Tầng nghĩa phi
lý đầu tiên: “đường lưỡi bò” là đường quy thuộc đảo”
Theo tác giả cuốn sách, Trung Quốc có “quyền sở hữu tất
cả các đảo ở Biển Đông bên trong “đường lưỡi bò”. Mặc dù vậy, những bằng chứng
chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này đều hoàn toàn vô lý, bởi:
Thứ nhất, theo lập luận của hai học giả trên, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên
“phát hiện và chiếm hữu các đảo”, do vậy xác lập chủ quyền đối với các đảo này.
Nhưng trên thực tế, những bản đồ còn lưu trữ của các triều đại Trung Quốc như Đại
Thanh nhất thống dư đồ (1761), Hoàng Triều nhất thống địa dư toàn đồ (1894),
Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư (1906),… đều ghi rõ cực Nam của lãnh thổ
Trung Quốc là đảo Hải Nam. Điều này cho thấy, ít nhất là đến hết thời nhà
Thanh, Trung Quốc chưa xác lập chủ quyền với Biển Đông.
Thứ hai, tác giả cuốn sách còn trơ tráo khẳng định “suốt mấy nghìn năm nay,
Trung Quốc đã thực thi một cách liên tục và nhất quán việc quản lý tại các vùng
biển có liên quan ở Biển Đông và các đảo trong đó”.Mặc dù vậy, cái gọi là “quản
lý suốt mấy nghìn năm” mà hai học giả này viện dẫn đến thực chất chỉ là những
hoạt động đánh bắt cá nhỏ lẻ của ngư dân Trung Quốc chứ hoàn toàn không phải là
những hoạt động thể hiện chủ quyền nhà nước đối với vùng biển.
Thứ ba, giả sử rằng, “đường lưỡi bò” dùng để xác định các đảo mà Trung Quốc
tuyên bố chủ quyền thì không có nghĩa là Trung Quốc có “chủ quyền, quyền chủ
quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước lân cận, đáy biển và thềm lục địa
của các đảo này” như hai học giả trên ngang ngược khẳng định.
Trung
Quốc chỉ có thể yêu sách như vậy dựa trên giả thiết các
thực thể trong “đường lưỡi bò” là các đảo có vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa theo điều 121 của UNCLOS. Trên
thực tế, Trung Quốc chưa từng giải thích về việc cấu tạo nào là đảo,
đá, bãi nửa nổi nửa chìm theo UNCLOS.
Và giả sử các cấu tạo này có được
công nhận là đảo đi chẳng nữa thì một số nét trong đưỡng lưỡi bò của Trung Quốc
cũng nằm quá sát lãnh thổ của các quốc gia ven biển như Việt Nam, Philippines,
Malaysia và vượt quá phạm vi 200 hải lý của bất kỳ thực thể nào bên trong “đường
lưỡi bò” như báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ đã khảo sát.(Xem biểu đồ dưới).
Biểu đồ 1: Khoảng cách giữa
các nét của “đường lưỡi bò”
và các thực thể đất liền(1)
Cuối cùng, những tấm bản từ năm 1914 mà hai học giả
trên cho rằng đã “thể hiện chủ quyền của Trung Quốc” chỉ do cá nhân vẽ, nội
dung của tấm bản đồ này cũng hoàn toàn khác với tấm bản đồ hiện nay. Hơn nữa,
trong lịch sử không tồn tại bất kỳ một tấm bản đồ thể hiện chủ quyền nào vô lý
đến nỗi không có tọa độ địa lý như tấm bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Tầng nghĩa phi
lý thứ hai: “Trung Quốc có quyền lịch sử đối với vùng nước bên trong “đường lưỡi
bò”
Theo tác giả cuốn sách, “đường lưỡi bò” đại diện cho “quyền
lịch sử của Trung Quốc đối với hoạt động ngư nghiệp, hàng hải, khai thác dầu
khí và các hoạt động khác trong vùng nước, thềm lục địa bên trong”. Đây là cách
cố tình lý giải sai Công ước Luật biển, bởi nhiều lý do:
Thứ nhất, khái niệm “quyền lịch sử” không được đề cập trong Công ước Luật biển mà
chỉ được nhắc đến vài lần trong yêu sách của các quốc gia trước Tòa với ý nghĩa
là một quyền chủ quyền và chỉ giới hạn trong quyền đánh bắt cá. Hơn nữa, thực
tiễn các án lệ cho thấy, yêu sách này chưa từng được Tòa chính thức công nhận.
