Tham dự Lễ kỷ niệm có GS.TS. Nguyễn
Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch
Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện
Hàn lâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Ủy viên
Ban thường vụ đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo
Viện Hàn lâm; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các trường đại
học; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, các cộng tác viên
của Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc cùng đông đảo cán bộ viên chức Viện Nghiên
cứu Trung Quốc.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm
Tại Lễ kỷ niệm,
GS. TS. Đỗ Tiến Sâm, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã tổng kết chặng
đường 20 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc
được thành lập theo Quyết định số 43/KHXH-TC ngày 14/2/1995 của Giám đốc Trung
tâm KHXH & NV Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) với
tôn chỉ mục đích công bố những công trình nghiên cứu về Trung Quốc trên các
lĩnh vực lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, chính sách đối ngoại của
Trung Quốc và quan hệ Trung – Việt, qua đó cung cấp luận cứ khoa học cho các cơ
quan hoạch định chính sách của nhà nước, cho những người làm công tác nghiên cứu,
giảng dạy và độc giả quan tâm tìm hiểu về Trung Quốc.
GS. TS. Đỗ Tiến Sâm, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc
Kể từ số đầu
tiên ra mắt bạn đọc ngày 7/6/1995 đến tháng 6/2015, Tạp chí đã xuất bản được
166 kỳ với hơn 1.400 bài báo khoa học, hơn 15.600 trang in. Các bài báo khoa học được đăng tải theo
đúng tôn chỉ mục đích, không mắc sai phạm về chính trị, qua đó giúp người đọc
hiểu biết một cách toàn diện hơn, khoa học hơn về Trung Quốc, góp phần củng cố
tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Chỉ riêng 5 năm (2010 – 2014), Tạp chí đã đăng tải 496 bài báo khoa học khác
nhau, phân tích đánh giá những mặt được, chưa được, nêu ra những bài học kinh
nghiệm từ sự phát triển của Trung Quốc trên các lĩnh vực khác nhau như kinh tế,
chính trị, xã hội, văn hóa; đồng thời đề xuất những kiến nghị mà Việt Nam có thể
tham khảo. Với tinh thần “vừa hợp tác,
vừa đấu tranh”, trong 5 năm gần đây Tạp chí đã có 32 bài viết về Biển Đông, qua
đó góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và
quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.
Với những thành tích đã đạt được, Tạp
chí đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (1995); Chủ tịch Nước
tặng Huân chương Lao động Hạng ba (2015); một số nhà báo của Tạp chí đạt nhiều thành
tích cũng đã được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tặng
thưởng.
Trong thời gian tới, về mặt nội
dung, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì tôn chỉ mục đích
của mình, đăng tải những bài báo khoa học về Trung Quốc trên các lĩnh vực, trong
đó sẽ tập trung vào một số chủ đề nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới như nhận
diện và dự báo về sự phát triển của Trung Quốc; nghiên cứu đánh giá thực chất quan hệ Trung Quốc – Việt
Nam trong 65 năm qua, dự
báo tác động từ sự phát triển, trỗi dậy của Trung Quốc đến quan hệ Trung Quốc –
Việt Nam trên các lĩnh vực khác nhau, từ đó đề xuất kiến nghị hàm ý chính sách
cho Việt Nam…. Về mặt hình thức, Tạp chí cần hướng tới chuyên nghiệp và hội nhập;
lựa chọn những bài báo có chất lượng tốt để xuất bản bản tiếng Anh, trước mắt
mỗi năm 1 kỳ, sau đó tăng lên 2 kỳ.
Trong không khí trang trọng của buổi
lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung
ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã trao tặng Huân chương Lao
động Hạng Ba cho Tạp chí về những thành tích xuất sắc trong 20 năm xây dựng và
phát triển.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam,
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhiệt liệt
chúc mừng và ghi nhận những thành tích, nỗ lực không ngừng của Tạp chí. Hai
mươi năm qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, Tạp chí đã trưởng thành về mọi
mặt, không chỉ mở rộng về phạm vi phát hành mà quan trọng hơn là đã đến được
với đông đảo những người quan tâm và khẳng định vị trí trong lòng độc giả. Tạp
chí đã có bước chuyển từ những bài mang tính chất thông tin cao sang những bài
phân tích thể hiện tầm tư tưởng chiến lược, có đánh giá khách quan, toàn diện.
Đặc biệt, Tạp chí đã tiên phong đi vào những vấn đề mang tính thời sự nóng
bỏng, làm rõ những nội dung liên quan và thể hiện quan điểm của Việt Nam về chủ
quyền, biển đảo, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian
tới, Tạp chí cần tiếp tục nâng cao về chất lượng bài viết, có nhiều số chuyên
đề bám sát những vấn đề cần phải lý giải sâu để có cách tiếp cận đúng như
chuyên đề bàn sâu về “một vành đai, một con đường”, về giấc mộng Trung Hoa,
quốc tế hóa đồng nhân dân tệ hay sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung
Quốc và tác động đến Việt Nam…, từ đó khai thác tốt cơ hội từ sự phát triển của
Trung Quốc và hạn chế được những mặt trái, những tiêu cực và hệ lụy của sự phát
triển này đối với chủ quyền, đối với phát triển của Việt Nam. Tạp chí cũng cần
có các bài viết về chứng cứ lịch sử, vấn đề pháp lý, xem xét hành vi mở rộng
tôn tạo đảo của Trung Quốc dưới góc độ luật pháp quốc tế hay toan tính trong
việc tạo ra cơ sở hậu cần, dịch vụ trên biển để từ đó đưa ra luận cứ đấu tranh
bảo vệ chủ quyền.
Để nâng cao vai trò, thương hiệu, sự
hấp dẫn thu hút độc giả, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng mong muốn trong thời gian tới
Tạp chí sẽ đồng thời làm tốt việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên trong nước
và quốc tế, xây dựng lực lượng của chính mình và đội ngũ những người biên tập
mang tính chuyên nghiệp, xuất bản những bài báo tốt sang tiếng Anh.
Cán bộ Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc chụp ảnh kỷ niệm cùng GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng
Tại buổi lễ, đại biểu một số đơn vị
và cộng tác viên đã phát biểu ghi nhận, đánh giá cao những thành tích đã đạt
được; đồng thời đóng góp ý kiến cả về nội dung, hình thức và phát hành để Tạp
chí có thể phát huy tốt hơn nữa vai trò là Diễn đàn của các nhà Trung Quốc học
Việt Nam. Thay mặt Tòa soạn, Tổng Biên tập, GS. TS. Đỗ Tiến Sâm bày tỏ tri ân
đối với Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí, PGS. Nguyễn Huy Quý cùng các chuyên
gia khác; cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm, sự
cộng tác nhiệt tình của các nhà khoa học tham gia Hội đồng Biên tập và cộng tác
viên.
Phương
Nguyễn