TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9834737
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam (27/08/2014)

Cuộc đấu tranh kiên cường dũng cảm của các lực lượng thực thi luật pháp (cảnh sát biển, kiểm ngư) cùng nhân dân cả nước ta trong suốt 75 ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nhưng phía  Trung Quốc mới dịch chuyển một giàn khoan chứ chưa hề dịch chuyển mưu đồ xâm chiếm biển đảo nước ta. Cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của chúng ta vẫn tiếp tục.

Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, chúng ta càng nhận thức rõ hơn bản chất và thủ đoạn của thế lực bành trướng bá quyền, càng xác định rõ hơn nhiệm vụ tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong thời gian tới.

1. Sự kiện giàn khoan Hải Dương -981 đã bộc lộ rõ bản chất bành trướng bá quyền trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 vào hạ đặt tại  một vùng biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không phải là một sự kiện đột phát, đơn lẻ, mà là một hành động được tính toán và chuẩn bị từ lâu của phía Trung Quốc trong quá trình thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD, trong thời gian 6 năm, để chế tạo ra giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 (dài 114 mét, rộng 90 mét, cao 137,8 mét, nặng 31.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3000 mét, có thể khoan sâu tới 12.000 mét) không chỉ để khai thác dầu khí trên Biển Đông (theo một số đánh giá có thể " đủ dùng cho Trung Quốc  khoảng 100 năm")  mà quan trọng hơn là để đánh dấu chủ quyền của Trung Quốc  trên Biển Đông. Trong lần đầu tiên giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt tại địa điểm sâu trong vùng biển Việt Nam, thăm dò dầu khí là cái cớ, mục tiêu thâm hiểm của phía Trung Quốc là cắm điểm chủ quyền. Tính chất nghiêm trọng của sự kiện này đối với Việt Nam chính là ở chỗ đó. Sự lo ngại của các nước  ven bờ Biển Đông và các nước khác có lợi ích ở Biển Đông cũng chính là ở chỗ đó. Bởi lẽ, nếu không được ngăn chặn, giàn khoan Hải Dương-981 và các giàn khoan khổng lồ khác của Trung Quốc sẽ ngang nhiên tới xâm phạm các vùng biển của các nước khác, thực hiện mục tiêu của Trung Quốc  độc chiếm Biển Đông , nơi có lưu lượng hàng hải thương mại chiếm hơn  40% toàn thế giới - Trung Quốc đã chọn thời điểm hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981  tại vùng biển Việt Nam  khi sự kiện UKraina đang thu hút dư luận quốc tế, Liên bang Nga đang cần xích lại Trung Quốc  để đối phó với sức ép Phương Tây, Trung Quốc đang dùng kinh tế thương mại để cải thiện quan hệ với Ấn Độ, khi Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động ngoại giao nhằm lôi kéo phân hóa các nước ASEAN, hy vọng có thể cô lập Việt Nam, đồng thời vừa tiến hành một số hoạt động hữu nghị Trung - Việt với "phương châm 16 chữ" và " tinh thần 4 tốt" hy vọng Việt Nam sẽ mất cảnh giác không ngăn cản Trung Quốc  làm "việc đã rồi", mở đường cho họ tiến hành các bước tiếp theo của quá trình xâm chiếm Biển Đông.

Hành động xâm phạm và thái độ ngang ngược của phía Trung Quốc trong vụ hạ đặt trái phép giàn khoan HĐ-981 tại vùng biển Việt Nam đã thể hiện rõ chủ nghĩa dân tộc nước lớn cực đoan là nền tảng tư tưởng của đường lối đối ngoại bành trướng bá quyền của Trung Quốc hiện nay. Thực ra, những người cầm quyền ở Trung Quốc biết rõ hơn ai hết cái gọi là "đường đứt khúc 9 đoạn" ( bản đồ Trung Quốc gần đây sửa thành 10 đoạn) tạo thành "lưỡi bò" chiếm gần hết Biển Đông được vẽ ra một cách tùy tiện cuối thời chính quyền Quốc dân đảng là không có cơ sở pháp lý quốc tế và không hề được thế giới thừa nhận. Nhưng họ đã không cưỡng nổi cơn thèm khát bành trướng, không kiềm chế được sự ngạo mạn của kẻ mới trỗi dậy tự cho mình đã đến lúc có thể xưng bá khu vực. Nói cách khác, họ đã không đoạn tuyệt được truyền thống chủ nghĩa Đại Hán trong lịch sử đế chế Trung Hoa.

