ THÍCH:

(1) Thủ tướng: 'Hành động của Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm', http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/thu-tuong-hanh-dong-cua-trung-quoc-cuc-ky-nguy-hiem-2989134.html

(2) "Trung Quốc tái diễn chính sách bên miệng hố chiến tranh", http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-tai-dien-chinh-sach-ben-mieng-ho-chien-tranh/258895.vnp

(3) http://mil.huanqiu.com/observation/2014-06/5032701.html

(4) http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/4109-tai-sao-trung-quoc-tro-nen-quyet-doan

(5) http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/4112-trung-quoc-da-san-sang-su-dung-suc-manh-cung

(6),

(7) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/ multimedia/2014/05/140530_engelbert_oil_rig_981.shtml?bw=bb&mp=wm&bbcws=1&news=1

(8) http://mil.huanqiu.com/observation/2014-06/5032701.html

(9) TQ toan tính gì với giàn khoan khủng?http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/174247/tq-toan-tinh-gi-voi-gian-khoan-khung-.html

(10) Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, NXB Sự thật, Hà Nội, năm 1979.

(11) Ghi chép hội đàm giữa Đặng Tiểu Bình với nguyên thủ, nhà báo nước ngoài, NXB Đài Hải, Bắc Kinh, năm 2010, trang 7.

(12) Văn tuyển Đặng Tiểu Bình, quyển 3, NXB Nhân dân, trang 116-117.



Phương Nguyễn





Các tin khác

Mệnh danh là nhà khoa học sao lại hành động “phản khoa học” như vậy? (25/06/2014)
Lập luận kỳ lạ (25/06/2014)
Quản lý nhà nước về Biển Đảo ở Trung Quốc và một số gợi mở đối sách cho Việt Nam (02/06/2014)
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cần được xây dựng trên cơ sở nào? (29/03/2014)
Trung - Việt đã giải quyết 2/3 tranh chấp lãnh thổ lên tăng cường quan hệ với Việt Nam (29/03/2014)
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 2 năm 2014 (07/03/2014)
Tình hình kinh tế Trung Quốc 10 tháng năm 2013 (11/12/2013)
Tình hình kinh tế Trung Quốc 8 tháng năm 2013 (25/10/2013)
Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc: Phân tích lịch sử và chính trị tình hình địa chính trị hiện tại trong khu vực (02/10/2013)
Những thách thức và khó khăn đặt ra trước sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (22/11/2012)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn