Mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là
người ta có thể nghe thấy tiếng pháo nổ rải rác đó đây. Đặc biệt, đối với bọn
trẻ hiếu động, chúng không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn đến mê hoặc của pháo.
Cả một băng pháo dài được chúng dỡ ra, một tay cầm que hương, tay kia cầm quả
pháo, hứng khởi ném pháo vào nhau, đuổi nhau trong các ngõ nhỏ. Phía này có
tiếng pháo, phía kia cũng là tiếng pháo. Tiếng pháo nổ đùng đoàng hòa lẫn với
tiếng cười đùa của bọn trẻ lan truyền khắp nơi, như “nhắc nhở” mọi người về một
năm mới đã đến.
Trong dân gian,
đốt pháo như một nghi thức thì phải đến trưa 30 tháng Chạp mới chính thức bắt
đầu. Mọi nhà, sau khi làm lễ cúng Tổ tiên, Thần tài đều phải đốt pháo để bày tỏ
niềm vui trước thềm năm mới. Bởi vậy lúc này, tiếng pháo nối nhau không dứt từ
nhà này sang nhà khác, từ nơi này đến nơi kia, không gian ngập tràn khói pháo
và mùi lưu huỳnh.
Ở Trung Quốc, pháo
(bộc trúc) còn gọi là “tiên pháo” hoặc “pháo trượng” đã có lịch sử hơn 2000
năm. Theo truyền thuyết, pháo có nguồn gốc từ cây đuốc lớn thời cổ, được làm từ
thân cây trúc (Đình liêu). “Đình liêu”, nghĩa đen là (cháy) sém đình. Trong
sách Kinh thi - tổng tập thi ca sớm
nhất của Trung Quốc - đã thấy có ghi chép “Đình liêu chi quang” (ánh sáng của
ngọn đuốc lớn).
Vốn dĩ, khi cây
trúc bị cháy, không khí trong các đốt trúc chịu nhiệt nở ra, làm nứt ống trúc, gây ra tiếng nổ lẹt đẹt, đùng đoàng. Thời
cổ, người ta dùng biện pháp này để đuổi ma trừ dịch. Đây chính là “pháo” sớm
nhất, cũng gọi là “bộc can”. Trong sách Kinh
sở tuế thời ký, tác giả Tông Lẫm người nước Lương thời Nam triều (năm 502-557) đã viết về phong tục “đốt pháo”
đương thời: Ngày mùng 1 tháng Giêng, gà vừa gáy lần đầu, mọi người trở dậy đốt
bộc trúc để xua đuổi ôn thần ác quỷ.
Về lai lịch của
pháo, dân gian Trung Quốc vẫn lưu truyền câu chuyện sau:
Theo truyền thuyết, thời cổ đại, người ta khi phải đi
trên những con đường hẻo lánh hoang vu, tối đến ngủ ở ngoài trời thì phải đốt
một đống lửa để trước là nấu ăn, sau là để đề phòng dã thú tấn công. Nhưng,
trong núi có một loại quái vật gọi là “Sơn tao” thường ăn trộm lương thực của lữ khách, vì chúng không biết sợ người,
cũng chẳng biết sợ lửa nhưng lại rất sợ tiếng bộc trúc. Hơn nữa, chúng còn có
thể gây bệnh sốt rét cho con người. Để đối phó với loại động vật này, người ta bèn
nghĩ đến việc đốt những cây tre hoặc cây trúc, nhằm tạo ra tiếng nổ để dọa
chúng, khiến chúng phải tránh xa. Đuổi được “Sơn tao”, tức xua đuổi được
tà dịch thì người ta mới có thể bình an, may mắn.
Thời Đường (Năm
618-907), các nhà luyện đan đã liên tục tiến
hành nhiều thực nghiệm hóa học, kết quả là họ phát hiện được: nếu trộn lẫn diêm
tiêu, lưu huỳnh và than hoa thì sẽ dẫn đến cháy nổ. Thế là, họ bèn phát minh ra
thuốc súng. Theo dân gian truyền tụng, có một người họ Lý đã nhồi thuốc súng
vào ống trúc; sau khi châm lửa thì có thể gây ra tiếng nổ cực lớn. Từ đó, họ
đua nhau làm pháo bằng những ống trúc nhồi thuốc nổ để trừ tà. “Pháo” (bộc
trúc) với ý nghĩa đích thực đã ra đời như vậy.