Vụ đặt giàn khoan Hải Dương-981 không phải là sự kiện đơn lẻ, vì đó là một bước đi nghiêm trọng của Trung Quốc nhằm thực hiện bá chủ Biển Đông, bá chủ khu vực Đông Nam Á. Luận điệu của họ liên quan đến sự kiện này chung quy chỉ có hai điều: "Trung Quốc không bành trướng" "Trung Quốc không gây rối". Họ bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc đã ký kết; bất chấp những bằng chứng lịch sử mà Việt Nam và nhiều học giả quốc tế đã đưa ra chứng minh Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ các thế kỷ 17,18. Trung Quốc tự cho họ có quyền đưa giàn khoan và tầu chiến, máy bay tới xâm phạm vùng biển Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá, đâm hỏng tàu kiểm ngư của Việt Nam  là "không gây rối", còn Việt Nam đưa các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư ra làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình, ngư dân Việt Nam đưa tàu ra đánh cá trong vùng biển của mình là " gây rối", thậm chí còn dùng các thủ đoạn xảo trá vu khống tàu Việt Nam va đâm tàu Trung Quốc . Trung Quốc tự cho mình có quyền độc chiếm Biển Đông, còn các quốc gia khác đòi phải được tự do an toàn hàng hải thì bị họ quy kết là " can thiệp" vào công việc nội bộ khu vực. Qua vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 Trung Quốc càng bộc rõ ý đồ chiến lược của họ tiến tới làm chủ bờ Tây Thái Bình Dương. Một chuỗi các sự kiện căng thẳng xảy ra trong mấy năm qua: 2012 tranh chấp bãi đá Scaborougs/Hoàng Nham với Philippin; 2013 tranh chấp quần đảo Shenkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, tuyên bố thiết lập "Vùng nhận diện phòng không" trên vùng biển Hoa Đông; 2014  hạ đặt giàn khoan  khổng lồ Hải Dương-981  sâu vào vùng biển Việt Nam là một chuỗi các hành động có chủ ý được sắp đặt  của Trung Quốc  nhằm thách thức các nước trong khu vực, thách thức phản ứng của các nước trên thế giới, thách thức luật pháp quốc tế.

Khi Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam dự cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, phía Trung Quốc không những vẫn lặp lại lập trường cứng rắn ngang ngược về vấn đề chủ quyền Biển Đông mà còn tăng cường sức ép vũ trang tại hiện trường xung quanh nơi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981, chuẩn bị đưa các giàn khoan khác vào Biển Đông. Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương -981 vào vùng biển Việt Nam là sự cảnh báo mới nghiêm trọng về nguy cơ chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc đối với các nước trong khu vực.

Khi rút giàn khoan Hải Dương – 981 khỏi vùng biển Việt Nam, ngày 15-7 Tân Hoa xã còn dẫn thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) trâng tráo nói rằng giàn khoan Hải Dương – 981 “đã hoàn thành việc khoan và thăm dò”, “phát hiện các dấu hiệu của dầu mỏ và khí đốt”, và sẽ “đánh giá dữ liệu thu thập được” để “quyết định bước đi tiếp theo”.

2. Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 thể hiện ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời thể hiện thiện chí của Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hành động ngang ngược xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam của phía Trung Quốc lần này đã dồn ép Việt Nam vào thế không thể không có  hành động phản kháng quyết liệt vì chủ quyền lãnh thổ của đất nước, vì sự tôn nghiêm của dân tộc. Hành động xâm phạm thô bạo của phía Trung Quốc đã làm lộ rõ bộ mặt thật của họ sau tấm màn hữu nghị với phương châm "16 chữ" và " tinh thần 4 tốt". Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thay mặt nhân dân thể hiện khí phách và ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định  “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, để nhận lấy một thứ hoà bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc”. Chủ tịch Trương Tấn Sang nhắc lại lời của vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần, đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần..Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải chu di”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (tại Hà Nội, ngày 18-6-2014) đã khẳng định: “Lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là không thay đổi và không thể thay đổi”2

Tại vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 các chiến sĩ cảnh sát biển, các nhân viên kiểm ngư Việt Nam suốt 75 ngày đêm đã kiên cường bám biển thực thi luật pháp, đấu tranh dũng cảm mưu trí, không quản ngại gian khổ hy sinh để bảo vệ vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Trong điều kiện khó khăn do đối phương tung ra một số lượng phương tiện tàu bè nhiều gấp bội và sử dụng nhiều thủ đoạn thô bạo, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam vẫn hoạt động thường xuyên tại khu vực cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 10 hải lý để đấu tranh tuyên truyền phía Trung Quốc rút giàn khoan và để bảo vệ ngư dân Việt Nam. Trong khi đó các tàu đánh cá của Việt Nam vẫn duy trì hoạt động đánh bắt cá trong vùng biển Hoàng Sa cách nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 30-40 hải lý bất chấp hành động đe doạ xua đuổi, va đâm của lực lượng vũ trang và tàu cá Trung Quốc3.

Hành động ngang ngược của phía Trung Quốc hạ đạt giàn khoan Hải Dương-981 sâu vào vùng biển Việt Nam đã dấy lên sự phẫn nộ và một phong trào phản kháng mạnh mẽ của nhân dân trong cả nước và kiều bào ta tại các nước trên thế giới, thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hơn hai tháng qua, xuất phát từ lợi ích và quan hệ hữu nghị lâu dài giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, với mong muốn duy trì hoà bình ổn định trong khu vực để phát triển đất nước, lãnh đạo Việt Nam luôn chủ trương và cố kiềm chế để cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo tiến hành bằng biện pháp hoà bình, tránh xung đột và nguy cơ xảy ra chiến tranh. Với chủ trương chỉ đạo đó, phía Việt Nam chỉ sử dụng các lực lượng chấp pháp: Cảnh sát biển và kiểm ngư, phối hợp với tàu đánh cá của ngư dân hoạt động tại khu vực này để đấu tranh với đối phương, bảo vệ chủ quyền. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói rõ:  Việt Nam "không sử dụng lưc lượng chiến đấu như máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo, lực lượng đặc công người nhái để phá huỷ giàn khoan của Trung Quốc" 4.

Cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính phủ các nước trên thế giới qua nhiều hình thức thể hiện. Trên các diễn đàn và Hội nghị quốc tế, đại biểu nhiều nước đã lên tiếng tỏ ý lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong vùng biển Việt Nam, phản đối hành động ngang ngược của phía Trung Quốc  và thể hiện sự đồng tình với lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Tại các hội thảo quốc tế, học giả của nhiều nước đã đưa ra những lập luận minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hình thức thể hiện và mức độ thể hiện đồng tình ủng hộ Việt Nam của Chính phủ các nước khác nhau do nhiều nguyên nhân, nhưng quan điểm phổ biến là phải giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cho tới nay, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, chưa hề có chính phủ nước nào trên thế giới lên tiếng đồng tình ủng hộ hành động ngang ngược của Trung Quốc. Chỉ mấy ngày sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 10/5/2014 đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng Biển Đông . Đặc biệt là các nhân vật quyền lực của Mỹ, từ Tổng thống, Phó Tổng thống, các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, các Nghị sĩ Thượng viện, Hạ viện vv…đều lên tiếng phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc . Tại diễn đàn An ninh châu Á- Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri- La) ngày 30-5-2014 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagcl đã tuyên bố: "Nước Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất kỳ quốc gia nào lấy việc khủng bố tinh thần, cưỡng bức hay đe doạ dùng vũ lực để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình". Tuyên bố trên được giới phân tích đánh giá là mạnh mẽ nhất trong các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong thời gian gần đây. Trong cuộc “Đối thoại Mỹ – Trung về chiến lược và kinh tế” tại Bắc Kinh đầu tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cảnh cáo hành động sử dụng vũ lực gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông là “không thể chấp nhận”.

