Theo cuộc
điều tra dân ý do Tờ “Tân Thế kỷ” tiến hành, trong gần 600 ngày kể từ sau khi Đại hội khóa XVIII ĐCS Trung
Quốc bế mạc (ngày 14-11-2012) đến hết tháng 6-2014, vấn đề được nhân dân quan
tâm nhất tại Trung Quốc chính là vấn đề chống tham nhũng. Từ trước đến nay, việc phòng chống tham nhũng
chỉ được tiến hành ở phần ngọn, tức là chỉ đánh vào các cán bộ cấp cao (hay còn
gọi nôm na là “hổ”), nhưng kể từ sau Đại hội XVIII đã có sự chuyển biến là xử
lý cả gốc lẫn ngọn, tức là cả những quan to lẫn quan nhỏ (hay còn gọi là “đánh
cả hổ lẫn ruồi”).
Ngày
2-12-2012, ông Lý Xuân Thành – người vừa được bầu là ủy viên dự khuyết BCH
Trung ương khóa XVIII chưa đầy 1 tháng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên đã
bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra và trở thành quan chức cấp Thứ
trưởng đầu tiên bị “ngã ngựa” sau Đại hội XVIII.
Tính đến nay, đã có 33 vị quan chức từ cấp Thứ trưởng trở lên bị điều tra do
nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, trong đó có 2 vị lãnh đạo cấp tương
đương Bộ trưởng, 2 ủy viên BCH Trung ương khóa XVIII, 3 ủy viên dự khuyết BCH
Trung ương khóa XVIII(1).
Trong năm
2013, các cơ quan giám sát, kỷ luật trên toàn quốc đã nhận được 1,95 triệu vụ
tố cáo, tăng 49,2% so với năm 2012, xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền
182.000 người. Cán bộ cấp huyện bị xử lý là hơn 6400 người, tăng 36,3% so với
năm 2012. Về các vụ việc và người vi phạm “Tám điều quy định”, năm 2013 là
24521 vụ, xử lý 30420 người, trong đó xử lý kỷ luật là 7692 người(2).
Điển hình nhất trong năm 2013 là vụ án xử tù chung thân cựu ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc
Hy Lai về tội tham nhũng, nhận hối lội, lạm quyền và vụ cách chức Thứ trưởng Bộ
Công an Lý Đông Sinh vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Từ tháng 9-2013,
trang web của Ban Giám sát Kỷ luật Trung ương chính thức được mở, nhanh chóng
trở thành trang web thông báo các tin tức xét xử vụ án và nhận các thông tin
cấp báo đầu tiên về vấn đề chống tham nhũng. Hiện nay, lượt truy cập trang web
này luôn đạt mốc từ 1,5 triệu – 2 triệu lượt mỗi ngày.
Bước sang
năm 2014, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc cũng được đẩy mạnh hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Ủy
ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã 375 lần đưa ra thông báo, tổng cộng có 842
quan chức bị điều tra. Trong đó, tháng 5 được coi là cao trào của chiến dịch,
với tổng cộng 529 quan chức bị đặt vào vòng điều tra, chiếm 62,8% số lượng
trong cả 6 tháng đầu năm. Số quan chức “ngã ngựa” này chủ yếu là của vụ án hối
lộ ở Hành Dương-Hồ Nam (466 người bị điều tra). Cũng vì vụ án này, Hồ Nam trở
thành tỉnh thành đi đầu trong việc điều tra các quan chức bị nghi vi phạm kỷ luật
nghiêm trọng.
Ngày 14-6-2014, Tô Vinh (66 tuổi) trở thành quan
chức cao cấp của Trung Quốc cấp Phó Trung ương đầu tiên từ sau Đại hội XVIII bị
tuyên bố điều tra. Nửa tháng sau, Từ Tài Hậu cũng trở thành ủy viên Bộ Chính
trị đầu tiên bị “ngã ngựa”. Đây được coi là hai con hổ lớn nhất bị sa lưới
chiến dịch chống tham nhũng trong nửa đầu năm 2014. Ngoài ra, cũng trong 6
tháng đầu năm, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng đã thông báo 21 “con hổ
lớn” từ cấp tương đương Bộ trưởng trở lên đang trong tầm ngắm của chiến dịch
này.