Do vậy, việc viện dẫn “quyền lịch sử” để đòi hỏi quyền
đánh bắt cá trong phạm vi “đường lưỡi bò” đã là thiếu cơ sở pháp lý chứ chưa
nói đến yêu sách quyền đối với tất cả các loại tài nguyên khác trong một vùng
biển rộng lớn chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông như “đường lưỡi bò”.
Thứ hai, giả sử nếu “quyền lịch sử” với “đường lưỡi bò” có tồn tại thì cũng phải
thỏa mãn các điều kiện như đối với vùng nước lịch sử, đó là sự thực thi chủ quyền
liên tục, hòa bình trong một thời gian dài và được sự thừa nhận của các quốc
gia liên quan.
Xét điều kiện đầu tiên, những lập luận trên đã bác bỏ
hoàn toàn cái gọi là “thực thi chủ quyền hiệu quả và liên tục” của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số
đảo trong quần đảo Trường Sa năm1988 đã vi phạm trắng trợn luật quốc
tế về việc nghiêm cấm chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực. Do vậy, việc kiểm soát các quần đảo này của Trung Quốc bị Luật quốc tế
vô hiệu.
Xét điều kiện thứ hai, tác giả cuốn sách lập luận rằng,
đến trước năm 2009, các nước chưa từng phản đối “đường lưỡi bò”.Tuy vậy, trước thời
điểm này, Trung Quốc chưa từng công khai bản đồ “đường lưỡi bò” với thế giới.Và,
đối với một tấm bản đồ không được công khai thì các quốc gia khác không cần phản
ứng lại; Trung Quốc cũng không thể bao biện sự im lặng đó là “thừa nhận” hay “ngầm
thừa nhận”.
Tầng nghĩa phi
lý thứ ba: “Đường lưỡi bò” là đường phân định ranh giới biển của Trung Quốc
Hồi tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã ngang ngược cho
phát hành bản đồ địa lý khổ dọc.Theo đó, “đường lưỡi bò” được ký hiệu bằng biểu
tượng biên giới đất liền của Trung Quốc.Cách lý giải này gặp phải sự phản đối của
không chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều nước khác trên thế giới.
Cách đây vài ngày, Bộ Ngoại giao Mỹchính thức công bố
“Báo cáo Các giới hạn trên biển về Yêu
sách Biển Đông của Trung Quốc”.Theo đó, Mỹ phản đối kịch liệt cái gọi là
“đường phân định ranh giới biển” của “đường lưỡi bò”. Báo cáo chỉ ra rằng:
Thứ nhất, cách lý giải này đi ngược lại với luật pháp quốc tế bởi một quốc gia
không thể đơn phương thiết lập ranh giới trên biển với một quốc gia khác. Và giả
sử Trung Quốc có chủ quyền với các đảo đang có tranh chấp, thì các ranh giới
trên biển cũng phải được đàm phán giữa Trung Quốc và các nước có bờ biển đối diện
chứ không phải là một “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương “vẽ” ra.
Thứ hai, các đoạn trong “đường lưỡi bò” hiện nay cũng thiếu các chuẩn quan trọng
của ranh giới trên biển như Trung Quốc không hề công khai danh sách tọa độ địa
lý và đường phân chia vùng biển không được phép là nét đứt.
Thứ ba, ở mức độ mà “đường lưỡi bò” thể hiện ranh giới trên biển thì quan điểm
đó cũng đi ngược lại với thực tiễn quốc gia và trái với luật pháp quốc tế về
ranh giới phân định biển.
Cuối cùng, “đường lưỡi bò” cũng không thể đại diện ranh giới chủ quyền hay ranh giới
vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc bởi các đoạn này không những nằm ngoài
ranh giới tối đa 12 hải lý của lãnh hải mà còn có đoạn nằm ngoài phạm vi 200 hải
lý của bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông.
Nói tóm lại, tất cả những lập luận mà học giả Trung Quốc
đưa ra nhằm bao biện cho “đường lưỡi bò” đều hết sức phi lý và vô căn cứ. Những
bao biện này đều thể hiện tham vọng của Trung Quốc muốn “độc chiếm” toàn bộ nguồn
tài nguyên trong vùng biển rộng lớn cũng như nắm giữ những vị trí địa chiến lược
quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
TS. Nguyễn Thị Lan Anh