Phát biểu tại Học viện Quốc phòng West Point ngày 25-5-2014 Tổng thống B. Obama cảnh cáo rằng Wasinhton sẵn sàng phản ứng lại sự gây hấn của Trung Quốc. Phát biểu mở đầu Diễn đàn Shangri-La 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shin Zo Abe đã nêu đích danh Trung Quốc trong việc đe doạ bằng vũ lực để thay đổi hiện trạng trên Biển Đông , kêu gọi các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc , phải tôn trọng luật pháp quốc tế, không gây xung đột với các nước láng giềng.

Hơn hai tháng qua, Việt Nam đã triển khai các hoạt động ngoại giao, thông qua các Công hàm gửi Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế  khác, các buổi họp báo của Bộ Ngoại giao, các hoạt động giao lưu của các sứ quán Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài vv… tố cáo hành động xâm phạm chủ quyền đảo Việt Nam và các luận điệu xuyên tạc vu khống bịa đặt của phía Trung Quốc , nhận được sự đồng tình  ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.

Đấu tranh pháp lý cũng là một biện pháp đấu tranh hoà bình. Việt Nam vẫn sẵn sàng để trong trường hợp cần thiết có thể đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ra cơ quan trọng tài quốc tế. Ngày 23/6 vừa qua Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã cùng Tổng Thư ký Toà trọng tài Thường trực (PCA) Hugo Hans Siblesz ký 2 văn kiện : ": Hiệp định nước chủ nhà" và " Thư trao đổi và hợp  tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Toà trọng tài Thường trực" . Việc ký kết hai văn kiện đó sẽ tạo ra điều kiện cho Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của PCA trong việc tiếp cận tốt hơn với các thủ tục thuộc quy trình Trọng tài quốc tế do PCA điều hành, góp phần giải quyết hoà bình các tranh chấp trong khu vực 5.

3. Con đường duy nhất đi tới hoà bình ổn định trên Biển Đông là sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, phải cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hơn 2 tháng qua, mặc dầu Việt Nam đã kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hoà bình với thiện chí làm dịu bớt căng thẳng trong quan hệ Việt- Trung do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến tới hai bên có thể thông qua đàm phán giải quyết các vấn đề tranh chấp biển đảo, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào việc duy trì hoà bình ổn định trên Biển Đông, nhưng  phía Trung Quốc  chẳng những chưa hề có dấu hiệu muốn làm dịu bớt tình hình, ngược lại, đã có những hành động làm cho tình hình Biển Đông cẳng thẳng gia tăng đến mức nguy hiểm. Trong lần tới Hà Nội gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam vừa qua (18/6) Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì vẫn khẳng định  lại lập trường của phía Trung Quốc về chủ quyền đối với Biển Đông. Ngay sau hoạt động ngoại giao này, phía Trung Quốc đã có một loạt các hoạt động mang tính chất khiêu khích: Tăng cường lực lượng tàu biển và máy bay tại khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981, tấn công gây hư hỏng nặng tàu kiểm ngư 915 của Việt Nam (ngày 23/6), tuyên bố đưa giàn khoan Nam Hải -09 tới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Đáng chú ý là Trung Quốc đang triển khai kế hoạch cải tạo các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa xâm chiếm được trước đây thành đảo nổi nhân tạo và căn cứ quân sự; lần đầu tiên công bố bản đồ CHND Trung Hoa mới in theo khổ dọc, trên đó biển “Nam Hải" của Trung Quốc là "đường lưỡi bò" 10 đoạn choán hầu hết Biển Đông . Ngày 27/6 Chủ tịch Trung Quốc (cũng là Chủ tịch Quân uỷ Trung ương) Tập Cận Bình ra lệnh "xây dựng mạng lưới phòng thủ biên giới vững chắc" cho "lãnh thổ và lãnh hải" Trung Quốc (theo họ là bao gồm cả Biển Đông ).