Thời Bắc Tống
(960-1127), pháo bằng tre hoặc trúc được thay thế bằng pháo giấy, tên gọi cũng
đổi thành “bộc trượng”. Lúc đầu, pháo cuốn bằng giấy chỉ nổ được một lần. Đến
thời Nam Tống (1127-1279) mới xuất hiện “tiên pháo” (tức “pháo băng”, “pháo
bánh”). Trong tác phẩm Vũ lâm cựu sự,
nhà văn Chu Mật thời Nam Tống đã ghi chép về dây thuốc nổ chứa trong loại pháo
này, khiến pháo bánh có thể phát ra hàng trăm tiếng nổ cùng lúc. Loại pháo này
tương tự với pháo bánh ngày nay (“Bách tử bộc trượng” - Bánh pháo trăm quả).
Đương thời, toàn
bộ bánh pháo phải được làm bằng giấy đỏ, không được lẫn một mẩu giấy trắng, để
sau khi đốt xong, trong sân nhà sẽ ngập tràn màu đỏ của xác pháo, mà dân gian
gọi là “Mãn địa hồng”, biểu thị sự may mắn, thuận lợi sẽ đến với gia chủ trong
năm mới.
Vì pháo có tác
dụng tăng thêm không khí hân hoan vui vẻ trong những ngày tết, lại gọn nhẹ nên
dần được phổ biến trong dân gian; sản phẩm pháo cũng ngày càng nhiều và hoàn
hảo. Ví như, có những bánh pháo không chỉ có trăm ngòi, nghìn ngòi, mà thậm chí
là hàng trăm nghìn ngòi, như các loại pháo “Nhị dịch cước”, “Ma lôi tử”, “Bá
vương tiên”, “Thiểm quang lôi”, “Trung tử tiên”… Lại có nhiều loại pháo hoa bắn
ra những chùm lửa đủ mọi màu sắc, với đủ mọi hình ảnh kỳ ảo… khiến hoạt động vui xuân của người dân càng thêm phong phú,
sinh động, nhiều sắc màu.
Riêng về việc đốt
pháo hoa, tiểu thuyết gia nổi tiếng triều Thanh là Tào Tuyết Cần, trong tác
phẩm Hồng lâu mộng đã miêu tả cụ thể
cảnh tượng đốt pháo hoa trong ngày Tết ở một gia đình giàu có: “Trong sân kê
một cái giá gỗ, treo đủ các loại pháo hoa. Các loại pháo này đều do các nơi gửi
biếu gia chủ, tuy không phải là loại pháo lớn, nhưng cực kỳ tinh xảo, gồm đủ
các màu theo truyền thống, được đặt xen kẽ nhau. Giữa những lời chúc tụng năm
mới, từng quả từng quả pháo hoa ngoài sân được đốt lên với đủ các sắc màu. Cùng
với pháo hoa là tiếng nổ rải rác của rất nhiều loại pháo nhỏ, như “Mãn thiên
tinh”, “Cửu long nhập vân”, “Bình địa nhất thanh lôi”, “Phi thiên thập hưởng”…
Ở Trung Quốc hiện
nay, các vùng Lưu Dương (Hồ Nam), Phật Sơn - Đông Nghiêu (Quảng Đông), Nghi
Xuân - Bình Hương (Giang Tây) và Ôn Châu (Chiết Giang) là những địa phương sản
xuất rất nhiều loại pháo hoa và pháo nổ nổi tiếng, có chất lượng cao - nhất là
pháo hoa -, được tiêu thụ không chỉ ở trong nước, mà còn xuất khẩu tới nhiều
quốc gia trên thế giới.
ĐÀO
HƯƠNG THỤC biên khảo
SÁCH THAM KHẢO
1. Vương Kiến Huy
- Dịch Học Kim (chủ biên): Tinh hoa tri
thức văn hóa Trung Quốc (Bản dịch tiếng Việt), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004.
2. Kiều Hữu Điền: Trung Quốc dân gian truyền thống tiết nhật,
Hoa Đông sư phạm đại học xuất bản xã, Thượng Hải, 2010.
3. Trình Dụ Trinh:
Trung Quốc văn hóa yếu lược, Ngoại
ngữ giáo dục dữ nghiên cứu xuất bản xã, Bắc Kinh, 1998.
4. Nhiều tác giả: Lịch sử văn hóa Trung Quốc, tập I (bản
dịch tiếng Việt), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999.
5. Đào Duy Anh: Hán - Việt từ điển, Nxb. Thành phố Hồ
Chí Minh.