Chiến dịch chống tham nhũng cũng diễn ra trong hệ
thống Ủy ban Kỷ luật cấp Trung ương và địa phương. Tổng cộng đã có 7 quan chức
trong hệ thống này bị “ngã ngựa” trong 6 tháng đầu năm, trong đó có Ngụy Kiện -
nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Giám sát Kiểm tra Kỷ luật số 4 thuộc Ủy ban Kỷ luật Trung ương và Tào Lập Tân – nguyên chuyên
viên kiểm tra giám sát kỷ luật cấp Cục phó của Ủy ban Kỷ luật Trung ương. Điều
này cho thấy Ủy ban Kỷ luật Trung ương dám tự chĩa mũi dao vào mình trong chiến
dịch chống tham nhũng.
Về lĩnh vực chống tham nhũng, theo thống kê trong 6
tháng đầu năm, khu vực trọng điểm chống tham nhũng là Chính hiệp, Quốc hội,
giáo dục và năng lượng: 32 người trong hệ thống Chính hiệp, 26 người trong hệ
thống Quốc hội, 25 người trong hệ thống giáo dục và 16 người trong các ngành
năng lượng. Ngoài ra, trong các quan chức bị điều tra, có 12 người thuộc các bộ
ngành giao thông, 9 người thuộc các bộ ngành quản lý kinh tế, 4 người thuộc các
bộ ngành nông nghiệp và quản lý đất đai, 3 người thuộc các bộ ngành bảo vệ môi
trường.
Một điểm chú ý nữa của chiến
dịch chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm nay là cơ chế “người thật cấp báo”.
Tính đến hết tháng 6, có ít nhất 5 vụ án là do người thật cấp báo. Trong đó mở
đầu bằng vụ án Lưu Thiết Nam, và quan chức cao nhất bị ngã ngựa bởi hình thức
này là Tống Lâm – một quan chức cấp tương đương Thứ trưởng(3).
Riêng trong tháng 6 vừa qua, có tất cả 6 vị quan chức cấp cao, bao gồm
cả 2 lãnh đạo cấp tương đương Bộ trưởng lần lượt bị điều tra, là: Triệu Chí
Dũng – nguyên Thường ủy Tỉnh ủy Giang Tây, Tô Vinh – nguyên Phó Chủ tịch Chính
hiệp, Đỗ Thiện Học – nguyên Thường vụ tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Tây,
Lệnh Chính Sách – nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây, Vạn Khánh Lương
– nguyên Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh ủy Quảng Đông kiêm Bí thư thị ủy Quảng Châu, Từ
Tài Hậu – nguyên ủy viên Bộ Chính trị Trung ương kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy
Trung ương.
Ngày
30-6-2014, Từ Tài Hậu cùng 3 quan chức là ủy viên và ủy viên dự khuyết BCH Trung
ương Đảng khóa XVIII là Trần Đông Sinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tưởng
Khiết Mẫn – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Nhà nước và
Vương Vĩnh Xuân – nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc bị tuyên bố
khai trừ khỏi Đảng vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Việc 4 “con hổ” bị khai trừ
khỏi Đảng đã chứng minh rằng, bất kể người nào, không phân biệt quyền lực và
chức vụ cao thấp, nếu vi phạm pháp luật của Nhà nước và kỷ luật Đảng đều sẽ bị
xử lý nghiêm khắc.
Tóm lại, công tác chống
tham nhũng là một tâm điểm chú ý của nhân dân Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII
ĐCS Trung Quốc đến nay. Đặc biệt, năm
2014, phòng chống tham nhũng ở Trung Quốc được tiếp tục đẩy mạnh, với trọng
điểm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Chính phủ liêm khiết, phục vụ. Trung
Quốc đang hoàn thiện và tăng cường về chế độ trách nhiệm, cơ chế lãnh đạo và
phòng chống tham nhũng; cơ chế giám sát và kiểm tra. Đẩy mạnh phòng chống tham
nhũng từ Trung ương tới địa phương, các bộ ngành, các đối tượng.
Thu Minh
CHÚ
THÍCH:
(1)
“Tổng kết 600 ngày chống tham nhũng: nhân dân cả nước đang tự hỏi “con hổ” tiếp
theo sẽ là ai”. Tạp chí “Tân Thế kỷ”, ngày 7-7-2014.
(2) “ Tổng kết xây dựng Đảng trong sạch và
công tác chống tham nhũng năm 2013”.
Mạng Tân Hoa, ngày 9-1-2014.
(3) Trang Khánh Hồng, Hảo Lệ Đình. “Tổng kết nửa đầu
năm 2014: Bảy cái nhất trong chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung
ương”. Báo Thanh niên Trung Quốc, ngày 2-7-2014.