Một vấn đề đặt ra cho lãnh đạo các nước liên quan và giới nghiên cứu là cần theo dõi chặt chẽ để xem phải chăng Trung Quốc đang thừa cơ tình hình quốc té hiện có nhiều vấn đề rối ren để tiến hành những bước mạo hiểm sử dụng vũ lực nhằm đẩy nhanh việc thực hiện bành trướng xuống Biển Đông và cả khu vực Đông Nam Á nói chung. Nếu vậy thì sẽ là một sai lầm lịch sử, không những gây tai hoạ cho các nước khác mà cũng gây tai hoạ cho chính bản thân nhân dân Trung Quốc . Thế giới ngày nay tuy phải đứng trước nhiều vấn đề khó khăn phức tạp trong quan hệ quốc tế, nhưng sẽ không cho phép hình thành các đế quốc thống trị khu vực như đã diễn ra trong lịch sử trước đây.

Nhân dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều gian khổ hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, ngày nay mong muốn hoà bình để phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống, cùng cộng đồng quốc tế chung sống hoà bình, hữu nghị . Nhưng lịch sử dân tộc Việt Nam cũng đã chứng minh chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Suy rộng ra, "độc lập tự do" cũng bao hàm cả " chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" . Trong thời gian vừa qua, trước hành động xâm phạm và gây hấn của phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong vùng biển Việt Nam , Đảng, Chính phủ, và nhân dân Việt Nam buộc phải kiên quết đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, nhưng đồng thời cũng mong muốn vấn đề  sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình thông qua thương lượng .

Vấn đề Biển Đông do lịch sử để lại vốn rất phức tạp, chỉ có thông qua đàm phán thương lượng giữa các bên mới giải quyết được vấn đề một cách thoả đáng để các bên có thể chấp thuận. Đàm phán, thương lượng phải trên cơ sở những nguyên tắc nhất định, đó là luật pháp quốc tế, chủ yếu là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Việc tiến hành đàm phán và vận dụng luật pháp quốc tế vào điều kiện cụ thể cũng cần có sự nhận thức chung của các bên liên quan, trong trường hợp quan hệ Việt-Trung hiện nay thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước có một vai trò rất quan trọng. Đó là lý do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục giữa hai nước, trên cơ sở các thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982"6 . Đó chính là con đường duy nhất dẫn tới hoà bình ổn định trên Biển Đông, cũng là con đường duy nhất dẫn tới hợp tác hữu nghị thực sự giữa hai nước Việt -Trung.

Trung Quốc có quan điểm rất sai trái khi chủ trương chỉ đàm phán song phương và cự tuyệt đàm phán đa phương, phản đối Việt Nam " đa phương hoá", " khu vực hoá", " quốc tế hoá" vấn đề tranh chấp Biển Đông . Một thực tế đơn giản ai cũng có thể hiểu: Trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông có vấn đề song phương, có vấn đề đa phương, có vấn đề khu vực, có vấn đề quốc tế. Các vấn đề song phương phải được giải quyết theo cơ chế đàm phán song phương. Các vấn đề đa phương phải được giải quyết theo cơ chế đàm phán đa phương. (Ví dụ vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa liên quan đến 5 nước 6 bên), chỉ đàm phán song phương giữa hai nước làm thế nào để giải quyết được vấn đề cả 5 nước 6 bên đều chấp thuận? Các vấn đề khu vực phải giải quyết theo cơ chế đàm phán khu vực. Hoà bình ổn định, hợp tác phát triển trong Biển Đông gắn liền với lợi ích quan trọng của cả khu vực Đông Nam Á, ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực, phải có trách nhiệm đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề có liên quan. Các vấn đề quốc tế phải được giải quyết qua cơ chế đàm phán quốc tế. Tại Biển Đông có lợi ích của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là lợi ích về  tự do hàng hải và hàng không, nơi có lưu lượng hàng hải thương mại chiếm gần  40% thương mại toàn cầu. Các nước có lợi ích tại đây quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Biển Đông là lẽ đương nhiên, chẳng phải vì ai lôi kéo. Giải quyết vấn đề Biển Đông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là lập trường nhất quán của phía Việt Nam. Ngay sau khi được tin giàn khoan Hải Dương – 981 dịch chuyển ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam, đồng thời khẳng định lập trường Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 16-7-2014 đã khẳng định “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương – 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của  Việt Nam hoặc bất cứ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam”; “Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982”, “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế…”.

Tóm lại, mấu chốt giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay là Trung Quốc phải thức tỉnh khỏi giấc mơ bành trướng, thực sự coi trọng quan hệ chung sống hoà bình, hợp tác hữu nghị lâu dài với các nước láng giềng tại Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế nói chung, tôn trọng thực tế lịch sử, tôn trọng luật pháp quốc tế, có thiện chí thông qua đàm phán hoà bình để cùng các đối tác từng bước giải quyết thoả đáng các vấn đề Biển Đông do lịch sừ để lại.

 

 

CHÚ THÍCH:

1. Ngày 2/5/2014 giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc đã được hạ đặt trái phép tại toạ độ 15029'58'' vĩ Bắc-111012'06'' kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý (ngày 27/5 giàn khoan  được di chuyển đến vị trí mới cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía Đông Nam, sâu trong vùng biển Việt Nam 57 hải lý). Tại thời điểm 18 giờ 30 phút ngày 16-7-2014 giàn khoan Hải Dương – 981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vị trí mới cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 163 hải lý về phía Tây Nam.

2. Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn của hãng AP và Reu ters bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Nam Á 2014 ( tại Philippin); Phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 20-6-2014; Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 18-6-2014

3. Suốt 2 tháng qua Trung Quốc đã đưa ra khoảng 120-135 tàu các loại, kể cả tàu chiến và máy bay trinh sát, tiêm kích, trực thăng, sử dụng các thủ đoạn thô bạo để uy hiếp ngăn cản lực lượng thực thi luật pháp của Việt Nam.

4. Phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 8 (tại Thủ đô Naypyidaw của Myanma).

5. Toà trọng tài Thường trực là tổ chức liên chính phủ với 115 quốc gia thành viên được thành lập theo Công ước La Hay năm 1999 về giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Việt Nam tham gia Công ước này năm 2011. PCA có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia thành viên.

6. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (tại Hà Nội, Ngày 18/6/2014).

Trường Lưu




Các tin khác

Ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa của nhà địa lý học Trung Hoa cuối thế ky XIX trong tác phẩm Việt Nam Địa dư đồ thuyết (15/07/2014)
Quốc tế công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ lâu. (15/07/2014)
Từ sự kiện giàn khoan nhìn lại Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung (15/07/2014)
Mệnh danh là nhà khoa học sao lại hành động “phản khoa học” như vậy? (25/06/2014)
Lập luận kỳ lạ (25/06/2014)
Quản lý nhà nước về Biển Đảo ở Trung Quốc và một số gợi mở đối sách cho Việt Nam (02/06/2014)
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cần được xây dựng trên cơ sở nào? (29/03/2014)
Trung - Việt đã giải quyết 2/3 tranh chấp lãnh thổ lên tăng cường quan hệ với Việt Nam (29/03/2014)
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 2 năm 2014 (07/03/2014)
Tình hình kinh tế Trung Quốc 10 tháng năm 2013 (11/12/2013)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn